Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 07 đến 13-01-2019)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
22:43, ngày 15-01-2019

TCCSĐT - Kinh tế toàn cầu sẽ mất đà tăng trưởng trong năm 2019 và 2020, do một chuỗi các yếu tố tiêu cực, từ căng thẳng thương mại, bất ổn trên thị trường tài chính cho đến những thách thức về tiền tệ ở nhiều thị trường đang nổi. Đó là nhận định tổng quan trong báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 08-01.

Quy định về giới hạn sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 46/2018/TT-NHNN quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác.

Thông tư yêu cầu các tổ chức tín dụng phối hợp với cổ đông lớn rà soát, xác định danh sách cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác (nhóm cổ đông lớn có liên quan).

Tổ chức tín dụng đầu mối phối hợp với tổ chức tín dụng khác, nhóm cổ đông lớn có liên quan lập kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn, triển khai thực hiện kế hoạch khắc phục đảm bảo chậm nhất ngày 31-12-2020 tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ quy định tại Luật các tổ chức tín dụng.

Thông tư cũng quy định, tổ chức tín dụng đầu mối phối hợp với tổ chức tín dụng khác, nhóm cổ đông lớn có liên quan hoàn thiện Kế hoạch khắc phục và gửi Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, nhóm cổ đông lớn có liên quan không được tăng số lượng cổ phần sở hữu tại tổ chức tín dụng đầu mối, tổ chức tín dụng khác dưới mọi hình thức, trừ các trường hợp: Nhận cổ phiếu thưởng hoặc cổ tức bằng cổ phiếu; mua cổ phiếu phát hành thêm khi tổ chức tín dụng đầu mối, tổ chức tín dụng khác tăng vốn điều lệ nhưng đảm bảo tỷ lệ sở hữu cổ phần sau khi mua tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định.

Đặc biệt, tổ chức tín dụng đầu mối, tổ chức tín dụng khác không được cấp tín dụng cho nhóm cổ đông lớn có liên quan sau 90 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành cho đến khi nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ ti lệ sở hữu cổ phần theo quy định. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-3-2019.

Chính phủ 'đặt hàng' Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ

Ngày 12-01, Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã họp phiên họp quý I-2019 nhằm đánh giá công tác điều hành chính các chính sách kinh tế vĩ mô trong năm 2018 và kiến nghị tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp điều hành của năm 2019.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao các ý kiến của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, thành viên Hội đồng đã tham mưu hiệu quả cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành và đạt được những kết quả tích cực trong năm 2018.

Phó Thủ tướng cũng ghi nhận, các kiến nghị của các thành viên Hội đồng về điều hành chính sách tài chính, tiền tệ trong năm 2019 và những năm sau. Đồng thời cho biết, Chính phủ đang tích cực xây dựng hành lang pháp luật để triển khai; trong đó, có việc phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, thanh toán trung gian và cho vay ngang hàng, hạn chế tình trạng tín dụng đen,...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ “đặt hàng” các thành viên Hội đồng, các nhà khoa học đóng góp trí tuệ, cùng Chính phủ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới 10 năm tới; trong đó, có quan điểm coi khoa học công nghệ là một lực lượng, động lực của phát triển kinh tế chứ không đơn thuần là một lĩnh vực khoa giáo.

Năm 2018 kinh tế toàn cầu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhưng tốc độ tăng trưởng có biểu hiện chậm lại từ nửa cuối năm. Thị trường hàng hóa, tiền tệ, tài chính biến động khó lường với giá hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới biến động mạnh. Áp lực lạm phát tăng tại nhiều thời điểm, đồng USD tăng giá, ngân hàng Trung ương các nước lớn tiếp tục giảm dần việc nới lỏng chính sách tiền tệ, kéo theo xu hướng tăng lãi suất, thậm chí can thiệp ngoại tệ để ổn định tỷ giá tại nhiều nước mới nổi và đang phát triển. Căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định và phát triển thương mại, tài chính toàn cầu. Chứng khoán thế giới biến động liên tục, tần suất lớn.

Mặc dù kinh tế thế giới có nhiều biến động nhưng kinh tế trong nước đã có sức chống chịu tốt khi môi trường bên ngoài biến động, đạt được kết quả tích cực với 12/12 chỉ tiêu đạt. Theo đó, có 9 chỉ tiêu vượt kế hoạch của Quốc hội giao, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế là 7,08%, mức cao nhất trong 11 năm qua. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung; trong đó, có công tác điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan; điều hành chính sách tiền tệ đồng bộ, linh hoạt, chủ động góp phần ổn định đồng tiền; tin tưởng rằng kinh tế của đất nước sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn trong năm 2019.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng kinh tế thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp tiếp tục tác động tới trong nước. Trong khi đó, nội tại của nền kinh tế vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” ở tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, chậm triển khai các dự án. Công trình trọng điểm quốc gia, doanh nghiệp có vốn mỏng, “tín dụng đen” vẫn hoành hành, cải thiện môi trường kinh doanh chưa theo kịp với thực tiễn của đời sống kinh tế và vẫn còn rủi ro trong chống chọi với những thách thức từ bên ngoài.

Các thành viên Hội đồng kiến nghị Chính phủ tiếp tục củng cố ổn định kinh vĩ mô và cả vi mô, nhằm tạo ra “vùng đệm” để cả nền kinh tế hay từng doanh nghiệp, từng định chế tài chính có thể chống đỡ với những tác động từ bên ngoài. Đẩy mạnh thị trường vốn và tiền tệ với hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, đẩy nhanh tiến trình thẩm định, định giá các doanh nghiệp nhà nước; xây dựng hành lang pháp lý cho các mô hình kinh tế số, kinh tế chia sẻ, các hình thức thanh toán mới, cho vay ngang hàng, hạn chế tình trạng “tín dụng đen”; quan tâm hơn tới kiểm soát bội chi ngân sách, nợ nước ngoài của quốc gia, cải cách cơ chế thu chi ngân sách, kể cả cơ chế phân cấp thu, chi ngân sách của các địa phương để tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Nền kinh tế Mỹ hứng chịu hậu quả từ việc chính phủ đóng cửa


Việc Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước này với việc hàng trăm nghìn việc làm đứng trước khả năng bị cắt giảm và tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên trên mức 4%.

Các chuyên gia kinh tế mới đây dự báo thị trường lao động Mỹ có thể mất đến 500.000 việc làm trong tháng 01-2019 và tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ có thể tăng lên trên ngưỡng 4% nếu tình thế bế tắc tại Washington không được giải quyết trước ngày 18-01 tới.

Khoảng 800.000 nhân viên liên bang đã không được nhận tiền lương vào ngày 11-01 do Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần từ ngày 22-12-2018, bắt nguồn từ việc Tổng thống Donald Trump và phe Dân chủ không thể thống nhất ngân sách cho bức tường biên giới Mỹ - Mexico. Tổng thống Trump yêu cầu khoản chi 5,7 tỷ USD cho bức tường biên giới phải có trong dự luật ngân sách liên bang, song phe Dân chủ kiên quyết phản đối và tới nay vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ vấn đề này.

Kết quả cuộc thăm dò nhân viên và hộ gia đình được Bộ Lao động Mỹ tiến hành trong tuần tính đến ngày 12-01 cho thấy, trong tháng 01-2019, giai đoạn trả tiền lương cho hầu hết nhân viên liên bang là từ ngày 06 đến 19-01. Khoảng 380.000 nhân viên đã được cho nghỉ phép, trong khi số còn lại làm việc không lương. Nếu Chính phủ Mỹ không hoạt động trở lại trong tuần tới, các nhân viên được cho nghỉ phép sẽ có thể bị đưa vào nhóm người thất nghiệp, do họ không được nhận lương trong giai đoạn khảo sát.

Chuyên gia kinh tế Daniel Silver tại JPMorgan tại New York dự đoán việc Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp Mỹ tăng 0,2 điểm phần trăm trong tháng 01-2019. JPMorgan ước tính tình hình trên khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ tính theo quý giảm 0,1 - 0,2 điểm phần trăm cứ mỗi tuần trôi qua, đồng thời cảnh báo tác động thậm chí có thể lớn hơn nếu việc chính phủ đóng cửa dẫn đến một sự biến chuyển lớn trong tâm lý người tiêu dùng và giới doanh nghiệp.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Richmond Thomas Barkin ngày 10-01 cho biết việc chính phủ đóng cửa cản trở Bộ Thương mại Mỹ công bố các số liệu thường kỳ, trong đó có số liệu thương mại trong tháng 11-2018 , qua đó có thể ảnh hưởng đến lượng dữ liệu kinh tế cần thiết cho Fed.

Trong nỗ lực mới nhất Hạ viện Mỹ ngày 11-01 thông qua dự luật cấp ngân sách và mở cửa trở lại Bộ Nội vụ, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) cùng một số cơ quan liên bang khác chịu ảnh hưởng của tình trạng đóng cửa chính phủ. Ngày 10-01, Hạ viện thông qua dự luật giúp khôi phục hoạt động của Bộ Nông nghiệp, Bộ Giao thông và nhiều cơ quan chính phủ khác vốn đã phải đóng cửa trong gần ba tuần qua vì không có ngân sách hoạt động.

Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019

Kinh tế toàn cầu sẽ mất đà tăng trưởng trong năm 2019 và 2020, do một chuỗi các yếu tố tiêu cực, từ căng thẳng thương mại, bất ổn trên thị trường tài chính cho đến những thách thức về tiền tệ ở nhiều thị trường đang nổi. Đó là nhận định tổng quan trong báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 08-01.

WB đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong hai năm 2018 và 2019, xuống lần lượt còn 3% và 2,9%, giảm so với báo cáo hồi tháng 6-2018, cho rằng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,1 % trong năm 2018.

Các trung tâm kinh tế được xem là đầu tàu của kinh tế toàn cầu đều đánh mất đà tăng trưởng, khi kinh tế Mỹ, Trung Quốc, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2019.

Cụ thể, kinh tế Mỹ năm 2018 tăng trưởng mạnh, ước đạt 2,9%, tăng 0,2% so với dự báo của WB tháng 6-2018. Nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ tăng trưởng chậm lại, chỉ đạt 2,5% trong năm 2019 và xuống còn 1,7% năm 2020.

Kinh tế Trung Quốc ước đạt mức tăng trưởng 6,2% trong năm 2019 và 2020, giảm so với mức 6,5% của năm 2018. GDP của Eurozone ghi nhận mức tăng 1,9% trong năm 2018, giảm 0,2% so với báo cáo hồi tháng 6-2018 và sẽ tiếp tục suy yếu trong năm 2019, với tăng trưởng ước chỉ còn 1,7%.

Tổng giao dịch thương mại toàn cầu suy yếu là một nguyên nhân chính gây ra giảm tăng trưởng toàn cầu. WB dự báo giao dịch thương mại toàn cầu sẽ suy giảm thêm 0,5% trong năm 2018, 2019 và cả 2020 so với báo cáo tháng 6-2018.

Báo cáo cập nhật của WB vẫn giữ nguyên đánh giá kinh tế toàn cầu chỉ suy giảm, chứ không rơi vào suy thoái. Theo ông Ayhan Kose, Trưởng Nhóm Dự báo tăng trưởng toàn cầu, triển vọng có thể được cải thiện nếu xuất hiện các chiều hướng tích cực, như việc các thị trường tài chính bình ổn trở lại trước thông tin Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thận trọng tăng lãi suất, hay một số tranh chấp thương mại tác động đến kinh tế toàn cầu được giải quyết.

Mỹ, Nhật Bản và EU thúc đẩy thương mại điện tử và cải tổ WTO

Các quan chức Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí đi đầu trong việc thúc đẩy thương mại kỹ thuật số và cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp tại Washington ngày 09-01, các bộ trưởng thương mại các bên nêu rõ: "Các bộ trưởng đã khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác trong việc tạo thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số và tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số và tăng cường môi trường kinh doanh thông qua việc thúc đẩy bảo mật dữ liệu".

Đây cũng là những vấn đề mà Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko cho biết ông sẽ đưa ra khi ông chủ trì cuộc họp cấp Bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về thương mại và kinh tế kỹ thuật số dự kiến diễn ra từ ngày 08 và 09-6 tới tại tỉnh Ibaraki của Nhật Bản.

Liên quan tới quan hệ thương mại với Trung Quốc, quan chức thương mại Mỹ, Nhật Bản và EU nhất trí hạn chế trợ cấp công nghiệp và chuyển giao công nghệ bắt buộc, dường như nhắm vào các chính sách và thực tiễn theo định hướng phi thị trường của Trung Quốc.

Tuyên bố chung cho biết các bộ trưởng đã chỉ thị các cơ quan chức năng hoàn thiện công việc dựa trên văn bản 3 bên về trợ cấp công nghiệp trong thời gian tới để sớm thu hút các nền kinh tế lớn khác cùng tham gia sáng kiến này.

Tuyên bố cho biết các bộ trưởng cũng cam kết tăng cường hợp tác trong quá trình kiểm soát chuyển giao công nghệ bắt buộc thông qua kiểm soát xuất khẩu, xây dựng các quy tắc mới và xem xét đầu tư vì mục đích an ninh quốc gia.

Tuyên bố nhấn mạnh: "Các bộ trưởng đã tăng cường thảo luận về mục tiêu chung nhằm giải quyết các chính sách và thực tiễn theo định hướng phi thị trường của các nước thứ ba vốn dẫn đến tình trạng dư thừa trầm trọng, tạo điều kiện cạnh tranh không công bằng cho người dân và doanh nghiệp của họ, cản trở sự phát triển và sử dụng các công nghệ đổi mới, đồng thời làm suy yếu chức năng đúng đắn của thương mại quốc tế, trong đó có nơi các quy tắc hiện hành không hiệu quả".

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko nêu rõ nhằm thúc đẩy thương mại số, các bên nhất trí tìm kiếm sự đồng thuận với các nước về các quy định trong thương mại điện tử tại hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), dự kiến diễn ra cuối tháng này tại Davos, Thụy Sĩ. Tham dự cuộc họp ba bên này có cả Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Ủy viên Thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom. Trước cuộc gặp chính thức 3 bên, giới chức Nhật Bản đã có các cuộc tiếp xúc song phương với phía Mỹ và EU về các vấn đề trong quan hệ thương mại./.