TCCS - Cho tới cuối thập niên đầu thế kỷ XXI, nước Mỹ vẫn được thừa nhận là siêu cường có sức mạnh vượt trội trên tất cả các mặt và đang đóng vai trò nổi trội trong các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, vị thế của Mỹ đã có phần suy giảm so với thập niên 90 của thế kỷ trước. Sự suy giảm đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: sự nổi lên nhanh chóng của các cường quốc như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga v.v..; những sai lầm trong chính sách đối nội, đối ngoại của Mỹ, nhất là sự sa lầy trong cuộc chiến ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan và khủng hoảng tài chính - kinh tế nổ ra năm 2008. Xu hướng này đang làm thay đổi tương quan lực lượng và trật tự thế giới. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vị thế và ảnh hưởng của nước Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi từng phần do những nỗ lực mới của chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma.

Sự suy giảm trên các lĩnh vực

Về kinh tế

Trong gần 100 năm qua, Mỹ luôn là nước dẫn đầu thế giới về GDP và chiếm khoảng 1/4 của toàn cầu(1). Tuy nhiên, do tăng trưởng kinh tế của Mỹ có xu hướng giảm và sự nổi lên của Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Bra-xin v.v.. đang làm cho thị phần của Mỹ trong tổng GDP của thế giới suy giảm. Nếu như năm 2000, GDP của Mỹ chiếm 27% của thế giới thì năm 2008, con số đó còn khoảng 20%.

Điều đáng chú ý là vị thế của đồng USD trở nên yếu đi so với các đồng tiền khác như ơ-rô, yên và nhân dân tệ (NDT). Nếu như những năm 90 của thế kỷ XX, 1 USD đổi được khoảng 0,8 - 0,9 ơ-rô, 120 - 130 yên Nhật và khoảng 8 NDT, thì đến cuối 2009 các con số đó dao động khoảng 0,7; 110; 7. Những năm 60 - 80 của thế kỷ trước, Mỹ và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã can thiệp có hiệu quả sự mất cân bằng đó trong buôn bán với Đức và Nhật Bản, song hiện nay Mỹ chưa làm được điều này đối với Trung Quốc.

Cùng với sự yếu đi của đồng USD, sự thâm hụt tài chính và nợ nước ngoài của Mỹ cũng tăng nhanh. Nếu như trong những năm 90, thặng dư mậu dịch của nước Mỹ hằng năm đạt con số hàng trăm tỉ USD thì đến năm 2009, thâm hụt ngân sách liên bang đã đạt mức 1.400 tỉ USD, khoảng 10% GDP. Nước Mỹ đang trở thành con nợ nước ngoài lớn nhất thế giới với con số lên tới khoảng 1.300 tỉ vào cuối năm 2008. Ngoại trưởng Hy-la-ri Clin-tơn đã nhận định rằng khoản nợ nước ngoài đã hủy hoại sức mạnh của Oa-sinh-tơn ở khắp thế giới.(2)

Tuy nhiên, với chính sách can thiệp mới của chính quyền Ô-ba-ma, nền kinh tế Mỹ đã bước đầu được phục hồi với mức tăng trưởng khoảng 2% trong năm 2009, dự kiến trong quý I-2010 sẽ tăng khoảng 4%, và tỷ lệ thất nghiệp giảm nhiều so với 2008; mức thâm hụt ngân sách và nợ nước ngoài bước đầu được khống chế.

Về quân sự

Trong lịch sử nhân loại, chưa có một quốc gia nào có sức mạnh quân sự tổng hợp như Mỹ. Ưu thế áp đảo về quân sự của Mỹ được thể hiện rõ nét nhất từ khi Liên Xô sụp đổ. Tuy nhiên, sức mạnh quân sự của Mỹ cũng có giới hạn và hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố và phổ biến vũ khí hạt nhân. Cuộc chiến của Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan và I-rắc kéo dài gần một thập niên vẫn chưa kết thúc đang làm hao tổn sức mạnh của quân đội Mỹ(3). Các vụ khủng bố bạo lực tại hai nước này vẫn tiếp diễn và ở mức độ cao.

Hơn nữa, sự răn đe quân sự của Mỹ cũng bị thách thức bởi sự phục hồi sức mạnh quân sự của Nga, sự phát triển nhanh tiềm lực quân sự của Trung Quốc, Ấn Độ và ngay cả sự nâng cấp sức mạnh quân sự của Nhật Bản, cũng như bởi cuộc chạy đua vũ trang, nhất là vũ khí hạt nhân của các quốc gia mà Mỹ liệt vào "trục ma quỷ" như I-ran, CHDCND Triều Tiên v.v.. Trên thực tế, Mỹ chưa có một biện pháp nào tỏ ra hữu hiệu nếu như không nói là bất lực trước các cuộc leo thang về các vụ thử hạt nhân và bắn tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên, I-ran và Pa-ki-xtan, bối rối trước sự phản công quân sự mạnh mẽ của Nga tại Gru-di-a hồi tháng 8-2008.

Thêm vào đó, cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động đã buộc nước này mở thêm nhiều "mặt trận", trong đó có việc tái lập và mở thêm một số căn cứ quân sự mới tại Đông Nam Á, Trung Á, lập Bộ Chỉ huy quân sự châu Phi, cho hoạt động trở lại Hạm đội IV ở vùng biển Ca-ri-bê thuộc Mỹ La-tinh v.v.. Cuộc chiến "bất tận" này cũng khiến Mỹ phải dàn quân ra nhiều chiến tuyến. Cái giá phải trả không chỉ là hao tổn tiền bạc quá nhiều, mà còn làm cho nước Mỹ từ chỗ khá "an bình" chuyển thành "quốc gia thời chiến", trở thành đối tượng không được ưa thích và là mục tiêu tấn công của nhiều thế lực cũng như đối thủ cạnh tranh ngày càng tăng từ các nước lớn, nhỏ khác.

Về chính trị - ngoại giao

Tuy nền chính trị, nhất là mô hình phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa vẫn còn khá hấp dẫn đối với nhiều nước, nhưng uy tín của Mỹ bị suy giảm trên trường quốc tế bởi những sai lầm của chính quyền G. Bu-sơ. Về đối nội, sự thiếu kiểm soát chặt chẽ, quá đề cao nền kinh tế thị trường tự do đã mang lại hậu quả trầm trọng là khủng hoảng tài chính nổ ra từ tháng 9-2008. Về đối ngoại, do quá say sưa với thuyết "Ngoại giao chuyển hoán" và tin vào sức mạnh dân chủ, tiền bạc và vũ khí nên Oa-sinh-tơn đã can thiệp một cách máy móc, nhiều khi là thô bạo vào công việc nội bộ của nước khác. Điều này đã tạo nhiều phản ứng trái ngược, bất lợi cho Mỹ. Nếu như cuộc chiến lật đổ chế độ Ta-li-ban nhận được sự ủng hộ của các nước đồng minh, và cả của các quốc gia thuộc "trục ma quỷ" như Li-bi, CHDCND Triều Tiên v.v.. thì trong cuộc chiến I-rắc, Mỹ không nhận được bất cứ sự hậu thuẫn nào của cộng đồng quốc tế, ngay cả những nước đồng minh thân cận như Pháp và Đức.

Cuộc chiến tự chọn, dựa trên những thông tin ngụy tạo nhằm áp đặt dân chủ và kiểm soát nguồn tài nguyên dầu mỏ tại I-rắc không chỉ làm giảm uy tín chính trị của Mỹ trên thế giới, mà còn làm mất lòng tin của dân chúng Mỹ. Theo điều tra xã hội, ngay sau cuộc chiến lật đổ chính quyền Xát-đam Hu-xê-in (tháng 4-2003), có hơn một nửa dân chúng Mỹ ủng hộ, cho đó là cuộc chiến cần thiết để bảo vệ nước Mỹ. Nhưng chỉ sau đó vài năm, 80% người Mỹ cho rằng đó là cuộc chiến sai lầm, ông G. Bu-sơ đã dẫn dắt nước Mỹ đi sai đường(4).

Cùng với việc bị sa lầy ở I-rắc và cuộc chiến vẫn tiếp diễn tại Áp-ga-ni-xtan, nước Mỹ còn bị suy giảm ảnh hưởng chính trị bởi những hình ảnh ngược đãi tù nhân tại nhà tù Goan-ta-na-mô, đặt máy nghe trộm và hạn chế quyền công dân, gia tăng can thiệp nhiều vào công việc nội bộ của nước khác, ủng hộ các cuộc "cách mạng màu", thậm chí công kích quân sự vào một số nước khác như Pa-ki-xtan, Li-bi, Xy-ri v.v.. Nhiều nước thuộc cộng đồng Hồi giáo ở Trung Đông như Xy-ri, I-ran trước đây có quan hệ khá tốt với Mỹ thì từ nhiệm kỳ sau của G. Bu-sơ, mối quan hệ đó trở nên xấu đi nhanh chóng. Tình hình trở nên căng thẳng này không chỉ bắt nguồn từ sự chiếm đóng của Mỹ tại I-rắc, mà còn do việc Mỹ thiên vị nhà nước Do Thái, đòi các nước này không được ủng hộ phong trào Héc-bô-la của Li-băng và Ha-mát của Pa-le-xtin. Theo điều tra thăm dò dư luận của Mỹ năm 2004, chưa đầy 10% số người được hỏi ở Ai Cập, Gioóc-đa-ni, Li-băng, Ma-rốc, A-rập Xê-út và Liên hiệp các Tiểu vương quốc A-rập ủng hộ chính sách của Mỹ tại khu vực. Khi nhắc đến Mỹ thì câu trả lời phổ biến nhất là "chính sách đối ngoại không công bằng". Trên thực tế trong gần một thập niên qua, chính sách của Mỹ muốn "thay đổi chế độ" và "dân chủ hóa" các nước như I-rắc, I-ran, Xy-ri, biến Trung Đông từ một "vòng cung bất ổn thành một khu vực dân chủ và ổn định" về cơ bản đã không thực hiện được. Điều này làm suy giảm tương đối uy tín và quyền lực của Mỹ ở Trung Đông cũng như trên thế giới.

Ở châu Âu, nhiều nước đồng minh chủ chốt của Mỹ như Pháp, Đức cũng không hài lòng với Mỹ, đã và đang tìm cách "cân bằng thực lực mềm", phối hợp ngoại giao với nhiều nước, trong đó có Nga để đối phó với chính sách đơn phương, độc đoán của siêu cường này. Các nước này đã cản trở Mỹ thông qua các nghị quyết về xâm lược I-rắc, làm thất bại trong việc bỏ phiếu về "tính hợp pháp" của Cô-xô-vô (tháng 2-2008), về ủng hộ Gru-di-a trong khủng hoảng ở khu vực Cáp-ca (tháng 8-2008), về thông qua các nghị quyết cứng rắn đối với vấn đề hạt nhân tại I-ran và CHDCND Triều Tiên v.v..

Tại các nước Mỹ La-tinh, nơi mà Mỹ coi là "sân sau" của mình, ảnh hưởng của siêu cường này cũng bị suy giảm bởi sự nổi lên của làn sóng "cánh tả" mà "ngọn cờ đầu" là Vê-nê-xu-ê-la với hỗ trợ đắc lực về chính trị, tư tưởng của Cu-ba. Các nước Nam Mỹ đã phối hợp chính sách tương đối thành công trong việc làm thất bại hành động gây sức ép đối với chính phủ của Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U-gô Cha-vét, Tổng thống Bô-li-vi-a E-vô Mô-ra-lét, đồng thời đã làm thất bại nỗ lực của Mỹ nhằm chọn người đứng đầu mới cho Tổ chức các quốc gia châu Mỹ và ý đồ thành lập một Hội đồng "rà soát tình hình dân chủ" trong tổ chức này. Còn các nước khác như Bra-xin, Chi-lê, Mê-xi-cô... ngày càng trở nên độc lập hơn với Mỹ. Điều này được thể hiện khá rõ nét trong việc các nước đó đã công khai phản đối hành động xâm lược của Mỹ tại I-rắc và ngăn cản các nghị quyết cứng rắn đối với I-ran do Mỹ đề xướng.

Tại các nước Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) cũng có xu hướng chống lại chính sách can thiệp của Mỹ. Một phần của phản ứng này là Nga đã cùng với Trung Quốc và nhiều nước Trung Á lập nên một số tổ chức hợp tác an ninh mới như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SOC), trong đó không có Mỹ tham gia. Nếu so với thập niên 90, thì uy tín và "sức mạnh mềm" của Mỹ trong các bộ phận của người Nga và các nước SNG suy giảm nhanh chóng trong thập niên đầu thế kỷ XXI. Từ chỗ ủng hộ sự truyền bá "giá trị phổ quát" thì nay ngày càng có nhiều người trở nên hoài nghi, thậm chí phản ứng lại với việc xuất khẩu "mô hình phát triển Mỹ" ra toàn thế giới.

Uy tín và ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Nam Á cũng có phần suy giảm. Về khía cạnh kinh tế, đầu tư của Mỹ vào các nước ASEAN từ năm 2006 đến 2008 đạt khoảng 12,8 tỉ USD, tương đương với 6,8% tổng FDI của khu vực, giảm 17% so với giai đoạn 1995 - 2001. Về thương mại, thị phần của Mỹ đối với Đông Nam Á giảm từ 15% năm 2000 xuống còn 10,6% năm 2008(5). Thêm vào đó, sự tương đối "lơ là" của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997 - 1998 và thái độ đôi khi thiếu công bằng của họ đối với tín đồ Hồi giáo trong cuộc chiến chống khủng bố đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Mỹ tại nhiều nước, nhất là ở In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a. Trong cuộc thăm dò công luận mang tên "Thế giới suy nghĩ gì trong năm 2002", có tới 70% số người được hỏi ý kiến đã thẳng thắn bày tỏ ngưỡng mộ của họ đối với ưu thế khoa học - công nghệ của Mỹ và 40% bị cuốn hút bởi truyền hình, phim ảnh, âm nhạc, những ý tưởng về dân chủ và phương pháp kinh doanh của Mỹ. Nhưng, đến đầu năm 2003, sau khi Mỹ tấn công I-rắc, uy tín của Mỹ trên thế giới cũng như ở Đông Nam Á giảm nhanh. Tại In-đô-nê-xi-a, uy tín của Mỹ đã giảm xuống dưới 15%, tỷ lệ thấp nhất từ trước tới nay. Hơn nữa, sự thiếu rõ ràng, chưa quan tâm nhiều đến Đông Nam Á trong kỷ nguyên cầm quyền của G. Bu-sơ cũng làm giảm một cách tương đối vị thế của Mỹ ở Đông Nam Á.

Sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ còn được thể hiện khá rõ trên các diễn đàn quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc. Ngoài việc đơn phương phát động cuộc chiến I-rắc, nước Mỹ dưới thời G. Bu-sơ cầm quyền chưa thực nhiệt tình ủng hộ các giải pháp chống tình trạng nóng lên của trái đất hay thành lập Tòa án hình sự quốc tế đã khiến cộng đồng quốc tế thất vọng. Hơn nữa, người Mỹ đang có xu hướng gia tăng bảo hộ mậu dịch, nhất là từ khi khủng hoảng tài chính - kinh tế bùng nổ năm 2008. Những điều trên không chỉ làm yếu đi vai trò của Liên hợp quốc, WTO, làm tăng những rạn nứt, mâu thuẫn giữa các nước đồng minh với Mỹ, nhất là giữa EU - Mỹ và Nhật - Mỹ, mà còn làm giảm uy tín và quyền lực của Mỹ tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế đa phương trên thế giới. Theo đánh giá của nước ngoài, trong vòng một thập niên qua, sự ủng hộ dành cho lập trường của Mỹ và phương Tây về nhân quyền tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc giảm, trong khi đó đối với Trung Quốc và Nga thì tăng nhanh, từ 50% lên 70%(6).

Sự phục hồi mong manh

Tuy nhiên, uy tín về chính trị - ngoại giao của nước Mỹ từ khi Tổng thống B.Ô-ba-ma lên cầm quyền có phần được phục hồi. Rút kinh nghiệm về sự thất bại của người tiền nhiệm, B.Ô-ba-ma đã đưa ra học thuyết mới với việc sử dụng "quyền lực thông minh" trong quan hệ quốc tế, theo đó sẽ cùng lúc kết hợp cả đầu tư, viện trợ phát triển, ngoại giao mềm dẻo và răn đe quốc phòng. Điều này có phần khác nhiều với chủ nghĩa đơn phương của G. Bu-sơ là nghiêng về dùng "sức mạnh cứng", nhất là biện pháp quân sự và trừng phạt kinh tế.

Cùng với chiến lược trên, chính quyền Ô-ba-ma chủ trương thực hiện chiến lược "đa đối tác", nghĩa là coi nhẹ sự đối lập về hệ tư tưởng, Mỹ sẵn sàng hợp tác với các nước khác, bất chấp hệ thống xã hội và chính trị của họ, nhằm đối phó với những thách thức chung và xây dựng một trật tự kinh tế, chính trị quốc tế mới. Dĩ nhiên, trật tự đó sẽ do Mỹ dẫn đầu và các cường quốc khác cùng tham gia với tư cách là những "cổ đông có trách nhiệm", nhưng không có quyền chi phối.

Từ những định hướng chiến lược và các nỗ lực mới, nước Mỹ trong năm đầu cầm quyền của B.Ô-ba-ma bước đầu có những đột phá về chính trị và ngoại giao:

Thứ nhất, nước Mỹ đang tìm cách né tránh hay ít ra hạn chế chủ nghĩa đơn phương và quân phiệt mà chính quyền Bu-sơ đã theo đuổi trước đó. Trong số những động thái mới là Mỹ đã quyết định đóng cửa nhà tù Goan-ta-na-mô, đặt ra thời hạn cho quân đội Mỹ rút khỏi I-rắc (vào cuối năm 2010), trở lại đàm phán về biến đổi khí hậu, tiến hành ngoại giao "vươn bàn tay" với các nước như I-ran, CHDCND Triều Tiên, Cu-ba, Vê-nê-xu-ê-la và Mi-an-ma đồng thời nỗ lực cải thiện mối quan hệ với thế giới Hồi giáo.

Thứ hai, Chính quyền của Ô-ba-ma đã điều chỉnh chiến lược chống khủng bố và cho rằng khủng bố chỉ là một trong nhiều vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt chứ không phải là mối đe dọa lớn nhất và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại như cách tiếp cận của người tiền nhiệm. Vì vậy, Mỹ đã thay đổi chiến tuyến chống khủng bố từ I-rắc tới Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan, đồng thời đề cao hợp tác với các cường quốc khác trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị và quân sự, chứ không chỉ riêng cuộc chiến chống khủng bố.

Thứ ba, chính quyền của Tổng thống B.Ô-ba-ma đang có những nỗ lực mới nhằm duy trì những mối quan hệ chủ chốt với các cường quốc khu vực và toàn cầu. Trước hết, Mỹ dành ưu tiên nhiều hơn đến đối tác Trung Quốc bằng cả kênh song phương và đa phương, điển hình là tiếp tục duy trì "Đối thoại Kinh tế chiến lược" (SED) (được hình thành từ năm 2006), hợp tác tại Hội nghị thượng đỉnh G20 cũng như đàm phán về biến đổi khí hậu. Tuy mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc bước vào đầu năm 2010 có dấu hiệu căng thẳng(7), nhưng xu hướng vừa hợp tác, vừa cạnh tranh vẫn là hướng chủ đạo trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, ít nhất trong tương lai gần.

Đối với Nga, Mỹ cũng tỏ thái độ mềm dẻo hơn. Động thái đầu tiên nhằm cải thiện quan hệ song phương bắt đầu khi B.Ô-ba-ma tuyên bố rằng Mỹ sẽ dừng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Cộng hòa Séc. Theo đó, Mỹ và Nga ký kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược.

Quan hệ của Mỹ với Liên minh châu Âu (EU) cũng được đẩy mạnh khi Phó Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn phát biểu tại Hội nghị an ninh Mu-ních lần thứ 46 (tháng 2-2010) rằng Mỹ coi trọng liên minh với EU. Đổi lại, các thành viên NATO đồng ý giúp đỡ Mỹ trong cuộc chiến chống Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan. Ông B.Ô-ba-ma cũng giúp cải thiện quan hệ Mỹ - EU thông qua hợp tác với các lãnh đạo châu Âu về những vấn đề biến đổi khí hậu, nhất là tại Hội nghị thượng đỉnh được nhóm họp tại Cô-pen-ha-ghen (Đan Mạch) vào tháng 12-2009.

Mỹ cũng đang mở rộng đáng kể hợp tác với Ấn Độ và Đông Nam Á. Ngoài việc thông qua Hiệp định hạt nhân dân sự với Ấn Độ và cho phép nước này được buôn bán công nghệ hạt nhân với bên ngoài (tháng 9-2008), chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma đang lôi cuốn nước này vào các cơ chế hợp tác đa phương, muốn Ấn Độ trở thành một trong những "cực" chính, sánh ngang với Trung Quốc tại châu Á. Đối với ASEAN, Mỹ đang có những động thái mới, quan tâm nhiều hơn đến khu vực này, trong đó đã ký với ASEAN về TAC, đưa ra sáng kiến hợp tác giữa Mỹ với khu vực sông Mê Công; Đặc biệt, đã diễn ra cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa Tổng thống B.Ô-ba-ma với nguyên thủ 10 nước ASEAN bên lề Hội nghị APEC tổ chức tại Xin-ga-po vào tháng 11-2009. Tại đây, ông B.Ô-ba-ma đưa ra sáng kiến thương mại quan trọng mang tên Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhằm tạo lập một nền tảng cho sự liên kết kinh tê - chính trị trong khu vực. Nếu như trong Báo cáo Quốc phòng 4 năm (QDR) 2006, khu vực Đông Nam Á được nhắc đến chung chung là đối tác tiềm năng, thì trong báo cáo tháng 2-2010 đã nhấn mạnh nỗ lực củng cố tinh thần đồng minh với Phi-líp-pin và Thái Lan, làm sâu sắc thêm quan hệ chiến lược với Xin-ga-po, và phát triển những mối quan hệ chiến lược mới với In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Việt Nam. Điều này đánh dấu bước chuyển mới trong quan hệ Mỹ- Đông Nam Á/ASEAN và ngược lại với sự tương đối "lơ là" của chính quyền G. Bu-sơ đối với khu vực này.

Thứ tư, chính quyền Ô-ba-ma đang có những đổi mới trong cuộc chiến chống khủng bố, biến đổi khí hậu, đấu tranh giải trừ hạt nhân và cho tự do In-tơ-nét. Điều này được thể hiện bằng 2 sự kiện trong tháng 4 vừa qua: Mỹ đã ký với Nga về Hiệp ước mới cắt giảm vũ khí chiến lược tại Pra-ha (Séc); thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức hội nghị hạn chế vũ khí hủy diệt hàng loạt và giải trừ vũ khí hạt nhân tại Oa-sinh-tơn. Hơn nữa, Mỹ đã thông báo "chiến lược mới về Áp-ga-ni-xtan" từ tháng 12-2009, theo đó sẽ rút quân vào cuối năm 2010. Thêm vào đó, Mỹ đang tăng viện trợ, giúp đỡ Pa-ki-xtan, mở rộng trận tuyến mới chống khủng bố ở Y-ê-men, đồng thời tăng cường can dự vào vấn đề hạt nhân ở I-ran và CHDCND Triều Tiên v.v..

Tuy nhiên, những nỗ lực mới trên của Mỹ trong hơn một năm cầm quyền của B.Ô-ba-ma chưa mang lại kết quả rõ ràng và đang phải đối diện với nhiều thách thức mới.

Tóm lại, ngoài sự nổi lên của Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, cuộc chiến chống khủng bố, làm "cảnh sát toàn cầu" được ráo riết tiến hành sau sự kiện ngày 11-9-2001 và cuộc khủng hoảng tài chỉnh nổ ra từ tháng 9-2008 chưa được phục hồi đang kéo theo sự suy giảm uy tín và ảnh hưởng của Mỹ trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, về tổng thể, sức mạnh quốc gia của nước Mỹ vẫn còn chiếm ưu thế nổi trội trên tất cả các mặt, từ kinh tế, khoa học và công nghệ cho đến quân sự, từ nguồn lực bên trong cho đến các mối liên kết bên ngoài, khả năng đưa ra phát minh, sáng kiến và đổi mới v.v.. Cùng với tiềm lực vốn có, đặc biệt là tính năng động và đổi mới của nước Mỹ, chính sách ôn hòa thực dụng của chính quyền Ô-ba-ma đang theo đuổi liệu có thể làm nước Mỹ trở nên hài hòa và thân thiện hơn đối với thế giới và uy tín của nước này có thể phục hồi dần trong tương lai?
 
________________________________________________

(1) Từ những năm 80 của thế kỷ XIX, GDP của nước Mỹ đã vượt nước Anh. Đến năm 1913 Mỹ đã chiếm 32% GDP của thế giới. Con số tiếp theo là 26% vào năm 1960, 22% (năm 1980), 27% (năm 2000), 21% (năm 2005)

(2) Xem thêm: Fareed Zakaria: The Futurre of American Power: How America can Survive of the Rise of the Rest (Foreign Affais, May/June 2008); Obama hứa đưa nước Mỹ thoát khỏi những ngày đen tối, Báo điện tử VnExpress, ngày 25-2-2009; http://www.tinkinhte.com, ngày 14-4-2010

(3) Tại I-rắc, sau 5 năm (2003 - 2008) chiếm đóng và bình định, Mỹ đã tiêu hao khoảng 300 triệu USD /ngày, đó là chưa kể hơn 4.000 quân Mỹ bị thiệt mạng và gần 30.000 lính Mỹ bị thương

(4) Di sản của Bush sau Tám năm cầm quyền, Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 27-11-2008, tr 10. Thuần phục sức mạnh Mỹ: Phản ứng của thế giới trước vị thế áp đảo của Mỹ (Taming American Power - The Global Response to U.S. Primacy), Tài liệu phục vụ nghiên cứu Quan hệ Việt - Mỹ, tr 194

(5) Đông Nam Á muốn được Mỹ chú ý hơn, Báo điện tử VnExpress, ngày 02-03-2010

(6) Xem Thêm: Thế giới bớt "nghiêng", Báo 'Thế giới & Việt Nam", số 98, từ ngày 27-9 đến 3-11-2008, tr 3

(7) Phía Mỹ cho rằng, Trung Quốc thiếu thiện chí trong hợp tác chống biến đổi khí hậu, giải quyết vấn đề hạt nhân tại Triều Tiên, I-ran và có những hành động "khiêu khích và hạn chế quyền tự do hoạt động của Mỹ tại Đông Á". Thêm vào đó, quan hệ Trung - Mỹ, vấn đề Đài Loan và nhân quyền luôn là mấu chốt còn bị bế tắc. Và hiện nay, tranh cãi thương mại có thể làm phức tạp thêm những vấn đề đó