Tại sao châu Âu cần Thổ Nhĩ Kỳ?
“Cầu nối” năng lượng của EU
Trong những năm qua, có thể thấy, vấn đề chính trị hóa đường ống dẫn dầu, khí đã được các nước đặc biệt quan tâm. Trường hợp tranh chấp khí đốt giữa Nga - U-crai-na năm 2009 là một minh chứng rõ nét nhất. Cuộc khủng hoảng này diễn ra khá ngắn, nhưng lại cho thấy Nga đã không ngần ngại sử dụng nguồn cung cấp khí đốt để đạt được mục đích cả về kinh tế lẫn chính trị. Trong khi đó, châu Âu lại phụ thuộc rất lớn từ nguồn cung năng lượng của Nga, 42% khí đốt tự nhiên của châu Âu được cung cấp bởi Nga. Hiện nay, đường ống North Stream (dòng chảy phương Bắc), dài 1.220 km và có công suất 55 tỉ m3/năm, bắt nguồn từ cảng Vyborg của Nga tới khu vực Greifsvald của Đức, dự kiến cung cấp khí đốt cho Đức, Anh, Hà Lan, Pháp và Đan Mạch. Đồng thời nó cũng được sử dụng như một công cụ chiến lược của Nga đối với các nước Tây Âu trong tương lai.
Với vị trí thuận lợi, Thổ Nhĩ Kỳ có sự gần gũi về địa lý với những quốc gia giàu khí tự nhiên như A-dec-ban-dan, Ca-dăc-xtan, I-ran, Tuốc-mê-ni-xtan, và thậm chí cả với Ai Cập. Thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã rất nỗ lực hợp tác với các nước, tích cực chuyển mình thành một trung tâm năng lượng lớn, hoạt động như một “cầu nối” giữa trung tâm sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới đến người tiêu dùng năng lượng châu Âu. Dù không phải là quốc gia xuất khẩu năng lượng nhưng Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia quan trọng có các tuyến đường vận chuyển khí từ lưu vực Ca-xpi, Trung Á và khu vực Trung Đông đến với châu Âu. Trong khi đó, EU lại phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp năng lượng đến từ bên ngoài: khoảng 90% nhu cầu dầu mỏ, 80% nhu cầu khí đốt và 50% liên quan đến năng lượng than. Trong khi đó, bất ổn chính trị và bạo lực chắc chắn sẽ làm gián đoạn lâu dài nguồn cung cấp năng lượng từ Li-bi, Ai Cập và An-giê-ri sang châu Âu và càng làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung cấp từ Nga. Bởi vậy, vai trò cầu nối năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ đang được EU đặc biệt quan tâm và nếu Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, nó còn trợ giúp châu Âu bảo đảm được vấn đề an ninh năng lượng của mình.
Bảo đảm an ninh quốc phòng
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã là một phần của “kiến trúc” an ninh châu Âu. Gần ba thập kỷ trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã có được một tư cách thành viên ảo trong Liên minh Tây Âu (WEU). Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nước có nhiều binh sĩ tham gia gìn giữ hòa bình tại Áp-ga-ni-xtan, nhiều hơn các nước EU và là quốc gia Hồi giáo duy nhất tham gia NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể mang lại lợi thế đáng kể cho EU về mặt quốc phòng, an ninh nếu họ là thành viên EU. Bởi thực tế những năm qua, EU vẫn phụ thuộc khá lớn vào “chiếc ô an ninh” của Mỹ nhưng không phải lúc nào Mỹ cũng bảo vệ lợi ích của châu Âu “trong mọi tình huống”. Châu Âu có thể chia sẻ gánh nặng an ninh của mình, và Thổ Nhĩ Kỳ là rất quan trọng trong trường hợp này. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là đội quân lớn thứ hai trong NATO, sau Mỹ, và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một trong mười nước lớn nhất thế giới.
Thổ Nhĩ Kỹ có những thế mạnh không thể phủ nhận, đặc biệt trong các vấn đề an ninh khu vực do lợi thế địa - chính trị. Với lợi thế địa lý đắc địa, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp giáp với Địa Trung Hải, Lưỡng Hà và biển Đen. Thổ Nhĩ Kỳ lại đang nổi lên là một cường quốc trong khu vực, là cầu nối giữa châu Âu và châu Á, nối giữa thế giới Hồi giáo và Cơ đốc giáo. Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là một trung tâm tự nhiên cho khu vực mà còn là một cửa ngõ để EU thâm nhập vào châu Phi và Trung Đông.
Với vị trí địa lý của mình, nếu Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên EU, các căn cứ tiền tiêu và hậu cần của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ tăng cường khả năng quân sự cho EU, đặc biệt nếu các sự kiện tương tự như “mùa xuân A-rập” có thể xảy ra trong tương lai. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ rất có kinh nghiệm trong chiến tranh du kích ở địa hình khó khăn (trước đây họ đã có cuộc đụng độ với quân nổi dậy người Kurd đòi ly khai). Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một nước có yếu tố văn hóa tương đồng với Trung Đông và các nước Hồi giáo, họ có thể là những lợi thế bổ sung cho các chính sách an ninh quốc phòng của EU. Bên cạnh đó, tăng cường chính sách quốc phòng, an ninh của EU bằng cách đưa khả năng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào cơ cấu an ninh quân sự EU sẽ nâng cao vị trí, vai trò của EU trên bàn cờ chính trị quốc tế. Cuối cùng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành một “mắt xích” quan trọng của châu Âu trong cuộc chiến chống khủng bố.
Nâng cao hình ảnh quốc tế của EU
Giới quan sát cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một “thánh địa chính trị” đối với thế giới Hồi giáo, đồng thời cũng là một đối tác không thể thiếu đối với phương Tây. Thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tích cực thực thi “quyền lực mềm” tại Trung Đông và họ đã có những ảnh hưởng tích cực tại đây. Việc áp dụng mô hình dân chủ kết hợp với Hồi giáo ôn hòa cũng đã nâng cao vị trí, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực.
Là nền kinh tế lớn thứ 6 ở châu Âu và thứ 17 trên toàn cầu, tăng trưởng GDP của Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn 2003-2010 đạt khoảng 6%/ năm cũng đã khuyến khích các quốc gia láng giềng thắt chặt hơn quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một trong những nền kinh tế G20 phát triển nhanh nhất, sau Trung Quốc và dự kiến sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở châu Âu vào năm 2050. Giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể tận dụng các yếu tố này để EU nhìn nhận Thổ Nhĩ Kỳ như một đối tác quan trọng của mình.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của EU, điều đó đồng nghĩa với việc ảnh hưởng của EU thông qua Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lan tỏa đến khu vực Trung Đông. Quyết định cải thiện quan hệ với Xi-ri, I-ran, I-răc và toàn bộ thế giới Hồi giáo thời gian qua đã đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào “trung tâm chính trị” của Trung Đông. Về lâu dài, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là đối tác quan trọng nhất của I-răc trong khu vực. Điều đáng nói hơn, hiện nay, nhiều người tin rằng, mô hình của Thổ Nhĩ Kỳ đang là mẫu hình cho sự chuyển tiếp tại Ai Cập “hậu Mu-ba-răc”. Thông qua hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, EU có thể góp phần hướng tới sự ổn định và dân chủ ở những nước Trung Đông - Bắc Phi hiện nay. Một Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU sẽ giúp châu Âu để nâng cao uy tín của mình trong thế giới A-rập. Quá trình cải cách ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được tăng tốc hơn nếu nước này có được động lực để trở thành thành viên EU.
Ở khía cạnh khác, sự suy giảm dân số của EU hiện nay cũng cần sự gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ có khoảng 72 triệu dân nhưng cơ cấu dân số của Thổ Nhĩ Kỳ là rất trẻ, sẽ bổ sung cho cơ cấu dân số già của EU hiện nay. Hơn nữa, một số quốc gia chống lại gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ có thể lại là những nước bị mất nhiều nhất nếu Thổ Nhĩ Kỳ không gia nhập EU. Hy Lạp cần Thổ Nhĩ Kỳ để Hy Lạp không phải là “bộ đệm đông nam của EU” và Cộng hòa Síp sẽ mất tất cả hy vọng cho sự thỏa hiệp và thống nhất đất nước nếu Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một phần của EU. Khi cánh cửa EU rộng mở với Thổ Nhĩ Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ hẳn sẽ có một động lực để đạt được một thỏa hiệp với Síp.
Châu Âu trong tương lai rõ ràng đang rất cần sự có mặt của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là việc trở thành thành viên của EU là “vô điều kiện”. Để cải thiện mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu, Ankara cần phải làm cho tiến trình chuyển đổi chính trị của mình trở nên minh bạch hơn, đồng thời cũng cần phải thuyết phục “những bộ óc hoài nghi” tại EU rằng: những thay đổi này không phải để tạo ra một “tân Ottoman” hoặc một trục Hồi giáo mới. Trái lại, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay dù có quyết đoán hơn và độc lập hơn nhưng vẫn sẽ tương thích với các giá trị dân chủ thế tục và các giá trị phương Tây.
Nhận ra những lợi thế địa chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ khi trở thành thành viên EU sẽ tạo thuận lợi cho quá trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ và ngược lại, điều này cũng sẽ khuyến khích các quốc gia thành viên EU có thiện ý hơn để hướng tới giải quyết những trở ngại trên con đường gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ./.
Được chăng hay chớ  (09/05/2011)
Dựa láng giềng gần, nhằm đối tác xa  (09/05/2011)
Để có một Quốc hội mới thực mạnh  (09/05/2011)
Ngư ông đắc lợi  (09/05/2011)
Chiếc cầu khó bắc qua hố ngăn cách Đông - Tây  (09/05/2011)
Quan hệ hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam - U-crai-na  (09/05/2011)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay