Mấy vấn đề về hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc
Hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là khái niệm do Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra, khác với trước đây, chỉ dùng từ lý luận mà chưa dùng từ hệ thống. Hệ thống lý luận được xác định tổng quát là hệ thống lý luận khoa học, bao gồm những lý luận, tư tưởng cơ bản: Lý luận Đặng Tiểu Bình; Tư tưởng quan trọng “ba đại diện”; Quan điểm phát triển khoa học.
Xung quanh vấn đề này, có thể xem xét trên 4 góc độ chủ yếu như sau: Chủ đề, giải quyết vấn đề như thế nào, các yếu tố hình thành, và những quan niệm chính.
1. Chủ đề của hệ thống lý luận
Chủ đề của hệ thống lý luận này được xác định là chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Có thể hiểu là việc vận dụng chủ nghĩa Mác vào thực tiễn Trung Quốc, hay nói một cách ngắn gọn là Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác. Trung Quốc xác định, từ Chiến tranh Nha phiến năm 1840 đến nay, đất nước luôn có 2 nhiệm vụ: giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước phồn vinh, giàu mạnh, đi lên khá giả. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã vận dụng chủ nghĩa Mác để giải quyết 2 nhiệm vụ này trên cơ sở kết hợp nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác với tư tưởng Mao Trạch Đông.
Năm 1978, Trung Quốc bước vào thời kỳ mới, đánh dấu bằng đường lối cải cách, mở cửa của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Hội nghị Trung ương 3, Khóa XI. Và từ đó, xây dựng chủ nghĩa xã hội Trung Quốc luôn được đề cập trong các kỳ Đại hội Đảng. Tháng 10-1987, Đại hội XIII: theo chủ nghĩa xã hội đặc sắc tiến lên. Tháng 7-1992, Đại hội XIV: Đẩy mạnh cải cách mở cửa, giành thắng lợi hơn nữa trong cải cách mở cửa, xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Tháng 9-1997, Báo cáo Chính trị Đại hội XV với chủ đề: giương cao ngọn cờ lý luận Đặng Tiểu Bình, xây dựng sự nghiệp xã hội chủ nghĩa hướng vào xây dựng toàn diện chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, hướng tới thế kỷ XXI. Tháng 11-2002, Báo cáo Chính trị Đại hội XVI, chủ đề: Giương cao ngọn cờ vĩ đại Đặng Tiểu Bình, quán triệt tư tưởng ba đại diện, xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Và tháng 7-2007, Đại hội XVII, chủ đề: giương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, phấn đấu xây dựng xã hội khá giả.
Có thể thấy, nội dung chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc luôn là chủ đề quán xuyến, xuyên suốt trong những năm qua ở Trung Quốc. Trong quá trình thực hiện đường lối cải cách mở cửa, Trung Quốc luôn kiên trì và phát triển mục tiêu đó. Nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, thành quả mới về sáng tạo lý luận của Trung Quốc là trên cơ sở sáng tạo thực tiễn, tìm kiếm, tìm tòi lý luận, phát triển khoa học...đều tập trung vào chủ đề chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, xoay quanh đó để phát triển. Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng, từ thực tiễn trên 160 năm Tuyên ngôn Đảng Cộng sản ra đời đến nay, cần có sự thay đổi nhận thức: Một là, chủ nghĩa xã hội luôn luôn vận động phát triển. Trên chặng đường phát triển của mình cũng có những khúc quanh co, khúc khuỷu. Hai là, xây dựng chủ nghĩa xã hội không chỉ có một mô hình thống nhất. Do đó, sao chép, sách vở, theo mô hình nước ngoài là không phù hợp. Xuất phát từ nhận thức đó, một nước xã hội chủ nghĩa phải xây dựng chủ nghĩa xã hội xuất phát từ thực tế của nước mình, có những đặc sắc riêng của mình.
Trên cơ sở những nhận thức trên, Đại hội XVII đã hệ thống hóa những kết quả sáng tạo về lý luận để hình thành hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Hệ thống lý luận luôn xuất phát từ thực tế đất nước để tổng kết, triển khai một cách phong phú và phát triển.
2. Thực hiện như thế nào? Bằng cách nào?
Cái gì là chủ nghĩa xã hội , làm thế nào để xây dựng chủ nghĩa xã hội đối với đất nước Trung Quốc - một nước có tình hình phát triển kinh tế - xã hội tương đối chậm, lịch sử lại chưa có tiền lệ, luôn là câu hỏi lớn đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc; và trong các tổng kết lý luận của Đảng đều tập trung tìm câu trả lời để chủ nghĩa xã hội mạnh hơn, thể hiện rõ tính ưu việt hơn. Đi liền với đó là vấn đề xây dựng Đảng Cộng sản - một đảng cầm quyền như thế nào, bằng cách nào, tại sao phải nêu ra? Vị thế của Đảng đã thay đổi từ lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền, nay là cầm quyền và cầm quyền lâu dài. Trong điều kiện kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, cải cách mở cửa, Đảng đang đứng trước vấn đề lớn và cấp bách là xây dựng Đảng đủ sức lãnh đạo, kiên trì xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Bởi vậy, cần hình thành một loạt quan điểm, tư tưởng, lý luận mới trong xây dựng Đảng. Hệ thống lý luận được xác định gồm: Lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng ba đại diện và quan điểm phát triển khoa học. Đây là một hệ thống các vấn đề về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
Vậy làm thế nào, như thế nào, bằng cách nào... Theo lý luận Đặng Tiểu Bình, con đường giải quyết là phát triển sức sản xuất, nắm vững cơ hội để phát triển...Dựa vào phát triển để giải quyết các vấn đề đặt ra, phát triển toàn diện cả vật chất, chính trị, tinh thần, lấy con người làm gốc. Phát triển vừa tốt, vừa nhanh và hài hòa.
3. Các bộ phận hợp thành
Hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc bao gồm một loạt các tư tưởng, lý luận, nhưng hiện chỉ nêu 3 tư tưởng lớn, đặt ra từ cải cách mở cửa đến nay. Hệ thống này giải đáp 2 câu hỏi: 1) Mối quan hệ giữa chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc với chủ nghĩa Mác. 2) Mối quan hệ giữa chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc với tư tưởng Mao Trạch Đông. Với chủ nghĩa Mác, Đảng Cộng sản Trung Quốc kiên trì các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác, coi chủ nghĩa Mác là khoa học phát triển, và phải được phát triển hơn nữa. Kiên trì lập trường của chủ nghĩa Mác, sự lãnh đạo của Đảng, các quan điểm khác về quần chúng, về phát triển. Kiên trì các nguyên tắc, sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn. Trung Quốc xác định kiên trì hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cũng tức là kiên trì chủ nghĩa Mác.
Với tư tưởng Mao, đường lối chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, thực tiễn sáng tạo đều thực hiện, triển khai từ năm 1978. Với lịch sử phát triển của Đảng, Hội nghị Trung ương 3, khóa XI là một bước ngoặt, giai đoạn mới của sự phát triển. Văn kiện không nói tư tưởng Mao, nhưng có quan hệ chặt chẽ với tư tưởng Mao về lý luận. Đây cũng là sự kế thừa và phát triển tư tưởng Mao, theo tinh thần: với những vấn đề đã làm, thì tiếp tục làm, quán triệt để làm tốt hơn nữa; với những việc làm chưa tốt, sẽ làm tốt hơn; những việc sai thì sẽ sửa sai.
1. Lý luận Đặng Tiểu Bình: Từ Hội nghị Trung ương 3, khóa XI, Đặng Tiểu Bình là đại biểu quan trọng đã nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn Trung Quốc với phương châm giải phóng tư tưởng và thực sự cầu thị. Điều đó đã tạo ra sự chuyển dịch công tác của toàn đảng hướng về xây dựng kinh tế, cải cách mở cửa, phát triển đất nước, hình thành phương châm phát triển Trung Quốc. Lý luận Đặng Tiểu Bình là bộ phận quan trọng, là cơ sở lý luận chính và tạo nêu khuôn khổ cơ bản của hệ thống lý luận mới của Trung Quốc. Nội dung lý luận Đặng là nội dung chủ yếu nhất của hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
2. Tư tưởng quan trọng “ba đại diện”: Từ Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, Giang Trạch Dân trở thành đại biểu chính, đi sâu nghiên cứu những vấn đề như quan niệm về chủ nghĩa xã hội, xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế nào, xây dựng Đảng ra sao... Từ tích lũy và tổng kết thực tiễn đã khái quát thành tư tưởng “ba đại diện”. Tư tưởng này là đóng góp lớn đối với hệ thống lý luận, là sự kế thừa, phát triển của lý luận Đặng Tiểu Bình. Nó đã nêu rõ, tìm tòi sâu sắc về đảng cầm quyền, xây dựng đảng cầm quyền, nêu ra nhiệm vụ cụ thể của Đảng trong giai đoạn hiện nay.
3. Quan điểm phát triển khoa học: Liên quan đến xây dựng xã hội hài hòa, xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa. Gồm hệ thống các giá trị cốt lõi: tăng tính tiên tiến của Đảng, con đường phát triển hòa bình, thúc đẩy thế giới phát triển hòa bình...Những quan điểm, tư tưởng phát triển nói trên đều xoay xung quanh quan điểm về phát triển một cách khoa học. Theo đó, cần đi sâu nghiên cứu lý luận chủ nghĩa xã hội, nhất là nêu rõ tình hình mới, và để thúc đẩy tiến trình phát triển thực tiễn ở Trung Quốc một cách khoa học.
Trung Quốc cũng cho rằng, thực tiễn sẽ làm phong phú hơn nữa hệ thống lý luận này.
4. Những quan điểm cơ bản của hệ thống lý luận
Hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc có một số quan điểm cơ bản có liên quan như sau:
1. Đường lối tư tưởng về xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là phải giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị, tiến cùng thời đại. Theo đó, thực sự cầu thị là cách nói rõ ràng nhất về đường lối. Tiến cùng thời đại là bản chất lý luận chủ nghĩa Mác. Giải phóng tư tưởng là bảo bối lớn trong quá trình phát triển. Chỉ có kiên trì tư tưởng, đường lối đổi mới, mới mãi mãi phát triển, làm cho chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc ngày càng sâu sắc và rộng mở.
2. Về giai đoạn phát triển và chiến lược phát triển của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Hiện Trung Quốc vẫn ở vào giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội. Giai đoạn này, theo Đặng Tiểu Bình, ít nhất hàng trăm năm. Nếu như vậy, 20 năm đầu thế kỷ này là xây dựng xã hội khá giả Trung Quốc. Trong quá trình xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển đất nước, phải căn cứ vào tình hình cơ bản của đất nước.
3. Về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc - cải cách và mở cửa. Trung Quốc cho rằng, cải cách và mở cửa là một cuộc cách mạng mới, là con đường tất yếu xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc; do đó, quá trình thực hiện cải cách mở cửa thì phải kết hợp với kế thừa, sử dụng thành quả văn minh của các nước để xây dựng xã hội văn minh Trung Quốc.
4. Bản chất của chủ nghĩa xã hội là phát triển sức sản xuất, giải phóng tư tưởng, tiêu diệt bóc lột,... , tất cả cùng tiến lên. Nhiệm vụ căn bản của chủ nghĩa xã hội là tập trung phát triển lực lượng sản xuất xã hội, đưa phát triển sức sản xuất lên hàng đầu, toàn tâm, toàn ý mưu cầu cho phát triển.
5. Về chế độ kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc: kiên trì chế độ công hữu làm chủ thể, dẫn dắt các thành phần kinh tế phi công hữu cùng phát triển; chế độ sở hữu đa dạng cùng phát triển, nhưng không lay chuyển chế độ công hữu. Hình thành cục diện mới về kinh tế, các chế độ sở hữu cạnh tranh, bình đẳng, cùng phát triển.
6. Đường lối đổi mới phát triển, nhấn mạnh phát triển là đạo lý. Nhiệm vụ hàng đầu của Đảng và Nhà nước là chấn hưng đất nước.... xây dựng đời sống nhân dân giàu có, môi trường sinh thái tốt lành, xây dựng xã hội phát triển thân thiện với môi trường, lấy con người làm gốc... phát triển hài hòa và bền vững. Phải kiên trì phương châm: vừa tốt, vừa nhanh.
7. Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc với phát triển khoa học. Khoa học - kỹ thuật là lực lượng sản xuất vật chất hàng đầu, phát triển lực lượng sản xuất không tách rời khoa học - kỹ thuật. Xây dựng và phát triển kinh tế phải dựa vào khoa học và tố chất con người.
8. Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc. Vấn đề không phải là kế hoạch nhiều hơn hay thị trường nhiều hơn, mà xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa là làm cho thị trường phát huy vai trò trong việc phân phối tài nguyên, các nguồn lực theo sự chỉ đạo của Nhà nước và nâng cao năng lực quản lý vĩ mô của Nhà nước.
9. Tư tưởng nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc. Dân chủ là sức mạnh. Kiên trì phát triển đường lối chính trị, kiên trì sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân làm chủ, hoạt động theo luật pháp, tiến hành cải cách hành chính, xây dựng đất nước pháp trị xã hội chủ nghĩa.
10. Xây dựng văn hóa tiên tiến đặc sắc Trung Quốc. Chủ nghĩa xã hội không chỉ có văn minh vật chất mà còn có văn minh tinh thần cao độ. Kiên trì xây dựng hệ thống chính trị cốt lõi, phát triển của văn hóa xã hội chủ nghĩa, văn hóa sáng tạo... nâng cao sức mạnh của văn hóa quốc gia, làm cho quyền lợi văn hóa, sinh hoạt văn hóa của nhân dân ngày càng tăng lên.
11. Xây dựng xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc. Đó là xã hội hài hòa gắn bó khăng khít với hạnh phúc, an khang của nhân dân, đáp ứng các yêu cầu: dân chủ, giá trị, tín nghĩa, yên ổn, có trật tự... theo nguyên tắc tồn tại cùng phát triển, thúc đẩy xây dựng xã hội hài hòa.
12. Chiến lược ngoại giao quốc tế đặc sắc Trung Quốc. Ổn định và phát triển là hai chủ đề lớn trên thế giới hiện nay. Trung Quốc kiên trì chính sách độc lập, tự chủ, hòa bình, luôn coi trọng con đường giải quyết hòa bình để phát triển; xây dựng phát triển thế giới hài hòa cùng phát triển phồn vinh.
13. Xây dựng quốc phòng và quân đội xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc chiếm một vị trí quan trọng trong tổng thể sự nghiệp chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Kiên trì sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng với quân đội. Thực hiện yêu cầu cụ thể: kỷ luật nghiêm minh, tăng cường xây dựng lực lượng...
16. Hạt nhân lãnh đạo của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là Đảng Cộng sản. Đảng Cộng sản Trung Quốc là hạt nhân lãnh đạo kiên cường của sự nghiệp chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Đảng cần lấy tinh thần cải cách sáng tạo tăng cường tự xây dựng mình, không ngừng mở ra cục diện mới trong xây dựng và phát triển đất nước.
16 điều nêu trên là khuôn khổ cơ bản của hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, và trong tiến trình phát triển, sẽ còn được tiếp tục nghiên cứu và tổng kết./.
Quy hoạch bền vững - nhân tố góp phần giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường Đồng bằng sông Cửu Long  (31/12/2008)
Quân khu 3 thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia  (31/12/2008)
Năm 2008: Thế giới đứng trước những biến chuyển có tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu  (31/12/2008)
Từ ngày 01-01-2009, các doanh nghiệp bắt đầu trả lương theo mức lương tối thiểu mới  (31/12/2008)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay