Trên thế giới hiện nay, tham nhũng đang là một vấn nạn. Tham ô, tham nhũng là vấn đề liên quan đến sự phát triển, sự sống còn, đến nền văn minh của một quốc gia và dân tộc. Tham nhũng gây lãng phí lớn về nguồn tài nguyên kinh tế, làm lung lay cơ sở ổn định chính trị của một đất nước, phá hoại việc thực thi pháp luật, cản trở sự phát triển kinh tế, đầu độc không khí xã hội.

Ở nước ta, trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những thành tựu quan trọng mà chúng ta đã đạt được trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thì tình trạng tham nhũng ở một số bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất đáng lo ngại. Vì vậy, chống tham nhũng là một nhiệm vụ cấp bách và hết sức quan trọng trong tình hình hiện nay. Đảng và Nhà nước ta không chỉ khẳng định quyết tâm chống tham nhũng, mà còn đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu. Bên cạnh đó, chúng ta tích cực nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm chống tham nhũng của các nước trên thế giới, nhất là các nước láng giềng có hoàn cảnh tương đồng với đất nước ta như Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Để thiết thực phục vụ đợt học tập Nghị quyết Trung ương 9 khóa X, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia chọn một số chương quan trọng trong cuốn sách “Các biện pháp chống tham nhũng ở Trung Quốc” của tác giả Hồng Vĩ xuất bản thành cuốn sách Tham nhũng và biện pháp chống tham nhũng ở trung Quốc. Nội dung của cuốn sách tập trung trình bày các dạng tham nhũng, nguyên nhân của tình trạng tham nhũng và một số biện pháp chống tham nhũng của Trung Quốc.

Tác giả Hồng Vĩ đã phác họa 23 dạng tham nhũng ở Trung Quốc hiện nay là: hùa nhau dùng quỹ công tiêu xài phung phí; hội họp ngày càng nhiều, lãng phí công quỹ ngày càng lớn; cán bộ lãnh đạo mất phong cách, mua sắm điện thoại di động bằng công quỹ; phô trương hình thức, lợi dụng công việc thanh tra để ăn chơi xa xỉ; lo tu bổ văn phòng, đổi ô tô đời mới; ủng hộ, quyên góp bằng công quỹ với mục đích nịnh hót cấp trên, tham ô tiền của Nhà nước; lợi dụng chức quyền chiếm đất, đòi nhà ở rộng, trang bị xa hoa;...

Trên cơ sở các dạng tham nhũng nêu ra, tác giả đi vào phân tích nguyên nhân của thực trạng này; trong các nguyên nhân thực tế làm cho hiện tượng tham nhũng sinh sôi nảy nở ở Trung Quốc hiện nay thì kinh tế là một nguyên nhân quan trọng. Các thể chế chính trị chậm chạp, quyền lực không bị khống chế là căn nguyên sâu xa sinh ra hiện tượng tham nhũng ở Trung Quốc hiện nay. Từ đó, tác giả giới thiệu cụ thể một số cách làm của các địa phương, ban, ngành trong quá trình triển khai cuộc đấu tranh chống tham nhũng những năm gần đây ở Trung Quốc. Đó là: kiện toàn cơ chế lãnh đạo, xây dựng hệ thống cơ sở; chú trọng công tác giám sát cán bộ lãnh đạo; ngăn chặn tệ nạn xa hoa lãng phí (các tỉnh Hà Bắc, An Huy, Triết Giang…); “Thu gọn một lần” giảm bớt phiền hà cho nông dân (chuyển phí và thuế, quản lý hợp đồng, tinh giản bộ máy, sàng lọc những đối tượng ngoài biên chế); khống chế “ba loạn”, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp… và nhiều biện pháp khác./.