Đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại ở nước ta hiện nay

Nguyễn Bỉnh Lại Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh
19:02, ngày 23-02-2013
TCCS - Buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép là mặt trái, tiêu cực của kinh tế thị trường có tác hại nghiêm trọng đến sản xuất trong nước, gây thất thu cho ngân sách, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, làm mất trật tự an toàn xã hội và tác động xấu tới môi trường, vì vậy rất cần phải được ngăn chặn kịp thời và hữu hiệu.

Thực trạng buôn lậu và gian lận thương mại những năm qua

Nước ta có biên giới đường bộ và đường biển khá dài (với trên 4.600 km đường bộ và trên 3.400 km đường biển). Biên giới đường bộ núi liền núi, sông liền sông, có nhiều cửa khẩu quốc tế, quốc gia, chưa kể đường mòn, lối mở, nhất là biên giới phía Tây Nam, vào mùa nước nổi đồng nước mênh mông, rất thuận tiện cho việc qua lại. Nước ta lại sát với Trung Quốc, quốc gia có nền sản xuất hàng hóa khá phát triển, được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”, lại gần khu vực ngã ba biên giới Lào - Thái Lan - My-an-ma (được gọi là “tam giác vàng”)... Những đặc điểm địa lý đó rất thuận tiện cho việc giao lưu buôn bán, nhưng cũng thuận lợi cho việc vận chuyển hàng lậu, gây khó khăn cho công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Buôn lậu và gian lận thương mại ở nước ta đã xuất hiện từ nhiều năm nay và đặc biệt phát triển sau khi nước ta mở cửa thị trường, tăng cường hội nhập với diễn biến ngày càng phức tạp trên tất cả các tuyến, bằng nhiều hình thức khác nhau.

Trên tuyến đường bộ

Các đối tượng buôn lậu gọi là “đầu nậu” thường giấu mặt lợi dụng cư dân biên giới và “cửu vạn” (là những người dân từ các tỉnh khác lên biên giới làm ăn) để vận chuyển hàng lậu, theo nhiều kiểu khác nhau:

- Lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước cho phép cư dân ở khu vực biên giới được mua, bán, trao đổi hàng hóa miễn thuế nhập khẩu với định mức quy định (những năm trước đây không quá 500.000 đồng/người/ngày, từ năm 2006 tới nay là 2.000.000 đồng/người/ngày). Các đối tượng buôn lậu đã tìm mọi cách thu gom hàng của cư dân hoặc thuê cư dân vận chuyển qua cửa khẩu để buôn bán trốn thuế. Chính sách ưu đãi quy định như trên cũng chỉ áp dụng đối với cư dân ở khu vực biên giới và chỉ miễn thuế đối với một số mặt hàng quy định trong định mức. Song trên thực tế, người dân đã qua biên giới nhiều lần trong ngày để mua hàng miễn thuế, rồi bán lại kiếm lời hoặc xách thuê cho các đối tượng buôn lậu.

- Lợi dụng đời sống khó khăn của cư dân biên giới các chủ đầu nậu đã thuê người dân và “cửu vạn” vận chuyển hàng lậu về Việt Nam và đưa các hàng cấm xuất khẩu từ Việt Nam qua biên giới tiêu thụ. Thủ đoạn thường gặp là chúng lợi dụng đêm tối, dùng thuyền nan hoặc thuê “cửu vạn” đi bằng các đường mòn, lối tắt để vận chuyển hàng, sau đó gom lại. Những hoạt động diễn ra với các phương thức thủ đoạn tinh vi, phức tạp, gắn trách nhiệm vật chất đối với người khuân vác vận chuyển hàng lậu, nếu bị bắt thì họ phải tự đền tiền, vì vậy các lực lượng chức năng chống buôn lậu thường gặp phải sự chống đối rất quyết liệt của người dân và “cửu vạn” được thuê mướn khuân vác hàng lậu.

- Lợi dụng việc đưa hàng miễn thuế vào các khu kinh tế cửa khẩu, khu bảo thuế để chuyển hàng nhập lậu, các đối tượng kinh doanh bao gồm thương nhân trong nước và thương nhân nước ngoài đã mang hàng với thuế suất bằng 0% qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia đưa vào bán tại các khu kinh tế cửa khẩu, khu bảo thuế, chợ biên giới. Từ đây, các đối tượng buôn lậu tổ chức thu mua gom lại và dùng hóa đơn bán hàng (để hợp thức hóa hàng lậu) rồi dùng các phương tiện khác nhau hoặc lợi dụng người đi du lịch để vận chuyển hàng lậu vào các tỉnh, thành phố trong cả nước.

- Sau khi nước ta là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới thì việc giám sát hải quan tại các cửa khẩu thông thoáng hơn. Lợi dụng sự thông thoáng này, các đối tượng làm ăn gian dối đã tìm mọi cách gian lận khi làm thủ tục hải quan, như kê khai sai số lượng, chủng loại, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý và giá cả hàng hóa khai thấp hơn nhiều để trốn thuế,...

Hàng lậu qua tuyến đường bộ gồm đủ các loại khác nhau, như hàng tiêu dùng, hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không qua kiểm dịch, hàng quá hạn sử dụng,... Trong đó, hàng cấm là vũ khí, đạn dược, trang thiết bị quân sự, vật liệu nổ, pháo các loại, ma túy,... nhất là ma túy tổng hợp, văn hóa phẩm cấm lưu hành, hàng tiêu dùng và vật tư, phương tiện đã qua sử dụng, phế liệu, phế thải, hóa chất độc hại có tác hại rất xấu trước mắt và lâu dài tới con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường; hàng giả, hàng nhái có nguồn gốc nhập lậu thường là các mặt hàng dập sẵn nhãn mác hàng hóa nước ngoài hoặc Việt Nam, như tiền Việt Nam giả, thuốc lá, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, hàng may mặc, thuốc tân dược, rượu, thực phẩm, đồ hộp, đồ uống, phụ tùng ô-tô, xe máy, hàng điện tử các loại... trong đó, có các mặt hàng rất tinh xảo khó phân biệt giữa hàng giả với hàng thật.

Trên tuyến biển

Thời gian qua tình trạng xuất lậu than, quặng quý hiếm đi nước ngoài và vận chuyển hàng tiêu dùng khối lượng lớn về Việt Nam ở vùng biển phía Bắc và miền Trung có dấu hiệu phức tạp và khá nghiêm trọng. Thủ đoạn phổ biến về xuất lậu là thu gom than, quặng quý hiếm từ các nơi, tập kết số lượng lớn tại các cảng nội địa và một số bến bãi có địa hình phức tạp, khó quan sát để chuyển xuống tàu rồi dùng bộ hồ sơ chứng từ lưu thông nội địa để hợp thức hóa trên đường vận chuyển, khi tàu chạy đến gần lãnh hải quốc tế thì rẽ đi các nước khác. Vận chuyển hàng lậu thường hoạt động về ban đêm, dùng tàu biển công suất lớn, sử dụng các phương tiện thông tin hiện đại để liên lạc và theo dõi chặt chẽ các lực lượng chức năng chống buôn lậu. Khi bị các lực lượng kiểm tra phát hiện, bắt giữ, các đối tượng này sẵn sàng vứt hàng xuống biển để phi tang và chống trả quyết liệt. Ngoài các mặt hàng trọng yếu nói trên, thì việc xuất lậu các mặt hàng, như gỗ tròn, gỗ xẻ khai thác từ rừng tự nhiên, đặc biệt là gỗ sưa, động, thực vật hoang dã quý hiếm (có loại thuộc “sách đỏ”, thuộc diện cấm khai thác), di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên tuyến biển cũng diễn ra khá phức tạp. Tại các cảng biển, lợi dụng những kẻ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục hải quan, đặc biệt là chính sách ưu đãi trong đầu tư gia công, sản xuất hàng xuất khẩu, ưu đãi về tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, thông quan hàng hóa các đối tượng thực hiện việc “tạm nhập”, rồi “tái xuất” sang nước thứ 3, nhưng thực tế thì chỉ “tái xuất trên hồ sơ” còn hàng hóa thì “tuồn” vào thị trường nội địa hoặc có “tái xuất” nhưng tới phao số 0 lại tìm cách đưa hàng hóa quay trở lại Việt Nam để tiêu thụ...

Trên tuyến hàng không và bưu điện

Trên tuyến hàng không, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu thường gặp là giấu hàng hóa trong người, trong hành lý, không khai báo khi xuất, nhập cảnh, tách hóa đơn, lợi dụng định mức miễn thuế, hàng quà biếu, quà tặng để vận chuyển trái phép hàng lậu. Trên tuyến bưu điện, một số đối tượng sử dụng thủ đoạn chia nhỏ số lượng hàng hóa, gửi về nhiều địa chỉ khác nhau nhưng thực chất chỉ có một người nhận.

Hàng lậu qua tuyến hàng không và bưu điện chủ yếu là hàng gọn nhẹ, giá trị kinh tế cao, dễ cất giấu, như máy ảnh, camera, điện thoại di động, đồng hồ đeo tay, mỹ phẩm, đồ trang sức, kim loại quý, đá quý, ngoại tệ, ma túy và ma túy tổng hợp, thuốc chữa bệnh, vũ khí, công cụ hỗ trợ,...

Về gian lận thương mại

Các hành vi gian lận thương mại trong 10 năm qua có chiều hướng gia tăng, với các thủ đoạn tinh vi phức tạp nhằm trốn lậu thuế, bòn rút ngân sách nhà nước và lừa dối người tiêu dùng. Các hình thức gian lận phổ biến là: quay vòng hóa đơn chứng từ, mua bán hóa đơn để hợp thức hóa hàng nhập lậu; gian lận trong việc kê khai về giá trên hóa đơn bán hàng hoặc không xuất hóa đơn để giảm thuế giá trị gia tăng phải nộp; khai sai tên hàng, số lượng, chất lượng, nhãn hiệu, mục đích sử dụng, làm giả giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu; nhập hàng không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng; gian lận trong cân, đong, đo, đếm hàng hóa, sử dụng phương tiện đo lường không qua kiểm định; gắn chíp điện tử vào các phương tiện đo lường (cột bơm xăng dầu) làm sai lệch đồng hồ đo; pha trộn dầu hỏa, axeton vào xăng, bán xăng A83 (chất lượng thấp) nhưng tính tiền theo giá xăng A92 (chất lượng cao)...; sang chiết ga trái phép và gian lận trong đo lường, chất lượng đối với sản phẩm ga; gian lận đối với các hàng hóa đóng gói sẵn; quảng cáo công dụng và chất lượng sản phẩm không đúng thực tế; vi phạm các quy định về ghi nhãn hàng hóa; lừa đảo trong mua bán hàng qua mạng (các website); sản xuất và bán các sản phẩm hàng hóa chưa công bố tiêu chuẩn hoặc công bố, ghi trên nhãn hàng hóa tiêu chuẩn chất lượng cao nhưng thực tế thì hàng hóa chất lượng lại rất thấp; lập ra nhiều công ty “ma” trên thực tế không hoạt động mà xin hóa đơn do Bộ Tài chính phát hành để mua - bán kiếm lời hoặc làm nhiều hợp đồng mua - bán giả để lừa đảo vay vốn ngân hàng nhằm trục lợi...

Lợi dụng việc mở cửa thị trường, trong khi luật pháp của nước ta chưa hoàn chỉnh, chưa thiết lập được đầy đủ hệ thống rào cản kỹ thuật trong thương mại, một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài,... khai thác các kẽ hở của hệ thống pháp luật, tìm cách “tuồn” những hàng thừa ế, không còn được phép lưu hành tại nước đó vào thị trường nước ta để tiêu thụ.

Ngoài ra, những loại vi phạm khác, như đưa hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, giả mạo nguồn gốc xuất xứ được sản xuất từ nước ngoài; gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc mà các đối tượng buôn lậu đã tìm mọi cách thẩm lậu từ nước ngoài vào nước ta bằng nhiều hình thức khác nhau cũng có xu hướng ngày càng nhiều hơn.

Kết quả kiểm tra, xử lý và những hạn chế, tồn tại

Theo số liệu báo cáo của Ban chỉ đạo 127/TW, trong 10 năm qua (từ năm 2001 đến 2010) các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 3.527.627 vụ vi phạm pháp luật. Trong đó lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 520.735 vụ, công an: 107.692 vụ, hải quan: 95.501 vụ, bộ đội biên phòng: 18.682 vụ, thuế: 268.388 vụ, kiểm lâm: 221.571 vụ, thanh tra chuyên ngành: 371.056 vụ, trạm kiểm soát liên hợp: 13.636 vụ, các lực lượng khác: 41.416 vụ. Tổng số tiền thu phạt là 28.252,3 tỷ đồng. Trong đó, tiền phạt vi phạm hành chính là 4.568,2 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm bị thu giữ 5.747,1 tỷ đồng, phạt và truy thu thuế 17.937 tỷ đồng.

Một số vụ buôn lậu và gian lận thương mại lớn đã bị các lực lượng chức năng xử lý, trong đó, có một số vụ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu đã bị phát hiện và xử lý nghiêm, có tác dụng răn đe, đã ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xuất lậu xăng, dầu qua biên giới.

Kết quả lớn hơn và bao trùm hơn về hoạt động của các lực lượng chức năng là đã góp phần quan trọng vào việc thiết lập trật tự kỷ cương pháp luật; lành mạnh hóa dần môi trường kinh doanh; giữ vững ổn định thị trường; bảo vệ hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp; lợi ích chính đáng của người tiêu dùng; thúc đẩy giao lưu hàng hóa; mở rộng hội nhập và tạo điều kiện cho các ngành chức năng (thuế, hải quan) tăng thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên đến nay công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại vẫn còn tồn tại một số vấn đề:

- Số vụ bị phát hiện so với thực tế buôn lậu và gian lận thương mại còn thấp (theo đánh giá của Ban chỉ đạo 127/TW và Ban chỉ đạo 127 Hà Nội, số vụ bị phát hiện và xử lý ước tính khoảng 5% - 10% số vụ vi phạm). Nguyên nhân là do chưa phát hiện được tính quy luật của hoạt động này; chưa khám phá và xử lý được nhiều các đường dây, ổ nhóm buôn lậu lớn và một số vụ việc vi phạm pháp luật xử lý chưa nghiêm, tác dụng răn đe, phòng ngừa còn hạn chế.

- Chúng ta đã có nhiều biện pháp tích cực nhưng hiệu quả đấu tranh ngăn chặn chưa cao, chưa đi vào vấn đề cốt lõi, thậm chí có biện pháp đã bị “nhờn thuốc”. Đã đến lúc chúng ta cần xem lại và đặt vị trí công tác này ở tầm cao hơn, tổ chức đấu tranh và cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn, cụ thể hơn và quy củ hơn.

- Công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại chưa lôi cuốn được cộng đồng doanh nghiệp trong nước tham gia, xem công tác này như là việc riêng của các lực lượng chức năng.

- Hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách chưa hoàn chỉnh và còn nhiều bất cập.

- Việc tháo gỡ khó khăn về kinh phí, phương tiện, biên chế tổ chức của các bộ, ngành có liên quan cho các lực lượng chức năng chưa kịp thời, dẫn đến kết quả đấu tranh còn hạn chế.

- Công tác hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng tuy đã được chú trọng nhưng hiệu quả chưa cao. Chưa khai thác hoặc có nhưng còn ít về thông tin phát hiện của người dân cho các cơ quan chức năng để đấu tranh phòng ngừa.

Một số kiến nghị, giải pháp nhằm ngăn chặn hiệu quả nạn buôn lậu và gian lận thương mại

Một là, phát triển sản xuất trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa trong nước; chú trọng công tác tổ chức thị trường, tuyên truyền giáo dục ý thức pháp luật; nâng cao vai trò của các doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng về gắn kết, điều phối thành viên trong hệ thống phân phối tự bảo vệ uy tín, thương hiệu của mình; cung cấp cho các cơ quan chức năng thông tin về các hành vi và đối tượng vi phạm, đồng thời hỗ trợ nghiệp vụ trong kiểm tra, kiểm soát.

Hai là, chú trọng dựa vào nhân dân, biết phát huy sức mạnh và sự phát hiện của nhân dân; đề cao vai trò trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan; tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy và chính quyền địa phương (đặc biệt là cấp ủy và chính quyền cơ sở, huyện, xã). Nơi nào để xảy ra buôn lậu thì trách nhiệm trước hết thuộc về cấp ủy, chính quyền địa phương đó.

Ba là, Nhà nước tổ chức lại một số cơ quan thực thi công tác đấu tranh chống buôn lậu cho ngang tầm với nhiệm vụ được giao (ví dụ như nâng tầm Cục Quản lý thị trường ở trung ương thành Tổng cục Quản lý thị trường, Chi cục Quản lý thị trường ở tỉnh, thành phố thành Cục Quản lý thị trường; nâng tầm công tác phối hợp, theo đó Ban chỉ đạo 127 Trung ương thành Ủy ban quốc gia về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, khẩn trương xây dựng chương trình quốc gia về chống buôn lậu và gian lận thương mại; nghiên cứu đề xuất cơ chế khuyến khích xã hội hóa các nguồn lực để phục vụ công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Bốn là, giải quyết những khó khăn về kinh phí, trang thiết bị, phương tiện hoạt động cho các cơ quan thực thi (Quản lý thị trường, hải quan, công an, biên phòng) như ô-tô, tàu, xuồng; các phương tiện kiểm tra xách tay hiện đại phát hiện nhanh hàng kém chất lượng, hàng hóa có chứa các chất độc hại,... Trong điều kiện kinh phí nhà nước còn khó khăn thì ưu tiên trước hết kinh phí và trang bị cho các tỉnh, biên giới và các thành phố lớn thuộc địa bàn trọng điểm, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Long An.

Năm là, xác định tính quy luật của buôn lậu, gian lận thương mại để dự báo phòng ngừa, đồng thời thường xuyên tổng kết rút kinh nghiệm, đổi mới phương thức đấu tranh của các lực lượng chức năng. Kết hợp công tác đấu tranh ngăn chặn và phòng ngừa; thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn vì điều này sẽ có tác dụng không để hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng lọt vào thị trường nội địa và hỗ trợ các lực lượng đấu tranh ngăn chặn trên đường vận chuyển và ở biên giới cửa khẩu.

Sáu là, quan tâm giải quyết thỏa đáng các chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại. Các cơ quan có chức năng chống buôn lậu cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức; tăng cường quản lý nội bộ và xử lý thật nghiêm các vi phạm để răn đe giáo dục; xây dựng kế hoạch thường xuyên đào tạo, đào tạo lại cán bộ, kể cả việc đưa đi đào tạo ở nước ngoài để kịp thời cập nhật những kiến thức, kỹ năng kiểm tra, xử lý vi phạm; hội nhập với các nước trong khu vực; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, ngăn chặn và loại trừ tham nhũng, tiêu cực, bảo kê cho buôn lậu và gian lận thương mại.

Bảy là, ngoài việc hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật, các cơ quan chức năng của Nhà nước cần nghiên cứu và xây dựng đầy đủ hệ thống rào cản kỹ thuật về thương mại cho phù hợp với thông lệ quốc tế (như tiêu chuẩn chất lượng) để có căn cứ kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, góp phần ngăn chặn có hiệu quả hơn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thẩm lậu vào nước ta./.