Ghi nhận kết quả, khắc phục hạn chế

BTV/TTXVN
23:38, ngày 15-01-2019

TCCSĐT - Ngày 15-01, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ của ngành nội vụ năm 2019. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo và các mô hình công tác xã hội nhân đạo”, giai đoạn 2008 - 2018 do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức; chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai công tác ngành y tế năm 2019 do Bộ Y tế tổ chức.

* Tại Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ của ngành nội vụ tổ chức sáng 15-01, Thứ trưởng Bộ nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, năm 2018, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát, kiện toàn, sắp xếp, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp; quyết liệt sắp xếp, kiện toàn tổ chức bên trong bộ, cơ quan ngang bộ.

Các địa phương đã tích cực, chủ động rà soát, sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất một số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân các cấp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng với nhau và với cơ quan của Đảng theo tinh thần nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII. Tính đến thời điểm ngày 27-12-2018 (chưa kể Bộ Quốc phòng và Bộ Công an), số lượng vụ và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 248, giảm 12 tổ chức nhưng số cục tăng thêm 7 cục, thành 125 tổ chức.

Số tổng cục và tương đương tăng 2 (gồm Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương và Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thành 29 tổng cục. Số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 102 đơn vị, giảm 8 đơn vị. Số vụ, cục, đơn vị sự nghiệp thuộc tổng cục đều tăng. Số vụ và tương đương thuộc tổng cục là 219, tăng 6 tổ chức; cục và tương đương thuộc tổng cục là 102 tổ chức, tăng 2 tổ chức; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổng cục là 128 tổ chức, tăng 5 đơn vị. Số ban (vụ) thuộc cơ quan thuộc Chính phủ là 52 tổ chức, giảm 1 tổ chức; đơn vị sự nghiệp thuộc các cơ quan thuộc Chính phủ là 154, giảm 37 tổ chức.

Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/NĐ-CP đến năm 2018 là 40.500 người. Trong đó, năm 2015 giảm 5.778 người, năm 2016 giảm hơn 11.900 người, năm 2017 giảm hơn 12.600 người và năm 2018 giảm 10.139 người. Trong số này, số người hưởng chính sách về hưu trước tuổi gần 35.000 người và cho thôi việc ngay 5.483 người. Dự kiến năm 2019, tổng biên chế công chức, sự nghiệp giảm khoảng 44.510 người, trong đó biên chế công chức giảm hơn 5.500 người, biên chế sự nghiệp giảm 39.000 người.

Về sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, huyện, Bộ Nội vụ cho biết, tỉnh Bắc Kạn giải thể 8 phòng Dân tộc và 8 phòng Y tế. Tỉnh Quảng Ninh thí điểm hợp nhất 14 Ban Tổ chức Huyện ủy với Phòng Nội vụ; 14 Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy với Thanh tra cấp huyện. Cũng theo thống kê của Bộ Nội vụ, năm 2018, cả nước có tổng cộng 713 đơn vị hành chính cấp huyện và 11.162 cấp xã.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cho biết, Hà Nội đã cơ bản sắp xếp xong tổ chức bộ máy, trong đó, đơn vị sự nghiệp thuộc sở giảm từ 401 đơn vị xuống 280, giảm 121 đơn vị; đơn vị sự nghiệp cấp huyện giảm từ 206 xuống còn 96, giảm 110 đơn vị. Ngoài ra, thành phố sắp xếp song 70 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành 41 Ban Quản lý dự án, sáp nhập 3 cơ quan quỹ thành 1 đơn vị. Thành phố đã tinh giản được 1.855 biên chế, gồm 630 biên chế công chức, 908 viên chức do sắp xếp tổ chức bộ máy, 317 biên chế theo phương án chuyển đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần.

Hà Nội kiến nghị Trung ương phân cấp cho thành phố được quyết định việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố, bảo đảm quán triệt nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII; điều chỉnh vị trí việc làm trong cơ quan hành chính, quyết định vị trí việc làm cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Đặc biệt, Hà Nội kiến nghị cho phép được thực hiện cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức tương tự như Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đánh giá năm 2018, Bộ Nội vụ nói riêng và ngành Nội vụ nói chung đã hoàn thành tốt khối lượng công việc lớn, tổ chức triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng thể chế, chính sách. Tuy nhiên, công tác chỉ đạo, lãnh đạo cải cách hành chính chưa thực sự quyết liệt. Bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh, chưa đạt yêu cầu tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Một số lĩnh vực quản lý nhà nước còn chồng chéo, tinh giản biên chế chưa đạt kế hoạch. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đồng đều. Việc xử lý những sai phạm trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức, đề bạt, bổ nhiệm, quản lý biên chế còn chậm. Hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong một số lĩnh vực chưa thông suốt, còn tình trạng mệnh lệnh hành chính...

Bộ trưởng cho biết, nhiệm vụ và khối lượng nhiệm vụ của Bộ Nội vụ và ngành Nội vụ trong năm tới rất nặng nề, cần tập trung tham mưu giúp cho Chính phủ chỉ đạo tổ chức xây dựng, thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019. Chú trọng hơn nữa công tác xây dựng thể chế, tham mưu Chính phủ xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng trong hệ thống chính trị; tăng cường kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo Chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ, tiến hành đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, từ đó xác định trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong tổ chức thực hiện định biên biên chế cơ quan, đơn vị mình.

Chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận những đóng góp của ngành Nội vụ trong năm 2018. Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc kiện toàn tổ chức bộ máy, trong điều kiện công tác nội vụ phải đối diện với nhiều thử thách, khó khăn, kỷ luật, kỷ cương hành chính nhiều nơi còn chưa nghiêm, bộ máy còn cồng kềnh, kém hiệu quả, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức còn hạn chế, còn có sai phạm trong công tác cán bộ, ngành Nội vụ đã ban hành chương trình kế hoạch công tác triển khai có kết quả các chủ trương, chính sách và chỉ đạo nêu trên.

Theo Phó Thủ tướng, công tác sắp xếp, kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn được đánh giá là một sự kiện nổi bật năm qua. Cơ cấu tổ chức các bộ, cơ quan đã giảm đầu mối, giảm tầng nấc trung gian; chủ động rà soát, đẩy mạnh phân cấp phân quyền giữa Trung ương và địa phương. Việc thi nâng ngạch chuyên viên cao cấp đổi mới theo hướng công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho các ứng viên. Bộ Nội vụ gương mẫu trong việc không tổ chức phòng trong vụ, giảm số lượng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, điều chỉnh chức năng nhiệm vụ của một số đơn vị để khắc phục chồng chéo, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử.

Phó Thủ tướng chỉ ra một số hạn chế: Công tác xây dựng ban hành thể chế còn chậm. Việc tinh giản biên chế chưa gắn với đổi mới, đánh giá, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; còn cán bộ vi phạm đạo đức công vụ. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa toàn diện, chưa kịp thời phát hiện vi phạm trong hoạt động công vụ.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ nhìn nhận thẳng thắn nguyên nhân bất cập và khắc phục các tồn tại trên. Trước mắt, cần kịp thời hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh và các đề án trong chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật đảm bảo tiến độ, chấm dứt tình trạng nợ đọng văn bản.

Khi xây dựng các đề án, Bộ cần chú trọng việc tổng kết thi hành và đánh giá thực hiện bảo đảm khả thi, đề xuất các giải pháp mang tính đột phá bám sát định hướng nghị quyết gần đây của Trung ương như chế độ hợp đồng có thời hạn với viên chức, thu hút người có tài vào hoạt động công vụ, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công...

Về cải cách hành chính, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ trong xây dựng nền hành chính hiệu quả, hiện đại, chú trọng cải cách chính sách tiền lương và chất lượng các dịch vụ công. Về công chức, công vụ, rà soát vướng mắc, khắc phục việc chậm thể chế hóa các quy định về quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt lưu ý xác định vị trí việc làm đảm bảo khoa học, chính xác, làm cơ sở cho tuyển dụng, bổ nhiệm, cải cách chế độ tiền lương.

Trong tuyển dụng cần rà soát, sửa đổi ngay các thủ tục bất hợp lý, tăng cường công khai, minh bạch, chấm dứt tình trạng chạy chọt, tiêu cực. Kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế các cơ quan theo tỷ lệ đã đề ra, thực hiện đồng bộ với các giải pháp khác để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chấn chỉnh ngay từ khâu tuyển dụng đến đánh giá cán bộ, kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế những người làm việc không hiệu quả.

Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Nội vụ cần nâng cao công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời phát hiện, phòng ngừa vi phạm trong công tác cán bộ, có kế hoạch kiểm tra các địa phương có những biểu hiện chưa nghiêm túc trong kỷ luật, kỷ cương hành chính. Về tổ chức bộ máy, Bộ cần rà soát chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ quan hành chính nhà nước để đề xuất phân công phù hợp.

** Đến dự và phát biểu tại Hội nghị tổng kết Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo và các mô hình công tác xã hội nhân đạo” của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sáng 15-01, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nói chung, đặc biệt là Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Hội tổ chức là phong trào có ý nghĩa thiết thực, góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đúng tinh thần chăm lo cho mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cám ơn sự đóng góp của Hội Chữ thập đỏ các cấp, tình nguyện viên, hội viên, tổ chức, cá nhân đã thiết thực hỗ trợ phong trào nhân đạo không chỉ bằng tấm lòng mà còn có nhiều cách làm hay, mô hình thiết thực. Những mô hình này không chỉ cần được nhân rộng trong công tác nhân đạo mà còn trong công tác xã hội nói chung của các cấp, chính quyền.

Phó Thủ tướng cho rằng: Không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới đã cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững với 17 nhóm tiêu chí trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc “không để ai bị bỏ lại phía sau”, bất cứ ai, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, gặp khó khăn gì cũng cần được trợ giúp để họ đóng góp phát triển xã hội. Điều này hoàn toàn phù hợp với đường lối của Đảng, Nhà nước, tinh thần nhân đạo của dân tộc ta…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Công tác nhân đạo không chỉ là của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mà phải có trách nhiệm, sự vào cuộc thực sự của cấp ủy, chính quyền các cấp để việc thực hiện các mô hình, ý tưởng sáng tạo cho công tác nhân đạo được thuận lợi, bền vững hơn. Thời gian tới, các cấp ủy chính quyền, đoàn thể, chữ thập đỏ cần kết hợp, lồng ghép các chương trình, mô hình để giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cần đề xuất, tham mưu để Nhà nước vào cuộc, có chính sách vĩ mô khuyến khích doanh nghiệp, tập thể, đơn vị, cá nhân tham gia tích cực hơn nữa vào các hoạt động nhân đạo.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cần vận dụng, phát huy sáng kiến, ứng dụng phương thức, công nghệ mới để mỗi địa chỉ nhân đạo phải được cả cộng đồng biết đến, kết nối mọi sự trợ giúp bằng nhiều hình thức phù hợp nhất. Hội phối hợp với những bộ, ngành khác để kết nối cộng đồng những tấm lòng hảo tâm trong công tác từ thiện để đẩy cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đi vào chiều sâu bằng chính sức mạnh cộng đồng. Công việc từ thiện nhân đạo cần được thực hiện bằng tấm lòng, sự sáng tạo, khơi dậy sự tốt đẹp trong lòng mỗi con người để lan tỏa những giá trị nhân ái, tốt đẹp, giúp đỡ, sẻ chia với những hoàn cảnh còn gặp nhiều khó khăn.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết: Tháng 01-2008, Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thống nhất triển khai Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” với phương châm mọi người cần giúp đỡ đều nhận được sự trợ giúp thích hợp.

Trong giai đoạn 2008 - 2018, Hội xác định việc xây dựng các mô hình tốt là vấn đề cốt lõi để triển khai, nhân rộng trong toàn hệ thống. Từ cuộc vận động đã hình thành một số mô hình nhân đạo tiêu biểu, sáng tạo, phù hợp, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng. Các mô hình như: “Ngân hàng bò”, “Bếp ăn tình thương”, “Xây nhà chữ thập đỏ”... đã thể hiện rõ màu cờ, sắc áo, trở thành thương hiệu của Hội, được Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các hội quốc gia đánh giá cao.

Hơn 2,3 triệu địa chỉ đã được trợ giúp với tổng giá trị gần 3.813 tỷ đồng. Trong 10 năm triển khai cuộc vận động, mô hình Ngân hàng bò đã đóng góp 24.100 con với trị giá trên 291 tỷ đồng. Mô hình xây nhà chữ thập đỏ triển khai xây trên 28.700 căn với trị giá gần 870 tỷ đồng. Mô hình bếp ăn tình thương với 181 bếp, cung cấp gần 29,3 triệu suất ăn miễn phí; nuôi heo đất, lợn nhựa t iết kiệm, góp tiền lẻ... đã hỗ trợ gần 184.000 học sinh nghèo. Mô hình Hũ gạo tình thương phát triển ở 40 tỉnh, thành phố, tích lũy được hơn 125 tấn gạo...

Cuộc vận động góp phần chuyển hướng tư duy, nhận thứ của Hội về tổ chức hoạt động nhân đạo tại cộng đồng, từng bước khẳng định vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối của hội trong hoạt động nhân đạo, giảm bớt chồng chéo, trùng lặp, thiếu công bằng trong hoạt động nhân đạo.Trong quá trình triển khai, cuộc vận động tạo được nhiều điểm nhấn ấn tượng: Là cuộc vận động được Đảng, Chính phủ quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ nhất; được lãnh đạo chủ chốt cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương tham gia nhiều nhất; nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả mang tính phát triển bền vững; gắn kết được các tập thể, cá nhân tham gia nhiều nhất...

Tuy vậy, cuộc vận động vẫn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vẫn nặng tính phong trào, coi nhẹ tính bền vững, công tác điều tra, khảo sát có nơi chưa thống nhất về lựa chọn tiêu chí, chưa gắn với đối tượng theo hướng trợ giúp phát triển...

Trong thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện cuộc vận động, rà soát danh sách địa chỉ nhân đạo, duy trì thường xuyên việc khảo sát, lập hồ sơ địa chỉ nhân đạo theo hướng thống nhất vận dụng phương thức linh hoạt. Đặc biệt, Hội đổi mới phương thức trợ giúp đối tượng, liên tục, thiết thực theo hướng phát triển bền vững; lựa chọn mô hình phù hợp với thực tiễn của các địa phương, khả năng tham gia của cộng đồng để đảm bảo mô hình có chiều sâu, lan tỏa và bền vững.

** Chiều 15-01, tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác ngành y tế năm 2019 tại hơn 700 điểm cầu trên cả nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nghe báo cáo tổng kết công tác y tế năm 2018, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của ngành y tế trong năm 2019; nghe tham luận của các địa phương và các bộ, ngành về kết quả triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, sự hài lòng của người bệnh; các giải pháp nâng cao chất lượng y tế cơ sở, hoạt động đổi mới tổ chức bộ máy, mạng lưới y tế cơ sở…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành y tế trong bảo đảm chăm sóc sức khỏe của các tầng lớp nhân dân. Phó Thủ tướng cho rằng, trong năm 2019, ngành y tế cần tăng cường chất lượng khám chữa bệnh tại tất cả các cơ sở y tế từ tuyến Trung ương đến tuyến cơ sở. Đặc biệt cần chú trọng nâng cao chất lượng y tế cơ sở, nhất là chất lượng thuốc tại trạm y tế để người dân tin tưởng đến khám chữa bệnh. Ngành cần có cơ chế quản lý, quản trị để tăng cường hiệu quả, phát huy vai trò của y tế cơ sở đúng là “chân rết”, là nền tảng của hệ thống y tế công; tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế…

Phó Thủ tướng nêu rõ, ngành y tế không được dừng lại, không tự hài lòng với những kết quả đã đạt được mà cần phải làm tốt hơn nữa. Ngành cần tiếp tục đổi mới phong cách phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là đẩy mạnh ứng dụng hệ thống Telemedicine trong khám chữa bệnh từ xa; xây dựng và triển khai hệ thống y tế điện tử.

Cùng với đó, ngành y tế cần tiếp tục chú trọng thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát chặt quy trình tiêm chủng mở rộng. Việc đưa vắc xin ComBE Five vào chương trình tiêm chủng cần bảo đảm an toàn, hiệu quả. Ngành cần coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thực hiện thận trọng hơn nữa, sàng lọc trước tiêm kỹ hơn, dặn dò, hướng dẫn cha mẹ trẻ trước và sau tiêm vắc xin cẩn thận, theo dõi chặt chẽ, sát sao hơn, bởi nếu để người dân mất niềm tin vào vắc xin là vô cùng nguy hiểm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong năm 2018, ngành y tế đã hoàn thành vượt hai chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao là số giường bệnh/vạn dân đạt 26,5 (chỉ tiêu là 26,0); tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,7% (chỉ tiêu là 85,2%); đạt và vượt 9/11 chỉ tiêu y tế cơ bản. Ngành y tế thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh, liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển giao kỹ thuật.

Chất lượng khám, chữa bệnh tiếp tục được nâng cao, ngành y tế đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật khó, tiên tiến trên thế giới, lần đầu tiên thực hiện ghép phổi trong năm 2018; triển khai thường quy ghép tim, gan, thận, tủy... Mạng lưới bệnh viện vệ tinh được mở rộng, chuyển giao gần 2.000 kỹ thuật cao cho các bệnh tuyến dưới, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương.

Năm 2018, ngành không để xảy ra dịch bệnh lớn, hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm có số mắc và tử vong giảm so với năm 2017; đồng thời triển khai có hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống HIV/AIDS, đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, dân số - kế hoạch hóa gia đình...

Ngành y tế đẩy mạnh thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm ngân sách cấp trực tiếp cho các bệnh viện, giảm số biên chế hưởng lương từ ngân sách, tăng số đơn vị tự bảo đảm toàn bộ. Quản lý chất lượng, giá thuốc, đẩy mạnh đấu thầu tập trung theo hướng công khai, minh bạch, bảo đảm lợi ích người bệnh; triển khai kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc…

Thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, đến nay, cả nước đã có khoảng 82,38 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 87,7% dân số; 92 triệu người với trên 24 triệu hộ gia đình thực hiện kê khai, lập danh sách hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế; cơ bản hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế. Ngành y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ ngành liên quan để kiểm tra, giám sát, giải quyết các vướng mắc trong xây dựng và thực hiện chính sách bảo hiểm y tế...

Trong năm 2019, ngành y tế đặt mục tiêu chung là giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh và dịch bệnh, góp phần tăng tuổi thọ, nâng cao các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân. Cần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, tạo nền tảng vững chắc để phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của các tầng lớp nhân dân.

Ngành y tế tiếp tục đổi mới đổi mới cơ chế tài chính y tế, thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân; thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, điều chỉnh chi phí tiền lương theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng và chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh phù hợp với thực tế diễn biến chỉ số giá và tình hình cân đối quỹ bảo hiểm y tế. Ngành thực hiện tăng cường giao quyền tự chủ về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp, xây dựng mô hình quản trị bệnh viện công; từng bước chuyển ngân sách chi thường xuyên cấp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế…/.