TCCSĐT - Ngày 06-5, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi tiếp công chúa kế vị Thụy điển và chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết 48.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Công chúa kế vị Thụy Điển

Chiều 06-5, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree đang thăm chính thức Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng gặp lại Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria tại Việt Nam; nhiệt liệt chào đón Công chúa, Phu quân và Đoàn đại biểu cấp cao của Thụy Điển thăm chính thức Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng chuyến thăm Việt Nam lần này của Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria sẽ góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Vương quốc Thụy Điển.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Việt Nam và Thụy Điển có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Olof Palme đặt nền móng, được nhân dân hai nước dày công vun đắp trong nửa thế kỷ qua. Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Đối với nhân dân Việt Nam, hình ảnh hàng nghìn người Thụy Điển xuống đường biểu tình chống chiến tranh tại Việt Nam luôn khắc sâu trong tim.

Trải qua 50 năm, các thế hệ người Việt Nam và Thụy Điển tiếp tục vun đắp mối quan hệ phát triển ngày càng tốt đẹp.

Chủ tịch Quốc hội cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của Hoàng gia, Chính phủ và nhân dân Thụy Điển đã dành cho Việt Nam, đặc biệt là khoản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam (lên đến trên 3 tỷ USD).

Đặc biệt, Thụy Điển đã giúp Việt Nam khai thông quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế trước đây (IMF, WB...), cũng như luôn ủng hộ Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.

Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về sự tiếp đón trọng thị. Công chúa cho biết đây là chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam.
Công chúa Thụy Điển vui mừng nhận thấy quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp cũng như ấn tượng về sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam hiện nay.

Chuyến thăm lần này của Đoàn có 50 doanh nghiệp, bên cạnh những doanh nghiệp truyền thống còn có doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Với mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước, chuyến thăm không chỉ trao đổi phát triển kinh doanh mà còn bàn về chương trình phát triển bền vững mà hai nước cùng quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội cũng đã chia sẻ về nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc.

Quốc hội Việt Nam được sự ủng hộ, giúp đỡ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) đã công bố Bộ Công cụ tự đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững bằng tiếng Việt, phổ biến rộng rãi từ Trung ương đến địa phương.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Thụy Điển là đối tác quan trọng và tin cậy của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Nhiều thương hiệu nổi tiếng của Thụy Điển rất được người Việt Nam ưa chuộng. Thương mại hai chiều năm 2018 đạt 1,5 tỷ USD. Hiện có 67 dự án Thụy Điển ở Việt Nam với tổng số vốn 364 triệu USD.

Nhấn mạnh con số này còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác của hai bên, Chủ tịch Quốc hội hy vọng rằng các doanh nghiệp Thụy Điển tháp tùng Công chúa trong chuyến thăm lần này sẽ có cơ hội tìm hiểu về môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam; đồng thời cho rằng nếu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết, phê chuẩn sẽ góp phần tăng kinh ngạch thương mại song phương.

Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định Việt Nam đang từng bước cải cách hệ thống pháp luật, cải cách hệ thống hành chính, góp phần tạo khung pháp lý vững chắc và sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Thụy Điển.

Tại cuộc tiếp, các thành viên trong Đoàn đã có những trao đổi về một số vấn đề cùng quan tâm; bày tỏ vui mừng trong năm qua có hơn 50.000 du khách Thụy Điển thăm Việt Nam, các công ty Thụy Điển tại Việt Nam tạo khoảng hơn 120.000 việc làm, cho rằng đây là những tín hiệu hết sức tốt đẹp; đồng thời khẳng định Vương quốc Thụy Điển coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam, nước có vị thế quan trọng trong ASEAN.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng là cầu nối giữa Thụy Điển với thị trường ASEAN; đồng thời chia sẻ về những nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường, bày tỏ mong muốn Thụy Điển với kinh nghiệm của mình sẽ chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với nước biển dâng và bảo vệ môi trường.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết 48

Chiều cùng ngày, tại Nhà Quốc hội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã tiến hành Phiên họp thứ nhất với sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Ngân.

Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Uông Chu Lưu và các thành viên Ban Chỉ đạo.

Tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo đã cho ý kiến về kế hoạch tổng kết Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa IX, kế hoạch làm việc của Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo; đề cương Báo cáo tổng kết của Ban Chỉ đạo; các đề cương báo cáo tổng kết của Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương...

Nghị quyết 48-NQ/TW được thông qua ngày 24-5-2005. Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết nhằm đánh giá thực trạng tình hình thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong 15 năm qua, từ đó đề xuất định hướng, giải pháp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, phục vụ việc xây dựng các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Các thành viên Ban Chỉ đạo nhất trí cho rằng việc tổng kết phải bám sát việc tổ chức thực hiện sáu định hướng về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, 12 nhóm giải pháp trong xây dựng và thi hành pháp luật đã được xác định trong Nghị quyết 48-NQ/TW, sáu định hướng tiếp tục thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 và các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Kết luận số 01 ngày 04-4-2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW (Kết luận 01).

Trên cơ sở này, việc tổng kết đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW về tính đồng bộ, tính thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, trọng tâm là: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; sự thống nhất, đồng bộ trong thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật với Chiến lược cải cách tư pháp, cải cách hành chính; giữa hoàn thiện hệ thống pháp luật với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế...

Một số thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị cần làm rõ bối cảnh, tình hình tại thời điểm ban hành và trong thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW; tập trung đánh giá việc phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nội dung Nghị quyết 48-NQ/TW và Kết luận số 01 và việc lãnh đạo thể chế hóa các mục tiêu, quan điểm, định hướng và giải pháp của Nghị quyết 48-NQ/TW và Kết luận số 01.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo của Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan giúp việc của Ban Chỉ đạo.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc tổng kết phải bám sát nội dung, yêu cầu của Nghị quyết 48-NQ/TW, liên hệ với thực tiễn triển khai và quá trình bổ sung, phát triển các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X, XI, XII, các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư kể từ sau khi ban hành Nghị quyết 48-NQ/TW đến nay, gắn với thực tiễn trong quá trình đổi mới tư duy về xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật...

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo về nội dung, phương pháp tiến hành tổng kết, kế thừa kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW trước đây.

Về tổng kết của Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội nhất trí cho rằng nên giảm thời gian đi khảo sát, làm việc tại các địa phương; trong quá trình tổng kết nếu có vấn đề gì nổi lên cần thiết phải khảo sát thực tế tại địa phương thì mới đi địa phương.

Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý tăng cường tổ chức các cuộc hội thảo chuyên gia về nội dung tổng kết.

Theo kế hoạch, việc tổng kết dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2019. Trong khi đó, khối lượng công việc rất lớn với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức ở cả Trung ương và địa phương.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo đồng thời cũng là lãnh đạo các cơ quan đầu mối tiến hành tổng kết cần chủ động triển khai công việc, bảo đảm chất lượng và hiệu quả với tinh thần khẩn trương, tích cực, khoa học, thực tiễn, bám sát mục đích, yêu cầu tổng kết và tiến độ mà Ban Chỉ đạo đã đề ra; tăng cường việc quán triệt, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tổng kết./.