TCCSĐT - Ngày 25-7-2010, Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận chung quy mô lớn kéo dài bốn ngày, tại biển Nhật Bản. Hai bên huy động lực lượng hỗn hợp gồm khoảng 8.000 binh sĩ, 200 máy bay, 20 tàu ngầm và tàu chiến, trong đó có tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS George Washington. Nhật Bản đã gửi bốn quan sát viên từ Lực lượng phòng vệ hải quân tới theo dõi cuộc tập trận.
 
1. Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận chung quy mô lớn

Ngày 25-7-2010, Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận chung quy mô lớn kéo dài bốn ngày, tại biển Nhật Bản. Hai bên huy động lực lượng hỗn hợp gồm khoảng 8.000 binh sĩ, 200 máy bay, 20 tàu ngầm và tàu chiến, trong đó có tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS George Washington. Nhật Bản đã gửi bốn quan sát viên từ Lực lượng phòng vệ hải quân tới theo dõi cuộc tập trận. Ðây là lần đầu Tô-ki-ô gửi quan sát viên tới cuộc tập trận giữa Xơ-un và Oa-sinh-tơn. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, cuộc tập trận lần này nhằm phát đi lời cảnh báo nghiêm khắc đối với CHDCND Triều Tiên sau những tranh cãi chung quanh vụ đắm tàu chiến Chơ-nan của Hàn Quốc. Bình Nhưỡng phản đối gay gắt cuộc tập giữa Mỹ và Hàn Quốc, lên án đây là "hành động khiêu khích nghiêm trọng" và dọa sẽ có hành động đáp trả. Theo hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA, nước này chuẩn bị sẵn sàng cho cả hai giải pháp là đối thoại và chiến tranh để đối phó cuộc tập trận này.

2. Hội nghị cấp cao Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 15

Từ ngày 25 đến ngày 27-7-2010, tại Thủ đô Cam-pa-la của U-gan-đa đã diễn ra Hội nghị cấp cao Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 15. Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo châu Phi đã nhất trí quyết tâm nâng cao vai trò, vị trí và lợi ích của châu Phi trên trường quốc tế. Chủ tịch Liên minh châu Phi, ông G.Pinh nhấn mạnh, châu Phi giữ vị trí địa chiến lược quan trọng, tham gia tích cực các hoạt động chung của cộng đồng quốc tế. Với tài nguyên khoáng sản dồi dào, lực lượng lao động rẻ, châu Phi là thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế. Hàng loạt hội nghị cấp cao quan trọng giữa châu Phi với các đối tác hàng đầu được tổ chức trong năm nay. Nhà lãnh đạo Li-bi M.Ca-đa-phi cũng cho biết, Hội nghị cấp cao Liên minh châu Phi lần này đã tiến một bước hướng tới mục tiêu thành lập một Hợp chủng quốc châu Phi theo sáng kiến của ông.

3. Cựu thủ lĩnh Khme Ðỏ Cang Kếch Yêu bị kết án 35 năm tù giam

Sáng 26-7-2010, Tòa án xét xử tội ác Khme Ðỏ (ECCC) ở Cam-pu-chia đã tuyên án 35 năm tù giam đối với Cang Kếch Yêu, biệt danh là "Duch", cai ngục nhà tù Tuôn Xleng S-21 khét tiếng dưới chế độ Khme Ðỏ, vì phạm tội ác chiến tranh và các tội ác chống lại loài người. Ðây là bản án đầu tiên mà ECCC, tòa án do Liên hợp quốc bảo trợ, tuyên đối với một cựu thủ lĩnh cấp cao của chế độ Khme Ðỏ, chế độ cầm quyền tại Cam-pu-chia trong giai đoạn 1975-1979 đã gây ra cái chết của khoảng 1,7 triệu người. Ðông đảo các tầng lớp nhân dân Cam-pu-chia, những nhân chứng còn sống sót dưới chế độ Khme Ðỏ, các nhà sư, báo giới trong và ngoài nước, sáng 26-7, đã đổ về trụ sở ECCC ở tỉnh Cần Ðan để chờ tòa tuyên án và chứng kiến giờ phút lịch sử của công lý. Hơn 10 triệu người Cam-pu-chia đã chứng kiến bản tuyên án được truyền hình trực tiếp. Người phát ngôn ECCC Rích Xam-bát khẳng định: "Hôm nay là một ngày lịch sử đối với tất cả nhân dân Cam-pu-chia".

4. Giải thưởng quốc tế hằng năm về thoát mù chữ và trao quyền cho phụ nữ

Ngày 28-7-2010, Liên hợp quốc đã công bố giải thưởng năm 2010 cho 6 tổ chức thực hiện xuất sắc các dự án thúc đẩy thoát nạn mù chữ và trao quyền cho phụ nữ trên toàn cầu. Các tổ chức nhận giải năm 2010 bao gồm Viện Ðào tạo Giáo viên và Phát triển Trường học ở Hăm-buốc (Ðức), với dự án xóa nạn mù chữ và hòa nhập xã hội mới cho các gia đình người di cư; Chương trình đổi mới giúp các trẻ em gái trở thành các nhà lãnh đạo cộng đồng ở Ai Cập; Ban Giám đốc chương trình đào tạo và giáo dục người trưởng thành ở Cáp-ve với thành công trong việc giảm số người mù chữ ở nước này từ 60% xuống 20% từ năm 1974 đến 2005; Trung tâm giáo dục phổ cập ở Nê-pan về thành tích xóa mù chữ trên toàn quốc; Liên minh nữ nông dân ở Ma-la-uy với dự án thúc đẩy quyền sở hữu đất của phụ nữ; Quỹ Ðại học công giáo phía Bắc ở Cô-lôm-bi-a, với chương trình sử dụng tri thức điện tử nâng cao tay nghề và các cơ hội việc làm cho người nghèo. Giải được trao tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ở Pa-ri (Pháp) vào Ngày quốc tế xóa mù chữ 8-9-2010.

5. Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết khẳng định việc tiếp cận nguồn nước và các dịch vụ vệ sinh y tế là một quyền chính đáng của con người

Sau hơn 15 năm tranh luận, với 122 phiếu thuận/41 phiếu trắng và0 phiếu chống, Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 28-7-2010 thông qua nghịquyết khẳng định tiếp cận nước sạch và cácđiều kiện vệ sinh căn bản làquyền con người, điều kiện thiết yếu để thụ hưởng đầy đủ cuộc sống cũng như tất cả các quyền con người khác. Nghị quyết củaĐại hội đồng Liên hợp quốc cũng bày tỏlo ngại sâu sắc trước thực tếvẫn còn 884 triệu người trên thếgiới chưađược tiếp cận các nguồn nước sạch vàhơn 2,6 tỷ người chưa được hưởng các điều kiện vệ sinh tối thiểu. Hàng năm có khoảng 2 triệu người trên thế giới, trong đó có đến 1,5 triệu là trẻ em dưới 5 tuổi, tử vong do các căn bệnh liên quan bởi thiếu nguồn nước sạch và không được đảm bảo các điều kiện vệ sinh căn bản. Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi các nước thành viên và các tổ chức quốc tế tài trợ tài chính và hỗ trợ công nghệ giúp các nước nghèo có thểđảm bảo cung cấp nước sạch, an toàn cũng như các điều kiện vệ sinh tối thiểu cho mọi người dân.

6. Hội nghị giao lưu ASEAN - Trung Quốc tại Xinh-ga-po

Với chủ đề "Hợp tác ASEAN - Trung Quốc: Cơ hội và thách thức", Hội nghị lần thứ 5 về các Tổ chức hữu nghị nhân dân ASEAN - Trung Quốc (CACPPFO) đã khai mạc tại Xinh-ga-po ngày 29-7-2010. Hơn 300 quan chức chính phủ và doanh nhân của các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đã tham dự hội nghị, thảo luận những cơ hội nhằm thúc đẩy hơn nữa những nỗ lực hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế và thể dục thể thao. Mục tiêu chính của hội nghị là tăng cường đối tác chiến lược và quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và các nước ASEAN thông qua việc đẩy mạnh trao đổi và đối thoại giữa các nước.
Khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Trung Quốc - ASEAN, bà Cố Tú Liên nêu rõ, với các nỗ lực chung của tất cả các nước, cơ chế hợp tác hữu nghị giữa nhân dân ASEAN và Trung Quốc (10+1) trở nên ngày càng hoàn thiện. Bà khẳng định từ quan hệ đối thoại đến đối tác láng giềng tốt, tin tưởng lẫn nhau và đối tác chiến lược, quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN đang từng bước phát triển, Trung Quốc không thể thịnh vượng nếu không có ASEAN và sự phát triển của ASEAN cũng cần Trung Quốc. Đây là một sự kiện quan trọng nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Xinhgapo và Trung Quốc. Hội nghị diễn ra trong 2 ngày, do Hiệp hội hữu nghị Xinh-ga-po - Trung Quốc tổ chức.

7. I-ran khẳng định sẵn sàng đàm phán về vấn đề trao đổi nhiên liệu hạt nhân

Ngày 30-7-2010, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử I-ran, ông A-li A-bát Xôn-ta-ni-ê (Ali Akbar Salehi) khẳng định, I-ran sẵn sàng đàm phán với Mỹ, Nga và Pháp "trong vài ngày tới" về thỏa thuận trao đổi nhiên liệu hạt nhân đồng thời cho biết, các cuộc đàm phán này sẽ diễn ra tại thủ đô Viên (Áo). Tuyên bố của ông Xôn-ta-ni-ê được đưa ra trong bối cảnh Mỹ quyết định cử phái viên đến các nước ở châu Á, Trung Đông và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) nhằm vận động siết chặt hơn các biện pháp trừng phạt chống I-ran. Còn theo các nguồn tin nước ngoài, ngay sau khi Liên hiệp châu Âu (EU) thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với I-ran, trong đó có biện pháp ngăn chặn đầu tư cho ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt của Tê-hê-ran, đại diện I-ran tại Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) A. Xôn-ta-ni-ê đã gửi đến IAEA một bức thư, với một thông điệp rõ ràng là "I-ran hoàn toàn sẵn sàng đàm phán về vấn đề nhiên liệu cho lò phản ứng ở Tê-hê-ran mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào". Ông A.Xôn-ta-ni-ê nhấn mạnh, nếu các nước đã chuẩn bị xong, I-ran sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán trong thời gian sớm nhất, tại Thủ đô Viên (Áo) trong khuôn khổ của IAEA. Bức thư này do Hội đồng tối cao an ninh quốc gia I-ran (NSSC) và Cơ quan năng lượng nguyên tử I-ran phối hợp đề xuất. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) kiêm Ðại diện cấp cao EU phụ trách chính sách đối ngoại, bà C.A-stơn đã hoan nghênh đề nghị của I-ran quay lại đàm phán.

8. Tỷ lệ thất nghiệp tại các nước sử dụng đồng ơ-rô tăng kỷ lục

Ngày 30-7-2010, hãng Interfax của Nga cho biết, tỷ lệ thất nghiệp tại các nước sử dụng đồng tiền chung ơ-rô trong tháng 6 là 10%, không hề thay đổi so với tháng 5, và vẫn tiếp tục giữ mức kỷ lục 4 tháng liên tiếp kể từ tháng 8 năm 1998 tới nay. Các công ty châu Âu không nhiệt tình tạo ra các chỗ làm mới trong bối cảnh lo sợ những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng lâu dài tại khu vực Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục tác động đến triển vọng khôi phục kinh tế thế giới. Ngoài ra, kế hoạch của các chính phủ thuộc EU nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách công, mà việc này có thể hạn chế tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực, cũng ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý của ban lãnh đạo các công ty các nước này. Trong tháng qua, tại 16 nước sử dụng đồng ơ-rô có gần 15,8 triệu người thất nghiệp, tăng 6.000 người so với tháng 5 và tăng 788.000 người so với mức thất nghiệp hồi tháng 6 năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp tại 27 nước thành viênEU vẫn ở mức 9,6% trong tháng 6, trong đó tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là tại Tây Ban Nha lên tới 20%. Không những thế, Tây Ban Nha hiện là nước có tỷ lệ lạm phát ở mức kỷ lục. Theo số liệu từ Viện Thống kê quốc gia Tây Ban Nha, tỷ lệ lạm phát ở nước này đã đạt mức cao nhất trong vòng 18 tháng qua: 1,9%, cao hơn 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do sự tăng giá của các mặt hàng thực phẩm, đồ uống không chứa cồn và dịch vụ lữ hành vào mùa cao điểm.

9. EU đã chính thức thông báo thành lập cơ quan ngoại giao

Các nhà chức trách Liên minh châu Âu (EU) vừa chính thức thông báo tại thủ đô Brúc-xen của Bỉ về việc thành lập Cơ quan ngoại giao trực thuộc EU bao gồm các nhà ngoại giao của các nước thành viên EU và các công chức của khối này. Mục tiêu của việc lập ra Cơ quan ngoại giao này của EU trước hết nhằm góp phần tạo một tiếng nói chung trong toàn khối EU. Theo kế hoạch, Cơ quan ngoại giao EU sẽ chính thức hoạt động từ ngày 1-12 tới. Bà Ca-tơ-rin A-stôn (Cathérine Ashton) –người chuyên trách các vấn đề ngoại giao của EU - sẽ giữ cương vị lãnh đạo cơ quan Ngoại giao EU. Cho tới nay, bộ máy tổ chức hầu như đã được hoàn tất, tuy nhiên, việc thành lập cơ quan ngoại giao EU vào thời điểm hiện nay, theo một số chuyên gia chính trị là chưa phù hợp, trên thực tế, ngay tại EU, vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược về việc lập ra Cơ quan ngoại giao này.

10. Thiên tai, dịch bệnh xảy ra nhiều nơi trên thế giới

Sáng 27-7-2010, vào lúc 5h sáng (giờ địa phương), khoảng 100.000m3 đá và bùn từ núi Nhĩ Mãn, thuộc huyện Hán Nguyên đã trôi xuống, phá hủy gần 58 ngôi nhà ở chân núi, làm 4.000 dân làng phải chạy lánh nạn. Mưa to trong mấy ngày đã làm lở bùn đất ở khu vực gần biên giới Trung Quốc và Mi-an-ma, ít nhất 11 người mất tích, 11 người bị thương. Bão cát, số lượng ô-tô tăng nhanh cộng thêm việc mở rộng các công trình công nghiệp thời kỳ phục hồi kinh tế là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Trung Quốc. Bộ Môi trường Trung Quốc cho biết hơn 26% diện tích nước bề mặt ở nước này bị ô nhiễm và chỉ có thể sử dụng cho công nghiệp và nông nghiệp. Trong số 443 thành phố của nước này, có tới 189 thành phố bị ô nhiễm nguồn nước do mưa a-xít.

Ngày 30-7, quan chức Pa-ki-xtan cho biết, con số thiệt mạng do mưa kéo dài gây lũ và lở đất ở Pa-ki-xtan trong ba ngày qua đã tăng lên 400 người và ít nhất 300.000 người khác bị ảnh hưởng. Ngoài ra, còn hàng trăm ngôi nhà và hàng nghìn ha hoa màu, đất canh tác của người dân ở các khu vực Tây Bắc và Ca-xmia (Kashmir) của Pa-ki-xtan cũng bị phá hủy do mưa lũ. Con đưòng cao tốc chính nối giữa khu vực biên giới Pa-ki-xtan và Trung Quốc đã bị chia cắt và các công đồng dân cư ở đây đang bị cô lập. Tỉnh Khyber Pakhtunkha phia Tây Bắc của Pa-ki-xtan là nơi bị ảnh huởng nặng nề nhất. Khu vực Malakand cũng rơi vào cảnh tương tự, với hơn 100 người thiệt mạng và 16.000 người khác đang bị cô lập trong dòng nước lũ do nhiều cây cầu bị phá huỷ và đường sá bị chia cắt.

Tại Ca-mơ-run và Mô-dam-bíc, 113 người đã tử vong do dịch tả đang bùng phát mạnh. Dịch bệnh đang có nguy cơ lây lan sang các nước láng giềng Ni-giê-ri-a và Chad. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế Ca-mơ-run, đây là đợt dịch tả bùng phát mạnh nhất kể từ năm 2004 đến nay. Hội Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cho rằng nguồn nước bị ô nhiễm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến dịch tả bùng phát mạnh trong thời gian qua tại Ca-mơ-run và một số nước láng giềng.

Ngày 27-7-2010, Chính phủ Nhật Bản cho biết đợt nóng gắt ở nước này trong 2 tháng qua làm ít nhất 66 người chết và 15.000 người phải nhập viện do say nắng. Theo cơ quan quản lý thảm họa và hỏa hoạn ở Nhật Bản, chỉ riêng trong tuần qua, 9.436 người phải nhập viện và 57 người chết do say nắng. Tính đến chiều 30/7, những trận cháy rừng tại miền trung nước Nga khiến ít nhất 23 người chết và hàng nghìn người phải sơ tán. Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết, do thời tiết nắng nóng và khô hạn, các đám cháy tại Nga đang lan nhanh. Hiện diện tích cháy rừng của Nga đã khoảng 866 km2.

Theo hãng tin ILNA của I-ran, ngày 31-7, một vụ động đất mạnh 5,7 độ richter đã xảy ra ở khu vực Tây Bắc của Iran khiến ít nhất 274 người bị thương.Tâm chấn của vụ động đất nằm ở thành phố Torbat-e Heydariyeh cách thủ đô Tê-hê-ran khoảng 700km về phía Đông.Chiều cùng ngày, tại khu vực miền Nam của Iran cũng xảy ra một trận động đất mạnh 5,8 độ rích-te. Hiện tại, I-ran đang thống kê số người thiệt mạng trong vụ động đất này

*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 19-7 đến ngày 25-7-2010)