Cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố sẽ ra sao trong thời kỳ “hậu Ô-xa-ma Bin La-đen”

Lê Thế Mẫu Đại tá Nguyên chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Chiến lược Quân sự
22:10, ngày 09-05-2011
Ngày 2-5-2011, Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma chính thức tuyên bố trước toàn thế giới rằng các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ đã tiêu diệt được Ô-xa-ma Bin La-đen, trùm mạng lưới khủng bố quốc tế An Kê-đa. Sự kiện này được dư luận quốc tế đánh giá theo nhiều góc độ khác nhau, nhưng nhìn chung là tích cực. Vì thế, một câu hỏi lớn đặt ra lúc này là cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố sẽ ra sao sau khi “trùm khủng bố số 1” bị tiêu diệt?

Một thắng lợi ngoại giao không trọn vẹn của Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma

Nhìn chung, dư luận quốc tế đánh giá, sự kiện các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ đã tiêu diệt được Ô-xa-ma Bin La-đen, trùm mạng lưới khủng bố quốc tế An Kê-đa có ý nghĩa tích cực đối với cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố do Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ phát động năm 2001 và là thắng lợi ngoại giao của Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma.

Xuất phát từ việc công nhận 100 % Ô-xa-ma Bin La-đen đã bị Mỹ tiêu diệt và Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma đã chính thức công bố điều đó. Như vậy, rõ ràng, đây là một thắng lợi ngoại giao của Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma bởi trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2008, Thượng nghị sỹ Ba-răc Ô-ba-ma từng cam kết rằng nếu đắc cử, ông sẽ điều động quân đội tiêu diệt Ô-xa-ma Bin La-đen và giờ đây ông đã thực hiện được cam kết đó. Do đó, Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma đã làm được một “việc lớn” mà trong suốt hai nhiệm kỳ cầm quyền của mình, Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ đã không thực hiện được.

Tuy nhiên, thắng lợi này của ông Ba-răc Ô-ba-ma chỉ là một thắng lợi không trọn vẹn do chính cách làm của Mỹ. Giới phân tích chính trị quốc tế nhận định, nếu như Ô-xa-ma Bin La-đen được Mỹ bắt giữ, sau đó tổ chức phiên tòa quốc tế xét xử y như một tội phạm chiến tranh chống lại loài người, giống như các nước đồng minh chống phát xít đã từng tổ chức Tòa án Nu-rum-be để xét xử những tên trùm phát xít sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II. Nếu được như vậy thì đây là chiến thắng trọn vẹn và là chiến thắng lớn của Mỹ một khi họ đã từng tự coi mình là “ngọn cờ đầu” trong “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố”.

Ngoài ra, làm được như thế, thế giới sẽ loại bỏ được hết mọi giả thuyết liên quan tới vụ khủng bố ngày 11-9-2001 được cho là do Ô-xa-ma Bin La-đen tổ chức chỉ huy. Còn cách làm của Mỹ vừa qua đã hạn chế tác dụng của thắng lợi này. Nhân đây, thiết nghĩa nên nhớ lại cách ứng xử đối với những tên trùm phát xít bại trận trong Chiến tranh thế giới lần thứ II. Lúc đó, chính phủ Anh đề nghị ngay lập tức treo cổ chúng sau khi bị bắt sống. Nhưng Tổng Tư lệnh tối cao của Liên Xô hồi đó là Xta-lin và Tổng thống Mỹ Tơ-ru-man lại có ý kiến khác. Hai ông cho rằng: cần phải tổ chức một tòa án quốc tế đặc biệt để xét xử một cách minh bạch, rõ ràng, có đầy đủ chứng cứ, về những tội ác chống lại loài người của bọn quốc xã. Làm được như thế mới tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phát xít và làm nhẹ bớt lương tâm của các thế hệ người Mỹ cũng như toàn thể loài người. Và Tòa án quốc tế Nu-rum-be đã được tổ chức để xét xử công khai, minh bạch về tội ác chống lại loài người của những tên trùm phát xít và vì thế đã đi vào lịch sử là tòa án kết tội đanh thép đối với chủ nghĩa quốc xã diệt chủng.

Rất tiếc, Mỹ đã không làm được như như vậy một khi họ đã từng phát động “cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố”, được ví như “cuộc chiến tranh thế giới lần thứ III”.

Thực trạng cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố

Đến thời điểm này, cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố do Tổng thống Mỹ phát động sau sự kiện 11-9-2011 đã trải qua gần 10 năm. Trong thời gian gần một thập kỷ chống khủng bố, thế giới chứng kiến một nghịch lý chưa có lời giải là Mỹ càng tuyên bố nỗ lực chống khủng bố, thì số lượng các vụ khủng bố càng tăng thêm cả về quy mô cũng như tính chất nghiêm trọng, nhằm vào nhiều đối tượng khác nhau trên khắp các châu lục như các nước châu Âu, các nước châu Phi, Nga, Ap-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan v.v.. Đặc biệt, sau khi mượn cớ tiến hành “chiến tranh chống khủng bố”, Mỹ đã bị sa lầy trên hai chiến trường “chống khủng bố” chính là Ap-ga-ni-xtan và I-răc.

Hiện nay, các lực lượng khủng bố ngày càng liên kết với các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia như buôn lậu ma tuý, buôn lậu vũ khí, ma-phia v.v.. hình thành nên mạng lưới khủng bố rất nguy hiểm, rất khó đối phó, đe dọa sự bình yên của nhiều quốc gia trên khắp các châu lục. Thí dụ điển hình nhất về sự thâm nhập này là, trước khi Mỹ tiến hành cuộc chiến chống khủng bố ở Ap-ga-ni-xtan, hoạt động sản xuất và buôn lậu ma tuý ở nước này đã từng một thời bị Ta-li-ban hạn chế đáng kể, thì sau khi Mỹ tiến hành “cuộc chiến chống khủng bố” ở Ap-ga-ni-xtan, theo số liệu của Liên hợp quốc, hoạt động sản xuất và buôn lậu ma tuý tăng lên 40 lần và cái chết trắng ồ ạt lan sang các nước Trung Á, Nga và các nước châu Âu. Đây là một nghịch lý chưa có lời giải.

Sở dĩ có tình trạng này là do thế giới vẫn chưa giải quyết được 3 vấn đề then chốt trong cuộc chiến chống khủng bố.

Một là, các nước trên thế giới lý giải và hiểu theo nhiều cách khác nhau về khái niệm “khủng bố”. Trên thế giới hiện có tới hơn 100 định nghĩa về khủng bố, trong đó có ít nhất một nửa định nghĩa trong số đó mâu thuẫn nhau. Công ước chung về chống khủng bố quốc tế mặc dù được tiến hành xây dựng từ năm 1996 đến nay vẫn đang là dự thảo vì còn nhiều ý kiến bất đồng xung quanh định nghĩa về “chủ nghĩa khủng bố”. Do cách hiểu và cách lý giải khác nhau nên các nước dùng các tiêu chí khác nhau để xác định một tổ chức nào đó hay một lực lượng nào đó là khủng bố.

Thí dụ, Mỹ coi tổ chức vũ trang Ha-mat của Pa-le-xtin là khủng bố, trong khi đó Nga lại không công nhận như vậy và có quan hệ ngoại giao bình thường với tổ chức này. Trong khi Mỹ coi I-rắc có liên quan tới mạng lưới khủng bố An Kê-đa để lấy đó như một trong những nguyên cớ để phát động cuộc chiến tranh I-rắc năm 2003, nhưng trên thực tế sau khi Mỹ chiếm đóng I-rắc, hoạt động khủng bố tại đây phát triển mạnh chưa từng có.

Một thí dụ điển hình nữa các trùm khủng bố tàn bạo nhất, đã từng gây ra các vụ đẫm máu ở Nga, lại sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật ở Anh, Ba Lan và một số nước khác. Còn ở Phần Lan, các lực lượng khủng bố tàn bạo nhất ở Bắc Cap-ca, đã từng tiến hành nhiều vụ khủng bố ở Nga, lại có hẳn trang web để tuyên truyền khủng bố nhằm vào Nga và các nước khu vực bắc Cap-ca.

Hai là, các tổ chức và lực lượng khủng bố hình thành từ đâu? Vì không thống nhất được nhận thức khủng bố xuất phát từ đâu nên chưa thể triệt phá tận gốc căn nguyên sinh ra khủng bố và vì thế hiệu quả chống khủng bố rất thấp, sau khi Mỹ chiếm đóng Ap-ga-ni-xtan và I-rắc, hoạt động khủng bố càng lan rộng ở hai quốc gia này.

Ba là, chống khủng bố bằng phương tiện gì? Nhiều nước cho rằng, để chống khủng bố, trước hết cần sử dụng lực lượng tình báo, cảnh sát, mật vụ, các biện pháp kinh tế và tuyên truyền vận động. Nhưng Mỹ lại sử dụng bộ máy quân sự lớn nhất thế giới của Mỹ để chống khủng bố. Vậy nên, nhiều người cho rằng Mỹ muợn cớ “chống khủng bố” để hiện diện quân sự tại những địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng như Ap-ga-ni-xtan, một số nước Trung Á và I-răc, nơi tập trung các nguồn tài nguyên chiến lược rất cần cho các nước công nghiệp phát triển. Hiện nay, ở những quốc gia này đã có hàng chục căn cứ quân sự của Mỹ.

Cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố sẽ ra sao trong thời kỳ “hậu Ô-xa-ma Bin La-đen”?

Một số người cho rằng, sự kiện trùm khủng bố Ô-xa-ma Bin La-đen bị Mỹ tiêu diệt sẽ tạo ra tiến bộ đột phá trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố trong thời kỳ “hậu Ô-xa-ma Bin La-đen”. Tuy nhiên, xuất phát từ thực trạng cuộc chiến chống khủng bố, thì việc Ô-xa-ma Bin La-đen bị tiêu diệt sẽ không tạo ra sự chuyển biến tích cực có tính đột phá trong cuộc chiến này. Cựu Phó Tổng thống Mỹ Đich Che-ni cũng đã từng tuyên bố, tiêu diệt trùm khủng bố Ô-xa-ma Bin La-đen không quan trọng bằng tiến công tiêu diệt mạng lưới khủng bố An Kê-đa.

Để tạo ra sự đột phá trong cuộc chiến chống khủng bố, thế giới phải giải quyết được 3 vấn đề đã đề cập ở trên. Muốn thế, tất cả các nước trên thế giới cần có nỗ lực chung, chứ không riêng một quốc gia nào.

Còn một câu hỏi được giới phân tích đặt ra là: trên chiến trường Ap-ga-ni-xtan, nơi Mỹ đã từng phát động cuộc chiến ở quốc gia này với lý do chính là “để truy tìm Ô-xa-ma Bin La-đen”. Vậy, sau cái chết của Ô-xa-ma Bin La-đen, Mỹ có còn lý do hiện diện ở quốc gia này nữa hay không?

Nếu nói Mỹ phát động cuộc chiến Ap-ga-ni-xtan với lý do là “để truy tìm Ô-xa-ma Bin La-đen”, thì đó chỉ là nói theo danh nghĩa. Còn trên thực tế, phát động cuộc chiến tranh ở Ap-ga-ni-xtan, cũng như chiến tranh I-rắc, Mỹ muốn mượn cớ “chống khủng bố” để hiện diện quân sự tại hai địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng trong cuộc cạnh tranh địa - chính trị trong thế kỷ XXI.

Nhìn lên bản đồ thế giới, ta thấy Ap-ga-ni-xtan nằm lọt vào giữa bốn nước là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và I-ran có vai trò và vị trí cực kỳ quan trọng đối với chiến lược toàn cầu của Mỹ. Ông Brê-din-xki, đương kim cố vấn chính trị cho Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma, đã từng dự báo trong những năm 1990 rằng: Ap-ga-ni-xtan là một trong những địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng trên “bàn cờ lớn” trong thế kỷ XXI.

Vậy nên, “chiến trường chống khủng bố” Ap-ga-ni-xtan sắp tới đây sẽ ít phụ thuộc vào việc Ô-xa-ma Bin La-đen bị tiêu diệt, mà là phụ thuộc vào sự điều chỉnh chiến lược toàn cầu của Mỹ theo “Học thuyết Ô-ba-ma” và có liên quan tới cục diện chính trị quốc tế chung, trong đó trước hết phải kể đến các sự kiện trên toàn bộ khu vực Trung Đông Lớn, trong đó có các sự kiện đang diễn biến hết sức năng động, đầy bất ngờ và tiềm ẩn những động thái khó dự báo trước ở khu vực châu Phi và Trung Đông. /.