Nhập khẩu thuyết “Tam quyền phân lập”
hay lá bài cổ xúy bất ổn chính trị, xung đột quyền lực
hay lá bài cổ xúy bất ổn chính trị, xung đột quyền lực
Khoản 3, Điều 2 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 ghi rõ: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước và cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước được hiến định nêu trên là cơ sở pháp lý quan trọng hàng đầu bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Thực tiễn chỉ ra rằng, việc phân định rõ ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là cách thức quan trọng để phát huy vai trò của nhà nước, đồng thời là cơ sở để kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước. Chúng ta đã tiếp thu mặt tiến bộ trong kỹ thuật tổ chức các thiết chế nhà nước trên thế giới, trong đó việc “phân công” và “phối hợp” giữa 3 nhánh quyền lực nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp) để tổ chức bộ máy nhà nước, kiểm soát quyền lực nhà nước, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thể hiện rõ ở các bản hiến pháp Việt Nam, đặc biệt là Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến pháp năm 2013.
Tuy vậy, trong thời gian gần đây vẫn còn một số cá nhân lợi dụng việc chậm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp, tình trạng tham nhũng của một số cán bộ, đảng viên và việc hoạt động chưa thật sự hiệu quả của một số thiết chế trong bộ máy nhà nước... để phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức cũng như hoạt động của bộ máy nhà nước và tung hô, cường điệu hóa, lý tưởng hóa học thuyết “tam quyền phân lập”, coi nó là “phương thuốc vạn năng” cho kiểm soát quyền lực nhà nước và ngăn ngừa tham nhũng. Có thể khẳng định ngay rằng, đó là luận điệu sai trái, cực đoan và cơ hội chính trị. Học thuyết “tam quyền phân lập” được áp dụng trong tổ chức bộ máy nhà nước ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức và một số nước phương Tây mặc dù có mang lại một số mặt tích cực, cần được nghiên cứu, tham khảo, nhưng không nên vì thế mà cường điệu hóa, lý tưởng hóa và xem nó như là chìa khóa vạn năng của “dân chủ - pháp quyền”, với mấy lý do sau đây:
Một là, về phương diện lý luận, “tam quyền phân lập” là một học thuyết phức tạp, đa chiều, còn có nhiều ý kiến khác nhau. C. Mác và Ph. Ăng-ghen khi nêu ra mặt tiến bộ của học thuyết về tam quyền phân lập đã nhấn mạnh rằng, sự phân chia quyền lực, thực chất, không phải là cái gì khác ngoài sự phân công lao động thực tế cơ cấu nhà nước nhằm làm đơn giản hóa và dễ kiểm soát. Ph. Ăng-ghen viết: “Sự phân quyền... trên thực tế chỉ là một sự phân công lao động tầm thường trong công nghiệp, được vận dụng vào bộ máy nhà nước nhằm mục đích đơn giản hóa và kiểm soát”(1). Dựa trên quan điểm của C. Mác và Ph. Ăng-ghen về sự cần thiết của việc phân công quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong hiến pháp, nhiều nhà triết học, nhà tư tưởng đã có chung quan điểm: Sự phân chia quyền lực là hệ thống các chế định pháp luật - nhà nước hướng tới bảo đảm các phương tiện pháp lý có sự độc lập tương đối của các cơ quan nhà nước với nhau(2). Còn G.V.Ph. Hê-ghen khẳng định rằng, phân chia quyền lực chỉ nên dừng lại ở khái niệm; nếu sự phân chia quyền lực vượt giới hạn của khái niệm và trở thành hiện thực thì quyền lực sẽ không thể nào còn thống nhất lại được nữa. Các nhánh quyền lực tách rời nhau tới mức phân liệt, kiềm chế - đối trọng, đối lập và chống lại nhau. Lúc đó, muốn có được quyền lực nhà nước thống nhất lại phải dùng đến đại bác. Thực tiễn xung đột chính trị ở Liên bang Nga sau khi Liên Xô sụp đổ đã chứng tỏ lời cảnh báo của G.V.Ph. Hê-ghen hoàn toàn có cơ sở khoa học. Khi đó, việc áp dụng máy móc thuyết “tam quyền phân lập” của phương Tây đã đẩy Liên bang Nga vào tình trạng đối đầu, xung đột, không thể thỏa hiệp giữa hai nhánh quyền lực lập pháp và hành pháp. Rốt cuộc, vào tháng 10-1993, Tổng thống Liên bang Nga B. En-xin đã ra lệnh cho xe tăng bắn vào Tòa nhà Quốc hội, sử dụng bạo lực để giải tán Quốc hội Nga do dân bầu lên, chấm dứt xung đột, đối đầu giữa hai phe lập pháp và hành pháp. Nói cách khác, khi quyền lực đã phân chia, đối trọng không thể thống nhất lại được nữa bằng giải pháp chính trị thì B. En-xin đã sử dụng đại bác để thống nhất quyền lực. Cũng từ bài học thực tiễn về việc để mất sự kiểm soát của chính quyền trung ương đối với chính quyền các địa phương do áp dụng “phân quyền” cực đoan dưới thời Tổng thống Nga B. En-xin, ngày 1-9-2000, cùng với việc ký sắc lệnh thành lập Nhà nước Liên bang Nga với 89 chủ thể - chia thành 7 khu vực Liên bang, Tổng thống Nga V. Pu-tin đã phê chuẩn Quy chế Hội đồng nhà nước, bao gồm: Tổng thống và tất cả những người đứng đầu chủ thể Liên bang. Chủ tịch Hội đồng Nhà nước là Tổng thống; Thư ký Hội đồng Nhà nước do Tổng thống bổ nhiệm. Cùng với việc ban hành Hiến pháp mới - thay thế cơ chế phân quyền bằng phân công và phối hợp quyền lực, Quy chế Hội đồng Nhà nước là thiết chế ngăn ngừa có hiệu quả sự phân tán quyền lực vô hạn độ, vô tổ chức lúc bấy giờ ở Nga.
Phân quyền là một tư tưởng phức tạp, đa chiều nên được hiểu rất khác nhau. Mỹ, Anh và các nước châu Âu chia quyền lực nhà nước thành ba loại quyền: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp (xét xử); cùng với đó là ba cơ quan thực hành từng loại quyền lực này một cách độc lập theo cơ chế kiềm chế và đối trọng (kiểm tra và chế ước lẫn nhau). Một số nhà lập pháp Mỹ La-tinh chia quyền lực nhà nước thành bốn loại quyền: quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp (xét xử) và quyền bầu cử (thuộc về tổ chức bầu cử - hội đồng bầu cử). Hiến pháp Ni-ca-ra-goa năm 1986 do Đảng Xã hội - Thiên chúa giáo đối lập đưa ra tới năm loại quyền: quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp (xét xử), quyền bầu cử và quyền kiểm tra. Hiến pháp năm 1976 của An-giê-ri quy định sáu loại quyền, gồm: quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp, quyền chính trị, quyền kiểm tra và quyền tổ chức....
Phân quyền ngoài được hiểu theo chiều ngang (giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương: lập pháp, hành pháp, tư pháp), còn được hiểu theo chiều dọc (giữa các lực lượng chính trị khác nhau, giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương với các cơ quan nhà nước ở địa phương, giữa nhà nước liên bang với các bang thành viên và giữa các cơ quan nhà nước ở địa phương).
Hai là, về phương diện thực tiễn, do những hạn chế của học thuyết “tam quyền phân lập” mà mức độ, tính chất và đặc điểm của sự thể hiện và áp dụng nó trong thực tế có sự khác nhau ở mỗi kiểu nhà nước, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như trình độ dân chủ, truyền thống dân tộc, cũng như tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của mỗi nước. Sự áp dụng học thuyết này trong nhà nước theo chính thể cộng hòa tổng thống khác với chính thể cộng hòa đại nghị hoặc chính thể cộng hòa hỗn hợp...; trong hình thức cấu trúc nhà nước liên bang khác với hình thức cấu trúc nhà nước đơn nhất.
Trong chính thể cộng hòa tổng thống, điển hình là nhà nước Mỹ, tổ chức quyền lực nhà nước theo nguyên tắc phân chia quyền lực tuyệt đối “cứng rắn”, tách biệt triệt để ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Thay cho cơ chế chịu trách nhiệm lẫn nhau giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp là cơ chế “kiềm chế và đối trọng”. Theo đó, có sự độc lập hoàn toàn của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong thực thi quyền lực nhà nước; sự phân quyền giữa nhà nước liên bang với nhà nước tiểu bang.
Trên thực tế, việc áp dụng nguyên tắc phân quyền vào tổ chức quyền lực nhà nước ở Mỹ bộc lộ những hạn chế, yếu kém như sau:
1- Chế độ cộng hòa tổng thống với việc áp dụng tư tưởng phân quyền tuyệt đối trên thực tế có nhiều nét tương đồng với chế độ quân chủ hạn chế, hay nói cách khác, hai chế độ đó được đem lồng vào một nền cộng hòa. Sự khác biệt ở đây chỉ đơn giản là vua được thay bằng tổng thống.
2- Theo hiến định, Quốc hội Mỹ mang tính dân chủ đại diện, nhưng trên thực tế, tính đại diện luôn được biểu hiện dưới hình thức đặc quyền. Thực chất, Quốc hội là một thiết chế của những người có đặc quyền: Nghị sĩ được bầu là những người thuộc về một tầng lớp bề trên, có trình độ học vấn và khả năng tài chính lớn, không đúng với quy định của Hiến pháp Mỹ về sự bình đẳng của mọi công dân trong bầu cử và ứng cử.
3- Sự bành trướng ghê gớm của bộ máy hành pháp cả về quy mô lẫn chất lượng. Quyền lực đang chuyển từ các lĩnh vực kinh tế và chính trị sang các cơ quan hành chính. Bộ máy hành pháp thâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống chính trị - xã hội... Ngân sách nhà nước phải chi phí một khoản quá lớn để duy trì và nuôi bộ máy hành pháp khổng lồ; kéo theo chi phí đắt đỏ cho đời sống xã hội, cùng với đó là những khó khăn về nhà ở, y tế không đáp ứng kịp yêu cầu xã hội.
4- Kết quả hoạt động (độc lập và chỉ tuân theo pháp luật) của hệ thống tư pháp Mỹ vẫn là phụ thuộc vào nhân tố con người - các vị luật sư, công tố viên, thẩm phán và bồi thẩm. Và với tuyên bố “Tòa án đứng độc lập, đối trọng với các nhánh quyền lực khác được xem là thành trì bảo vệ cuối cùng trong pháo đài nhà nước nhằm chống lại mọi sự đe dọa đối với các nguyên tắc, các giá trị nền tảng của xã hội Mỹ”, có thể thấy rõ rằng, quá trình tư pháp Mỹ vẫn là biểu hiện của quá trình chính trị.
Trong chính thể cộng hòa đại nghị, như ở Anh, Đức, hay chính thể cộng hòa hỗn hợp như ở Pháp, sự phân chia quyền lực không cứng nhắc, biệt lập, mà với các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, mỗi cơ quan đảm nhiệm một quyền và sự đảm nhiệm đó đan xen vào nhau, lệ thuộc và chịu sự giám sát lẫn nhau, đồng thời có sự phối hợp với nhau. Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khi được vận dụng ở các nước khác nhau. Theo đó, cách thức tổ chức thực thi quyền lực này thường bị biến dạng, làm cho sự phân chia và phối hợp thực thi quyền lực mang tính hình thức và tượng trưng. Trên thực tế, mọi quyền lực được tập trung vào một nơi: hoặc vào hành pháp (như ở Pháp), hoặc vào lập pháp (như ở Anh).
Ba là, về bản chất và nguồn gốc của quyền lực nhà nước, quyền lực nhà nước là thống nhất; mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước. Khi quyền lực nhà nước là thống nhất và thuộc về nhân dân, thì về nguyên tắc, quyền lực nhà nước không thể phân chia (chia sẻ cho cá nhân hay tổ chức nào khác); các cơ quan nhà nước khi thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là thực hiện các quyền của nhân dân giao phó, ủy quyền.
Tư tưởng phân quyền, về bản chất, đối lập với tư tưởng thống nhất quyền lực.
G.G. Rút-xô phủ nhận sự phân chia quyền lực về mặt chính trị - xã hội và cho rằng, quyền lực cần phải bắt nguồn từ nhân dân. Nói đúng hơn, đó không phải là sự phân chia quyền lực, mà là sự phân công chức năng giữa các cơ quan quyền lực nhà nước thống nhất(3).
Nhận biết những hạn chế lịch sử của học thuyết “tam quyền phân lập” và nhược điểm của “cơ chế phân quyền”, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ở Nga được hiến định theo “nguyên tắc phân công quyền lực”. Theo hiến định, ở Nga, các cơ quan quyền lực nhà nước là những thiết chế độc lập với nhau trong thực thi các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Song quyền lực nhà nước là thống nhất, không phân chia một cách cứng nhắc và biệt lập, mà có sự phân công quyền lực hợp lý giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nguyên tắc phân công quyền lực được xây dựng trên cơ sở nguyên lý và thực tiễn quyền lực nhà nước là thống nhất, mọi quyền lực thuộc về nhân dân nhiều dân tộc Nga (khoản 1, Điều 3 Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993). Phân công quyền lực đồng thời phải có sự phối hợp hoạt động của các nhánh quyền lực trong thực thi quyền lực thống nhất. Nhân dân thực hiện quyền lực thông qua các cơ quan quyền lực nhà nước và các cơ quan tự quản ở địa phương (khoản 1 và 2, Điều 3). Phân công và phối hợp quyền lực (khoản 3, Điều 5, Điều 10 và Điều 80)... để tránh tình trạng các cơ quan quyền lực nhà nước độc lập, không phụ thuộc, có nguy cơ dẫn tới biệt lập, tách rời và đối lập nhau; Nhà nước cần phải xây dựng cơ chế phối hợp (kiểm tra và chế ước) hoạt động của ba nhánh quyền lực. Vì tầm quan trọng của cơ chế này cho nên, về cơ bản, nó được Hiến pháp Nga quy định hết sức chặt chẽ và được phê chuẩn bằng Pháp lệnh số 549, ngày 13-4-1996, của Tổng thống Nga, “Về trình tự phối hợp của Tổng thống Liên bang Nga với các viện của Quốc hội Liên bang Nga trong quá trình lập pháp”.
Cơ chế phối hợp hoạt động của các nhánh quyền lực nhà nước ở Nga được thực hiện có hiệu quả thông qua những quy định của Hiến pháp về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và chức năng của Tổng thống Nga. Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993 ghi rõ: Tổng thống Liên bang Nga có quyền áp dụng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền của Liên bang Nga, sự độc lập, thống nhất và toàn vẹn của quốc gia, bảo đảm phối hợp hoạt động và liên hệ chặt chẽ giữa các cơ quan quyền lực nhà nước (khoản 2, Điều 80). Tổng thống Nga, xét trên nhiều phương diện, có vị trí đặc biệt và giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự phối hợp thống nhất giữa các nhánh quyền lực nhà nước. Chúng ta có thể hình dung vị trí của Tổng thống Nga như là mắt xích liên hệ giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, là người trọng tài cao nhất của Nhà nước. Hoạt động phối hợp quyền lực của Tổng thống Nga thể hiện chủ yếu trên những bình diện: Trong lĩnh vực nhân sự cao cấp của bộ máy nhà nước Liên bang (Điều 83); trong lĩnh vực lập pháp (Điều 104 và Điều 105); trong lĩnh vực tư pháp (khoản 3, Điều 93; khoản 1, Điều 111; khoản 4, Điều 117).
Sự phối hợp hoạt động của Tổng thống Nga còn được thể hiện ở một số mặt hoạt động khác của Tổng thống với tư cách là người đứng đầu Nhà nước. Tổng thống có trách nhiệm cao ở cả lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trách nhiệm của Tổng thống là phải phát huy cao độ vai trò của các nhánh quyền lực nhà nước trong quản lý, điều hành xã hội; xác định phương hướng cơ bản trong chính sách đối nội và đối ngoại của Nhà nước. Để giải quyết xung đột giữa các cơ quan quyền lực nhà nước Liên bang Nga và giữa các cơ quan quyền lực nhà nước của các chủ thể trong Liên bang Nga với nhau, Hiến pháp trao cho Tổng thống quyền sử dụng các giải pháp thỏa hiệp và trong trường hợp không đạt được sự thỏa hiệp, Tổng thống có thể đặt vấn đề cần giải quyết ra trước một tòa án tương xứng (khoản 1, Điều 85). Hiến pháp cũng trao cho Tổng thống quyền chấm dứt hiệu lực những văn bản của các cơ quan hành pháp thuộc các chủ thể trong Liên bang Nga, nếu như những văn bản đó trái với Hiến pháp và các luật của Nga, trái với các chuẩn mực quốc tế mà Nga thừa nhận, hoặc vi phạm quyền và tự do của con người, của công dân trước khi vấn đề đó được giải quyết bằng một tòa án tương xứng. Ngoài ra, Hiến pháp còn quy định: Mặc dù Tổng thống Nga là Tổng Tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang Nga nhưng pháp lệnh của Tổng thống về tình trạng chiến tranh, về tình hình đặc biệt chỉ có hiệu lực pháp lý khi được Hội đồng Liên bang phê chuẩn. Đồng thời, Hội đồng Liên bang cũng quyết định vấn đề về khả năng sử dụng các lực lượng vũ trang ở ngoài lãnh thổ Nga (khoản 1, Điều 87 và các điểm b , c , d, khoản 1, Điều 102).
*
* *
Từ lý luận và những thực tiễn nêu trên, có thể thấy, việc nghiên cứu, tham khảo tư tưởng “tam quyền phân lập” trong xây dựng, tổ chức bộ máy nhà nước ở Việt Nam phải trên tinh thần: Không tiếp thu một cách rập khuôn, máy móc tư tưởng “tam quyền phân lập”, mà phải biết gạn lọc những yếu tố kỹ thuật hợp lý của nó cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Bởi, một học thuyết hay một mô hình... dù đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn của một nước cũng không thể được coi là chân lý để có thể vận dụng vào bất kỳ nước nào.
Khác với nhà nước tư sản, Việt Nam tổ chức quyền lực nhà nước theo nguyên tắc thống nhất quyền lực, không phân lập, nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Bản chất của sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là: phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của mỗi loại hình cơ quan nhà nước, nhờ đó hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước được nâng cao; tránh sự trùng lặp, chồng chéo, mâu thuẫn giữa các cơ quan trong việc thực hiện ba quyền với những chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, bảo đảm sự vận hành nhịp nhàng, đồng bộ của cả bộ máy nhà nước trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước thống nhất. Nội dung của nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp thể hiện trước hết ở chỗ, quyền lực nhà nước luôn thuộc về nhân dân; nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước.
Chúng ta đã tiếp thu những nhân tố hợp lý trong cách thức tổ chức nhà nước theo học thuyết “tam quyền phân lập”, thể hiện rõ ở các bản hiến pháp Việt Nam, đặc biệt là Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến pháp năm 2013. Cụ thể là:
Theo quy định của Hiến pháp năm 1946, Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do công dân Việt Nam bầu ra, có “quyền đặt ra các pháp luật”; Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất của toàn quốc, được hiểu là cơ quan hành pháp cao nhất, bao gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Nội các; cơ quan tư pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm có Tòa án tối cao, các tòa án phúc thẩm, các tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp, là cơ quan độc lập với Nghị viện nhân dân và Chính phủ, các viên thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật trong khi xét xử, các cơ quan khác không được can thiệp. So với Hiến pháp năm 1946, mức độ thể hiện sự phân định quyền lực ở Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980 có thay đổi, nhưng về cơ bản, Quốc hội vẫn là cơ quan lập pháp, Hội đồng Chính phủ (theo Hiến pháp năm 1959) hay Hội đồng Bộ trưởng (theo Hiến pháp năm 1980) vẫn là cơ quan hành pháp và tòa án, viện kiểm sát thực hiện chức năng của cơ quan tư pháp
Cụ thể hóa đường lối đổi mới, Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước trên tinh thần giữ vững bản chất nhà nước xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, vận dụng những nhân tố hợp lý của các học thuyết tổ chức quyền lực nhà nước tiến bộ và đề ra nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kỳ mới: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp (Điều 2 Hiến pháp năm 2013). Khác với nguyên tắc “tam quyền phân lập”, trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền lực nhà nước là thống nhất, không phân chia và thuộc về nhân dân.
Quyền lực nhà nước ở nước ta bắt nguồn từ nhân dân, nhưng thống nhất và tập trung vào Quốc hội. Quyền lực nhà nước thống nhất và tập trung vào Quốc hội nhưng được phân công cụ thể, rành mạch, trong đó Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, được phân công thực hiện quyền lập pháp; Chính phủ thực hiện quyền hành pháp; tòa án nhân dân cùng với viện kiểm sát nhân dân được phân công thực hiện quyền tư pháp. Về các cơ quan nhà nước ở địa phương, hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp đặt dưới sự chỉ đạo của các cơ quan chính quyền cấp trên, phải phục tùng mọi quyết định của chính quyền trung ương. Trong phạm vi quyền hạn được pháp luật quy định, các cơ quan nhà nước ở địa phương có quyền chủ động phát huy sáng kiến, đề ra các biện pháp để thi hành pháp luật, quyết định, chỉ thị của cấp trên nhưng tuyệt đối không được đặt ra những quy định trái với văn bản pháp luật và các văn bản khác của chính quyền cấp trên. Sự phân công chặt chẽ, rõ ràng đó chỉ có thể đạt được trên thực tế nếu có sự giám sát nhau. Giám sát là rất cần thiết, nhưng giám sát không phải là đối trọng, đối lập nhau. Sự giám sát thể hiện ở chỗ, Chính phủ chịu trách nhiệm và báo cáo trước Quốc hội về những hoạt động của mình; Quốc hội chất vấn và ra những nghị quyết về công tác của Chính phủ; Quốc hội có thể tín nhiệm hay không tín nhiệm Chính phủ hoặc cá nhân bộ trưởng./.
---------------------------------------------------------
(1) C. Mác và Ph. Ăg-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t. 5, tr. 242
(2) Xem: Trần Hậu Thành: Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2005, tr. 126
(3) Xem: Trần Hậu Thành: Sđd, tr. 126