Sáng 3-9 (theo giờ địa phương), Hội nghị Tham vấn chính sách giữa Nghị viện các nước thành viên G20 và khách mời, đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội ở Thủ đô Ôt-ta-oa của Ca-na-đa, với sự tham dự của đoàn đại biểu nghị viện đến từ 22 nước và Nghị viện Châu Âu.

Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đã tham dự Hội nghị.

Chủ tịch Thượng viện Ca-na-đa, ngài Nô-en A.Kin-xe-la (Noel A.Kinsella), nhiệt liệt chào mừng các đoàn đại biểu đã tới tham dự Hội nghị; mong muốn các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tập trung vào ba chủ đề cơ bản gồm những chiến lược hợp tác toàn cầu đáp ứng yêu cầu sản xuất và phân phối lượng thực; hình mẫu mới về hòa bình và an ninh lương thực; và các mô hình tài chính và kinh tế thúc đẩy ổn định kinh tế toàn cầu.

Phát biểu tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trong những năm qua, an ninh lương thực đã trở thành mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, tuy nhiên, những nỗ lực này đến nay vẫn chưa hoàn toàn đem lại kết quả như mong muốn. Giá lương thực tăng cao và khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua khiến nạn nghèo đói, tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu, gây cản trở đến việc hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Để đối phó với thách thức này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các nước cần hành động quyết liệt hơn nữa, trước hết là đẩy mạnh thực thi các cam kết cũng như các chương trình hành động ở cấp độ quốc gia và quốc tế về an ninh lương thực. Với chức năng lập pháp, các cơ quan Nghị viện G20 cần đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này.

Tại mỗi quốc gia, các cơ quan Nghị viện cần phối hợp chặt chẽ với các Chính phủ xây dựng và triển khai các chiến lược, chương trình hành động quốc gia về an ninh lương thực; trong đó cần chú trọng tạo thuận lợi cho sản xuất và phân phối lương thực, thông qua việc tạo động lực và bảo đảm lợi ích cho người sản xuất, tăng đầu tư để tăng sản lượng và chất lượng lương thực, xây dựng hệ thống phân phối lương thực ổn định, nâng cao khả năng tiếp cận với lương thực của người dân; lồng ghép đảm bảo đảm an ninh lương thực với đối phó thách thức về biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nghị viện các nước cần đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy triển khai các sáng kiến toàn cầu về đảm bảo an ninh lương thực.

Vấn đề được nhiều nước quan tâm hiện nay là đẩy mạnh tự do hóa thương mại nông sản nhằm cải thiện phân phối lương thực một cách hiệu quả trên phạm vi toàn cầu. Theo Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, G20 và cộng đồng quốc tế cần có các hành động cụ thể hơn nữa nhằm cắt giảm tối đa mọi hàng rào quan thuế và phi quan thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm, xóa bỏ ngay và không điều kiện các khoản trợ cấp khổng lồ mà các nước phát triển đang dành cho nông nghiệp trong nước.

Các cơ quan nghị viện các nước G20 phối hợp với Chính phủ các nước thành viên G20 đi đầu trong các nỗ lực đẩy nhanh tiến trình đàm phán để có thể sớm kết thúc vòng Đô-ha.

Việc cải tổ và mở rộng chức năng, tăng cường quyền lực cho Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) cũng hết sức cần thiết để nâng cao hiệu quả điều phối hỗ trợ các hoạt động liên quan đến định hướng, sản xuất, phân phối lương thực trên toàn cầu. Nghị viện và Chính phủ các nước G20 có thể đóng vai trò động lực quan trọng trong tiến trình này.

Chủ tịch Quốc hội đề xuất, Hội nghị ủng hộ FAO thành lập một cơ chế cảnh báo sớm nhằm phát hiện khả năng xảy ra khủng hoảng lương thực, từ đó có các giải pháp ứng phó hữu hiệu, kịp thời. Hệ thống này tập trung theo dõi các cơ sở dữ liệu và thông tin của khoảng 50 nước có nguy cơ và dễ tổn thương nhất đối với khủng hoảng lương thực.

Nhằm đảm bảo an ninh lương thực thật sự cho các nước, nhất là các nước đang phát triển thu nhập thấp, dân số đông, Việt Nam đề nghị cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia thành viên G20, tạo mọi điều kiện hỗ trợ thúc đẩy hợp tác Bắc-Nam và Nam-Nam.

Việt Nam đang triển khai thành công hợp tác nông nghiệp với một số nước châu Phi theo mô hình 2+1. Nếu nhận được sự hỗ trợ tài chính của các nhà tài trợ là các nước phát triển hay các tổ chức quốc tế, mô hình này có thể được nhân rộng, góp phần giải quyết đáng kể nhu cầu lương thực của nhiều quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị cần thiết lập và duy trì thường xuyên các cơ chế đối thoại và tham vấn giữa Nghị viện và Chính phủ các nước G20 để nâng cao hiệu quả thực thi các quyết sách quan trọng của G20 về các vấn đề kinh tế và phát triển, trong đó có đảm bảo an ninh lương thực.

Chủ tịch Quốc hội cho biết theo sáng kiến của Việt Nam, Cuộc gặp cấp cao chính thức lần đầu tiên giữa Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA) với lãnh đạo Chính phủ các nước ASEAN đã được tổ chức vào tháng Tư vừa qua tại Hà Nội. AIPA đã thông qua Nghị quyết về việc thiết lập cơ chế tham vấn thường xuyên hơn với ASEAN, nhằm phát huy vai trò của AIPA trong việc thúc đẩy phê chuẩn và giám sát thực thi các hiệp định, thỏa thuận trong ASEAN hướng tới mục tiêu liên kết và phát triển của khu vực.

Các ý kiến thảo luận tại Hội nghị đều nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường phát triển nông nghiệp, hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp...

Chiều 3-9 (theo giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã gặp Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Hee Tae, nhân dịp tham dự Hội nghị tham vấn Nghị viện các nước G20 tại thủ đô Ôt-ta-oa.

Bày tỏ vui mừng trước sự phát triển nhanh và tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tin tưởng trong thời gian tới, quan hệ giữa hai Quốc hội sẽ không ngừng được củng cố, tăng cường, với việc triển khai thực hiện tốt những thỏa thuận hợp tác góp phần vào sự phát triển chung của quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc.

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Hee Tae khẳng định, sắp tới sẽ tập trung thúc đẩy quan hệ hai nước, hai Quốc hội ngày càng phát triển; mong muốn quan hệ giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực du lịch giữa Hàn Quốc và Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng./.