Thường trực Chính phủ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020
TCCS - Ngày 29-11-2019, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp với một số bộ, ngành về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 (dự thảo Nghị quyết 01).
Tại cuộc họp, các đại biểu góp ý về một số nội dung chính của dự thảo Nghị quyết 01 thường được ban hành ngay đầu năm gồm phương châm hành động và các trọng tâm chỉ đạo, điều hành.
Theo tinh thần đổi mới của Thủ tướng, từ năm 2018 đến nay, Nghị quyết 01 ngày càng ngắn gọn, cô đọng, trọng tâm, trọng điểm hơn, với kết cấu gồm 2 phần: Phần những nhiệm vụ quan trọng nhất; phần phụ lục kèm theo là các chỉ tiêu, nhiệm vụ giao cho các bộ, ngành được sử dụng để theo dõi, tổng kết và đánh giá tình hình thực hiện. Nghị quyết 2018 có danh mục nhiệm vụ cụ thể gồm 242 nhiệm vụ, năm 2019 còn 186 nhiệm vụ.
Các ý kiến tại cuộc họp tán thành phương hướng xây dựng dự thảo ngắn gọn, cô đọng, có trọng tâm, trọng điểm, tạo điểm nhấn cho công tác chỉ đạo, điều hành cả năm 2020, năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập nước, là năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Một số ý kiến đề xuất Nghị quyết cần đưa ra kịch bản tăng trưởng từng quý, cả năm và bảng phụ lục về các chỉ tiêu cần ngắn gọn hơn nữa, với mỗi ngành, chỉ nêu 1 - 2 chỉ tiêu chủ chốt. Bên cạnh đó, cần tạo sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo cho các bộ, ngành trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là ứng phó với những vấn đề mới nảy sinh do bối cảnh, tình hình khu vực và quốc tế còn nhiều diễn biến khó lường.
Ghi nhận các ý kiến, phát biểu kết luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, làm sao nêu bật được những vấn đề cần thiết của năm 2020, bảo đảm chất lượng cao, trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ sắp tới.
Thủ tướng cho biết, năm 2019, chúng ta đã thực hiện Nghị quyết 01, 02 đạt kết quả toàn diện, là năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành tất cả 12/12 chỉ tiêu, nhất là cải thiện đời sống nhân dân.
Về nội dung Nghị quyết, Thủ tướng định hướng, phần lời ngắn gọn, cô đọng, tập trung vào các giải pháp trọng tâm, tạo điểm nhấn trong công tác chỉ đạo, điều hành; nên có phụ lục cụ thể hóa mục tiêu thành hệ thống chỉ tiêu Chính phủ giao để đôn đốc, kiểm tra. Tập trung vào nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, điểm cần nhấn mạnh trong chỉ đạo, điều hành theo từng lĩnh vực. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao xác định rõ nội dung chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai Nghị quyết.
Thủ tướng đề nghị cách viết cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sát thực tiễn, dễ thực hiện. Hạn chế tối đa những nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương. Tinh thần là bám sát nội dung, cụ thể hóa kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt, phải đưa ra những giải pháp mới, tạo đột phá trong các ngành, lĩnh vực tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình. Trong đó, phải chỉ ra những thách thức lớn, nhiều ngành, lĩnh vực còn rất khó khăn mà chúng ta phải lường hết để có giải pháp, như điện tử, ô tô, xe máy, nông sản xuất khẩu…, dễ có nguy cơ dẫn đến đà tăng trưởng chậm.
Gợi ý một số trọng tâm, Thủ tướng cho rằng, cần chỉ ra vướng mắc trong công tác xây dựng thể chế, pháp luật một cách cụ thể. Thể chế, chính sách phải tạo thuận lợi cho sự phát triển, phân cấp mạnh mẽ, giao quyền chủ động cho ngành, địa phương tốt hơn nữa, nhất cho địa phương, hạn chế xin - cho, đặc biệt là giải phóng được nguồn lực, giải phóng sức sản xuất.
Thủ tướng nêu rõ, phải thực hiện đồng thời vừa giữ vững nền tảng ổn định vĩ mô, vừa phải tạo thêm dư địa chỉ đạo, điều hành để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng. Chính sách tiền tệ phải đạt các mục tiêu cơ bản là bảo đảm lạm phát không quá 4%, đạt mức tăng trưởng cần thiết. Chính sách tài chính cần chủ động trước thực tế, nhiều lĩnh vực cần vốn mà không giải ngân được. Nghị quyết phải xác định rõ tiềm năng, dư địa tăng trưởng của đất nước; đồng thời cần có chế tài mạnh, quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu.
Thủ tướng nêu rõ, phải có đột phá trong áp dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 trong năm 2020, đó là chính phủ điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, tài chính thông minh, thương mại điện tử, khởi nghiệp sáng tạo… Đây là yếu tố then chốt cơ cấu lại nền kinh tế, là dư địa tăng trưởng tốt. Không chỉ chú trọng kinh tế mà phải chú trọng văn hóa, xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Nghị quyết phải nêu giải pháp cụ thể chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng bị thiên tai. Kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, trong đó lập phương án tốt nhất về kế hoạch hành động triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 vừa được Quốc hội thông qua.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới việc giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, giải phóng nguồn lực đất đai.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Ngoại giao có trách nhiệm đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để Việt Nam thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế./.
Nguyễn Hữu (tổng hợp)
- Quyết tâm đưa Vĩnh Phúc cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Tỉnh Vĩnh Phúc và iMarket Việt Nam ký kết Bản ghi nhớ về việc nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp và sân golf
- Vĩnh Phúc sẽ phân bổ, giao chi tiết vốn đầu tư công năm 2025 cho các dự án trước ngày 31-12-2024
- Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc: Phấn đấu năm 2025 nằm trong top 10 về chuyển đổi số
- Vĩnh Phúc: Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm