V.Putin - Con người thay đổi nước Nga
22:17, ngày 29-04-2012
TCCSĐT - Trong chương trình tranh cử Tổng thống Nga hồi tháng 3 vừa qua,
Thủ tướng V.Putin đã cho công bố 7 bài viết trình bày những nội dụng cơ
bản và quan trọng trong chiến lược xây dựng nước Nga trong nhiệm kỳ tới
của ông. Đó là: (1) Nước Nga đang tập trung: những thách thức chúng ta
phải đương đầu; (2) Nước Nga - vấn đề dân tộc; (3) Về các nhiệm vụ kinh
tế của chúng ta; (4) Dân chủ và chất lượng của Nhà nước; (5) Tạo dựng sự
công bằng: chính sách xã hội cho nước Nga; (6) Chúng ta cần phải mạnh
để bảo vệ an ninh quốc gia Nga; (7) Nước Nga và thế giới đang thay đổi.
Nhân sự kiện ông V.Putin tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nga, Tạp chí
Cộng sản điện tử lần lượt giới thiệu những nội dung cơ bản trong 7 bài
viết trên để bạn đọc tham khảo.
***
Bài 1: “Nước Nga đang tập trung: Những thách thức chúng ta phải đương đầu”
Hiện nay nước Nga đang đứng trước những thách thức và nhiệm vụ nào cần phải đương đầu. Nga cần phải có vị trí thế nào trong nền chính trị và kinh tế toàn cầu; Nga có thụ động đi theo sự phát triển các sự kiện hay tự mình chủ động tham gia vào quá trình hình thành nên các quy tắc của cuộc chơi; dựa vào những tiềm năng nào nước Nga có thể tăng cường vị thế của mình và bảo đảm sự phát triển ổn định, một sự ổn định hoàn toàn không có gì giống với sự trì trệ bởi trong thế giới đương đại - sự ổn định là tài sản và là thành quả lao động bền bỉ, cởi mở và công khai trước những thay đổi, đồng thời sẵn sàng tiến hành những cải cách đã chín muồi trên cơ sở những luận chứng vững chắc.
“Trong đời sống mỗi một dân tộc và mỗi một quốc gia, dĩ nhiên hoạt động của các quốc vương, người đứng đầu chính phủ, các nhà quân sự và hoạt động xã hội là quan trọng, nhưng rút cuộc tiếng nói cuối cùng thuộc về nhân dân”. “Người nào không thấy tiếc nuối thời xô-viết, người đó không có trái tim. Người nào muốn trở lại thời kỳ Xô-viết, người đó không có lý trí”.
Vladimir Putin
|
Hiện nay người ta đang nói đến các hình thức khác nhau để đổi mới quá trình chính trị. Nhưng một điều đáng lo ngại là trên thực tế đã không có các cuộc tranh luận về những gì cần phải làm bên ngoài khuôn khổ các cuộc bầu cử cũng như sau bầu cử. Điều này không đáp ứng được lợi ích của đất nước, chất lượng phát triển xã hội, trình độ giáo dục và trách nhiệm. Theo tôi, các công dân Nga cần phải có điều kiện vả khả năng thảo luận về những cái được và những cái chưa được của các chính sách, nội dung của chính sách, các chương trình dự kiến thực hiện của các nhà chính trị. Những thách thức và nhiệm vụ cần phải trở thành tâm điểm chú ý của các chương trình này. Bằng cách nào chúng ta có thể cải thiện đời sống và làm cho cấu trúc xã hội công bằng hơn? Cần ưu tiên cho định hướng nào trong sự phát triển kinh tế và xã hội? Cần phải có sự đối thọai rộng rãi về tương lai, về những ưu tiên, về sự phát triển và tương lai của quốc gia. Bài báo này là lời mời tham gia cuộc đối thọai như vậy.
Chúng ta đang ở đâu và đang đi về đâu
Xét theo các tham số cơ bản của sự phát triển kinh tế và xã hội, nước Nga hiện nay đã vượt qua sự suy thóai sâu sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực sụp đổ và Liên Xô tan rã. Mặc dù phải trải qua cuộc khủng hoảng trong những năm 2008-2009, nước Nga vẫn đạt được và vượt chỉ tiêu mức sống của những năm thịnh vượng nhất thời Xô-viết. Thí dụ, tuổi thọ ở nước Nga hiện nay đã cao hơn so với thời kỳ ở Liên Xô những năm 1990-1991. Kinh tế Nga đang phát triển và điều này được thể hiện trước hết ở con người, công việc, thu nhập và những khả năng mới của họ. So với những năm 1990, số người sống ở mức nghèo khổ hiện nay đã giảm trên 2,5 lần.
Theo các công trình nghiên cứu độc lập, thu nhập thực tế của 4/5 số người Nga vượt quá mức của năm 1989 là cao điểm của sự phát triển Liên Xô. Hơn 80% gia đình Nga hiện nay có mức tiêu dùng cao hơn so với mức tiêu dùng trung bình của gia đình Xô-viết trước đây. Mức độ bảo đảm nhu cầu về các phương tiện sinh hoạt hàng ngày tăng 1,5 lần và đã gần đạt tới mức ở các nước phát triển. Ở Nga hiện nay, cứ 2 gia đình có một gia đình có xe ô tô, điều kiện nhà ở cũng được cải thiện đáng kể. Không chỉ các công dân Nga có mức thu nhập trung bình mà ngay cả những người nghỉ hưu hiện nay cũng có mức tiêu dùng thực phẩm cơ bản cao hơn so với những năm 1990.
Một điều đặc biệt quan trọng là trong 10 năm gần đây ở Nga đã hình thành một tầng lớp đáng kể mà ở phương Tây gọi là “tầng lớp trung lưu”. Năm 1998, tầng lớp trung lưu ở Nga mới chiếm 5-10% dân số, ít hơn những năm cuối của Liên Xô. Hiện nay, tầng lớp trung lưu chiếm 20-35% dân số Nga. Họ có thu nhập cao gấp 3 lần so với thu nhập trung bình những năm 1990. Họ là những người có thu nhập tương đối cao, có thể mua sắm những đồ dùng cần thiết, có điều kiện nghỉ ngơi và có thể tiết kiệm. Họ có thể lựa chọn công việc mình thích và có tích lũy. Giai cấp trung lưu còn là những người có trình độ văn hóa, có thể lựa chọn các ứng cử viên xứng đáng chứ không phải bỏ phiếu theo kiểu cảm tính. Nói tóm lại, tầng lớp trung lưu đã bắt đầu hình thành các nhu cầu thực tế của mình trên các hướng khác nhau và sẽ trở thành đa số trong xã hội Nga, trong đó có bác sĩ, giáo viên, kĩ sư, các công nhân có tay nghề cao.
Niềm hy vọng chủ yếu của nước Nga là trình độ học vấn cao của công dân, trước hết là thanh niên. Điều này đúng ngay cả khi vẫn còn những vấn đề chúng ta sẽ phải giải quyết và những lời chê trách chất lượng giáo dục của nước Nga. Trong số các công dân Nga hiện nay ở độ tuổi 25-35, có tới 57% có trình độ đại học. Đây là mức độ khá cao mà ngoài Nga chỉ có 3 nước trên thế giới đạt được là Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada. Hiện nay, sự bùng nổ nhu cầu học vấn ở Nga vẫn tiếp diễn. Trong thế hệ sắp tới, khoảng 15-25 năm nữa, sẽ diễn ra quá trình phổ cập giáo dục có trình độ cao, trong đó trên 80% thanh niên nam nữ sẽ có hoặc muốn có được trình độ này.
Chúng ta đang bước vào một hiện thực xã hội mới, trong đó "cuộc cách mạng học vấn" sẽ làm thay đổi căn bản bộ mặt xã hội và nền kinh tế Nga. Ngay cả trong thời điểm hiện nay, nền kinh tế Nga cũng chưa cần tới ngần đấy nhân viên có trình độ cao và chúng ta không thể lùi bước. Không phải mọi người cần phải thích ứng với cơ cấu hiện nay của nền kinh tế và thị trường lao động mà chính là nền kinh tế cần phải thay đổi để những công dân có trình độ học vấn cao, có nhu cầu cao có thể tìm được vị trí xứng đáng của họ trong xã hội. Vì thế, thách thức cơ bản đối với nước Nga hiện nay là chúng ta cần phải học cách sử dụng "động lực học vấn" của thế hệ trẻ, động viên nhu cầu ngày càng cao của tầng lớp trung lưu và khả năng của họ sẵn sàng chịu trách nhiệm về cuộc sống thịnh vượng của mình để bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế và sự phát triển ổn định của đất nước.
Việc nâng cao mức sống trong thập kỷ trước đây chủ yếu là nhờ hoạt động của Nhà nước lập lại trật tự trong việc phân bổ hiệu quả khai thác tài nguyên thiên nhiên. Còn hiện nay, chúng ta cần có tích lũy quốc gia để sẵn sàng đối phó với khủng hoảng và thảm họa thiên nhiên. Hiện nay, tiềm lực của nền kinh tế tài nguyên đang ngày một cạn kiệt dần, nhưng điều chủ yếu là nền kinh tế tài nguyên không có được triển vọng mang tính chiến lược. Chính trong các văn kiện mang tính cương lĩnh cơ bản của năm 2008 được thông qua trước khi xảy ra khủng hoảng đã đặt ra một trong những nhiệm vụ chủ yếu là tạo ra những nguồn thu nhập mới cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Xây dựng một nền kinh tế mới cần phải dựa vào những con người có học vấn và có trách nhiệm, trong đó có các chuyên gia, các doanh nhân và người tiêu dùng. Trong 10 năm tới trong nền kinh tế sẽ có khoảng 10-11 triệu người lao động trẻ, trong đó có 8-9 triệu người có trình độ đại học. Ngay từ bây giờ trên thị trường lao động đã có 5 triệu người có trình độ đại học không thỏa mãn với thu nhập của mình cũng như tính chất công việc và không có triển vọng. Còn có 2-3 triệu người là chuyên gia thuộc các cơ quan ngân sách không tìm được việc làm mới. Ngoài ra, còn có khoảng 10 triệu người đang làm việc trong các dây chuyền sản xuất lạc hậu về công nghệ và không đáp ứng điều kiện an toàn môi trường sinh thái. Những công nghệ này cần phải được loại bỏ không chỉ vì nó không còn đáp ứng được yêu cầu của thị trường mà còn nguy hiểm về mặt sinh thái và ảnh hưởng đến sức khoẻ của người lao động.
Như vậy, việc tạo ra 25 triệu việc làm có trình độ công nghệ cao, được trả lương cao, cho những người lao động có trình độ học vấn cao không còn là một khẩu hiệu hoa mỹ. Đây là nhu cầu bức thiết và là mức độ cần thiết tối thiểu. Để giải quyết nhiệm vụ có tầm quốc gia này cần xây dựng chính sách của Nhà nước nhằm tập hợp nỗ lực của giới doanh nghiệp và tạo ra môi trường kinh doanh tốt nhất.
Nền kinh tế tương lai của nước Nga cần phải đáp ứng nhu cầu của xã hội, tạo ra thu nhập lao động cao hơn, công việc thú vị hơn và sáng tạo hơn, tạo khả năng to lớn để phát triển nghề nghiệp và phát triển xã hội nói chung. Đây mới là điều quan trọng chứ không phải là con số GDP, khối lượng dự trữ ngoại tệ bằng vàng, mức độ uy tín cao của các tổ chức đánh giá quốc tế hoặc vị trí cao của nước Nga trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trước hết, mọi công dân phải cảm thấy được những thay đổi tích cực thông qua việc mở rộng những khả năng của bản thân mình. Do đó, sự tăng trưởng của nước Nga trong thập kỷ tới là mở rộng không gian tự do cho mỗi cá nhân trong chúng ta. Sự thịnh vượng do ai đó ban phát, sự thịnh vượng thiếu trách nhiệm về quyết định của mình sẽ không thể tồn tại trong thế kỷ XXI.
Nước Nga còn đứng trước một thách thức nữa, đó là đằng sau những khẩu hiệu chung chung về sự đồng thuận và lợi ích từ hoạt động từ thiện là mức độ thiếu tin cậy giữa người với người, là con người không muốn tham gia vào các hoạt động xã hội, không quan tâm đến người khác, không biết vượt qua những lợi ích cá nhân. Đây là cũng hạn chế nghiêm trọng còn tồn tại trong xã hội chúng ta. Trong nền văn hóa Nga có một truyền thống lịch sử lâu đời là tôn trọng nhà nước, tôn trọng các lợi ích xã hội và những gì cần cho đất nước. Đa số người dân Nga muốn nhìn thấy một nước Nga vĩ đại, tôn trọng những người anh hùng đã hy sinh vì sự thịnh vượng chung. Nhưng rất đáng tiếc là niềm tự hào hoặc đau buồn vì đất nước không phải bao giờ cũng được thực hiện trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Thông thường đằng sau đó không chỉ là sự thờ ơ và sự ích kỷ mà còn có cả sự thiếu niềm tin sơ đẳng vào sức mạnh của chính mình hoặc không tin vào những người xung quanh.
Chân dung xã hội của tương lai chúng ta sẽ không đầy đủ nếu không nói về một vấn đề rất quan trọng. Đó là, 10-11% công dân của chúng ta vẫn còn phải chấp nhận thu nhập ở mức nghèo khổ do những nguyên nhân khác nhau. Đến cuối thập niên này chúng ta sẽ phải giải quyết được vấn đề này. Chúng ta sẽ phải vượt qua sự nghèo đói không thể chấp nhận được đối với một nước phát triển; Cần phải sử dụng tài nguyên của quốc gia, nỗ lực của xã hội và bộ phận tích cực quan tâm trong xã hội để giải quyết vấn đề này.
Giai đoạn mới trong sự phát triển toàn cầu
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bùng phát từ năm 2008 đụng chạm đến tất cả mọi người và đã đến lúc cần đánh giá lại nhiều thứ. Tất cả mọi người đều biết rằng, khủng hoảng kinh tế bùng phát không chỉ bởi những yếu tố mang tính chu kỳ mà còn là do sự thất bại trong điều chỉnh. Căn nguyên của vấn đề chính là ở sự mất cân đối tích tụ lại trong nhiều năm. Mô hình dựa trên sự tăng trưởng đến vô hạn các khoản đầu tư, cuộc sống thịnh vượng dựa trên nợ nần và chiếm đoạt tương lai, dựa vào những giá trị ảo chứ không phải là những giá trị thật, rút cuộc đã dẫn tới bế tắc. Ngoài ra, sự thịnh vượng được phân bố không bình đẳng giữa các nước khác nhau và giữa các khu vực khác nhau đã dẫn tới sự bất ổn trên phạm vi toàn cầu, kích động xung đột, làm giảm khả năng thỏa thuận của cộng đồng thế giới về những vấn đề bức xúc và mang tính nguyên tắc.
Cuộc khủng hoảng ở các nước phát triển đã làm lộ rõ một xu hướng nguy hiểm, mà theo tôi là mang tính chính trị thuần tuý, dẫn tới sự gia tăng trách nhiệm xã hội của Nhà nước theo cách mỵ dân và thiếu cân nhắc, không có mối liên hệ gì với sự gia tăng năng suất lao động; dẫn tới việc hình thành sự vô trách nhiệm xã hội trong một số tầng lớp dân cư riêng lẻ ở các nước đó. Tuy nhiên hiện nay nhiều người đã thấy rõ rằng, kỷ nguyên của các quốc gia có được sự thịnh vượng chung “trên mồ hôi nước mắt” của người khác đang dần kết thúc.
Chúng ta không muốn mình trở thành những người ảo tưởng. Chính sách kinh tế của chúng ta là một chính sách cẩn trọng và có cơ sở. Trong thời kỳ trước khủng hoảng, chúng ta đã gia tăng đáng kể sức mạnh của nền kinh tế, khắc phục được sự phụ thuộc vào nợ, tăng thu nhập thực tế của người dân, tạo tiềm năng dự trữ cho phép vượt qua khủng hoảng với tổn thất ít nhất đối với đời sống của dân chúng. Ngoài ra, vào lúc cao điểm của cuộc khủng hoảng, chúng ta vẫn có thể nâng cao đáng kể thu nhập của những người về hưu và thực hiện nhiều trợ cấp xã hội khác.
Cần phải công nhận rằng, xét về quy mô, những bất ổn trên phạm vi toàn cầu hiện nay khó có thể khắc phục trong khuôn khổ hệ thống hiện hành. Dĩ nhiên, có thể khắc phục được sự suy giảm mang tính tình thế và hiện nay đa số các nước đang đưa ra các gói giải pháp mang tính chiến thuật cho phép khắc phục được những tác động bức xúc của khủng hoảng ở mức độ này hay mức độ khác. Nhưng theo một tư duy sâu sắc và dài hạn hơn thì những vấn đề hiện nay không mang tính chất tình thế. Nếu tính toán một cách toàn diện thì những gì mà thế giới hiện nay đang gặp phải là một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống nghiêm trọng, một sự dịch chuyển long trời lở đất trong sự chuyển hóa toàn cầu. Đây là biểu hiện rõ ràng của quá trình chuyển sang một thời đại văn hóa, kinh tế, công nghệ và địa - chính trị mới. Thế giới đang lâm vào một vùng có vòng xoáy. Và dĩ nhiên thời kỳ này sẽ kéo dài và đau đớn. Ở đây chúng ta không nên có ảo tưởng.
Hiện nay, một cực sức mạnh duy nhất trước đây đã không còn có khả năng duy trì sự ổn định toàn cầu, còn những trung tâm ảnh hưởng mới lại chưa sẵn sàng đứng ra đảm nhiệm chức năng đó. Sự khó dự báo ngày càng tăng trong các quá trình kinh tế thế giới và tình hình chính trị - quân sự trên toàn cầu đòi hỏi phải có sự hợp tác tin cậy và trách nhiệm của các quốc gia, trước hết là các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nước G8 và G20. Cần phải nỗ lực thường xuyên để vượt qua sự nghi kỵ lẫn nhau, sự áp đặt về tư tưởng và chủ nghĩa cá nhân thiển cận.
Hiện nay các trung tâm kinh tế lớn thay vì trở thành động lực cho sự phát triển, tạo ra sự ổn định cho hệ thống kinh tế thế giới lại đang tạo nên những vấn đề và rủi ro ngày càng tăng. Sự căng thẳng về xã hội và văn hóa sắc tộc đang gia tăng với tốc độ nhanh. Ở nhiều khu vực trên hành tinh, các lực lượng phá hoại đang tác oai tác quái và mang tính xâm lược ngày càng tăng, lâu dài sẽ đe dọa an ninh của tất cả các dân tộc trên Trái đất. Về mặt khách quan, các đồng minh của họ đôi khi lại chính là những quốc gia đang nỗ lực "xuất khẩu dân chủ" thông qua các biện pháp sức mạnh và quân sự. Không thể sử dụng những mục tiêu nhân đạo nhất để biện minh cho sự vi phạm luật quốc tế và chủ quyền quốc gia. Kinh nghiệm chứng tỏ rằng, các mục tiêu ban đầu thường không đạt được, còn thiệt hại lại vượt quá mọi sự hi vọng.
Trong điều kiện đó, nước Nga có thể và cần phải đóng vai trò xứng đáng xuất phát từ mô hình văn minh của nước Nga, lịch sử vĩ đại của nước Nga, vị trí địa lý của nước Nga cũng như truyền thống văn hóa của nước Nga mà trong đó có sự kết hợp giữa nền tảng căn bản của nền văn minh châu Âu với kinh nghiệm nhiều thế kỷ trong sự tương tác với phương Đông mà ở đó hiện nay đang phát triển những trung tâm mới có sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng chính trị.
Nước Nga phải đối mặt với kỷ nguyên chuyển hóa toàn cầu đang ập đến trong trạng thái như thế nào? Trong những năm 1990, nước Nga phải trải qua một cú sốc thực sự từ sự tan rã và trì trệ, từ những hạn chế về mặt xã hội và sự mất mát. Thể chế nhà nước suy yếu toàn diện là không thể tránh khỏi trong điều kiện đó. Chúng ta thực sự đã rơi vào tình cảnh báo động. Bản thân thực tế là hàng nghìn kẻ phá hoại có được sự giúp đỡ của một số thế lực từ nước ngoài quyết định tiến công vào một quốc gia có đội quân đông tới hàng triệu người vào năm 1999 đã nói lên tính chất thảm kịch của tình hình và đã có quá nhiều người tưởng rằng có thể đánh bại nước Nga vào thời điểm đó.
Trong điều kiện đó, chúng ta đã phải nỗ lực động viên rất lớn về lực lượng, về nguồn lực để vượt lên từ đáy sâu khủng hoảng. Chúng ta phải chấn chỉnh lại đất nước, đưa nước Nga trở lại vị thế của một chủ thể địa - chính trị. Chúng ta đã phải ổn định lại hệ thống xã hội và phát triển nền kinh tế đang trì trệ. Chúng ta phải khôi phục lại trật tự cơ bản trong hệ thống quyền lực. Chúng ta cần phải khôi phục lại uy tín và sức mạnh của nhà nước Nga như nó đã từng có, phải phục hồi trong khi chưa có được một truyền thống dân chủ có cơ sở vững chắc, chưa có được các đảng phái chính trị và chưa có được một xã hội dân chủ phát triển trong khi phải đối mặt với chủ nghĩa ly khai khu vực, sự thao túng của giới tài phiệt, tham nhũng và đôi khi có hoạt động tội phạm công khai tại các cơ quan của bộ máy quyền lực.
Nhiệm vụ trước mắt trong những tình huống tương tự chính là phục hồi lại sự thống nhất của đất nước trong thực tế. Nói cách khác là thiết lập chủ quyền của nhân dân Nga trên toàn bộ lãnh thổ chứ không phải là sự độc quyền của một số cá nhân hoặc một nhóm người nào đó. Hiện nay ít ai còn nhớ được rằng, nhiệm vụ đó khó khăn và phức tạp đến mức nào và chúng ta đã phải nỗ lực ra sao để giải quyết nó. Có ít người biết được rằng, ngay cả những chuyên gia có uy tín nhất và nhiều thủ lĩnh trên thế giới vào cuối những năm 1990 đều thống nhất trong một dự báo đối với tương lai của nước Nga là sự phá sản và tan rã. Tình hình hiện nay ở Nga, nếu xem xét bằng con mắt của những năm 1990, đã vượt quá mọi dự báo lạc quan nhất.
Hiện nay, thời kỳ phục hồi nước Nga đã qua đi. Giai đoạn hậu Xô-viết trong sự phát triển của nước Nga cũng như trên thế giới đã kết thúc và hết tiềm năng. Giờ đây đã có đầy đủ mọi tiền đề để tiến về phía trước trên nền tảng mới và chất lượng mới ngay cả trong những điều kiện chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại khốc liệt và không thuận lợi nhất. Trong khi đó sự chuyển hóa toàn cầu không thuận nghịch cũng là một cơ hội to lớn đối với nước Nga. Tôi nhìn thấy nhiệm vụ của chúng ta trong những năm tới là loại bỏ mọi vật cản hạn chế con đường phát triển của quốc gia hướng về phía trước. Chúng ta cần phải xây dựng một hệ thống chính trị ở nước Nga, một cấu trúc các bảo đảm về xã hội và bảo vệ người dân, một mô hình kinh tế ở nước Nga và tất cả sẽ tạo nên một cơ thể nhà nước lành mạnh, phát triển ổn định, phát triển không ngừng, thống nhất và sống động, có khả năng bảo đảm chủ quyền của nước Nga và sự thịnh vượng của dân chúng trong đất nước vĩ đại của chúng ta trong nhiều thập niên tới.
Nước Nga không phải là một đất nước chịu lùi bước trước các thách thức. Nước Nga đang tập trung và đang sử dụng mọi lực lượng để đáp trả mọi thách thức, vượt qua mọi thử thách và bao giờ cũng giành chiến thắng. Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển một thế hệ mới các công dân sáng tạo và có trách nhiệm đang nhìn thấy tương lai. Họ đang và sẽ nắm quyền lãnh đạo của xí nghiệp, các ngành và cả cơ quan chính phủ cũng như toàn bộ đất nước./.
Nhớ về Mùa Xuân toàn thắng  (29/04/2012)
Hội nghị các bộ trưởng kinh tế ASEAN - Nhật Bản  (28/04/2012)
Hàng nghìn người biểu tình tại thủ đô Kuala Lumpur  (28/04/2012)
Mỹ đánh giá về Al-Qaeda sau 1 năm Bin Laden chết  (28/04/2012)
Liên hợp quốc tăng cường chống nạn buôn người trong du lịch  (28/04/2012)
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên