Đại biểu đề xuất quản lý chặt chẽ quỹ ngoài ngân sách nhà nước
Sáng ngày 02-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, các đại biểu Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.
Quy định phù hợp với các dự án luật có liên quan
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) cho biết nhiều ý kiến đề nghị nội dung sửa đổi cần toàn diện (điều chỉnh cả các quỹ tài chính ngoài ngân sách); thống nhất, đồng bộ với các luật khác và quy định cụ thể hơn.
Tiếp thu ý kiến này, để khắc phục các tồn tại, bất cập của luật hiện hành, dự thảo Luật mới đã sửa đổi, bổ sung khá nhiều nội dung như về phạm vi thu, chi ngân sách nhà nước (Điều 5), bội chi ngân sách nhà nước (khoản 4 Điều 4), mức vay nợ của ngân sách cấp tỉnh (khoản 6 Điều 7), dự phòng ngân sách nhà nước (Điều 10)...
Nhiều ý kiến đề nghị để khắc phục việc dự thảo Luật đã trình Quốc hội có một số quy định còn chưa thống nhất với các luật có liên quan, cần rà soát, đối chiếu và chỉnh lý lại cho phù hợp với các dự án luật có liên quan đã và sẽ được Quốc hội thông qua như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đầu tư công…
Đánh giá nội dung Luật Ngân sách nhà nước gắn với Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, do đó đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị Luật Ngân sách nhà nước cần bổ sung làm rõ vấn đề về phân quyền, phân cấp ngân sách, mối quan hệ giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, bảo đảm Hội đồng nhân dân có thực quyền trong việc quyết định ngân sách địa phương trong phạm vi được phân quyền.
Theo đại biểu, cần minh bạch hơn trong quy định về quyền và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi được phân quyền.
Quản lý chặt chẽ quỹ ngoài ngân sách nhà nước
Qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đồng ý có quỹ ngoài ngân sách, song cần thu hẹp các quỹ, quản lý chặt chẽ hơn, bảo đảm sự tập trung của ngân sách, tránh sự chồng chéo trong quản lý và cần phải báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi của các quỹ.
Nêu thực tế của Quảng Ninh có đến 18 quỹ các loại nhưng trừ quỹ bảo vệ môi trường, còn lại đa số là các quỹ quy mô nhỏ, đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) đề nghị có chế tài kiểm soát việc thành lập các loại quỹ, kiểm tra, thanh tra việc quyết toán các loại quỹ.
Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) đề nghị thêm quy định những đơn vị có nguồn thu quỹ lớn, có diện rộng phải báo cáo tình hình quỹ hàng năm để tránh như hiện nay công tác công khai còn hạn chế.
Giải trình vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết các quỹ hiện nay chủ yếu được thành lập theo quy định tại nhiều luật và nghị định có tính chất chuyên ngành nên với phạm vi điều chỉnh đặc thù, dự thảo Luật đã trình Quốc hội chỉ quy định nguồn thu nào thuộc phạm vi ngân sách thì phải nộp ngân sách nhà nước và điều kiện để ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ cho các quỹ nhằm hạn chế việc thành lập mới các quỹ ngoài ngân sách.
Trên cơ sở các điều kiện luật định, giao Chính phủ sửa đổi cơ chế quản lý hoạt động của các quỹ ngoài ngân sách và khi đó phạm vi hoạt động của các quỹ sẽ thu hẹp hơn, bảo đảm ngân sách nhà nước là thống nhất. Dự thảo Luật cũng đã bổ sung nhiều quy định để việc quản lý các quỹ chặt chẽ hơn.
Cụ thể, tại điểm c khoản 13 Điều 8 quy định: “Hàng năm, cơ quan quản lý quỹ báo cáo kế hoạch, quyết toán thu, chi của quỹ cho cơ quan tài chính. Bộ Tài chính tổng hợp kế hoạch, quyết toán thu, chi các quỹ do trung ương quản lý trình Chính phủ báo cáo Quốc hội; Sở Tài chính tổng hợp thu, chi các quỹ ở địa phương quản lý trình Ủy ban nhân dân cùng cấp báo Hội đồng nhân dân cùng cấp khi trình dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm”.
Công khai, giám sát để ngân sách minh bạch
Công khai, giám sát để ngân sách minh bạch là yêu cầu được nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tại phiên thảo luận sáng nay. Nhiều ý kiến đại biểu đánh giá việc công khai ngân sách nhà nước là biện pháp rất quan trọng tạo sự minh bạch trong quản lý tài chính kinh tế và sử dụng ngân sách nhà nước.
Đánh giá trong dự thảo luật lần này đã quy định về nội dung, hình thức, thời hạn công khai khá cụ thể nhưng theo đại biểu Khúc Thị Duyền dự thảo luật chưa quy định cụ thể về đối tượng chịu trách nhiệm công khai.
Theo đại biểu: “Điều c khoản 1 Điều 15 chúng ta ghi báo cáo công khai ngân sách hợp lý, nhưng đây cũng chỉ phù hợp với đơn vị thực hiện ngân sách, chứ cấp ngân sách của chúng ta công khai các quỹ là khó thực hiện được, sau này về hướng dẫn ta phải rất cụ thể các đơn vị nào công khai trong thời điểm này, thời hạn công khai”.
Đại biểu đánh giá dự thảo Luật chưa thể hiện rõ việc công khai các nguồn quỹ thu từ ngân sách nhà nước cũng như sự đóng góp của nhân dân và đề xuất trong dự luật phải quy định bắt buộc về công khai từ khâu dự toán cho đến chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách; các nguồn quỹ mà có nguồn từ ngân sách nhà nước và đóng góp của nhân dân thì phải công khai.
Tại phiên thảo luận, một số nội dung khác liên quan đến kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm và kế hoạch ngân sách 3 năm; về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước giữa trung ương và địa phương; mức dư nợ vay của chính quyền địa phương... đã được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến cụ thể.
Chiều ngày 02-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; dự án Luật Tạm giữ, tạm giam./.
Thỏa thuận Việt Nam - EAEU là "sự kiện trọng đại nhất từ trước tới nay"  (02/06/2015)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Cộng hòa Algeria  (02/06/2015)
“Lợi ích nhóm” và “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” - cảnh báo nguy cơ  (02/06/2015)
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đồng bào các dân tộc tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông  (02/06/2015)
Truyền thông châu Âu đánh giá cao FTA giữa Việt Nam và EAEU  (02/06/2015)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay