Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tăng cường công tác xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp
TCCS - Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên luôn xác định, công tác xây dựng Đảng, phát triển tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có ý nghĩa hết sức quan trọng, từ đó có những giải pháp, cách làm hiệu quả, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tạo sự ổn định và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững.
Công tác phát triển tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong doanh nghiệp
Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên có 16 đảng bộ trực thuộc, 558 tổ chức cơ sở đảng, với trên 97.136 đảng viên, chiếm khoảng 7,46% dân số của tỉnh, đứng thứ 13 trên cả nước về số lượng đảng viên.
Tỉnh Thái Nguyên có tiềm năng phát triển công nghiệp ngay từ ngày đầu thành lập chính quyền cách mạng, như hoạt động khai thác than (mỏ than Khánh Hòa, mỏ than Núi Hồng); sản xuất giấy (Công ty Giấy Hoàng Văn Thụ)... Trung ương Đảng quyết định chọn tỉnh Thái Nguyên để xây dựng Khu liên hiệp Gang Thép Thái Nguyên. Đây được coi là khởi đầu của ngành công nghiệp Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám. Tại các cơ sở sản xuất công nghiệp này đều có đảng viên, tổ chức cơ sở đảng thực hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt của đơn vị. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, tỉnh Thái Nguyên có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển cộng đồng doanh nghiệp thông qua nhiều chủ trương mang tính đột phá.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Thái Nguyên có 7 khu công nghiệp với quy mô lớn, như Yên Bình, Sông Công I, Sông Công II, Điềm Thụy, Nam Phổ Yên,…; 35 cụm công nghiệp. Tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển nhiều ngành công nghiệp hiện đại, như điện tử và vi mạch bán dẫn; chế tạo máy, gia công kim loại và cơ khí lắp ráp; công nghiệp nhẹ, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp sản xuất kim loại; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản. Nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo sản xuất tại tỉnh Thái Nguyên đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và nước ngoài, như sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử, sản phẩm cơ khí, may mặc, chè,... góp phần đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành địa phương đứng thứ 4 cả nước về giá trị xuất khẩu (năm 2022 đạt trên 31 tỷ USD).
Các cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành trong tỉnh Thái Nguyên luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập và hoạt động trên nhiều lĩnh vực ngành nghề; do đó, số lượng doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng nhanh. Từ năm 2010 - 2022, mỗi năm tăng bình quân trên 800 doanh nghiệp, trong đó giai đoạn từ năm 2016 - 2020, toàn tỉnh có 5.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn điều lệ đăng ký đạt trên 30.697 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn từ năm 2010 - năm 2015. Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2020 - 2022, mặc dù đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, sự quan tâm, đồng hành của chính quyền tỉnh Thái Nguyên đối với cộng đồng doanh nghiệp, nên số doanh nghiệp thành lập mới hằng năm đều tăng. Cụ thể, năm 2021, toàn tỉnh Thái Nguyên đã thành lập mới 891 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký đạt trên 11.366 tỷ đồng; năm 2022, toàn tỉnh cấp mới đăng ký kinh doanh cho 850 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 9.000 tỷ đồng.
Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên có 2 đảng bộ doanh nghiệp nhà nước cấp trên cơ sở (Đảng bộ Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên và Đảng bộ Công ty cổ phần Kim loại mầu - Vimico), 140 tổ chức cơ sở đảng và 358 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, các huyện ủy, thành ủy và Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên.
Tỉnh ủy Thái Nguyên luôn xác định, công tác phát triển đảng viên là một nội dung cơ bản, quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi tổ chức đảng; góp phần tăng cường lực lượng, trẻ hóa đội ngũ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, bảo đảm sự kế thừa và phát triển liên tục đội ngũ của Đảng. Các Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””; Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, “Về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”; Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 21-1-2019, của Ban Bí thư, “Về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”... được quán triệt sâu sắc, triển khai mạnh mẽ, sáng tạo, từ đó đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển đảng viên ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2023, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 8.877 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 129.435 tỷ đồng; có 466 tổ chức đảng trong doanh nghiệp, chiếm 8,7% tổ chức đảng của Đảng bộ tỉnh, với 7.885 đảng viên, chiếm 8,1% tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn một số hạn chế, như tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức đảng còn ít so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ đảng viên so với tổng số công nhân lao động còn khiêm tốn (chiếm khoảng 1,08%). Một số chủ doanh nghiệp chưa nhận thức rõ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, nên chưa ủng hộ, thực hiện; nhiều tổ chức đảng trong doanh nghiệp chưa kết nạp được đảng viên mới hằng năm; đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa thành lập mới được tổ chức đảng trong doanh nghiệp FDI…
Vai trò của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên đối với sự phát triển của doanh nghiệp
Đa số đảng viên được chủ doanh nghiệp tin tưởng, tín nhiệm, đã gắn bó, chia sẻ trách nhiệm với chủ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh và từng bước phát triển, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Các chủ doanh nghiệp là đảng viên đã phát huy tốt vai trò, tính tiền phong gương mẫu, chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ Đảng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện để phát triển tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong doanh nghiệp. Tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, người lao động; phối hợp với hội đồng quản trị công ty, chủ doanh nghiệp kịp thời giải quyết các vướng mắc, tuyên truyền, ổn định tình hình, không để xảy ra “điểm nóng”, khiếu kiện đông người. Nhiều tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã phát huy được vai trò lãnh đạo của mình, tiên phong, gương mẫu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; đồng thời, xây dựng được mối quan hệ tích cực giữa cấp ủy, lãnh đạo các đoàn thể với lãnh đạo doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp.
Mặc dù đạt được một số kết quả quan trọng, tuy nhiên, vai trò của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế, như đảng viên trong các tổ chức cơ sở đảng ở các doanh nghiệp phần lớn là cán bộ, công chức, viên chức chuyển ra ngoài làm, một phần nhỏ là chủ doanh nghiệp tư nhân được kết nạp vào Đảng. Công tác phát triển đảng viên trong khối doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn có kết quả bước đầu, nhưng số đảng viên mới kết nạp còn ít, chưa đạt chỉ tiêu đề ra, số đảng viên được kết nạp vào Đảng chủ yếu là trong các doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước hoặc một số doanh nghiệp tư nhân đã có tổ chức cơ sở đảng. Tỉnh Thái Nguyên có nhiều doanh nghiệp ở khu vực ngoài nhà nước, nhưng chủ yếu là những doanh nghiệp vừa và nhỏ; trong đó, có nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện để thành lập tổ chức cơ sở đảng và đoàn thể. Công tác phát triển đảng viên gặp nhiều khó khăn, do một số cấp ủy cơ sở chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc tạo nguồn, phát triển đảng viên. Vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội còn phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp; chưa có cơ chế tạo động lực để chủ doanh nghiệp tư nhân khuyến khích, động viên người lao động vào Đảng...
Tháng 1-2023, tỉnh Thái Nguyên vinh dự đón đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, chúc tết, làm việc với Tỉnh ủy về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, của Đảng bộ tỉnh. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, Tỉnh ủy cần chăm lo đầy đủ và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; phát huy đoàn kết nội bộ, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc. Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW về “Những điều đảng viên không được làm”, gắn với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trước hết là phải có các giải pháp cụ thể để sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế (1).
Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên cũng triển khai đồng bộ “Sổ tay đảng viên điện tử”, giúp đảng viên nhanh chóng tiếp cận thông tin bổ ích, cần thiết; nâng cao vai trò của tổ chức đảng trong việc quản lý đảng viên, chỉ đạo thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng (2)...
Tiếp tục phát huy tốt vai trò của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong doanh nghiệp
Từ thực tế công tác phát triển tổ chức cơ sở đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thời gian qua, để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và chủ doanh nghiệp, người lao động về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, các tổ chức chính trị - xã hội và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp, nhất là vận động đoàn viên, thanh niên, người lao động để phấn đấu vào Đảng trở thành nhu cầu tự thân, phù hợp với mong muốn phát triển của cá nhân và của chính doanh nghiệp.
Hai là, nâng cao hơn nữa vai trò của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan tham mưu, giúp việc; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy ở các địa phương, đơn vị trong công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức cơ sở đảng, các tổ chức chính trị - xã hội và phát triển đảng viên, đoàn viên trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Coi đây là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng, là tiêu chí thi đua đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hằng năm.
Ba là, nghiên cứu ban hành quy chế mẫu về mối quan hệ giữa cấp ủy với chủ doanh nghiệp ở từng loại hình doanh nghiệp, trên cơ sở tôn trọng, bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp với sự phát triển của tổ chức cơ sở đảng và quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong doanh nghiệp.
Bốn là, tập trung củng cố đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng hiện có trong doanh nghiệp; tích cực xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở đảng mới, làm tốt công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới. Với doanh nghiệp có đủ từ 3 người lao động là đảng viên chính thức đang làm việc ổn định từ 12 tháng trở lên, nhưng sinh hoạt đảng ở nơi khác, thì tiến hành thủ tục chuyển đảng viên đó về, phối hợp với doanh nghiệp làm các thủ tục thành lập tổ chức cơ sở đảng. Doanh nghiệp chỉ có 1 hoặc 2 người lao động là đảng viên chính thức, thì cấp ủy cấp trên cơ sở quyết định thành lập chi bộ ghép hoặc phân công đảng viên của tổ chức đảng cấp trên cơ sở về sinh hoạt và lập tổ chức cơ sở đảng tại doanh nghiệp; chi bộ ghép có trách nhiệm thực hiện công tác phát triển đảng viên ở doanh nghiệp, khi có đủ 3 người lao động là đảng viên chính thức làm việc trong doanh nghiệp, cấp ủy cấp trên cơ sở quyết định thành lập tổ chức cơ sở đảng tại doanh nghiệp.
Năm là, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội hiện có trong doanh nghiệp; đồng thời, tiến hành thành lập mới các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh ở những doanh nghiệp chưa có. Chăm lo xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đoàn thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao./.
………………………………….
(1) “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại Thái Nguyên”, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 1-10-2023, https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tham-lam-viec-tai-thai-nguyen-716239
(2) Xem: Thế Bình: “Hiệu quả “Sổ tay đảng viên điện tử” ở Thái Nguyên”, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 28-9-2022, https://nhandan.vn/hieu-qua-so-tay-dang-vien-dien-tu-o-thai-nguyen-post717251.html
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay