Nhiều sản phẩm xuất khẩu từ cây công nghiệp của Việt Nam đã chiếm vị trí thứ hạng cao trên thị trường quốc tế, đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn, được đứng trong “câu lạc bộ” 1 tỉ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu những mặt hàng này vẫn đang còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

1 - Vài nét về tình hình xuất khẩu một số sản phẩm từ cây công nghiệp hiện nay

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới sau Bra-xin và là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Với diện tích trồng cà phê khoảng 500.000 ha, xuất khẩu khoảng 850.000 tấn sang 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục, đạt trị giá kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, cà phê chiếm tỷ trọng khá lớn trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu của cả nước. Riêng năm 2007, xuất khẩu được 1,2 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch xuất khẩu 1,854 tỉ USD, năm 2008 ước đạt 1,8 tỉ USD. Cà phê của ta đã có mặt trên tất cả các thị trường lớn của thế giới. Đức là khách hàng tiêu thụ số 1, chiếm thị phần: 16,07%, tiếp đến là Mỹ: 13,22%, Tây Ban Nha: 9,12%, I-ta-li-a: 8,13%, Bỉ: 6,09% và các thị trường khác như Ba Lan, Hàn Quốc, Pháp, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Niu Di-lân... Cà phê Robusta của Việt Nam có chất lượng cao. Theo báo cáo số 6 của Promar Nhật Bản do Hiệp hội cà phê của nước này thực hiện nhằm khảo sát, đánh giá vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cà phê của 24 nước xuất khẩu, cà phê của Việt Nam có dư lượng thuốc trừ sâu bệnh và cỏ dại đều ở mức thấp, chưa vượt quá giới hạn cho phép. Nhiều doanh nghiệp trong ngành cà phê cũng đã đăng ký và được cấp giấy Chứng chỉ ISO 9000 về chất lượng cà phê. Việt Nam đã có những sản phẩm cà phê khá nổi tiếng như Arabica Sơn La, Dakmil, Đức Lập, Buôn Mê Thuột, Khe Sanh...

Về hồ tiêu, số lượng xuất khẩu tăng trung bình 10.028 tấn/năm. Năm 2007, tuy xuất khẩu chỉ đạt 82.000 tấn nhưng nhờ giá trung bình đạt 3.300 USD/tấn, nên trị giá xuất khẩu đạt 286 triệu USD, còn năm nay ước đạt khoảng 80.000 tấn, trị giá đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 290 triệu USD.

Từ năm 2001 đến nay, nước ta luôn chiếm ngôi vị số 1 trên thế giới về số lượng xuất khẩu hồ tiêu (chiếm 31,2% thị phần thế giới, riêng năm 2005, 2006 chiếm 46%). Trong khi đó, chất lượng hồ tiêu của ta cũng bảo đảm thỏa mãn nhu cầu cho mọi khách hàng nhập khẩu. Việt Nam đã có 17 nhà máy chế biến tiêu sạch, đạt tiêu chuẩn thị trường Mỹ (ASTA), thị trường châu Âu (ESA). Sản phẩm xuất khẩu bước đầu được đa dạng hóa như có tiêu đen, tiêu trắng, tiêu nghiền bột, tiêu đóng gói hút chân không, tiêu đỏ, tiêu xanh ngâm dấm... Thương hiệu hồ tiêu Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã có tiếng vang trên thương trường trong nước và quốc tế. Hồ tiêu của Việt Nam đã có mặt ở gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Mỹ là thị trường tiềm năng nhất, tiếp đến là Nga, Hà Lan, Ấn Độ, Đức...

Điều là loại cây công nghiệp được phát triển nhanh, hiện Việt Nam có trên 400.000 ha điều, tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên. Số lượng nhân điều xuất khẩu đạt khoảng 150.000 tấn/năm các loại, dự kiến năm nay có thể thu về kim ngạch 1 tỉ USD. Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu điều lớn nhất, chiếm 40% tổng sản lượng điều của toàn thế giới và được xuất sang 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, (chiếm 60% thị phần điều ở Bắc Mỹ, 50% ở châu Âu, 90% ở Trung Quốc, 80% ở Ô-xtrây-li-a). Tuy nhiên, các sản phẩm xuất khẩu điều chủ yếu vẫn ở dạng sơ chế vì chúng ta không có nhiều nhà máy sản xuất nhằm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm như bánh kẹo điều, sô-cô-la nhân điều do chi phí đầu tư nhà xưởng, thiết bị phục vụ chế biến các sản phẩm khá lớn.

Chè là sản phẩm từ cây công nghiệp được chúng ta chú ý xuất khẩu từ nhiều năm nay. Tỷ trọng chè xuất khẩu thường chiếm tới 80% - 85% tổng sản lượng. Trước đây chè chủ yếu xuất sang các nước xã hội chủ nghĩa, nay được mở rộng ra trên 60 nước và vùng lãnh thổ, với các thị trường chính hiện nay là Pa-ki-xtan, Ả-rập Xê-út, Áp-ga-ni-xtan, Nga, Trung Quốc... Về cơ cấu chè xuất khẩu, hiện nay chè đen là chủng loại chủ yếu, tiếp đến là chè xanh, chè khô, chè nhài, chè lên men, chè vàng, chè ô long. Chè đen chủ yếu được xuất sang Nga, Trung Quốc, Ả-rập Xê-út, chè xanh xuất sang Pa-ki-xtan, áp-ga-ni-xtan, Trung Quốc... Chè khô, ô long, chè lên men xuất chủ yếu sang Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và số lượng xuất khẩu loại chè này tăng lên rất mạnh trong năm 2008. Năm 2007, khối lượng chè các loại xuất khẩu của Việt Nam đạt 115.000 tấn, đạt trị giá trên 130 triệu USD, kế hoạch năm 2008 cũng sẽ ước đạt được như vậy. Nhìn chung tuy nước ta có ngành sản xuất chè truyền thống hằng trăm năm với nhiều vùng chè đặc sản, nhưng đến nay thương hiệu chè Việt Nam chưa đạt được sự nổi tiếng trên thế giới, không những vậy, chè xuất khẩu lâu nay vẫn dưới dạng bán thành phẩm, chất lượng ở mức trung bình.

Cao su là loại cây công nghiệp đem lại giá trị kinh tế cao cho chúng ta, nằm trong “câu lạc bộ “ sản phẩm xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,42 tỉ USD, với lượng xuất 750.000 tấn. Theo dự báo của Tập đoàn Nghiên cứu cao su quốc tế, năm nay sẽ có sự cân đối cung cầu trên thị trường quốc tế, song trong 8 tháng đầu năm, cả nước đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, số lượng xuất khẩu tuy bị giảm 10% nhưng giá trị lại tăng 30%. Với đà đó, Bộ Công Thương dự kiến cả năm 2008, Việt Nam sẽ đạt trị giá xuất khẩu cao su khoảng 1,7 tỉ USD. Hiện cao su được xuất sang 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản và Đức là những thị trường nhập khẩu chính.

2 - Những thuận lợi và khó khăn đối với xuất khẩu sản phẩm từ cây công nghiệp

Hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội tốt cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu sản phẩm từ cây công nghiệp. Trước hết, các doanh nghiệp nước ta có nhiều điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu. Các sản phẩm đã có mặt và chiếm thị phần cao trên nhiều thị trường. Hội nhập kinh tế quốc tế cũng tạo sức ép thúc đẩy các ngành sản xuất, chế biến sản phẩm từ cây công nghiệp phải đổi mới cơ chế tổ chức quản lý, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh từ nhà quản lý đến người nông dân, từ đó tăng năng suất, chất lượng, tạo cho sản phẩm có khả năng thâm nhập mạnh vào thị trường quốc tế.

Chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần của Đảng và các chính sách khuyến khích, phát triển của Nhà nước tạo nên môi trường vô cùng thuận lợi đối với sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ cây công nghiệp.

Cùng với quá trình đổi mới của đất nước, tư duy của người nông dân, của nhà kinh doanh xuất nhập khẩu đều thay đổi theo hướng chú ý tới chất lượng, giá cả, đa dạng hóa sản phẩm gắn chặt với nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, nhờ đó sản phẩm không những đáp ứng tốt nhu cầu trong nước mà còn được nhiều thị trường khó tính ở nước ngoài chấp nhận. Đó là những thuận lợi đáng kể để mở rộng xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, một số loại sản phẩm từ cây công nghiệp của Việt Nam như cà phê, chè trên thực tế luôn không bán được giá bằng sản phẩm cùng loại của các nước khác. Nguyên nhân chính vì chất lượng sản phẩm của chúng ta chưa cao. Chẳng hạn giá cà phê nhân của Việt Nam thường bị trừ lùi so với giá chuẩn tại các sàn giao dịch cà phê thế giới ở Luân Đôn, Niu Oóc. Chất lượng cà phê của chúng ta chưa cao vì trên 80% diện tích trồng cà phê của cả nước là do các hộ nông dân trực tiếp quản lý, số diện tích còn lại tuy thuộc các doanh nghiệp nhà nước nhưng sau khi thực hiện cơ chế khoán đến từng người lao động thì thực chất cũng do các hộ quản lý. Song do diện tích trồng của các hộ nhỏ lẻ (trung bình từ 0,5 - 1ha), họ phải tự mua sắm phương tiện sản xuất, vận chuyển, đầu tư xây dựng sân phơi, kho tàng... không đạt tiêu chuẩn, đồng thời mức độ hiểu biết hạn chế về trồng trọt, thu hái của người nông dân, cũng như khó khăn trong việc truyền đạt kiến thức thông tin đến họ càng góp phần làm chất lượng của sản phẩm không cao. Việc các doanh nghiệp xuất khẩu hầu như không thực hiện Quyết định số 80 của Chính phủ về ký kết tiêu thụ nông sản với hộ nông dân thông qua hợp đồng đã dẫn đến tình trạng nông dân phải bán cà phê qua mạng lưới các đại lý, thương lái (mua xô). Điều đó cũng làm cho người nông dân không mặn mà với việc nâng cao chất lượng sản phẩm của họ.

Khâu chế biến, đa dạng hóa sản phẩm và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế cũng làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm. Chính sách hỗ trợ vốn, công nghệ từ phía Nhà nước trên thực tế vẫn chưa đủ mạnh và thiếu tính đồng bộ nên các cơ sở sản xuất chế biến vẫn khó khăn trong việc đổi mới công nghệ để đa dạng hóa sản phẩm và bảo đảm các yêu cầu của thị trường. Trong khi đó, hệ thống kiểm tra, giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và các chứng chỉ chất lượng của thị trường quốc tế ngày một khắt khe làm cho sản phẩm xuất khẩu phải chịu sức ép rất lớn trước sự cạnh tranh gay gắt của thị trường.

Khó khăn lớn nữa là vấn đề thương hiệu. Đây là một trong những nguyên nhân làm sản phẩm của chúng ta mất lợi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Nhiều sản phẩm của ta chất lượng không thua kém của nước khác nhưng vẫn luôn bị ép giá hoặc muốn bán được phải lấy thương hiệu của nước khác. Vì vậy, vấn đề xây dựng chiến lược và bảo vệ thương hiệu cho các doanh nghiệp là rất cần thiết giúp họ có chỗ đứng vững chắc trên thương trường quốc tế.

Nước ta hiện đã hội nhập khá sâu vào nền kinh tế thế giới, do đó bên cạnh những cơ hội mà hội nhập đem lại thì chúng ta cũng phải chịu những tác động lớn của tình hình kinh tế toàn cầu bị giảm sút. Tình hình đó cộng thêm với lạm phát trong nước tăng cao thời gian qua đã đẩy chi phí sản xuất như giá vật tư, phân bón, xăng dầu... đều tăng nhanh, phí thuê nhân công tăng cao dẫn đến việc không có khả năng thuê nhiều lao động, trong khi việc trồng cây công nghiệp cần rất nhiều nguồn lực lao động để chăm sóc, nhất là vào những thời vụ thu hoạch. Lãi suất vay ngân hàng cao thời gian qua còn làm nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn khi cần thiết phải thu mua số lượng lớn sản phẩm của nông dân trong thời gian ngắn cho xuất khẩu. Vì thế, hiện tượng phổ biến là các doanh nghiệp mua bán theo kiểu “có gì mua nấy” chất lượng sản phẩm không đảm bảo, mối liên hệ giữa người sản xuất và nhà kinh doanh lỏng lẻo. Đây chính là khó khăn rất lớn hiện nay chưa kể những khó khăn vốn có vẫn là nông dân còn thiếu thông tin về thị trường, giá cả sản phẩm, chính sách thuế và hàng rào phi thuế hiện vẫn bất lợi cho xuất khẩu.

3 - Một số giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu bền vững sản phẩm cây công nghiệp của Việt Nam

Để bảo đảm chất lượng của sản phẩm từ cây công nghiệp cho xuất khẩu nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, điều nhất thiết cần làm hiện nay là rà soát lại diện tích trồng các loại cây hiện có, tìm cách ổn định sản xuất, hạn chế tình trạng khi được giá thì đua nhau trồng một cách tự phát, lúc giá xuống lại chặt bỏ làm ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng. Cũng cần xem những diện tích cây trồng nào đem lại năng suất cao, chất lượng tốt sẽ giữ lại để phát triển lâu dài, còn những diện tích không thích hợp cần phải bỏ đi. Khuyến khích các cơ sở chế biến xây dựng và kiểm soát vùng nguyên liệu của mình theo hướng ổn định. Bên cạnh những việc làm trên, nhanh chóng xây dựng, thực hiện các tiêu chuẩn và cơ chế quản lý chất lượng sản phẩm của từng vùng sản xuất, xây dựng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho các loại sản phẩm. Cung cấp thông tin, hướng dẫn người nông dân trồng, thu hái đúng kỹ thuật, tổ chức chuyển giao khoa học và công nghệ để giúp họ sản xuất đạt năng suất cao, chất lượng tốt.

Tăng cường tuyên truyền cho người dân, nhà sản xuất ý thức được vai trò của việc bảo vệ tài sản trí tuệ và nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của mình thông qua việc xây dựng và bảo vệ uy tín thương hiệu. Đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của các hiệp hội nhằm tập hợp những nhà sản xuất cùng mặt hàng tại các địa phương để cùng có chiến lược và kế hoạch từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Các cấp chính quyền có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ, xác lập quyền và quản lý việc sử dụng các hình thức bảo hộ sản phẩm.

Các cơ quan quản lý cần thường xuyên và kịp thời nắm bắt những khó khăn của doanh nghiệp để điều chỉnh chính sách một cách hợp lý, giảm thiểu những thủ tục thanh khoản, thủ tục hải quan. Nhà nước phải có chính sách quan tâm đầu tư hơn trong lĩnh vực đào tạo, đổi mới công nghệ, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, giao thương hợp tác quốc tế để các doanh nghiệp có cơ hội quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm cũng như thương hiệu quốc gia Việt Nam.../.