Theo báo cáo của Tập đoàn A.T. Kearney, Việt Nam được coi là thị trường đầu tư bán lẻ hấp dẫn nhất trong số 30 nước thuộc nhóm thị trường đang nổi lên. Thời điểm đến 1-1-2009 chỉ còn vài giờ, tuy nhiên, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thiếu chủ động.

Người tiêu dùng Việt Nam thuộc hàng trẻ nhất ở châu Á, với 79 triệu người ở tuổi dưới 65, và mức tiêu thụ đã tăng 75% trong giai đoạn 2000 - 2007. Tập đoàn bất động sản Savills đưa ra nhận định: những yếu tố tác động đến thị trường bán lẻ của Việt Nam là cơ sở vững chắc hứa hẹn đem lại lợi nhuận tại thị trường này. Báo Asahi của Nhật Bản cũng có báo cáo cho rằng, phân khúc siêu thị của Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm trong vòng 5 năm tới; thị trường thực phẩm bán lẻ ở Việt Nam đã tăng trưởng hơn 11% trong 5 năm qua.

Mặc dù tỷ lệ lạm phát tăng cao trong năm 2008, nhưng mức chi tiêu nói chung của người dân, nhất là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không giảm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu từ dịch vụ tại hai thành phố này tiếp tục tăng.

So với các kết quả nghiên cứu xếp hạng những năm gần đây của tập đoàn A.T. Kearney về thị trường bán lẻ Việt Nam cũng như về ngành phân phối thuộc “top” đầu bảng cũng cho thấy, trong lĩnh vực này đã có sự thay đổi lớn. Đó là chỉ số phát triển bán lẻ chung của Việt Nam năm 2004 đạt 76 điểm, đứng thứ 7; năm 2005, vươn lên đạt 79 điểm, đứng thứ 8 và đến năm 2007, với 84 điểm, Việt Nam đã vượt lên vị trí thứ 3. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng cho biết, nhóm 20% người giàu nhất Việt Nam chiếm tới 43,3% tổng chi tiêu của cả nước, so với 7,2% của nhóm 20% người nghèo nhất. Điều này có nghĩa là, một người ở nhóm giàu nhất chi tiêu nhiều gấp sáu lần một người trung bình ở nhóm nghèo nhất.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Thành (Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) nhận xét: mức tiêu dùng của người Việt Nam đã tăng đáng kể so với tốc độ tăng GDP trong vài năm gần đây; tỷ lệ tiết kiệm trong nước trên GDP chỉ tăng từ hơn 27% năm 2000 lên 31% trong các năm 2006 và 2007. Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa (Ngân hàng Nhà nước) nhận định: “Hàng hoá nước ngoài đang tràn ngập thị trường Việt Nam. Điều này cho thấy cầu tiêu dùng đang được đẩy lên rất cao”. Việc tăng tiêu dùng, nhất là từ nguồn nhập khẩu sẽ làm đảo lộn cán cân thanh toán vĩ mô, đây là một điều đáng lo ngại.

Ngày 1-1-2009 được coi là giờ “G” để hội nhập quốc tế đối với các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, thế nhưng, các doanh nghiệp này vẫn còn khá nhiều việc phải làm. Ông Richard Leech, Giám đốc điều hành công ty CB Richard Ellis Vietnam (CBRE) phân tích: sự phát triển của mặt bằng bán lẻ ở Việt Nam chưa tương xứng với thị trường, nhất là ở những thành phố lớn. Vấn đề nhân lực ở lĩnh vực này cũng đang nhức nhối với con số chỉ có từ 4% - 5% được đào tạo bài bản, phần lớn thiếu tính chuyên nghiệp, khả năng sử dụng ngoại ngữ rất hạn chế; bên cạnh thiếu tính cộng đồng và chậm thay đổi về tư duy. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội thừa nhận: Nhiều doanh nghiệp bán lẻ chưa nhìn nhận đúng vai trò của mình, chỉ dừng ở quy mô vừa và nhỏ. Cùng với nguồn vốn nhỏ, kinh nghiệm còn rất hạn chế do thời gian qua chưa chú trọng tới việc đào tạo nhân lực; công tác dự báo doanh thu cũng chưa tốt. Hiện nay, bên cạnh nhiều nhà bán lẻ Việt Nam biết chính xác khách hàng của họ là ai, vẫn còn một số khác không biết điều này. Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, nhiều doanh nghiệp bán lẻ chưa nhìn nhận đúng vai trò của người bán hàng cũng như khách hàng, nhất là hệ thống khách hàng quen thuộc - đối tượng đang đóng góp tới 60% doanh thu của siêu thị.

Ông Rik Mekkelholt, Giám đốc tư vấn bán lẻ công ty CBRE Việt Nam cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam bao gồm nhiều phân khúc, mỗi phân khúc sẽ bị ảnh hưởng khác nhau bởi sự cạnh tranh khi các nhà bán lẻ nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2009. Trừ phân khúc bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng (quần áo, giày dép, đồ gỗ, đồ gia dụng…) sẽ không bị ảnh hưởng cho đến thời điểm 1-1-2009 (khi các nhà bán lẻ có thể vào Việt Nam mà không cần phải liên kết với đối tác trong nước) thì các phân khúc khác của thị trường bán lẻ, các siêu thị sẽ phải chịu sự cạnh tranh lớn nhất.

Các chuyên gia cũng nhận định rằng, thời gian trước đây, tỷ trọng cho vay bán lẻ đã chiếm tương đối lớn trong tổng dư nợ của các các ngân hàng cổ phần Việt Nam và với tốc độ tăng khá nhanh. Tuy nhiên hiện tại, hầu hết các ngân hàng đã hạn chế các hoạt động cho vay bán lẻ (ngoại trừ cho vay cầm cố), chỉ duy trì cho vay đối với khách hàng đã có quan hệ lâu dài. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của tiêu dùng cá nhân và tác động trực tiếp đến nền kinh tế cũng như rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra thảo luận, mà một trong những giải pháp được sự ủng hộ của nhiều người là tạo ra một chỉ số dựa trên lãi suất huy động trung bình của các ngân hàng lớn và áp dụng một tỷ lệ biên độ nhất định để tạo trần lãi suất cho vay.

Cũng theo ông Rik Mekkelholt: các nhà bán lẻ nước ngoài có nhiều kinh nghiệm, nhưng có thể chưa đánh giá đúng về thị trường trong nước. Các nhà bán lẻ Việt Nam sẵn sàng đối phó với cạnh tranh, nhưng đồng thời phải chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ. Trong khi hầu hết các nhà đầu tư tập trung vào xây dựng văn phòng và khu nhà ở, mặt bằng cho bán lẻ đang dường như bị lãng quên. Vì vậy phải khuyến khích các nhà đầu tư trong nước quan tâm tới lĩnh vực này.

Ông Văn Vân Quyền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Nhà nước sẽ hỗ trợ các điều kiện về tiếp cận đất đai, tín dụng, nguồn thông tin, đào tạo nguồn nhân lực v.v… để Hiệp hội bán lẻ có thể hoạt động tốt hơn nữa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần có sự năng động trong việc liên kết với nhau để tăng thêm sức mạnh. Một trong các giải pháp là các nhà phân phối nhỏ có thể sát nhập, hợp nhất với những nhà phân phối lớn; bên cạnh đó, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cũng cần có sự đột phá trong tư duy và cách làm, thay vì vẫn duy trì tư tưởng và cách làm theo kiểu “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”./.