Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Đảng bộ thành phố Hà Nội trong sạch, vững mạnh
TCCS - Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực là yêu cầu quan trọng đối với bất kỳ đảng bộ nào để có thể hoàn thành nhiệm vụ chính trị với đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng hiện nay. Do vậy, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn quan tâm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này, để xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.
Xây dựng tiêu chí của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay
Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải luôn trung thành với nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Khi tham gia xây dựng và thực hiện đường lối, người đảng viên phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết, cẩn trọng lựa chọn phương án hiệu quả và có lợi nhất cho đất nước. Bản thân mỗi người cán bộ, đảng viên phải có tinh thần dân tộc, giàu khát vọng cống hiến, đóng góp thiết thực vào chiến lược phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tuy nhiên, sự kiên định, trung thành thực sự phải luôn gắn liền với sự sáng tạo, đổi mới, không rơi vào bảo thủ, giáo điều. Do đó, chủ trương “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy” theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng cần được cụ thể hóa trong mọi hành động và công việc. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có tinh thần đổi mới và có đóng góp thiết thực vào công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới tư duy cho đến hành động, từ thể chế đến phương thức lãnh đạo của Đảng... để tạo “xung lực” mạnh mẽ cho quá trình phát triển trong bối cảnh mới.
Cán bộ, đảng viên phải luôn lắng nghe, sẵn sàng đối thoại với nhân dân, từ đó chắt lọc những điều hợp lý để sửa đổi, bổ sung chính sách và hoàn thiện dần cách thức thực hiện. Dân chủ là động lực và mục tiêu của sự nghiệp đổi mới, nên việc tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân phải được “hóa thân” vào quy trình và nội dung tạo lập chủ trương, chính sách. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng phải được thể chế hóa bằng luật pháp và thực thi trên thực tiễn. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định, hành động của mình, và nếu mắc sai lầm thì phải thành thực nhận lỗi và tự giác sửa chữa.
Cầu tiến bộ, ham học hỏi là phẩm chất rất căn bản của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chuẩn mực này đòi hỏi phải không ngừng học tập lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thước đo đạo đức và năng lực đảng viên chính là hiệu quả công việc và lòng tin của nhân dân.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải biết quản trị bản thân, tự giác thực hiện các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức cách mạng. Với tư cách là người lãnh đạo, quản lý thì họ phải tiết kiệm trong quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải tránh xa nạn tham nhũng dưới mọi hình thức.
Cán bộ, đảng viên phải trung thực trong suy nghĩ và lời nói; minh bạch trong việc làm; thẳng thắn, nhưng chân thành trong quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp, cấp dưới và nhân dân; có thái độ, chính kiến rõ ràng; tự giác thừa nhận những khuyết điểm, những hạn chế của bản thân. Người trung thực có lòng tự trọng, tự giác cao độ. Đây là yêu cầu rất cần thiết với đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; bởi vì, họ thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ mà không phải lúc nào tổ chức cũng có thể theo sát được để nhắc nhở, uốn nắn và giúp đỡ. Vì thế, phẩm chất trung thực, đề cao danh dự và lòng tự trọng sẽ giúp người cán bộ, đảng viên có đủ bản lĩnh chối từ những việc làm phi pháp, gây hại cho lợi ích chung.
Phẩm chất nghĩa tình, nhân ái, ứng xử có văn hóa của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay thể hiện ở sự tôn trọng mỗi người với cá tính của họ, miễn sao họ vẫn thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ và không gây hại đến lợi ích chung. Người có lòng nhân ái sẽ không ganh ghét, đố kỵ với người giỏi hơn mình, thành đạt hơn mình. Người có lòng nhân ái luôn thiện tâm, hết lòng giúp đỡ những ai khó khăn, bất hạnh, có điều kiện kém hơn, theo đạo lý “thương người như thể thương thân”, mà không đòi hỏi sự báo đáp.
Đoàn kết là chuẩn mực đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong mối quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân. Người đảng viên không chỉ cần giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng, trong đơn vị công tác và ở nơi cư trú, mà còn phải là trung tâm quy tụ sự đoàn kết. Đó còn là sự kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng cục bộ, địa phương chủ nghĩa, căn bệnh “cánh hẩu”, bè phái, trên tinh thần đề cao tình đồng chí, nghĩa đồng bào.
Trong điều kiện cách mạng hiện nay, tính tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên thể hiện ở những điều cơ bản sau: Đó là sự tiên phong về lý luận, có năng lực dự báo tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng để thực hiện vai trò là lực lượng lãnh đạo. Đó là sự nêu gương về đạo đức, lối sống, không sa vào chủ nghĩa cá nhân, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí; không bị chi phối bởi “lợi ích nhóm”, không để người nhà, người thân lợi dụng vị trí công tác để “trục lợi”. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nêu gương ở tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và dám từ chức khi thấy mình không đủ điều kiện, năng lực, uy tín để hoàn thành nhiệm vụ. Đó còn là trách nhiệm tiên phong trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Hà Nội đào tạo đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực
Thành ủy Hà Nội tổ chức lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn chức danh bí thư, phó bí thư quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đối tượng tham gia là cán bộ chủ chốt các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy đã được Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt quy hoạch chức danh bí thư, phó bí thư các quận ủy, huyện ủy, thị ủy và đảng ủy trực thuộc nhiệm kỳ 2025 - 2030. Tổng số cán bộ được triệu tập là 208 đồng chí, có 11 đồng chí do đang tham gia công tác không tham gia lớp học. Học viên cao tuổi nhất sinh năm 1968, học viên ít tuổi nhất sinh năm 1985. Với 18 chuyên đề học trên lớp, 2 chuyên đề nghiên cứu, khảo sát thực tế và 1 buổi thảo luận chuyên đề, các học viên đã được cung cấp những kiến thức cơ bản về lý luận, thực tiễn và kỹ năng công tác; nâng cao nhận thức về tư tưởng chính trị, năng lực lãnh đạo, quản lý; rèn luyện đạo đức, tác phong, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ; đồng thời, được cập nhật, bổ sung những kiến thức mới về chủ trương, quan điểm, định hướng phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị và những vấn đề đặt ra về xây dựng, phát triển đất nước, Thủ đô trong giai đoạn hiện nay; qua đó, góp phần hình thành tầm nhìn và tư duy chiến lược cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của thành phố.
Lớp học lần này là một phần cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương và Thành ủy Hà Nội về công tác cán bộ, nhất là chủ trương, định hướng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của thành phố đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần ngày càng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Các học viên vận dụng tốt nhất những kiến thức đã được trang bị qua đợt nghiên cứu, học tập lần này, áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn công tác tại địa phương, cơ sở, từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý.
Lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ phó bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2020 - 2025 do Thành ủy Hà Nội chỉ đạo tổ chức từ đầu năm đến nay. Hiện nay, lớp thứ năm đang diễn ra tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong. Trước đó, 4 lớp với 427 học viên đã hoàn thành khóa bồi dưỡng với 17 chuyên đề và 3 buổi thảo luận chuyên đề, chia thành 3 khối kiến thức. Ngoài những vấn đề chung, tổng quan, thành phố đã tập trung trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, chức năng, nhiệm vụ của vị trí phó bí thư đảng ủy cấp xã; đặc biệt, còn huấn luyện kỹ năng lãnh đạo, quản lý và xử lý tình huống trong công tác.
Đây là một phần trong nỗ lực đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mà Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện từ nhiều năm qua với trọng tâm hướng mạnh về cơ sở.
Ngoài 5 lớp trên, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức 5 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2020 - 2025 với 573 học viên; tổ chức hàng loạt các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các nhóm đối tượng là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, công tác tuyên giáo, dân vận, xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở...
Trước đó, Thành ủy Hà Nội đã thực hiện có hiệu quả Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 20-9-2017, về “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý”; đổi mới từ chương trình đào tạo, công tác quản lý, tổ chức thi sát hạch sau mỗi khoá học... Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức thành công trên tinh thần đó với 3 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý với 706 học viên; 1 lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2025 - 2030 với 91 học viên.
Có thể nói, Thành ủy Hà Nội đã đổi mới toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các nhóm đối tượng cán bộ từ thành phố xuống cơ sở.
Đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh và vị trí việc làm
Nội dung đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được Thành ủy Hà Nội chỉ đạo triển khai rất toàn diện. Đó là, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng được lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào cán bộ chủ chốt, người đứng đầu. Nội dung chương trình đào tạo vừa đủ các kiến thức chung, tổng hợp, vừa có kiến thức riêng, đặc thù gắn với chức danh công tác, vị trí việc làm, nhất là hướng dẫn kỹ năng xử lý tình huống. Hình thức dạy và học linh hoạt, đa dạng, kết hợp hài hòa giữa học trên lớp, thảo luận nhóm, tự nghiên cứu với đi thực tế. Đổi mới còn ở công tác quản lý, phục vụ lớp học trên tinh thần giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương và tạo điều kiện tốt nhất cho học viên tận dụng tối đa khóa học để trau dồi kiến thức, kỹ năng, qua đó nâng cao trình độ bản thân; ứng dụng công nghệ thông tin...
Tinh thần đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng được các cấp ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội quán triệt, thực hiện mở hàng chục lớp học với hàng nghìn lượt học viên. Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ bí thư chi bộ. Các quận, huyện, thị xã đều ban hành và tổ chức thực hiện đề án về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, mời các chuyên gia, cán bộ và nguyên cán bộ lãnh đạo, quản lý về trực tiếp trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn.
Nhằm tăng cường các điều kiện để tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, sắp tới, Thành ủy Hà Nội sẽ ban hành Chiến lược phát triển Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Năm 2022, thành phố cũng đã bố trí vốn để xây dựng cơ sở mới cho nhà trường trên diện tích hơn 4,2 ha; dự kiến năm 2026 đưa vào sử dụng, bảo đảm về quy mô, chất lượng và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển mới.
Quyết tâm đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng sẽ tiếp tục được cụ thể hóa trong thời gian tới. Cùng với tiếp tục duy trì các nội dung đổi mới đã triển khai, thành phố dự định sẽ nghiên cứu triển khai thí điểm phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên internet. Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sẽ tiếp tục được thực hiện đồng bộ với các khâu của công tác cán bộ, nhất là quy hoạch và bố trí cán bộ, bảo đảm cán bộ ở vị trí công tác nào có kỹ năng, trình độ tương ứng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.
Hoàn thiện thể chế phát triển văn hóa nhằm nâng cao năng lực nội tại của Thủ đô Hà Nội  (07/10/2023)
Khảo sát chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Nhật Bản - giá trị tham khảo cho Hà Nội  (05/10/2023)
Công an quận Bắc Từ Liêm phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an cấp cơ sở  (05/10/2023)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm