Sự phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ và quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong những thập niên tới
TCCS - Sức mạnh tổng hợp của Ấn Độ trong những năm gần đây đang tăng lên nhanh chóng. Sự “trỗi dậy” đó về cơ bản được cộng đồng quốc tế đón nhận tích cực. Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ có bề dày truyền thống, hữu nghị và quá trình hợp tác liên tục qua các thời kỳ; do vậy, Việt Nam luôn ủng hộ sự phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ, vì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực.
Một Ấn Độ mạnh mẽ trên trường quốc tế
Sức mạnh tổng hợp của Ấn Độ ngày một gia tăng trong những năm gần đây. Theo nhiều đánh giá quốc tế, sau Mỹ, Trung Quốc và Nga, Ấn Độ được cho là quốc gia còn lại trên thế giới có khả năng tạo ảnh hưởng đáng kể trong quan hệ quốc tế, dần trở thành một cực quan trọng trong thế giới đa cực. Về “sức mạnh cứng”, Ấn Độ đã trở thành quốc gia đông dân số nhất, chiếm 1/6 dân số thế giới. Dự kiến độ tuổi lao động (từ 20 đến 59 tuổi) đạt đỉnh 60% dân số vào năm 2041. Với lợi thế nhân khẩu học và dân số trẻ, Ấn Độ có thể thay thế Trung Quốc trở thành đại công xưởng và nguồn cung lao động lớn nhất thế giới. Lợi thế nội sinh, nội nhu giúp Ấn Độ có thêm động lực phát triển kinh tế, không bị phụ thuộc vào xuất khẩu.
Nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng rất nhanh, từ đứng thứ mười thế giới vào năm 2014, lên vị trí thứ năm thế giới vào năm 2023 với quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 3.100 tỷ USD và được dự báo đứng thứ ba thế giới vào năm 2030 với GDP hơn 7.000 tỷ USD(1). Các thống kê tăng trưởng khác thể hiện khá đồng đều trong các chỉ số liên quan đến kinh tế, như đứng thứ ba thế giới về số lượng kỳ lân công nghệ(2) với 111 công ty(3), đứng thứ ba thế giới về số lượng tỷ phú với 169 người(4), là công xưởng công nghệ thông tin mạnh nhất thế giới(5), hiện có hơn 850 triệu người dân Ấn Độ sử dụng điện thoại thông minh và internet(6). Theo Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), Ấn Độ đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất từ trước đến nay, đạt 109 tỷ USD trong năm tài khóa 2020 - 2021, đứng thứ bảy thế giới(7).
Cùng với sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự của Ấn Độ cũng được đầu tư đáng kể. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quốc phòng Ấn Độ năm 2022 gần 82 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2021 và 47% so với năm 2013, đứng thứ tư thế giới(8). Quân đội Ấn Độ có hơn 1,45 triệu lính thường trực, đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc(9). Trong các hoạt động quốc tế, Ấn Độ thể hiện vị thế nước lớn khi cử hơn 6.700 nhân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (tháng 2-2024), đứng thứ tư trong số các nước cử quân(10). Về năng lực hạt nhân tổng hợp, Ấn Độ đứng thứ 6 thế giới. Về sức mạnh quân sự tổng hợp, Ấn Độ được dự đoán sẽ đứng thứ ba thế giới vào năm 2030.
Không chỉ vậy, Ấn Độ còn có sức hấp dẫn “sức mạnh mềm” của một quốc gia có lợi thế từ một nền đại dân chủ, thể chế chính trị ổn định; nền văn minh sông Hằng, văn hóa lâu đời với nhiều tôn giáo lớn cùng chung sống hòa hợp; đất nước đa ngôn ngữ, với hệ giá trị văn học, nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc, Yoga, Bollywood, truyền thống đặc sắc; tư tưởng minh triết, yêu hòa bình, bất bạo động, không liên kết có tính lan tỏa cao (thể hiện qua tư tưởng của Đức Phật, Mahatma Gandhi, Jawaharlal Nehru, R. Tagore, sử thi Mahabharata...)(11). Ấn kiều cũng là một nguồn “sức mạnh mềm” đáng kể của Ấn Độ khi là cộng đồng dân nhập cư lớn thứ hai thế giới(12), khá thành công tại một số nước.
Trên trường quốc tế, tiếng nói và vị thế của Ấn Độ tăng lên đáng kể. Hội nghị thượng đỉnh “Tiếng nói Nam Bán cầu” do Ấn Độ chủ trì tháng 1-2023 đã thu hút 125 quốc gia tham gia, thể hiện “sức mạnh, uy tín và năng lực tập hợp” của Ấn Độ. Ấn Độ là nước trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) duy nhất đáp ứng Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, có năng lượng tái tạo chiếm hơn 40% nguồn năng lượng quốc gia, đạt trước 9 năm so với mục tiêu đến năm 2030; là nước cung cấp thuốc và vaccine cho 150 quốc gia trong đại dịch COVID-19 (Ấn Độ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu vaccine toàn cầu). Bên cạnh đó, Ấn Độ là thành viên sáng lập Phong trào Không liên kết và đóng vai trò nòng cốt trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), nhóm “Bộ Tứ” (QUAD), G20, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Liên minh Năng lượng mặt trời quốc tế (ISA), Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI); các cơ chế khu vực như Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA), Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC), Sáng kiến vịnh Bengal về hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa ngành (BIMSTEC), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong - sông Hằng (MGC). Ấn Độ có mạng lưới liên kết kinh tế rộng mở với tất cả các nước, các khu vực, trong đó Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) lần lượt là ba đối tác kinh tế lớn nhất, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đứng thứ năm, Nga đứng thứ bảy. Hiện nay, Ấn Độ đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với 54 nước trên toàn cầu. Tháng 9-2023, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới phóng thành công đưa tàu vũ trụ đổ bộ lên mặt trăng (sau Mỹ, Nga, Trung Quốc), đánh dấu bước tiến nhảy vọt về công nghệ chinh phục không gian.
Theo các chuyên gia, đến năm 2030, Ấn Độ có thể trở thành cường quốc toàn cầu, có cơ hội lớn trở thành Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nếu cơ chế được mở rộng; đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc định hình một trật tự quốc tế mới theo hướng tích cực, đa trung tâm, đa tầng nấc.
Chính sách đối ngoại rộng mở
Chính sách đối ngoại xuyên suốt các thời kỳ của Ấn Độ là hướng tới mục tiêu trở thành cường quốc toàn cầu. Ấn Độ luôn ý thức là một “cường quốc tự nhiên” của thế giới. Niềm tin này bắt nguồn từ sự vĩ đại của nền văn minh sông Ấn, sông Hằng rực rỡ, là một thực tế khách quan mà các quốc gia khác phải thừa nhận và có sự ứng xử phù hợp. Theo cựu Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, “Ấn Độ là một quốc gia quá lớn để bị đóng hộp vào bất kỳ liên minh, thỏa thuận khu vực hoặc tiểu khu vực nào, cho dù là thương mại, kinh tế hay chính trị”(13). Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đưa ra mục tiêu “một Ấn Độ đang trỗi dậy phải có được vị thế xứng đáng hơn trên trường quốc tế”, “vươn lên trở thành một cực trong hệ thống quốc tế đa cực, đa trung tâm”(14). Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar khẳng định: “Ấn Độ là một nền kinh tế 3.000 tỷ USD và lớn thứ năm thế giới, Ấn Độ đủ lớn để đứng riêng”(15) và “Ấn Độ đã đặt ra cho mình một sứ mệnh trở thành một trong những quốc gia lãnh đạo thế giới”(16).
Cùng với quyết tâm chính trị và sức mạnh tổng hợp gia tăng, mục tiêu chiến lược đối ngoại của Ấn Độ giai đoạn này là vươn lên trở thành một cực trong hệ thống quốc tế đa cực, đa trung tâm. Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đề cao tư duy “tự chủ chiến lược”, có sự thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại, từ “không liên kết” sang “đa liên kết”, tích cực tham gia các vấn đề khu vực, quốc tế, từ “ưu tiên láng giềng” sang “láng giềng trên hết”, từ “Nhìn về phía Đông” đến “Hành động hướng Đông”; đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; tăng cường quan hệ với các khu vực như Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi(17). Về triển khai đối ngoại, Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đã thể hiện là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, chủ động và tích cực khi thực hiện 74 chuyến thăm tới hơn 66 nước trên thế giới, kể từ khi ông nhậm chức năm 2014 đến nay(18).
Năm 2024 là năm quan trọng đối với Ấn Độ khi nước này bước vào cuộc tổng tuyển cử quốc gia, bầu người lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Ấn Độ hiện có hơn 2.500 đảng, nhưng về cơ bản chính quyền do Đảng Quốc đại (INC) và Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) thay nhau cầm quyền. Với uy tín cao của Đảng BJP và cá nhân Thủ tướng Ấn Độ N. Modi, Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do BJP lãnh đạo đã dành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện đầu tháng 6-2024 với 292/543 ghế. Đồng thời, Thủ tướng N. Modi đã ghi danh vào lịch sử Ấn Độ khi nắm giữ ba nhiệm kỳ liên tiếp. Nếu không có gì thay đổi bất ngờ, chính quyền của Thủ tướng N. Modi sẽ nắm quyền ổn định đến năm 2029, chính sách đối ngoại của Ấn Độ vẫn duy trì ổn định như hiện nay. Trong dài hạn, cho dù là Đảng BJP hay Đảng INC cầm quyền, Ấn Độ sẽ tiếp tục đặt mục tiêu trở thành cường quốc thế giới và chính sách đối ngoại Ấn Độ sẽ phục vụ mục tiêu này.
Tăng cường quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong những thập niên tới
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ bắt đầu từ sự giao lưu hữu hảo giữa nhân dân hai nước một cách tự nhiên, mở đường cho hợp tác chính trị, ngoại giao, kinh tế và các lĩnh vực khác. Cách đây hàng nghìn năm, những thương nhân, tăng ni của Ấn Độ đã đến Việt Nam để trao đổi hàng hóa và lan tỏa các giáo lý về sự từ bi, hòa bình, bất bạo động và lòng nhân ái của Đức Phật. Minh chứng vẫn còn cho đến ngày nay là những di sản Phật giáo và văn hóa Chăm tại Việt Nam, tiêu biểu nhất là nền văn hóa cổ Chăm Pa ở Thánh địa Mỹ Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam. Khu di tích đền tháp Mỹ Sơn có một vị trí rất quan trọng trong nền văn hóa nghệ thuật của vùng Đông Nam Á đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999.
Qua nhiều thế kỷ, quan hệ chính trị, ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ chính thức được đặt nền móng từ các lãnh tụ vĩ đại của hai dân tộc là Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ Mahatma Gandhi và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, được dày công vun đắp qua các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước. Năm 1954, Thủ tướng J. Nehru là Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên và cũng là người đứng đầu chính phủ nước ngoài đầu tiên thực hiện chuyến thăm chính thức nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến thăm Ấn Độ vào năm 1958. Trước chuyến thăm, phát biểu trước đông đảo cán bộ, nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Ấn Độ là một nước rất to và nhân dân Ấn Độ rất anh dũng. Trước đây hoàn cảnh như chúng ta bị thực dân áp bức, nhân dân Ấn Độ và Miến Điện đã đấu tranh thắng lợi cho độc lập dân tộc và đang xây dựng đất nước. Chúng tôi đi chắc học được nhiều kinh nghiệm quý báu. Lúc về sẽ thuật lại cho đồng bào nghe để học tập anh em chúng ta”(19). Chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những ấn tượng tốt đẹp với các tầng lớp nhân dân Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ J. Nehru đã ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài phát biểu chào mừng của mình: “Chúng ta đã tiếp xúc với một người mà người ấy là một bộ phận của lịch sử châu Á. Chúng ta gặp gỡ một vĩ nhân, đồng thời chúng ta gặp gỡ một đoạn lịch sử”(20).
Vào đầu những năm 70 của thế kỷ XX, Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước phát triển quan hệ thành đối tác chiến lược vào năm 2007 và nhanh chóng nâng cấp khuôn khổ quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016. Kể từ năm 1954 đến nay, hai bên đã cử gần 60 đoàn từ cấp bộ trưởng ngoại giao sang thăm lẫn nhau. Trong đó, lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã 18 lần sang thăm Ấn Độ. Thủ tướng, Tổng thống và Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ đã có 12 chuyến thăm đến Việt Nam(21).
Đối với người dân Ấn Độ, Việt Nam là một dân tộc anh hùng, là một trong những quốc gia thân thiện nhất, có chung lịch sử đấu tranh giành độc lập tự do khỏi ách thống trị thực dân. Như Thủ tướng Ấn Độ N. Modi từng chia sẻ: “Mọi đứa trẻ trong ngôi làng nhỏ nhất ở Ấn Độ đều đã nghe về Hồ Chí Minh và những câu chuyện về người dân Việt Nam can đảm, anh dũng”(22). Hai dân tộc có truyền thống giúp đỡ nhau trong thời khắc khó khăn, hỗ trợ nhau trong quá trình phát triển đất nước và có chung quan điểm về hầu hết các vấn đề trong khu vực và trên thế giới(23). Trong số 30 đối tác chiến lược của Ấn Độ, Ấn Độ coi Việt Nam là một người bạn truyền thống đáng tin cậy. Ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ là các nước láng giềng, tiếp đó là các nước lớn, các trung tâm quyền lực, kinh tế lớn, đến láng giềng mở rộng. ASEAN có vị thế cao trong chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ và Việt Nam được coi là quốc gia quan trọng kết nối Ấn Độ, khu vực Nam Á với ASEAN. Thủ tướng Ấn Độ N. Modi trong một thông điệp gửi Việt Nam đã viết: “Ấn Độ coi Việt Nam là một trụ cột quan trọng của chính sách “Hành động hướng Đông” và một đối tác quan trọng trong Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình”(24). Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar trong một bài viết đã đánh giá vai trò quan trọng của Việt Nam trong chính sách của Ấn Độ: “Ấn Độ ghi nhận vai trò mang tính xây dựng của Việt Nam trong việc hỗ trợ các nỗ lực tiếp cận của Ấn Độ với các đối tác nhằm thúc đẩy một trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực, bao gồm thông qua việc duy trì tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Ấn Độ đang phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong việc thực hiện tầm nhìn của Thủ tướng Ấn Độ N. Modi về SAGAR, đó là “An ninh và tăng trưởng cho tất cả các nước trong khu vực”(25).
Trong khi đó, Ấn Độ là một trong bảy đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, bên cạnh Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ những tình cảm ấm áp mà nhân dân Ấn Độ dành cho Việt Nam. Tiêu biểu như, trong những thập niên 60, 70 của thế kỷ XX, rất nhiều người dân Ấn Độ đã xuống đường biểu tình ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo(26). Những năm 80, 90 của thế kỷ XX, trong bối cảnh Việt Nam bị bao vây cấm vận, cả nước không đủ lương thực, Ấn Độ đã viện trợ hàng trăm nghìn tấn gạo mỗi năm cho Việt Nam(27). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong một thông điệp gửi tới Ấn Độ nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã khẳng định: “Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Ấn Độ và mong muốn cùng với Ấn Độ nỗ lực hết mình đưa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước,... Chúng tôi cũng rất vui mừng và mong muốn Ấn Độ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trong chính sách “Hành động hướng Đông” của mình(28). Tầm quan trọng của Ấn Độ trong chính sách của Việt Nam luôn được ghi nhận: “Việt Nam luôn xem Ấn Độ là người bạn tin cậy, gần gũi và thủy chung; nhất quán dành cho Ấn Độ vị trí ưu tiên trong đường lối, chính sách đối ngoại; nỗ lực củng cố và phát triển quan hệ với Ấn Độ”(29).
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ ngày nay đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh, thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ, văn hóa và giao lưu nhân dân. Trong đó, tin cậy chính trị giữa hai nước ngày càng sâu sắc, hợp tác quốc phòng - an ninh là một trụ cột quan trọng, hợp tác kinh tế phát triển mạnh mẽ cả về lĩnh vực và quy mô, hợp tác giáo dục - đào tạo, văn hóa, khoa học - công nghệ, năng lượng, y tế, môi trường ngày càng được mở rộng và sâu sắc hơn. Trên bình diện đa phương, hai nước chia sẻ quan điểm về các vấn đề khu vực và toàn cầu, cam kết tiếp tục hỗ trợ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những mục tiêu lớn cho đất nước, phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, sức mạnh nội lực của đất nước mang tính quyết định, bên cạnh đó ngoại lực có thể mang lại những nguồn lực đột phá. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(30), đồng thời đánh giá trong gần ba năm, kể từ Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần thứ 31 (năm 2021), ngành ngoại giao và đối ngoại cả nước đã “đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước những năm qua”. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã nâng tầm, nâng cấp quan hệ với một số nước chủ chốt như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, tạo dựng cục diện đối ngoại, môi trường và thời cơ chiến lược thuận lợi cho an ninh, phát triển và nâng cao vị thế đất nước. Trong thời gian tới, một trong những trọng tâm của ngành ngoại giao là tiếp tục làm sâu sắc hơn và nâng tầm quan hệ với các đối tác khác (31), trong đó có Ấn Độ. Với nền tảng bề dày lịch sử vững chắc, quan hệ hữu nghị, truyền thống, tin cậy, thủy chung, tiềm năng thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ còn rất lớn. Do vậy, hai nước cần tăng cường hơn nữa quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong thời gian tới, cụ thể:
Một là, tiếp tục tăng cường tin cậy chính trị và mở rộng hợp tác tương xứng với tính chất, nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và phát huy đầy đủ vị thế, tiềm năng quan hệ hai nước; cùng phối hợp chặt chẽ đóng góp cho quản trị toàn cầu, xây dựng một trật tự quốc tế hòa bình, công bằng, bình đẳng, phát triển bền vững.
Hai là, tăng cường phối hợp lập trường giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế, hướng tới xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Ba là, với lợi thế là điểm đến năng động của Đông Nam Á và Nam Á, hai nước có thể phát huy vai trò là cầu nối để thúc đẩy quan hệ hợp tác, kết nối giao thương, hạ tầng, văn hóa và giao lưu nhân dân giữa hai khu vực.
Bốn là, để tăng cường cơ hội gắn kết kinh tế với Ấn Độ, cần tăng cường hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế trong vận động các đối tác nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Ấn Độ nói riêng gia tăng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực tiềm năng, như phát triển kinh tế xanh, năng lượng xanh, chuyển đối số nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năm là, tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho du lịch, đi lại, trao đổi du học sinh và giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa hai nước; tăng cường trao đổi nghiên cứu học thuật trong lĩnh vực khoa học xã hội; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hai nước thêm hiểu biết về truyền thống lịch sử, quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai dân tộc.
Sáu là, hai nước cần thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa các địa phương, bởi hợp tác giữa nhân dân, cũng như địa phương hai nước là nền tảng lâu dài, bền vững, góp phần tạo đà quan hệ song phương.
Là hai nước bạn bè truyền thống, hai nền kinh tế châu Á đang phát triển đầy năng động, là những quốc gia đồng chí hướng trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, Việt Nam và Ấn Độ cùng tin tưởng vào sự đồng hành, hợp tác ủng hộ lẫn nhau, đưa quan hệ hai nước phát triển rực rỡ hơn nữa, vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực và thế giới trong thời gian tới./.
-----------------------
(1), (6) “Address by Prime Minister, Shri Narendra Modi to the Joint Session of the US Congress” (Tạm dịch: Phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ Shri Narenda Modi tại Phiên họp chung của Quốc hội Mỹ), Ministry of External Affairs (MEA), ngày 23-6-2023, https://www.mea.gov.in/Speeches-Statements.htm? dtl/36714/Address+by+Prime+Minister+Shri+Narendra+Modi+to+the+Joint+Session+of+the+US+Congress
(2) “Kỳ lân công nghệ” là thuật ngữ chỉ những công ty khởi nghiệp tư nhân có giá trị hơn 1 tỷ USD
(3) “The Indian Unicorns Landscape” (Tạm dịch: Phong cảnh kỳ lân Ấn Độ), Invest India, 2024, https://www.investindia.gov.in/indian-unicorn-landscape
(4) John Hyatt: “The Countries With The Most Billionaires And Their Richest Citizens 2023” (Tạm dịch: Những quốc gia có nhiều tỷ phú nhất và công dân giàu nhất năm 2023), Forbes, ngày 4-4-2023, https://www.forbes.com/sites/johnhyatt/2023/04/04/the-countries-with-the-most-billionaires-and-their-richest-citizens-2023/?sh=118b93f21351
(5) Michael Debabrata Patra: “Speech delivered by Dr. Michael Debabrata Patra, Deputy Governor, Reserve Bank of India in an event to celebrate Azadi Ka Amrit Mohotsav organised by Reserve Bank of India” (Tạm dịch: Bài phát biểu của Tiến sĩ Michael Debabrata Patra, Phó Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ trong sự kiện kỷ niệm Azadi Ka Amrit Mohotsav do Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ tổ chức), Reverse Bank of India (RBI), ngày 13-08-2022, https://taxguru.in/rbi/india-likely-second-important-driver-global-growth-rbi-governor.html
(7) “World Investment Report 2022: International tax reforms and sustainable investment” (Tạm dịch: Báo cáo Đầu tư thế giới 2022: Cải cách thuế quốc tế và đầu tư bền vững), UNCTAD, 2022, https://unctad.org/system/files/official-document/wir2022_en.pdf, tr. 9
(8) “The top 15 military spenders, 2022” (Tạm dịch: 15 quốc gia chi tiêu quân sự nhiều nhất năm 2022), Stockholm International Peace Research Institute (SIPRI), tháng 4-2023, https://www.sipri.org/visualizations/2023/ top-15-military-spenders-2022
(9) “Largest armies in the world ranked by active military personnel as of January 2024” (Tạm dịch: Bảng xếp hạng những lực lượng quân đội lớn nhất thế giới tính đến tháng 1-2024), Statista, ngày 23-1-2024, https://www.statista.com/statistics/264443/the-worlds-largest-armies-based-on-active-force-level/
(10) United Nations: “Global perspective Human stories” (Tạm dịch: Những câu chuyện con người dưới góc nhìn toàn cầu), UN News, 2022, https://news. un.org/en/gallery/541602
(11) Nguyễn Thừa Hỷ: Đại cương lịch sử và văn hóa Ấn Độ, Nxb. Khoa học xã hội, 2021
(12) International Organization for Migration (IOM): “World Migration Report 2022” (Tạm dịch: Báo cáo di cư thế giới 2022), ReliefWeb, ngày 1-12-2021, https://reliefweb.int/report/world/world-migration-report-2022?gad_ source=1&gclid=EAIaIQobChMIrJbKv82WhQMVPcZMAh3XnQIrEAAYASAAEgKrZfD_Bw, tr. 25
(13) Manmohan Singh: “Excerpts of address by the PM at the Combined Commanders’ Conference” (Tạm dịch: Trích bài phát biểu của Thủ tướng Manmohan Singh tại Hội nghị Chỉ huy liên hợp), Government of Indian, ngày 22-11-2013, https://archivepmo.nic.in/drmanmohansingh/speech-details.php? nodeid=1396
(14) “Election Manifesto” (Tạm dịch: Tuyên ngôn bầu cử), Bharatiya Janata Party (BJP), ngày 7-4-2014, https://www.bjp.org/images/pdf_2014/full _manifesto_english_07.04.2014.pdfng. (bjp.org), tr. 39; “PM to Heads of Indian Missions” (Tạm dịch: Thủ tướng tới Người đứng đầu các Phái đoàn Ấn Độ), Press Information Bureau (PIB), ngày 7-2-2015, https://pib.gov.in/newsite/PrintRelease.aspx?relid=115241
(15) Bala Chauhan: “INTERVIEW | ‘India is big and strong enough to overcome challenges of geopolitics’: Jaishankar” (Tạm dịch: Phỏng vấn | “Ấn Độ đủ lớn và mạnh để vượt qua những thách thức địa - chính trị”: Jaishankar), The New India Express, ngày 16-8-2022, https://www.newindianexpress.com/ nation/2022/Aug/16/interview-india-is-big-and-strong-enough-to-overcome-challenges-of-geopolitics-jaishankar-2488087.html
(16) Subrahmanyam Jaishankar: “The India Way: Strategies for an Uncertain World” (Tạm dịch: Con đường Ấn Độ: Các chiến lược cho một thế giới bất định”, HarperCollins, ngày 4-9-2020, ISBN: 9390163870, tr. 93
(17) Ấn Độ thường xuyên có chuyến thăm cấp cao tới khu vực. Ấn Độ dành khoản tín dụng 5,3 tỷ USD cho khu vực Trung Phi và Tây Phi, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 - 2022 đạt gần 40 tỷ USD. Với Trung Đông, kim ngạch thương mại đạt hơn 154 tỷ USD (2021 - 2022). FDI từ Trung Đông vào Ấn Độ trong 2020 - 2022 là gần 20 tỷ USD
(18) Theo thống kê từ trang web của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, https://www.mea.gov.in/outgoing-visits.htm?2/outgoing_visits
(19), (20) Trần Minh Trưởng: “Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng xây dựng quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ”, Đặc san kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, Báo Thế giới và Việt Nam 2022, tr. 6
(21) Theo thống kê từ Đặc san kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, Báo Thế giới và Việt Nam 2022, tr. 8 - 9
(22) Bài viết của Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Preeti Saran (giai đoạn 2013 - 2016) trên Đặc san kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, Báo Thế giới và Việt Nam 2022, tr. 56
(23) Bài viết của Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma trên Đặc san kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, Tlđd, tr. 33 - 35
(24) Narendra Modi: “Thông điệp Thủ tướng Narendra Modi gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính”, Đặc san Việt Nam - Ấn Độ: Đối tác chiến lược toàn diện, Báo Thế giới và Việt Nam 2022, tr. 11
(25) Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar: “Sát cánh trên hành trình phi thường”, Đặc san kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, Báo Thế giới và Việt Nam 2022, tr. 18
(26) Bài viết của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, Đặc san Việt Nam - Ấn Độ: Đối tác chiến lược toàn diện, Báo Thế giới và Việt Nam 2022, tr. 31
(27) Lời kể của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sỹ Tam, giai đoạn 1997-2002, Đặc san kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, Báo Thế giới và Việt Nam 2022, tr. 46
(28) Phạm Minh Chính: “Thông điệp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính”, Đặc san Việt Nam - Ấn Độ: Đối tác chiến lược toàn diện, Báo Thế giới và Việt Nam 2022, tr. 13
(29) Bùi Thanh Sơn: “Việt Nam - Ấn Độ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trên nền tảng tình hữu nghị trong sáng và bạn bè thủy chung, tin cậy”, Đặc san Việt Nam - Ấn Độ: Đối tác chiến lược toàn diện, Báo Thế giới và Việt Nam 2022, tr. 14
(30) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 25
(31) Bùi Thanh Sơn: “Ngoại giao cần vượt ra khỏi tư duy lối mòn”, Báo Dân trí, ngày 9-2-2024, https://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-truong-bui-thanh-son-ngoai-giao-can-vuot-ra-khoi-tu-duy-loi-mon-20240207142639289.htm