Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng việc ban hành Luật Việc làm là cần thiết; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có sự chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng, công phu.

Chiều 5-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Việc làm. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự thảo Luật.

Tờ  trình của Chính phủ nhấn mạnh việc xây dựng Luật Việc làm là hết sức cần thiết, phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần khắc phục các hạn chế của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về việc làm, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy, ổn định, bảo đảm việc làm và việc làm bền vững cho người lao động.

Dự thảo Luật Việc làm bao gồm 9 chương, 112 điều, quy định về 7 nhóm vấn đề lớn: Phát triển việc làm; Thông tin thị trường lao động; Quản lý lực lượng lao động; Phát triển kỹ năng nghề; Dịch vụ việc làm; Tuyển, đăng ký sử dụng lao động; Bảo hiểm việc làm.

Luật Vệc làm áp dụng đối với 3 nhóm đối tượng, bao gồm người lao động Việt Nam là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, đang có việc làm hoặc không có việc làm nhưng có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sử dụng lao động có liên quan đến việc làm.

Phát biểu thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng việc ban hành Luật Việc làm là cần thiết; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có sự chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng, công phu.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng Luật Việc làm có phạm vi rộng, điều chỉnh tất cả các mối quan hệ xã hội về việc làm, bao gồm việc làm khu vực chính thức và việc làm khu vực phi chính thức.

Do vậy, đối tượng áp dụng trong dự án Luật Việc làm còn một số quy định trùng lặp với các luật chuyên ngành khác. Bên cạnh nhóm ý kiến đồng ý với đối tượng áp dụng trong dự án Luật, một số ý kiến cho rằng cần thu hẹp bớt.

Nhiều ý kiến cho rằng Luật chỉ nên tập trung vào điều chỉnh việc làm của nhóm lao động chính thức và nhóm lao động phi chính thức trong nước. Nhóm lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được điều chỉnh bởi Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nhóm lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã được quy định trong Bộ luật Lao động và nhóm này nếu đưa vào dự án Luật việc làm cũng không phù hợp.

Các đại biểu cũng cho nhiều ý kiến về các nội dung như mở quỹ bảo hiểm việc làm bên cạnh quỹ bảo hiểm thất nghiệp đang hoạt động hiện nay; quy định về đăng ký việc làm; hoạt động dịch vụ việc làm….

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng ban soạn thảo đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nhưng đây là dự án luật có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều luật chuyên ngành đang hoặc mới có hiệu lực. Do vậy, Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chưa trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa XIII sắp diễn ra./.