Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Một Tiền Giang mới đang sẵn sàng bứt phá vươn lên"
Ngày 09-8, tại thành phố Mỹ Tho, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018 với chủ đề “Tiền Giang: Cơ hội đầu tư - Đồng hành phát triển” và cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tiền Giang.
* Sáng 09-8, tại thành phố Mỹ Tho, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018 với chủ đề “Tiền Giang: Cơ hội đầu tư - Đồng hành phát triển”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các doanh nghiệp được trao giấy chứng nhận đầu tư vào tỉnh Tiền Giang. Ảnh: TTXVN.
Tổng số có 30 dự án được trao chủ trương đầu tư, nghiên cứu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tiền Giang năm nay với tổng mức đầu tư là gần 16.200 tỷ đồng; phần lớn dự án này sẽ được triển khai thực hiện trong năm 2018 và 2019. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư vào 5 lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, văn hóa, thể thao và kết cấu hạ tầng với 19 dự án, tổng vốn đầu tư 16.520 tỷ đồng.
Hội nghị đã nghe báo cáo của tỉnh cũng như những ý kiến của đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư và một số chuyên gia trong nước, quốc tế. Nhiều ý kiến đã tập trung giải quyết bài toán đặt ra: Tiền Giang phải làm gì để thu hút được ngày càng nhiều các nhà đầu tư, doanh nghiệp? Những giải pháp khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế để tiếp tục đổi mới, phát triển mạnh mẽ hơn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính bền vững?
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả của hội nghị và chúc mừng tỉnh Tiền Giang đã trao chủ trương đầu tư cho 30 dự án với số vốn lên tới gần 16.200 tỷ đồng. Thủ tướng cho rằng, Tiền Giang hội tụ nhiều lợi thế để thu hút được những nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp có tầm nhìn xa trông rộng trong các lĩnh vực từ công nghiệp đến nông nghiệp, dịch vụ, đặc biệt công nghiệp chế biến phục vụ cây ăn quả.
“Một Tiền Giang mới đang sẵn sàng bứt phá vươn lên trong làm ăn kinh tế và sẽ trở thành động lực phát triển của toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” là nhấn mạnh của Thủ tướng trong phát biểu tại Hội nghị.
Thủ tướng cho biết, ngay từ thế kỷ 17, Mỹ Tho cùng Cù Lao Phố (Biên Hòa) là hai trung tâm tấp nập nhất của Nam Bộ. Vị trí của Mỹ Tho trước đây chiếm vị trí quan trọng bậc nhất của các ghe chài to lớn từ miền Tây lên Chợ Lớn Sài Gòn. Điều đó cho thấy, vùng đất này từng có một vị trí quan trọng về thương mại của cả Nam Bộ. Do đó, Thủ tướng đặt câu hỏi, tại sao chúng ta không thể “phục hưng” lại vùng đất này trở lại sầm uất và thịnh vượng hơn xưa?
Thủ tướng nhấn mạnh về niềm tin mới vào Tiền Giang, với vị trí chiến lược hàng đầu là nền tảng cho sự phát triển của tỉnh nhà nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Thủ tướng đánh giá, Tiền Giang là tỉnh hội tụ đủ các yếu tố “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”. Bởi tỉnh có sự kết nói thuận lợi với Thành phố Hồ Chí Minh, là tỉnh trải dọc bờ Bắc sông Tiền với chiều dài 120 km và có trục cao tốc Trung Lương và nhiều Quốc lộ khác sẽ qua tỉnh. Đây còn là hành lang kinh tế, điểm giao hòa giữa miền Đông và miền Tây của Nam Bộ. Với tỉnh ven sông, ven biển, có hệ sinh thái đặc biệt là sông ngòi, nguồn nước phong phú, có khả năng kết nối giao thông thuận lợi, Thủ tướng cho rằng, Tiền Giang là “mặt tiền” của Đồng bằng sông Cửu Long. Tiền Giang còn có lợi thế gần thị trường lớn nhất cả nước, đóng vị thế kết nối động lực kinh tế quan trọng hàng đầu là Thành phố Hồ Chí Minh.
"Tiền Giang hội tụ các yếu tố trở thành một "siêu vệ tinh" của Thành phố Hồ Chí Minh nếu có tầm nhìn. Chính phủ đã hiểu và dành nhiều ngân sách cho Tiền Giang trước đây, bây giờ cũng như trong tương lai" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về lợi thế sản vật tự nhiên, Thủ tướng cho rằng, nếu Đồng bằng sông Cửu Long là “vương quốc” trái cây của cả nước thì Tiền Giang là “vương quốc” của “vương quốc” trái cây với nhiều sản phẩm nổi tiếng. Do đó, Thủ tướng đặt vấn đề, liệu Tiền Giang có trở thành một chỉ dẫn địa lý về thương hiệu trái cây Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung hay không. Từ đó, Thủ tướng mong muốn chính quyền và doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Tiền Giang sẽ trả lời và có giải pháp trong tương lai gần.
Thủ tướng ghi nhận thời gian qua, Tiền Giang có nhiều cố gắng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá cao sự đoàn kết, thống nhất, sự phát triển khá toàn diện của Tiền Giang, nhất là trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh tỉnh cần tiếp tục tích cực giải quyết các nút thắt và điểm nghẽn trong phát triển; tăng cường đối thoại với người dân, doanh nghiệp để giải quyết vướng mắc tồn tại. Tỉnh chú trọng hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, nhất là vốn ưu đãi cho doanh nghiệp, người dân, trong điều kiện Chính phủ đã ban hành Nghị định về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng là giải pháp ngăn chặn tình trạng tín dụng "đen" đang lan tràn ở nhiều vùng quê. Đồng thời, tỉnh thực hiện kết hợp tốt 5 "nhà" gồm: nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và ngân hàng.
Thủ tướng lưu ý, Tiền Giang cũng cần sớm nhận thức được vai trò của chuỗi liên kết giá trị. Đây là bài học lớn mở ra cho nhà đầu tư muốn tham gia liên kết với người nông dân, cũng như các mắt xích trong sản xuất, cung ứng.
Bên cạnh phát triển một số doanh nghiệp công nghệ cao, tỉnh cần chú trọng phát triển doanh nghiệp tạo được nhiều việc làm, chuyển bớt lao động nông nghiệp nông thôn sang các khu vực công nghiệp, dịch vụ. Trong phát triển, tỉnh cần chú ý phát triển xanh, áp dụng công nghệ cao, không chỉ chú trọng phát triển công nghiệp chế biến gia tăng giá trị mà còn quan tâm phát triển đô thị.
"Tinh thần lớn được xác định là phải xây dựng được một thành phố Mỹ Tho sầm uất, xứng tầm, đồng thời phát triển các đô thị ở 3 vùng kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân và thu hút thương mại dịch vụ phát triển" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp đón bắt thời cơ kinh doanh mạnh mẽ để cùng nhau xây dựng tỉnh Tiền Giang, thành phố Mỹ Tho phát triển; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp đảm bảo tiến độ triển khai các dự án, chú ý yếu tố môi trường, giữ gìn, bảo vệ văn hóa truyền thống địa phương. Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn cải thiện môi trường đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển.
** Chiều cùng ngày, tại Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tiền Giang.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN .
Tiền Giang là động lực phát triển của Đồng bằng Sông Cửu Long
Thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội Tiền Giang tiếp tục ổn định và có nhiều chuyển biến. Kinh tế của Tiền Giang chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp - xây dựng với mức tăng trưởng ngành cao; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thứ hai vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, với mức tăng bình quân hai năm qua là 8%. Quy mô nền kinh tế Tiền Giang hiện đã chiếm 9,2% GRDP toàn vùng và 1,5% GDP cả nước.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những kết quả tích cực đó là xu hướng đáng mừng; đồng thời đánh giá cao tập thể Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Tiền Giang đoàn kết, thống nhất, quyết tâm phát triển tỉnh nhà.
Thủ tướng cho rằng, các tỉnh Tiền Giang, Long An, Cần Thơ, Kiên Giang là những tỉnh có điều kiện phát triển trước một bước trong các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cần nhận thức rõ vị trí của tỉnh nhà để đoàn kết, quyết tâm đưa Tiền Giang tiến lên.
Theo Thủ tướng, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp vẫn giữ vai trò trụ đỡ cho kinh tế của tỉnh. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với tái cơ cấu thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, nhưng cần phấn đấu tốt hơn, trong đó phấn đấu đạt kết quả cao hơn con số 100/144 xã đạt chuẩn nông thôn mới như hiện nay.
Thủ tướng đánh giá cao việc phát triển doanh nghiệp và khuyến khích khởi nghiệp của tỉnh, nhờ đó số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh qua các năm. Nửa đầu năm 2018, số doanh nghiệp thành lập mới ở Tiền Giang đứng thứ 4/13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.
Nửa đầu năm nay, thu ngân sách của Tiền Giang đạt 62,5% dự toán năm. Thủ tướng đánh giá cao kết quả này cũng như mục tiêu tỉnh đề ra là đến năm 2020, tổng thu ngân sách của tỉnh tăng gấp đôi so với năm 2016. Thủ tướng cho rằng đây là nền tảng quan trọng để tỉnh tiến tới tự cân đối ngân sách trong thời gian tới.
Nền kinh tế Tiền Giang cần phát triển trên 5 trụ cột chính
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của Tiền Giang. Tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhưng chưa tương xứng với tiềm năng; chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa bền vững và chưa đồng đều. Các khu vực và thành phần kinh tế chưa có sự gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau. Bên cạnh đó, công nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng xuất hiện một số điểm nghẽn. Vì vậy những năm tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần giải quyết tốt vấn đề quy hoạch và công tác giải phóng mặt bằng.
Với nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, sản vật nhưng nông nghiệp vẫn tăng trưởng với mức thấp hơn “kho vàng tiềm năng” của tỉnh cũng như cả vùng.
Đề cập đến tình trạng tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, còn diễn biến phức tạp, đặc biệt gần đây nổi lên tình trạng cho vay nặng lãi, Thủ tướng yêu cầu tỉnh chỉ đạo điều tra xử lý nghiêm tình trạng tín dụng "đen" trên địa bàn.
Từ cơ sở đó, Thủ tướng cho rằng thời gian tới, kinh tế Tiền Giang cần phát triển trên 5 trụ cột chính: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ, trái cây sạch được định vị ở phân khúc cấp cao, công nghiệp chế biến nông sản, du lịch sinh thái và nghiên cứu cảng nước sâu Xoài Rạp để làm một khu công nghiệp cảng logistic của tỉnh cho cả khu vực.
Thủ tướng yêu cầu cần đặc biệt coi giáo dục là nhân tố quyết định cho sự phát triển bền vững của tỉnh Tiền Giang; có chủ trương cụ thể về tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, hòa mình vào làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Có phương án cụ thể để chống biến đổi khí hậu.
Tại cuộc làm việc, tỉnh nêu một số đề xuất, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo, xử lý đối với các dự án về sát lở bờ biển, sông rạch và phát triển công nghiệp của tỉnh gắn với kinh tế biển.
Sau khi làm việc với tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm một số hộ gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh Tiền Giang./.
Giám sát chuyên đề về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài  (09/08/2018)
Trao Quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm Đại sứ nhiệm kỳ 2018 - 2021  (09/08/2018)
“Trên nóng, dưới lạnh” đến bao giờ?  (09/08/2018)
Bộ đội Biên phòng tích cực vận động nhân dân giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới  (09/08/2018)
Lễ thượng cờ ASEAN tại Hà Lan  (09/08/2018)
Nguyên nhân giảm tốc kinh tế Trung Quốc và những thách thức  (09/08/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên