Ngay trước khi bắt đầu cuộc họp ngày 14-10 tại Paris (Pháp), các bộ trưởng tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đã gây sức ép buộc Liên minh châu Âu (EU) giải quyết dứt điểm vấn đề khủng hoảng nợ công trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), tránh để diễn biến này kéo thế giới vào thời kỳ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế mới.
Phát biểu trên đài truyền hình CNBC từ Paris, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho rằng EU đang hành động để giải quyết vấn đề khủng hoảng nợ công trong Eurozone, nhưng phần việc khó khăn nhất là phác thảo chiến lược thực hiện, vẫn còn ở phía trước.

Ông cho biết G-20 muốn các nước thành viên EU cam kết thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết và tập trung mọi nguồn lực có thể để chặn đứng nguy cơ khủng hoảng nợ công lan rộng ra toàn khu vực. Ông tỏ ý tin tưởng các nguồn tài chính hiện có của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đủ để giải quyết vấn đề này.

Ngoài Mỹ, Nhật Bản và một số nước khác cũng gây sức ép buộc EU công bố kế hoạch chi tiết nhằm ngăn chặn những yếu kém trong Eurozone kéo thế giới vào một thời kỳ khủng hoảng và suy thoái mới. Trước khi lên đường đến Paris, Bộ trưởng Tài chính Canada Jim Flaherty cho rằng, các nước Eurozone đã cam kết quá nhiều, nhưng chưa hành động cụ thể. Ông cho rằng hành động rõ ràng và dứt khoát là yếu tố quan trọng giúp khôi phục lòng tin trên thị trường tài chính.

Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Pravin Gordhan nhận định EU đã vượt qua thời kỳ nguy hiểm nhất và cần đưa ra những giải pháp cần thiết trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G-20 vào đầu tháng 11 tới để tạo lòng tin. Ông cảnh báo quỹ cứu trợ phối hợp EU và IMF mang tên Cơ chế Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) không đủ để cứu nguy những nước gặp khó khăn nếu khủng hoảng nợ công trong Eurozone lan rộng, đồng thời dự đoán các nước mới nổi có thể được huy động để trợ giúp khu vực này.

Theo nguồn tin G-20, hầu hết các nước trong nhóm BRICS (gồm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) ủng hộ ý tưởng tăng cường nguồn vốn cho IMF như một công cụ đối phó khủng hoảng nợ công, song Mỹ và một số nước khác phản đối ý tưởng này.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cũng cho rằng khủng hoảng nợ công trong Eurozone phải do khu vực này tự giải quyết, đồng thời bày tỏ tin trưởng các nhà lãnh đạo EU sẽ thống nhất kế hoạch đối phó với cuộc khủng hoảng này tại cuộc họp thượng đỉnh vào ngày 23-10 tới.

Theo kế hoạch, vào lúc 22h ngày 15-10 (giờ Việt Nam), G-20 sẽ ra thông cáo về kết quả cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng của nhóm bàn về tình hình kinh tế thế giới và tác động từ cuộc khủng hoảng nợ công trong Eurozone đối với nền kinh tế toàn cầu./.