Hậu khủng hoảng - Thế giới đối mặt với những vấn đề gì?

Đinh Công Tuấn PGS, TS, Tổng Biên tập Tạp chí châu Âu
23:11, ngày 29-04-2012
TCCSĐT - Một trong những tâm điểm lớn tác động tới cục diện thế giới hai thập niên đầu thế kỷ XXI là sự suy yếu tương đối của toàn bộ khu vực trung tâm trong trật tự hiện hành, bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, được đánh dấu bởi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế “trăm năm mới có một lần”.
Kinh tế thế giới thời “sản phẩm toàn cầu” (“Made in the World”)

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu (năm 2008) được bắt nguồn từ thị trường địa ốc dưới chuẩn ở Mỹ đã nhanh chóng lan rộng sang các lĩnh vực khác và các nước khác (đặc biệt tại châu Âu). Đa số các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay có nguồn gốc trực tiếp từ việc các ngân hàng Mỹ quá dễ dãi khi cho khách hàng vay tiền để mua bất động sản qua các hợp đồng vay dưới chuẩn. Theo ước tính của nhiều chuyên gia, trong 22.000 tỉ USD giá trị bất động sản tại Mỹ,  có hơn 13.000 tỉ USD là tiền đi vay, trong đó có khoảng 4.000 tỉ USD là nợ xấu, còn nợ khó đòi ở Mỹ đã lên tới 35.000 tỉ USD. Vốn đầu cơ lớn gấp 50 lần giá trị của toàn bộ thương mại quốc tế, và, cái “bong bóng” tín dụng đã đến lúc vỡ nổ.

Trước sự sụp đổ của hàng loạt ngân hàng và thị trường tài chính, chính phủ các nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và EU đã tìm kiếm các giải pháp khắc phục trong học thuyết của J.M. Kên - những giải pháp đã từng cứu chủ nghĩa tư bản thoát khỏi cuộc đại suy thoái 1929 - 1933. EU đã áp dụng các biện pháp và các gói cứu trợ kinh tế, như giảm lãi suất, cắt giảm thuế, bơm tiền ồ ạt cho hệ thống tài chính - ngân hàng… Những cố gắng đó phần nào đã hạn chế tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, nền kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi trong năm 2010. Tuy nhiên, mặt trái của giải pháp kích cầu kinh tế là làm trầm trọng tình trạng thâm hụt ngân sách và đẩy nợ công gia tăng, vượt quá xa mức cho phép (thâm hụt ngân sách không vượt quá 3% GDP, nợ công không vượt quá 60% GDP). Đến năm 2011, thế giới, đặc biệt là các đầu tàu kinh tế, đã chứng kiến những khó khăn không kém so với năm 2008: kinh tế Mỹ suy giảm tăng trưởng, kinh tế Nhật Bản vẫn trong tình trạng giảm phát kéo dài, tăng trưởng kinh tế khu vực châu Âu đình trệ do khủng hoảng nợ công, các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng chậm lại. Những khó khăn này lại cộng hưởng thêm với những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng chính trị tại một số nước Bắc Phi, Trung Đông và các thảm họa thiên tai trầm trọng trên thế giới, như sóng thần ở Nhật Bản, động đất ở Niu Di-lân, Thổ Nhĩ Kỳ, lũ lụt ở Đông Nam Á…

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong năm 2011 và vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, thậm chí chưa có tiền lệ, là khủng hoảng nợ công ở châu Âu và trên thế giới. Tỷ lệ nợ công của các nền kinh tế lớn trên thế giới hiện ở mức rất cao: Mỹ thâm hụt ngân sách năm 2010 khoảng 1.750 tỉ USD, tương đương 12,3% GDP, nợ công khoảng 100% GDP, năm 2011 nợ công lên đến 102% GDP; Nhật Bản: 200%; Ô-xtrây-li-a: 138%; I-ta-li-a: 146%; Đức: 185% và Pháp: 250%(1). Mức nợ công cao nhất trong năm 2010 thuộc về Ai-len lên tới 310% GDP và Hy Lạp: 124%(2). Lần đầu tiên trong lịch sử xuất hiện nghịch lý là, một số nền kinh tế trong nhóm 10 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (như Tây Ban Nha, I-ta-li-a) lại cần sự trợ giúp tài chính của cộng đồng quốc tế.

Khủng hoảng nợ công đã góp phần đưa đến những hệ lụy tiêu cực trên thị trường tài chính quốc tế, khiến hệ thống tài chính toàn cầu luôn trong trạng thái “co giật”. Chỉ trong quý III-2011, chỉ số trên các thị trường chứng khoán ở châu Âu sụt giảm 17%, ở châu Á: 16%, ở Mỹ: gần 14% (mức giảm điểm theo quý tồi tệ nhất kể từ năm 2008), tương đương gần 10.000 tỉ USD. Lần đầu tiên, một loạt nền kinh tế lớn, như Mỹ, I-ta-li-a, Tây Ban Nha... và các định chế tài chính - ngân hàng có uy tín hàng đầu của Anh, Pháp, Nhật Bản... bị các tổ chức đánh giá xếp hạng tín dụng đánh tụt hạng tín nhiệm tài chính chỉ trong một thời gian ngắn. Đồng USD có xu hướng giảm trong suốt những tháng đầu năm 2011, nhưng sau đó lại bất ngờ tăng mạnh (chỉ trong quý III-2011, đồng USD đã tăng hơn 7% so với các ngoại tệ mạnh khác trên thế giới). Lạm phát liên tục tăng cao (giá bình quân các mặt hàng chiến lược chỉ trong nửa đầu năm 2011 đã tăng hơn 20%) đã trở thành thách thức hàng đầu đối với các nền kinh tế trên thế giới. Đầu quý III-2011, hầu hết các chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của các nước đều vượt hoặc tiệm cận mục tiêu kiềm chế lạm phát cho cả năm 2011, như CPI của Mỹ tăng gần 4%, EU: 3%, Ấn Độ và Nga: 10%, Trung Quốc: 4%(3).

Điểm đáng chú ý là giá cả hàng hóa tăng rất cao nhưng lại giảm đột ngột với biên độ lớn chỉ trong một thời gian ngắn. Chẳng hạn, giá vàng tăng 40% từ đầu năm đến tháng 8-2011, nhưng sau đó lại giảm đến 25% vào thời điểm cuối tháng 9-2011 và còn giảm nhiều hơn nữa trong đầu tháng 12-2011. Chênh lệch giữa mức cao nhất của giá dầu vào thời điểm  quý I và mức thấp nhất vào thời điểm tháng 10-2011 lên đến 60%. Giá cả hàng hóa và giá trị các đồng tiền tệ thay đổi nhanh chóng khiến luồng vốn đầu tư, thương mại toàn cầu bị xáo trộn. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản trên thế giới cũng đang trong thời điểm yếu nhất kể từ năm 2009. Giá nhà đất ở Mỹ đã rơi xuống gần mức đáy của thời kỳ khủng hoảng, số lượng nhà bị ngân hàng phát mại vẫn tiếp tục tăng. Giá nhà đất tại các nước châu Âu đều giảm, trong đó, tại Anh đã 4 tháng liên tiếp ở mức âm. Lạm phát tăng cao ở thời điểm nửa đầu năm 2011, sau đó đến giai đoạn tăng trưởng kinh tế suy giảm nửa cuối năm, khiến tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức cao. Tình trạng thất nghiệp diễn ra trầm trọng, ở Mỹ tỷ lệ thất nghiệp là 9%, EU: 10%, trong đó Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 13% đến 14%.

Ông P. La-mi, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhận định, thế giới đương đại thực sự khác biệt so với thế giới cách đây chỉ một thế hệ. Các quốc gia, các nền kinh tế phụ thuộc vào nhau đến mức chỉ một cơn sốc tài chính và kinh tế tại một nền kinh tế có thể nhanh chóng lan ra trên quy mô toàn cầu. Các dây chuyền sản xuất ngày càng trở nên toàn cầu và các sản phẩm hiện nay thực sự là sản phẩm toàn cầu, “Made in the World”.

EU: điểm nóng của bức tranh nợ công toàn cầu

Một điều đáng nói là, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát tại Mỹ, nhưng giờ đây, EU lại là khu vực lao đao nhất trong vòng xoáy của nợ công và chịu những sức ép nặng nề cả về kinh tế, xã hội, cũng như sự tồn tại của đồng tiền chung. 

Nhìn lại 10 năm đầu tiên của thế kỷ XXI, có thể thấy kinh tế EU trải qua nhiều biến động phức tạp, với 4 năm đầu (từ năm 2000 - 2003): kinh tế suy thoái nhẹ do bị tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu; 4 năm giữa (từ năm 2004 - 2007): kinh tế phát triển ổn định và đạt mức tăng trưởng khá; 4 năm cuối (từ năm 2008-2011): bước vào thời kỳ khủng hoảng và suy thoái do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Khủng hoảng nợ công đã tác động đến hầu như tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội của các nước thành viên cũng như mối liên kết nội khối, thể hiện rõ ở những khía cạnh sau:

Thứ nhất, các nền kinh tế thành viên EU tăng trưởng chậm lại, giá cả thị trường tăng, giảm bất thường, lạm phát cao, dẫn đến thất nghiệp lớn, nhiều doanh nghiệp phá sản, thị trường tài chính - tiền tệ chao đảo, chỉ số tín nhiệm tín dụng các ngân hàng các nước giảm sút nghiêm trọng, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản hạ thấp kỷ lục, bị đóng băng. Cùng với sự giảm sút về tốc độ tăng trưởng kinh tế, hàng loạt lĩnh vực, như thị trường tài chính châu Âu đã mất đi một lượng tài chính lớn, khoảng 1.193 tỉ USD, các ngành sản xuất, xuất khẩu bị giảm sút, thất nghiệp gia tăng(4).

Thứ hai, khủng hoảng nợ công cũng là tác nhân làm sụp đổ 5 chính phủ trong Khu vực đồng tiền chung (Ai-len, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha,  Hy Lạp, I-ta-li-a), làm lung lay vị trí lãnh đạo của nhiều chính phủ khác và cũng là một trong những tác nhân gây chia rẽ, bất đồng trong nội bộ EU. Việc giải quyết nợ công cũng cho thấy những khác biệt cũng như những bất đồng, mâu thuẫn của các thành viên EU khi phải giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia và lợi ích của cả khối.

Tại cuộc họp thượng đỉnh của các nước thành viên EU ngày 8 và 9-12-2011 (tại Brúc-xen, Bỉ), sau nhiều tranh cãi, bất đồng về giải pháp chống khủng hoảng nợ công, bảo vệ sự tồn tại của đồng ơ-rô, giữa một bên đa số do Đức, Pháp đứng đầu với một bên do Anh đứng đầu (có 3 nước hậu thuẫn là Thụy Điển, Hung-ga-ri, Séc), cuối cùng, 26/27 nước đồng ý với một thỏa thuận mới về những nguyên tắc quản lý ngân sách chặt chẽ được gọi là “kỷ luật ngân sách” thành lập “cơ chế ổn định châu Âu - MES” tiến hành sớm hơn một năm (từ tháng 7-2012) và thành lập “Quỹ bình ổn tài chính châu Âu - EFSF” được gia hạn đến năm 2013, chỉ duy nhất nước Anh không chấp nhận thỏa thuận này. Tuy nhiên, Đức từ chối đóng góp thêm tiền cho EFSF và không chấp nhận đưa vào bản tuyên bố chung khả năng sử dụng ơ-rô - công trái phiếu để trợ giúp nhau, điều này mâu thuẫn với đề nghị của Chủ tịch Ủy ban châu Âu J.M. Ba-rô-xô là thảo luận lại đề tài công trái phiếu - một giải pháp được nhiều nhà kinh tế cho là “liều thuốc” trấn an gói đầu tư chứng khoán. Hiện nay, trong khi chờ đợi, các quốc gia Khu vực đồng tiền chung chỉ còn trông cậy vào vai trò của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để vay tiền khi hết đường tiến thủ(5).

Gần đây nhất, tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên mùa xuân của EU, với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia và những người đứng đầu chính phủ 27 quốc gia thành viên, các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung cho biết họ chưa thể chính thức thông qua gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỉ ơ-rô cho Hy Lạp đến cuối tháng 3-2012 - thời điểm nước này hoàn thành tái cấu trúc nợ công ở khu vực tư nhân. Ngoài ra, kế hoạch thiết lập “bức tường lửa” giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ công vẫn vấp phải một số bất đồng của Đức. Hiệp định tài chính nhằm bảo vệ Khu vực đồng tiền chung khỏi những “cú sốc” tài chính trong tương lai, dự kiến, sẽ được các nhà lãnh đạo EU ký, tuy nhiên, Séc tuyên bố không tham gia ký kết vì một số nội dung và thủ tục tham gia hiệp định này không phù hợp với thông lệ quốc gia của nước này.

Thứ ba, do phải cắt giảm chi tiêu công, và thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, như tăng thuế, tăng giờ làm việc, tăng độ tuổi nghỉ hưu, giảm bớt quyền lợi an sinh xã hội… để giảm nợ công nên đã xảy ra nhiều  cuộc biểu tình, bãi công phản đối các chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ, trước tiên vì động cơ kinh tế, sau lan dần sang chính trị, tạo nên những “cú sốc” xã hội lớn. Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-rôn cho rằng, châu Âu hiện đối mặt không chỉ với cuộc khủng hoảng nợ công mà còn đối mặt với cuộc khủng hoảng tăng trưởng.

Các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí thực hiện các biện pháp cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm và kết hợp thực hiện các biện pháp giảm nợ công. Theo đó, ngoài các biện pháp nhằm bảo đảm sự ổn định tài chính, tăng năng lực cạnh tranh, các nguyên thủ EU quyết định tăng cường thực hiện năm hướng ưu tiên trong Chiến lược châu Âu 2020, ở cả cấp độ quốc gia và EU. Những ưu tiên này do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, theo đó chú trọng thúc đẩy giải quyết vấn đề việc làm; tạo điều kiện cho đổi mới, nghiên cứu và phát triển; đáp ứng các mục tiêu năng lượng và biến đổi khí hậu; cải thiện giáo dục; thúc đẩy quá trình giảm nghèo.

Các thách thức ngày càng mang tính toàn cầu và quy mô các thách thức mà thế giới đương đại đang đối mặt đã thay đổi sâu sắc trong vài thập niên qua. Theo bà Cri-xtin La-gác-đê, Tổng Giám đốc IMF, trong số những rủi ro đối với kinh tế và tài chính thế giới, trước hết phải kể đến sự yếu kém của các hệ thống tài chính trên thế giới, vì nợ công và nợ của tư nhân chồng chất. Tiếp đến là giá dầu đang tăng cao có nguy cơ làm tiêu tan hy vọng phục hồi của kinh tế thế giới. Mối lo ngại nữa là đà tăng trưởng ngoạn mục của các nền kinh tế mới nổi bị chững lại. Vì vậy, IMF kêu gọi các nước phát triển chú trọng giải quyết nợ công, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vĩ mô, đồng thời cố gắng duy trì cân bằng chính sách tài chính, đẩy nhanh quá trình điều chỉnh kết cấu và cải cách tiền tệ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và phục hồi của kinh tế thế giới. Còn các nền kinh tế mới nổi cần định rõ các chính sách kinh tế vĩ mô để phòng ngừa sự “tụt dốc” của các nước phát triển và giảm bớt sức ép.

Tóm lại, nền kinh tế toàn cầu vẫn đang đứng trước nhiều mối đe dọa tiềm tàng và dấu hiệu phục hồi của con tàu kinh tế thế giới còn rất mong manh, thậm chí có ý kiến cho rằng, nền kinh tế toàn cầu còn đang ở trong một giai đoạn “nguy hiểm mới”. Thứ nhất, trong tầm dài hạn, thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về mô hình phát triển. Sau hơn 30 năm mô hình tự do mới (Anglo - Saxon) phát triển rộng khắp làm cho tăng trưởng kinh tế kéo dài đã tạo cho các chính phủ và người dân sự lạc quan thái quá và lỏng tay chi tiêu, đã buông lỏng quản lý hệ thống tài chính, ngân hàng và không tuân thủ kỷ luật thị trường. Sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, người ta cho rằng, mô hình kinh tế học tự do hết thời. Khắp thế giới, kể cả Mỹ, đã quan tâm và viện đến vai trò của “bàn tay hữu hình” - nhà nước trong việc điều tiết nền kinh tế đất nước. Hàng loạt các gói kích thích kinh tế từ những nền kinh tế phát triển (Mỹ, EU, Nhật Bản…) cho đến các nước đang phát triển (các nước Á, Phi, Mỹ La-tinh) được tung ra nhằm cứu vãn tình trạng khủng hoảng kinh tế. Nhưng chỉ áp dụng các biện pháp của lý thuyết Kên là chưa đủ. Chính từ các gói kích thích kinh tế đó đã dẫn đến tình trạng thu ít, chi nhiều, “vung tay quá trán”, làm gia tăng bội chi ngân sách, khủng hoảng nợ công. Cuộc khủng hoảng của khu vực tư nhân (như lĩnh vực ngân hàng) năm 2008 đã chuyển sang cuộc khủng hoảng của khu vực nhà nước (lĩnh vực nợ công) năm 2010-2011, thế giới đã chứng kiến một sự thất bại “kép” của cả cơ chế kinh tế thị trường và của nhà nước trong chức năng quản lý kinh tế - xã hội(6).

Thứ hai, trong tầm ngắn hạn, thế giới đang đứng trước thách thức của một cuộc khủng hoảng về lòng tin. Các chính phủ hiện đang lo lắng và cố gắng kéo lại niềm tin của con người vào thị trường, vào chính sách, sự quản lý kinh tế, vào chính phủ, vào con người với con người… Đó là vấn đề khủng hoảng “vốn xã hội”. Trước cuộc khủng hoảng nợ công đang diễn ra gay cấn ở châu Âu, sự mắc kẹt của hệ thống chính trị Mỹ trong các cuộc thương thảo giữa chính quyền với quốc hội về lộ trình và liều lượng cắt giảm thâm hụt ngân sách, về mức trần nợ công, về các gói kích thích kinh tế... đã khiến giới đầu tư mất niềm tin vào khả năng lãnh đạo và phối hợp chính sách kinh tế toàn cầu của nhiều quốc gia chủ chốt. Bất chấp nỗ lực trấn an của nhiều tổ chức tài chính quốc tế và chính phủ các nước sau đó, tâm lý hoang mang trên thị trường khiến giới đầu tư tháo chạy khỏi chứng khoán, đồng USD và đồng ơ-rô để chuyển sang mua vàng, đẩy giá vàng lên cao kỷ lục. Khủng hoảng niềm tin của mọi người về tình trạng nợ công tràn lan, ngân hàng các nước bị hạ mức tín nhiệm tín dụng hàng loạt, các thị trường tài chính rối loạn, giá vàng tăng vọt, tâm lý hoang mang bao trùm bất chấp nỗ lực trấn an của các chính phủ và các tổ chức tài chính quốc tế./.



(1) Phạm Minh Chính: “Một số vấn đề nổi lên của kinh tế thế giới năm 2011”, Báo Nhân dân, số ra ngày 18-10-2011

(2) Đinh Công Tuấn: Khủng hoảng nợ công ở một số nước châu Âu - thực trạng và vấn đề”, Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 8 (131) 2011

(3) Phạm Minh Chính: “Một số vấn đề nổi lên của Kinh tế thế giới năm 2011”, Báo Nhân dân, 18-10-2011

(4) Đinh Công Tuấn: Liên minh châu Âu hai thập niên đầu thế kỷ XXI, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,  2011, tr. 154-155

(5) http://www.viet.rfi.fr ngày 9-12-2011

(6) Chu Đức Dũng, Nguyễn Mạnh Hùng: “Kinh tế, chính trị thế giới: những thay đổi lớn và hệ lụy”, Hội thảo quốc tế được tổ chức vào ngày 9-12-2011 tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam