TCCSĐT - Ngày 8-3-2010, sau cuộc bầu cử tại I-rắc, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã đưa ra tuyên bố này, “người dân I-rắc cần phải biết rằng, Mỹ sẽ thực hiện cam kết”. Ông Ô-ba-ma còn khẳng định, từ nay đến cuối năm 2011, quân đội Mỹ sẽ hỗ trợ cho lực lượng an ninh I-rắc tổ chức các chiến dịch chung chống khủng bố và bảo vệ dân cư.
 
1. Mỹ sẽ rút quân khỏi I-rắc vào năm 2011

Ngày 8-3-2010, sau cuộc bầu cử tại I-rắc, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã đưa ra tuyên bố này, “người dân I-rắc cần phải biết rằng, Mỹ sẽ thực hiện cam kết”. Ông Ô-ba-ma còn khẳng định, từ nay đến cuối năm 2011, quân đội Mỹ sẽ hỗ trợ cho lực lượng an ninh I-rắc tổ chức các chiến dịch chung chống khủng bố và bảo vệ dân cư. “Chúng tôi sẽ rút quân khỏi I-rắc. Vào cuối tháng 8, sứ mệnh chiến đấu của chúng tôi sẽ kết thúc. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra lời khuyên và giúp đỡ lực lượng an ninh I-rắc, tiếp tục cùng với I-rắc thực hiện chiến dịch chống khủng bố, bảo vệ lực lượng của mình và nhân dân I-rắc”. Theo ông Ô-ba-ma, cuộc bầu cử tại I-rắc là điểm mốc quan trọng trong lịch sử nước này. Ước tính có gần 65% cử tri nước này tham gia bỏ phiếu. Theo số liệu sơ bộ, tại các khu vực của tín đồ dòng Shiite, Thủ tướng N. Ma-li-ki (N.Maliki) giành đa số phiếu, còn ở các khu vực của người Sun-ni, nhà lãnh đạo Đảng I-rắc-i-a (Iraqiya) là I.Ôn-la-uy (I.Allawi) đứng đầu. Ông Ôn-la-uy - một nhà dân tộc chủ nghĩa theo đường lối thế tục được coi là đối thủ chính của Thủ tướng Ma-li-ki trong cuộc tranh cử lần này.

2. Gần 50% sự sống trên Trái Đất sống trong “thế giới tối”

Ngày 9-3-2010, theo kết quả nghiên cứu của các nhà sinh học thuộc trường Đại học Lốt An-giơ-lét (Mỹ) gần 50% sự sống trên Trái Đất sống trong “thế giới tối”. Nhóm nghiên cứu cho biết, các sinh vật sống trong sinh quyển dưới bề mặt Trái Đất hàng nghìn mét có thể đông đúc không kém các sinh vật sống trên bề mặt Trái Đất và có thể cung cấp chìa khóa để giải quyết các vấn đề lớn về môi trường, nông nghiệp và công nghiệp mà con người chưa tìm ra lời giải. Trong khi các nhà du hành vũ trụ tìm kiếm sự sống trên vũ trụ, nghiên cứu sự sống trong lòng đất này có thể sẽ hỗ trợ cho cuộc săn tìm sự sống ngoài hành tinh. Các nhà vi sinh học Mỹ cũng phát hiện ra rằng, những phát hiện và tri thức về sinh quyển sâu dưới mặt đất lại phù hợp và tương ứng với nguồn gốc và việc tìm kiếm sự sống ngoài vũ trụ. Nghiên cứu sinh quyển dưới bề mặt đã soi sáng nguồn gốc sự sống trên Trái Đất và khả năng tồn tại sự sống trên các hành tinh khác. Điều kiện sống dưới bề mặt đáy biển có thể giống như các điều kiện trên bề mặt Trái Đất thuở sơ khai hoặc đã tồn tại trên Sao Hỏa hoặc các mặt trăng của Sao Mộc.

3. Giải thưởng Dân số Liên hợp quốc năm 2010 thuộc về vợ chồng tỉ phủ Bin Gết (Bill Gates)

Ngày 10-3-2010, Liên hợp quốc chính thức công bố vợ chồng tỉ phú Bin Gết và “Diễn đàn nghị sĩ châu Á về dân số và phát triển” đã giành được Giải thưởng Dân số năm 2010 của tổ chức này. Vợ chồng tỉ phú Bin Gết đã dành hầu hết nguồn của cải của mình cho các công việc từ thiện như nghiên cứu sản xuất vác-xin chữa các bệnh nan y. Thông qua tài trợ để động viên, thu hút các nhà tài trợ khác đồng tài trợ, hai ông bà đã khuyến khích sự tham gia của nhiều người khác vào các công việc từ thiện. Họ còn tập trung tài trợ các dự án về sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình ở các nước đang phát triển, tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này để có các giải pháp sáng tạo. Đây là giải thưởng hằng năm của Liên hợp quốc nhằm tôn vinh các cá nhân hoặc tổ chức có những hành động và đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực dân số và cải thiện sức khỏe con người. Giải thưởng năm 2010 được lựa chọn trong tổng số 28 đề cử trên khắp thế giới và sẽ được trao tại buổi lễ long trọng ngày 3-6 tới tại trụ sở Niu Oóc Liên hợp quốc.

4. U-crai-na phê chuẩn Thủ tướng mới và nội các mới

Ngày 11-3-2010, với 242/450 phiếu ủng hộ, Quốc hội U-crai-na đã phê chuẩn quyết định của tân Tổng thống nước này Vích-to Y-a-nu-kô-vích đề cử ông Mi-kô-la A-da-rốp (Mikola Azarov), 62 tuổi, làm Thủ tướng mới. Ông A-da-rốp sinh ở Nga và cư trú ở U-crai-na từ năm 1984. Ông được xem là một đồng minh thân cận của ông Y-a-nu-kô-vích, do từng giữ chức Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Tài chính dưới thời ông Y-a-nu-kô-vích làm Thủ tướng năm 2002. Ngoài việc phê chuẩn Thủ tướng mới và tuyên bố chấm dứt mọi quyền hạn của chính phủ tiền nhiệm do bà I.Ty-mô-sen-kô đứng đầu, Quốc hội cũng phê chuẩn toàn bộ thành phần nội các mới. Đại sứ U-crai-na tại Nga Gri-sen-cô (Grishenco), một nhân vật được coi là thân phương Tây, được cử giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao. Động thái này nhận được những đánh giá khác nhau của dư luận báo chí phương Tây.

5. Chi-lê cần tới 30 tỉ USD để tái thiết sau động đất

Ngày 12-3-2010, phát biểu trước báo giới tại thủ đô San-ti-a-gô một ngày sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Chi-lê Xê-bát-chia Pi-nê-ra (Sebastian Pinera) cho biết, chi phí tái thiết nước này sau thảm họa động đất kinh hoàng kéo theo sóng thần có thể lên tới 30 tỉ USD. Tuy nhiên ông Pi-nê-ra khẳng định, chính phủ sẽ cân đối lại ngân sách để dành tiền khắc phục hậu quả thiên tai và triển khai các dự án tái thiết kết cấu hạ tầng. Ông nêu rõ, chính phủ sẽ buộc phải áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng". Nhà lãnh đạo cánh hữu này cũng cho biết sẽ kêu gọi phần nào sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế tài trợ cho các chương trình tái thiết. 30 tỉ USD là số tiền cao gấp đôi con số mà quốc đảo Ha-i-ti dự kiến phải chi cho công cuộc khắc phục hậu quả thảm họa tương tự xảy ra trước đó tại nước này. Trước đó, Tập đoàn tái bảo hiểm hàng đầu của Thụy Sĩ (Swiss Re) ngày 10-3 ước tính, các nhà bảo hiểm sẽ phải chi tới 7 tỉ USD (tương đương 5,16 tỉ ơ-rô) cho những thiệt hại sau trận động đất ở Chi-lê.

6. IMF xây dựng cơ chế tín dụng thời khủng hoảng

Ngày 12-3-2010, Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Nao-y-u-ki Sin-nô-ha-na (Naoyuki Shinohara) cho biết, IMF đang xây dựng cơ chế tín dụng mới sẽ được áp dụng trong tình huống nổ ra khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu. Nhóm G20 gồm các nền kinh tế phát triển và đang phát triển hàng đầu thế giới đã thỏa thuận tăng gấp ba lần khả năng cho vay của IMF, lên 750 tỉ USD, tạo điều kiện để thể chế tài chính đa phương này có thể đổ nguồn tài chính bổ sung khổng lồ vào nền kinh tế toàn cầu nếu xảy ra khủng hoảng kinh tế hoặc tài chính. Nguồn tài chính bổ sung này đến từ nhiều nguồn khác nhau như bán kho dự trữ vàng khổng lồ hoặc phát hành trái phiếu của IMF... IMF đã chính thức áp dụng khuôn khổ phát hành trái phiếu từ ngày 1-7-2009 như một hình thức đầu tư của các nước thành viên để IMF sử dụng hỗ trợ cho các thành viên khác.

7. Nhật Bản thông qua dự luật cắt giảm 25% lượng khí thải

Ngày 12-3-2010, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự luật chống biến đổi khí hậu, trong đó đặt mục tiêu năm 2020 cắt giảm 25% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với lượng khí thải của năm 1990. Dự luật gồm các chính sách cơ bản để đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, với mục tiêu dài hạn đến năm 2050 cắt giảm 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời thực hiện các biện pháp để đạt các mục tiêu trung và dài hạn. Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Nhật Bản Y-u-ki-ô Ha-tô-y-a-ma cho biết, khía cạnh quan trọng nhất của dự luật là mục tiêu cắt giảm 25% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và đặc biệt là người dân Nhật Bản có chung quan điểm như vậy. Dự luật để ngỏ khả năng áp đặt mức trần khí thải theo sản lượng đối với một số ngành trong quá trình vạch chiến lược kinh doanh khí thải, mặc dù cách tiếp cận này bị một số tổ chức môi trường chỉ trích. Bên cạnh đó, dự luật cũng kêu gọi áp thuế các-bon trong tài khóa 2011 và thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hạt nhân bất chấp sự phản đối của Đảng Xã hội Dân chủ (SDP) trong liên minh cầm quyền.

8. FED có thể tăng lãi suất trong vòng 6 tháng tới

Hiệp hội Quốc gia Các nhà kinh tế Doanh nghiệp (NABE) của Mỹ mới đây đã công bố kết quả một cuộc khảo sát cho thấy, nhiều nhà kinh tế tham gia vào cuộc khảo sát phỏng đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ tăng mức lãi suất cơ bản trong vòng sáu tháng tới. Theo kết quả cuộc khảo sát, 1/3 trong số hơn 200 nhà kinh tế là thành viên của NABE cho rằng, FED sẽ nâng lãi suất, trong đó đại bộ phận khẳng định lãi suất sẽ tăng 0,25% lên 0,50%. Từ cuối năm 2008, do nền kinh tế hàng đầu thế giới này phải gánh chịu cuộc khủng hoảng tài chính nặng nề vì sự sụt giảm nghiêm trọng trong thị trường thế chấp nhà ở, FED đã áp dụng lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục từ 0% đến 0,25%. Cuộc khảo sát trên của NABE, được tiến hành vào đầu tháng 3, cho biết 2/3 số thành viên NABE cho rằng, chính sách tiền tệ của FED vào thời điểm hiện tại là thích hợp. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cũng tin rằng nhiều khả năng FED sẽ tăng lãi suất và thời gian thích hợp nhất là trong vài tháng tới.

9. Nhiều nước phản ứng báo cáo nhân quyền của Mỹ

Tính đến ngày 14-3-2010, nhiều nước có phản ứng về báo cáo nhân quyền hàng năm của Mỹ vừa được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 11-3 vừa qua. Cụ thể là bản báo cáo mới nhất về nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ đã cáo buộc tại Ê-cu-a-đo có các hiện tượng như lạm dụng quyền lực công, tiến hành xét xử ngoài tòa án, tham nhũng trong hệ thống tư pháp; đánh giá về thành tích nhân quyền của Cam-pu-chia vẫn còn yếu kém hay bày tỏ sự không hài lòng về tình trạng nhân quyền của Nga… Đại diện của các nước trên đã lên tiếng chỉ trích những cáo buộc nói trên. Nhà lãnh đạo Ê-cu-a-đo còn nhận định, chính Mỹ mới là nước hợp pháp hóa các biện pháp tra tấn tù nhân, hay gần đây từ chối quyền thăm thân của 5 tù nhân Cu-ba, mà ông gọi là những anh hùng chống khủng bố. Các nước Ai Cập, CHDCND Triều Tiên, Cô-lôm-bi-a những ngày qua cũng đã đồng loạt phê phán Mỹ mượn cái gọi là vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, bày tỏ quyết không chấp nhận sự công kích tình hình nhân quyền của các nước này trong "Báo cáo nhân quyền các nước năm 2009" của Bộ Ngoại giao Mỹ. Từ năm 1977 đến nay, Bộ Ngoại giao Mỹ hằng năm đều công bố cái gọi là báo cáo nhân quyền các nước./.