Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân
TCCSĐT - Đó là nội dung trọng tâm được đề ra tại Hội nghị Tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 tiếp tục thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”, do Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 (Ban Chỉ đạo Đề án 61) thành phố Cần Thơ tổ chức ngày 08-3-2017.
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Đề án 61 thành phố Cần Thơ, do đồng chí Lê Bá Phước, Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 61 thành phố trình bày tại hội nghị, quá trình triển khai thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng thời gian qua đã tạo được những chuyển biến quan trọng trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, Hội Nông dân, hội viên và nông dân trên địa bàn thành phố về vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Ở hầu hết các quận, huyện, phường, xã, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các ngành có liên quan đã tích cực phối hợp và tạo điều kiện để Hội Nông dân trực tiếp thực hiện và vận động hội viên, nông dân tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước; tích cực sản xuất, xây dựng nông thôn mới; qua đó, xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức Hội, nâng cao chất lượng hội viên.
Đến nay, phần lớn các địa phương đã chỉ đạo củng cố và thành lập mới Ban Chỉ đạo Đề án 61 cấp cơ sở; Hội Nông dân các cấp tăng cường phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể hướng dẫn, giúp đỡ xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của hội viên, nông dân. Trong năm 2016, ngân sách thành phố đã hỗ trợ 02 tỷ đồng, các cấp Hội vận động trên 819 triệu đồng bổ sung vào Quỹ Hỗ trợ nông dân, nâng tổng nguồn quỹ hiện có lên trên 8,1 tỷ đồng; nguồn quỹ này đã được giải ngân cho 74 dự án, giúp 1.750 lượt nông hộ vay để sản xuất, kinh doanh. Hội Nông dân còn phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho 38.738 lượt nông hộ vay trên 800 tỷ đồng; phối hợp với ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các địa phương tổ chức tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho 46.242 lượt cán bộ, hội viên, nông dân thông qua 1.539 lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ,…
Bên cạnh việc tăng cường các hoạt động tư vấn, dịch vụ trợ giúp, giúp nông dân ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp cung ứng vật tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu nông sản,… các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động 13.126 hội viên nông dân tham gia xây dựng 92 cánh đồng lớn, với diện tích 19.872 ha; phát triển 26 mô hình vườn cây kết hợp với du lịch sinh thái. Hội cũng vận động, hướng dẫn nông dân tham gia các hình thức kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, qua đó giúp nông dân tăng khả năng liên kết với doanh nghiệp, giải quyết việc làm và tăng thu nhập;… Quá trình triển khai thực hiện Kết luận số 61-KL/TW đã tạo điều kiện cho các cấp Hội đổi mới phương thức hoạt động theo hướng ngày càng sâu sát với cơ sở; nâng cao chất lượng hội viên; phát triển tổ chức Hội ngày càng thực chất, hiệu quả.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều đại biểu tại hội nghị, quá trình triển khai thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn. Cụ thể là:
Ở một số địa phương, việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến Kết luận số 61-KL/TW và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp - nông dân - nông thôn, về vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân còn hạn chế, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội.
Việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án 61 ở nhiều quận, huyện chủ yếu vẫn do Hội Nông dân đảm trách; một số ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo Đề án 61 chưa tích cực phối hợp thực hiện nên hiệu quả chưa đạt yêu cầu đề ra.
Nguồn vốn vận động cho Quỹ Hỗ trợ nông dân tuy có phát triển nhưng vẫn còn quá ít so với nhu cầu của nông dân; hầu hết các quận, huyện chưa cấp kinh phí hỗ trợ quỹ cho Hội Nông dân cùng cấp.
Các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã tuy có tăng nhưng vẫn còn ít; nhiều hợp tác xã đã chuyển đổi nhưng hiệu quả hoạt động còn thấp; số hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết với doanh nghiệp chưa nhiều. Thực trạng đó khiến nhiều nông dân chưa mạnh dạn tham gia các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã; khó thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khó chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học - kỹ thuật; ảnh hưởng đến tiến trình cơ cấu lại nền nông nghiệp của thành phố.
Hội nghị thống nhất đề xuất một số giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kết luận số 61-KL/TW trong năm 2017 và những năm tiếp theo:
Tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, hội viên, nông dân các địa phương về mục đích, yêu cầu, nội dung và những nhiệm vụ được đề ra trong Kết luận số 61-KL/TW, qua đó tạo thêm nhiều điều kiện để nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân các cấp trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Đề án 61 các cấp từ thành phố đến cơ sở. Hội Nông dân thành phố rà soát lại chương trình phối hợp với các sở, ngành để bổ sung, hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, động viên nông dân tích cực xây dựng nông thôn mới.
Hội Nông dân cần tăng cường phối hợp với ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn và các địa phương củng cố, sàng lọc, nâng chất các hợp tác xã nông nghiệp; tăng cường đào tạo cán bộ quản lý hợp tác xã kiểu mới để tăng quy mô sản xuất và tăng khả năng liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất - tiêu thụ nông sản.
Hội Nông dân chủ động phối hợp với các ban, ngành vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học - công nghệ, phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch, an toàn, chất lượng cao.
Hội Nông dân chủ động đề xuất giải pháp sử dụng lồng ghép, có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững để hỗ trợ các đề án dạy nghề, giải quyết việc làm; phát triển các hợp tác xã kiểu mới, xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống hội viên và nông dân./.
Thủ tướng: Chính phủ sẽ hỗ trợ tăng số chủ doanh nghiệp là nữ giới  (08/03/2017)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 27-02 đến ngày 05-03-2017)  (07/03/2017)
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: Chấm dứt tình trạng báo chí sống "ký sinh" vào doanh nghiệp  (07/03/2017)
Phản ứng của các nước về sắc lệnh nhập cư mới của ông Trump  (07/03/2017)
Vun đắp quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt-Lào  (07/03/2017)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên