Khóa họp 71 của Đại hội đồng Liên hợp quốc: Cam kết hành động

Tuấn Phương (tổng hợp)
11:18, ngày 29-09-2016

TCCSĐT - Từ ngày 20 đến ngày 26-9-2016, Khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại New York (Mỹ) đã quy tụ số lượng lớn các nhà lãnh đạo trên thế giới tham dự với cam kết “thúc đẩy toàn diện nhằm chuyển đổi thế giới”.

 
 Kỳ họp 71 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York. Ảnh: ArmRadio

Tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng

Cách đây 71 năm, Liên hợp quốc ra đời với mục tiêu xây dựng thế giới hòa bình, ổn định hơn, có sự gắn kết chặt chẽ giữa các quốc gia. Ngày nay, mục tiêu đó vẫn là sứ mệnh cao cả của tổ chức này. Liên hợp quốc vẫn là diễn đàn để các quốc gia nói lên ý kiến của mình. Các kỳ họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc tạo cơ hội cho những cuộc gặp không chính thức, các cuộc gặp bên lề, hay trong phòng tiệc giữa các nhà lãnh đạo để tìm giải pháp cho nhiều vấn đề nổi cộm của thế giới. Chính bởi vậy, phiên họp tháng 9 hằng năm của Đại Hội đồng Liên hợp quốc luôn là sự kiện chính trị lớn nhất và được mong đợi nhất trong năm.

Diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đứng trước nhiều thách thức như các cuộc xung đột kéo dài, sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố, tình trạng nghèo đói cùng cực, cuộc khủng hoảng người tị nạn, tình trạng biến đổi khí hậu,… Khóa họp thứ 71 của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay đã tiếp nhận hơn 100 bài phát biểu của các nhà lãnh đạo với những sắc thái khác nhau, song đều hướng tới mục tiêu chung là định hình phản ứng chung của đại gia đình Liên hợp quốc trước nhiều thách thức. Điểm nhấn của tuần họp cấp cao lần này nằm ở các sự kiện bên lề, như Hội nghị cấp cao về người di cư và tị nạn, Hội nghị cấp cao về tình trạng kháng thuốc kháng sinh, sự kiện phê chuẩn để Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu sớm có hiệu lực,...

Trong suốt một tuần nhóm họp, các nhà lãnh đạo đã đạt được nhiều sự đồng thuận quan trọng. Trước hết phải kể tới Tuyên bố New York về người tị nạn và di cư. Theo Văn phòng của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, tính tới cuối năm 2015, thế giới có 65,3 triệu người không có nhà cửa, đây là con số cao nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Trong số này có 21,3 triệu người tị nạn, 3,2 triệu người đang xin tị nạn, và 40,8 triệu người di cư. Hầu hết những người phải rời bỏ quê hương ra đi đều bị đe dọa tính mạng khi trên đường tháo chạy: bị chết đuối trên biển, chết dần chết mòn hay bị bóc lột tàn bạo. Trong số những người may mắn sống sót, đến được một nơi trú ngụ, nhiều người thường xuyên phải sống trong sự sợ hãi, bị bài ngoại, bị tấn công bạo lực, bị vi phạm nhân quyền và không được tiếp cận cách dịch vụ cơ bản. Với việc thông qua Tuyên bố New York, Liên hợp quốc đã chính thức phát động một chiến dịch mới có tên “Cùng nhau - Tôn trọng, An toàn và Phẩm giá cho tất cả mọi người”. Tuyên bố New York thể hiện quyết tâm của Liên hợp quốc hợp sức với tất cả các đối tác thực hiện những cam kết chung, bao gồm bảo vệ quyền con người của tất cả những người di cư và tị nạn; tăng cường hỗ trợ những quốc gia bị làn sóng di cư và tị nạn ảnh hưởng nặng nề nhất; trợ giúp những người dân đang tuyệt vọng trong các cuộc khủng hoảng kéo dài; bảo đảm trẻ em di cư tị nạn được đi học; cải thiện các hoạt động tìm kiếm và giải cứu người di cư và tị nạn; tăng cường ngân sách viện trợ nhân đạo và tái định cư cho người tị nạn. Tuyên bố New York nếu được thực thi nghiêm túc sẽ tạo ra được một cơ chế ổn định, có trách nhiệm hơn để các quốc gia thành viên Liên hợp quốc chung tay góp sức giải quyết tình trạng người di cư và tị nạn ồ ạt trên thế giới.

Tại sự kiện đặc biệt để đẩy nhanh tiến trình đưa Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhanh chóng có hiệu lực, 31 quốc gia đã trao văn kiện phê chuẩn hiệp định cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, nâng tổng số quốc gia phê chuẩn lên 60 nước, vượt ngưỡng tối thiểu cần thiết (55 quốc gia) để văn kiện có hiệu lực pháp lý vào năm 2016. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng đã nhận được cú huých quan trọng sau khi Trung Quốc và Mỹ - hai quốc gia phát thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất thế giới - hồi đầu tháng 9 trao cho Liên hợp quốc văn kiện phê chuẩn hiệp định. Một động lực khác đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn là việc Liên minh châu Âu (EU), khối chiếm 10% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, ấn định ngày 9-10 sẽ bỏ phiếu về việc gia nhập hiệp định này, bất luận từng nước thành viên đã phê chuẩn hay chưa. EU đã cam kết tới năm 2030 sẽ cắt giảm 40% mức khí thải nhà kính của năm 1990, song 28 quốc gia thành viên của khối này vẫn chưa phê chuẩn các cam kết riêng rẽ của từng nước. Đây là những tín hiệu đáng mừng khi chỉ 9 tháng kể từ khi Hiệp định biến đổi khí hậu được thông qua tại Paris, văn kiện này đã được nhiều quốc gia phê chuẩn. Điều này chứng tỏ các quốc gia ý thức rõ những hiểm họa mà biến đổi khí hậu đang gây ra cho ngôi nhà chung Trái đất.

Tại Hội nghị cấp cao về tình trạng kháng kháng sinh, các nhà lãnh đạo lần đầu tiên đưa ra cam kết cùng phối hợp hành động để ứng phó với tình trạng kháng thuốc kháng sinh vốn đe dọa cướp đi sinh mạng của 10 triệu người vào năm 2050 nếu không được khắc phục. Một thực trạng đáng báo động khi thời gian qua, các siêu vi khuẩn kháng thuốc đã lan rộng do tình trạng lạm dụng và sử dụng sai thuốc kháng sinh ở người, động vật và mùa màng... Tình trạng kháng kháng sinh còn xảy ra không chỉ là mối nguy cơ ở các bệnh viện mà cả ở các trang trại và thực phẩm. Những căn bệnh truyền nhiễm như bệnh lậu, bệnh lao, bệnh sốt rét đang ngày càng khó điều trị do tình trạng kháng kháng sinh. Không chỉ có vậy, một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 19-9 cảnh báo hiện tượng tình trạng siêu vi khuẩn kháng thuốc đang lan rộng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu với quy mô như năm 2008, thậm chí còn tồi tệ hơn nữa. Báo cáo với nhan đề “Vi khuẩn kháng thuốc: Mối đe dọa tương lai kinh tế của chúng ta” đã dự báo tình hình tài chính khi mà kháng sinh và những thuốc chống vi khuẩn kháng thuốc không thể điều trị các loại bệnh như thông thường. Một đánh giá gần đây về vấn đề này cho biết chi phí y tế toàn cầu cho các bệnh kháng thuốc có thể lên đến 100.000 tỷ USD vào năm 2050. “Không còn nhiều thời gian” là cảnh báo của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Margaret Chan khi kêu gọi các quốc gia biến những cam kết thành hành động khẩn trương, hiệu quả trên khắp các lĩnh vực sức khỏe của con người, động vật và môi trường.

Trước thực trạng trên, tại Hội nghị, các nước được kêu gọi củng cố những hệ thống theo dõi các căn bệnh truyền nhiễm có hiện tượng kháng kháng sinh và số lượng thuốc kháng sinh được dùng cho người, động vật và mùa màng, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế và tài trợ cho lĩnh vực này. Theo đó, cam kết thắt chặt việc quản lý thuốc kháng sinh, tăng cường thông tin tuyên truyền về cách thức sử dụng thuốc kháng sinh hiệu quả nhất, đồng thời tìm kiếm những cách thức mới thay cho việc sử dụng loại thuốc này, trong đó có việc đưa ra phác đồ điều trị tốt hơn để dùng đúng thuốc, trị đúng bệnh và sử dụng vaccine để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm.

Hợp tác đa phương hiện đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quan hệ quốc tế, thể hiện ở sự gia tăng về số lượng các thể chế đa phương và xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc, đan xen nhiều hình thái mới. Tiếp cận đa phương để cùng nhau thúc đẩy giải quyết các vấn đề và thách thức chung đã trở thành biện pháp hữu hiệu và lâu bền do không một quốc gia nào, dù lớn nhỏ, giàu nghèo, có thể một mình ứng phó, đặc biệt khi các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển luôn gắn bó, đan xen và có quan hệ tương hỗ với nhau. Đồng thời, các thể chế đa phương cũng là nơi để các nước hài hòa lợi ích, quản lý tốt các bất đồng, tranh chấp và mở rộng không gian phát triển. Chính vì vậy, một điểm nhấn của kỳ họp năm nay là các nước đều nhấn mạnh cần tiếp tục cải tổ Hội đồng Bảo an, Đại Hội đồng, hệ thống phát triển của Liên hợp quốc để tăng cường hiệu quả hoạt động của tổ chức này trong thế kỷ XXI trên cơ sở tiếp tục nâng cao vai trò và hoạt động của Liên hợp quốc trong điều phối các nỗ lực quốc tế nhằm ứng phó các thách thức toàn cầu và kiến tạo không gian cho hợp tác phục vụ phát triển; bảo đảm tính dân chủ, minh bạch, quyền tham gia bình đẳng và rộng rãi của tất cả các nước trong quá trình thảo luận, tham vấn và ra nghị quyết, quyết định của Liên hợp quốc. Đây cũng là kỳ họp chứng kiến giai đoạn nước rút của các ứng cử viên cho vị trí tổng thư ký mới của Liên hợp quốc.

Vượt qua thách thức vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới

Không thể phủ nhận thực tế rằng, Liên hợp quốc đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh các quốc gia ngày càng có xu hướng muốn thông qua Liên hợp quốc để giải quyết các vấn đề quốc tế. Liên hợp quốc thông qua các cơ quan trực thuộc đang cải thiện cuộc sống cho hàng triệu người bằng cách đem lại cho họ cơ hội để được phát huy tiềm năng con người của mình. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã giúp hàng triệu người lâm vào cảnh đói có lương thực. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thành công trong việc đối phó với những dịch bệnh như Ebola. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã giúp điều trị cho trẻ suy dinh dưỡng và cung cấp những vaccine cần thiết, tạo điều kiện tiếp cận nước sạch, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu trẻ em cần trợ giúp. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã trợ giúp 12,3 triệu người tị nạn trong năm 2015. Ngân hàng Thế giới (WB) cấp tín dụng, tiền cho vay lãi suất thấp cho các nước đang phát triển để giúp những nước này cải thiện hệ thống hạ tầng cơ sở như đường sá, cầu, cảng, trường học và bệnh viện. Chương trình phát triển bền vững năm 2030 mà Liên hợp quốc khởi xướng và điều phối đã tạo ra bước ngoặt mới trong định hướng chiến lược phát triển của mọi quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật đạt được trong thời gian qua cùng với những cam kết đồng thuận trong một số vấn đề tại Kỳ họp thứ 71, tuần họp cấp cao vừa qua cũng cho thấy một số hạn chế trong hoạt động của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này cần tiếp tục nỗ lực vượt qua. Các cam kết mà các nhà lãnh đạo đưa ra hầu hết vẫn mang tính chung chung, thiếu con số cụ thể và thiếu tính ràng buộc về pháp lý. Tuyên bố New York, tuy thể hiện quyết tâm của các nhà lãnh đạo về việc tạo ra một cơ chế đồng bộ để xử lý vấn đề người di cư và người tị nạn, song lại không đưa ra được nét phác thảo nào cho một Hiệp ước toàn cầu về người di cư và tị nạn dự kiến được thông qua vào năm 2018. Tuyên bố New York cũng thiếu cam kết hỗ trợ tài chính cụ thể cho những quốc gia tiếp nhận người tị nạn với đa số là những quốc gia nghèo đang phát triển. Theo Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo, những hoạt động cứu trợ người tị nạn của Liên hợp quốc mới chỉ được tài trợ 39% kinh phí cần thiết.

Ngoài ra, việc số quốc gia phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vượt ngưỡng tối thiểu để có hiệu lực cũng được đánh giá là một cú hích cần thiết nhưng chưa đủ. 60 quốc gia phê chuẩn mới chiếm 48% lượng khí thải gây hiệu nhà kính, vẫn ít hơn so với ngưỡng 55% cần thiết để hiệp định có hiệu lực. Trong số những bên chưa phê chuẩn có EU, khối này đã cam kết tới năm 2030 sẽ cắt giảm 40% mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính của năm 1990, song toàn bộ 28 quốc gia thành viên EU vẫn chưa phê chuẩn cam kết của từng nước riêng rẽ. Ngay cả khi Hiệp định Paris có hiệu lực thì triển vọng văn kiện này phát huy hiệu quả vẫn còn khá xa vời do thiếu sự ràng buộc pháp lý và các quốc gia còn thiếu lòng tin lẫn nhau. Chưa kể mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu trong khoảng 2 độ C so với mức tiền công nghiệp xem ra là chưa đủ vì tình trạng biến đổi khí hậu có dấu hiệu ngày càng tồi tệ hơn. Tháng 8 vừa qua đã trở thành tháng 8 nóng nhất trong lịch sử và là tháng thứ 16 liên tiếp nhiệt độ Trái đất ở mức cao kỷ lục.

Một hạn chế nữa được thể hiện qua vấn đề Syria. Phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra đúng vào thời điểm tiến trình hòa bình Syria mà Liên hợp quốc đóng vai trò trung gian hòa giải đang có những dấu hiệu thụt lùi. Ngay trước giờ khai mạc phiên họp, thỏa thuận ngừng bắn tại Syria bị sụp đổ, đoàn xe cứu trợ của Liên hợp quốc bị tấn công. Chính vì vậy, chủ đề Syria được nhắc đến trong nhiều phát biểu tham luận; một loạt cuộc họp bên lề và các phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an cũng thảo luận về cuộc chiến này. Thế nhưng, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã không thể biến sự kiện quy tụ nhiều nguyên thủ quốc gia nhất trong năm thành cơ hội để đưa ra một giải pháp khả thi cho cuộc chiến Syria. Trong bài phát biểu khai mạc tuần họp cấp cao của Đại Hội đồng, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã thừa nhận những bước thụt lùi của Liên hợp quốc trong 10 năm ông giữ chức vụ lãnh đạo diễn đàn đa phương này, trong đó thất bại rõ rệt nhất của tổ chức này là sự bất lực trước nhiều vấn đề “nóng” của thế giới như cuộc nội chiến Syria hay những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải.

Thế giới đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới phục hồi chậm và không đồng đều, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng tại các nền kinh tế lớn, các thách thức ngày càng nghiêm trọng về an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, cạn kiệt các nguồn tài nguyên, biến đổi khí hậu, thiên tai, bệnh dịch, các cuộc khủng hoảng nhân đạo và di cư… đang tác động tiêu cực đối với các nước đang phát triển. Khoảng cách phát triển và thu nhập ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn cầu, khu vực và ngay trong một quốc gia. Đồng thời, tình trạng căng thẳng và bất ổn, bạo lực, xung đột, khủng bố diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới. Tư duy đề cao sức mạnh, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế tiếp tục là mối đe dọa đối với độc lập, chủ quyền của nhiều quốc gia cũng như hòa bình, an ninh trên thế giới,... Không tổ chức nào ngoài Liên hợp quốc có thể làm tốt hơn việc đóng vai trò trung gian hóa giải các điểm “nóng” trên thế giới thông qua việc thúc đẩy các nước “tăng cường chủ nghĩa đa phương, tuân thủ luật pháp quốc tế”. Hơn bao giờ hết, Liên hợp quốc cần sự cải tổ mạnh mẽ, cần sự cam kết cao thực hiện các mục tiêu đề ra của các quốc gia thành viên và cần biến cam kết thành hành động hiệu quả vì một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển./.