Hội nghị quốc tế về Biển Đông đã diễn ra trong hai ngày 12 đến 13-12 tại thủ đô Kuala Lumpur với sự tham gia của gần 120 học giả, chuyên gia nghiên cứu, các nhà ngoại giao đến từ 25 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Với chủ đề "Biển Đông: Diễn biến mới đây và những đề xuất hướng tới giải pháp tranh chấp hòa bình," hội nghị đã tập trung vào bốn phần chính, gồm điểm lại tình hình gần đây ở Biển Đông, an ninh biển và vai trò ngoại giao hàng hải, các phương án và đề xuất giải quyết tình hình tranh chấp ở Biển Đông, thảo luận nhóm của các chuyên gia về vấn đề này.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Richard Riot Anak Jaem đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông đối với khu vực Đông Nam Á, cho rằng khu vực ASEAN có mối liên kết nhiều mặt không thể tách rời đối với Biển Đông về lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế và sinh thái.

Ông khẳng định vấn đề tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết về cơ bản, thông qua giải pháp hòa bình và ngoại giao nhằm tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa các nước trong khu vực, góp phần xây dựng Biển Đông trở thành khu vực hòa bình và hài hòa.


Tại hội nghị, các học giả và các chuyên gia nghiên cứu đến từ Malaysia, Philippines, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Australia và Singapore đã trình bày tham luận, chia sẻ thông tin và đưa ra những đề xuất nhằm tìm cách giải quyết tình hình tranh chấp ở Biển Đông hiệu quả hơn, hướng tới hợp tác khu vực sâu rộng hơn.


Các đại biểu cũng tập trung thảo luận các chủ đề như việc thực hiện Quy tắc hướng dẫn thực thi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), tầm quan trọng chiến lược của các tuyến hàng hải ở Biển Đông đối với thương mại châu Á, các hoạt động quân sự gần đây tại những khu vực tranh chấp tại đây.


Trong bài tham luận của mình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam Trần Trường Thủy đã trình bày quan điểm về những diễn biến mới đây trên Biển Đông, nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng COC với nội dung và các điều khoản cụ thể nhằm tăng cường xây dựng lòng tin, tăng cường hợp tác khu vực, qua đó vừa quản lý vừa tạo điều kiện cho việc giải quyết tranh chấp đạt kết quả tốt./.