TCCSĐT - Ngày 08-02 (tức mùng 4 Tết Kỷ Hợi 2019), một số địa phương tưng bừng tổ chức lễ hội truyền thống hằng năm nhân dịp Tết Nguyên đán.

Đặc sắc lễ hội rước pháo Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh)

Người dân làng Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) cùng hàng nghìn du khách thập phương nô nức mở lễ hội rước pháo. Hội rước pháo Đồng Kỵ là 1 trong 15 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận năm 2016.

Theo đại diện Ban tổ chức, lễ hội rước pháo Đồng Kỵ năm 2019 được tổ chức với 2 phần lễ chính: Lễ rước pháo và rước Ông đám với các nghi thức truyền thống, trang trọng. Hai quả pháo trong lễ rước được làm tượng trưng bằng gỗ và sơn son thếp vàng, dài 6m với đường kính hơn 60 cm. Mỗi quả pháo được gần 100 thanh niên trong làng thay nhau khiêng từ Nhà văn hóa truyền thống đến sân đình của làng để làm lễ. Sau mỗi hồi trống, các thanh niên reo hò mừng vui, vỗ tay lẫn tiếng cười giòn tan “chúc mừng pháo Nhất, pháo Nhì” tượng trưng cho tiếng pháo mang đến không khí sôi động cho người dân dự lễ hội.

Đặc biệt, thân pháo được chạm trổ hình Long - Lân - Quy - Phụng với mong muốn năm mới mưa thuận gió hòa. Mỗi quả pháo được trang trí với một đầu hình ngôi sao và một đầu hình trống đồng, nặng gần 1 tấn.

Để chuẩn bị cho lễ hội rước pháo, người dân Đồng Kỵ đã chuẩn bị trước đó gần 2 tháng với mong muốn tái hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương, mang lại sự tươi vui phấn khởi của người dân Đồng Kỵ trong dịp Tết đến xuân về.

Cùng với lễ rước pháo, Ban tổ chức lễ hội còn chú trọng duy trì nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc với các hoạt động sôi nổi như đấu vật dân tộc, chọi gà, hát quan họ, thi đấu cờ tướng... thu hút du khách thập phương tham dự.

Năm nay dự kiến du khách tham dự lễ hội đông hơn những năm trước nên Ban tổ chức lễ hội tập trung chuẩn bị cho công tác an ninh trật tự, bảo đảm người dân tham dự lễ hội vui tươi, lành mạnh, giữ gìn môi trường sạch đẹp, tạo ấn tượng tốt trong lòng du khách đến dự lễ hội.

Lễ hội gắn liền với sự tích về đức thánh Thiên Cương ra quân đánh giặc Xích Quỷ. Hội pháo được tổ chức hằng năm nhằm ca ngợi chiến công vẻ vang của đức thánh Thiên Cương cùng người dân Đồng Kỵ. Lễ hội diễn ra trong 4 ngày (từ mùng 4 đến hết mùng 7 Tết Kỷ Hợi).

Hòa Bình: Hàng nghìn người dân dự Lễ khai hội Chùa Tiên năm 2019

Hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tăng ni, phật tử đã tham dự Lễ khai hội Chùa Tiên, tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy năm 2019.

Quần thể hang động Chùa Tiên đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp Quốc gia năm 2011. Với hệ thống hang động bố trí rải rác dọc 2 dãy núi Tung Xê và Hương Tích thuộc địa phận thôn Lão Nội và Lão Ngoại của xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, khu di tích Chùa Tiên đa dạng và phong phú với du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử. Vẻ đẹp hoang sơ nơi đây chính là nét quyến rũ với 2 tuyến chính và 20 điểm dừng chân gồm đền, chùa, hang, động.

Lễ hội Chùa Tiên mang tính truyền thống, lịch sử lâu đời, là nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần, đi vào tiềm thức của người địa phương và du khách trong nước và quốc tế. Du khách đến với Chùa Tiên không chỉ để tham quan, vãn cảnh, tìm hiểu những nét đẹp văn hóa của người Mường cổ, thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian... mà còn là dịp để người dân lễ Phật, cầu may, ôn lại những nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam, tưởng nhớ những bậc tiền nhân đã có công khai phá và tạo dựng nên những vùng đất mầu mỡ, trù phú qua các thời kỳ. Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, du lịch của huyện Lạc Thủy sẽ tiếp tục được phát triển, dành được nhiều thành tựu mới, dần trở thành ngành phát triển kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình Lưu Huy Linh nhấn mạnh, lễ hội Chùa Tiên diễn ra đầu tiên trong dịp năm mới trên địa bàn tỉnh. Theo quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình tầm nhìn từ năm 2020 đến 2030, xác định khu du lịch Chùa Tiên là điểm du lịch sinh thái gắn với tâm linh. Qua đó, tỉnh Hòa Bình tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư nâng cao chất lượng các tuyến du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch gắn kết và tạo ra các điểm đến vui chơi phong phú cho du khách gần xa đến tham quan. Đồng thời, tuyến cáp treo nối giữa Chùa Tiên và Chùa Hương đã được khởi công để kết nối hai điểm du lịch tâm linh này.

Trước đó, Ban tổ chức hội Chùa Tiên đã phân công các tiểu ban phụ trách từng công việc cụ thể của lễ hội, vấn đề bảo đảm vệ sinh môi trường được quan tâm; tu sửa, xây mới nhiều nhà vệ sinh, bố trí thêm thùng rác; phối hợp với lực lượng công an huyện phân công, bố trí lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, không để xảy ra ùn tắc giao thông, gây rối, móc túi; ngăn chặn không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, bố trí bãi trông, giữ phương tiện giao thông; có phương án phòng, chống cháy nổ. Ngoài ra, các cửa hàng bán đồ lưu niệm, đồ ăn phải ký cam kết với Ban quản lý bán đúng giá, không để xảy ra tình trạng chặt chém du khách.

Tưng bừng hội Khán hoa mẫu đơn năm 2019

Lễ hội Khán hoa mẫu đơn (hay còn gọi là hội Phật Tích) tại chùa Phật Tích (xã Phật Tích - huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh) đã diễn ra, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến lễ Phật, du xuân, trảy hội.

Hội Khán hoa mẫu đơn được tổ chức từ ngày 4 - 5 tháng Giêng, trong đó ngày mùng 4 là chính hội nhưng ngay từ những ngày mùng 1 Tết, đã thu hút đông đảo du khách đến chùa thắp hương, lễ phật.

Lễ hội Phật Tích gồm có phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ gồm hoạt động dâng hương tại những nơi thờ tự, tín ngưỡng, tổ chức Pháp hội đại bi cầu Quốc thái dân an, cầu bình an cho nhân dân, phật tử vào tối mùng 5. Phần hội gồm các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian tại trung tâm lễ hội.

Lễ hội Khán hoa mẫu đơn là một trong những lễ hội diễn ra với quy mô lớn, sớm nhất tỉnh Bắc Ninh. Việc tổ chức lễ hội nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi trong nhân dân, khơi dậy lòng tự hào của nhân dân địa phương về di sản văn hóa; đồng thời cổ vũ động viên nhân dân thi đua yêu nước, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

Để bảo đảm an ninh trật tự cho lễ hội, huyện Tiên Du đã tăng cường gần 100 cán bộ, chiến sĩ công an tỉnh, huyện, trên 40 công an xã, dân quân tư vệ, thành lập 6 tổ chốt phân luồng giao thông từ Quốc lộ 38, bố trí lực lượng an ninh từ cổng chùa lên đỉnh núi theo cả chiều lên và xuống. Bên cạnh đó, có hàng trăm tăng ni phật tử tham gia bảo vệ, hướng dẫn du khách trong khu vực diễn ra lễ hội.

Công tác vệ sinh môi trường được chú trọng. Bên cạnh tuyên truyền mọi người giữ gìn vệ sinh chung trên loa truyền thanh, Ban chỉ đạo lễ hội bố trí 500 bao tải, phân phát cho các hộ kinh doanh và đề nghị các hộ ký cam kết không được xả rác ra môi trường. Trong không gian lễ hội được đặt hàng chục thùng rác di động phục vụ du khách. Lực lượng quản lý thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm thường xuyên mở các đợt thanh, kiểm tra đột xuất nhằm kiểm soát giá cả, an toàn thực phẩm tại lễ hội. Với mỗi hộ kinh doanh thực phẩm, Ban tổ chức đều ký cam kết về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo ghi nhận, mùa lễ hội năm 2019, thời tiết nắng, ấm, du khách đến đông hơn, chật cứng các khu vực lối vào, trước cổng Tam quan, Tam bảo, lối lên đại phật tượng, tháp chuông, an ninh vẫn được bảo đảm. Các tệ nạn như ăn xin, ăn mày, đổi tiền lẻ, bói toán… cũng giảm hơn mọi năm.

Trong không gian lễ hội, Ban tổ chức nghiêm cấm các hình thức hát quan họ ngửa nón nhận tiền, hát nhạc mới dưới mọi hình thức, hát văn, nhảy đồng; các trò chơi điện tử xiếc, mô tô bay, các trò chơi dùng loa nén, loa máy công suất lớn gây ảnh hưởng không gian lễ hội; nghiêm cấm việc bán hàng, kinh doanh trên sân chùa, sau khu vực cổng Tam quan, dọc đường bậc thang từ sau chùa lên núi Phật Tích.

Hội Phật Tích đã tồn tại và phát triển hàng nghìn năm, gắn liền với ngôi chùa Phật Tích có bề dày lịch sử và chiều sâu tâm linh, nơi khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam là câu chuyện tình cảm động Từ Thức gặp tiên.

Chùa Phật Tích là nơi các nhà sư từ Ấn Độ đặt bước chân đầu tiên đến truyền dạy đạo phật vào nước ta. Đến thời Lý, chùa Phật Tích được xây dựng thành đại danh lam thắng cảnh và tiếp tục được trùng tu tôn tạo phục vụ các vua đến tham quan, ngắm cảnh. Tuy nhiên, đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, giặc pháp chiếm đóng và phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại một số di vật, cổ vật có giá trị như bia đá, vườn tháp, hàng linh thú đá, tượng Phật A di đà bằng đá từ thời Lý, được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia năm 2012. Năm 1962, chùa Phật Tích được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến ngày 31-12-2014, chùa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Hiện nay, ngôi chùa còn lưu giữ 2 nhóm bảo vật quốc gia gồm hàng linh thú đá, tượng Phật A di đà bằng đá./.