Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
Năm 2014, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng công tác giảm nghèo tiếp tục đạt được kết quả tích cực, góp phần cùng cả nước hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội giao.
Năm 2015, với tư duy và phương pháp tiếp cận các chính sách giảm nghèo mới, các ngành, các cấp tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1 - 1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020.
Đời sống người nghèo tiếp tục được nâng lên
Xóa đói giảm nghèo là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua. Mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 được thực hiện theo Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19-5-2011 của Chính phủ về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 - 2020; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015...
Trong điều kiện kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Năm 2014, tổng nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo là 34.700 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo là 30.800 tỷ đồng; vốn huy động là 3.800 tỷ đồng.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để tiếp cận tốt hơn các nhu cầu khám, chữa bệnh, học tập, cải thiện nhà ở, điều kiện sống, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động.
Đến nay, các bộ, ngành đã tiến hành rà soát 153 văn bản, trong đó tập trung vào 6 nhóm chính sách: giáo dục - đào tạo; tín dụng; y tế; hỗ trợ sinh kế (hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh; dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất); nhà ở; trợ giúp pháp lý; kết cấu hạ tầng...
Với những giải pháp đồng bộ về chính sách và ưu tiên nguồn lực, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 1,8 - 2% năm 2014. Dự kiến đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,97% cuối năm 2011 xuống còn khoảng 33,20% cuối năm 2014; bình quân giảm trên 5%/năm.
Như vậy, trong những năm qua bình quân tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước giảm 2%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân trên 5%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Đời sống của hộ nghèo, người nghèo từng bước được nâng lên, phấn đấu từng bước tiến tới giảm nghèo bền vững.
Những kết quả đã đạt được thể hiện việc thực hiện đúng Nghị quyết của Đảng, Nhà nước; góp phần quan trọng trong việc định hướng xã hội chủ nghĩa; là bài học bổ ích để phấn đấu làm tốt hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều hạn chế như: hiệu quả đầu tư nguồn lực và chính sách giảm nghèo chưa cao, kết quả giảm nghèo chưa thực sự vững chắc, chênh lệch khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc...
Đổi mới tư duy và phương pháp tiếp cận nghèo
Khắc phục những tồn tại, hạn chế, thực hiện Nghị quyết 76/2014/QH13 của Quốc hội đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khẩn trương đẩy mạnh việc sửa đổi cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hạn chế phân tán, dàn trải, tiếp tục ưu tiên đầu tư cho khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khuyến khích tính chủ động vươn lên của người nghèo, bổ sung thêm chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, sửa đổi cơ chế để tăng cường sự tham gia của cộng đồng và người nghèo.
Các nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặt ra là chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều dựa vào thu nhập sang phương pháp tiếp cận đo lường đa chiều; tổ chức rà soát, sắp xếp lại hệ thống các chính sách giảm nghèo theo Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó thu gọn đầu mối, thực hiện các chính sách giảm nghèo theo chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan Trung ương nhằm tập trung nguồn lực, hạn chế sự chồng chéo giữa các chính sách; xây dựng Khung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, dự kiến giai đoạn 2016 - 2020 chỉ bố trí 02 Chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện Chỉ thị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất Khung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên cơ sở bám sát nội dung Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020.
Giai đoạn 2016 - 2020, đẩy mạnh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là các xã nghèo, huyện nghèo.
Mục tiêu cụ thể là giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1 - 1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân từ 3 - 4%/năm; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, cận nghèo; kết cấu hạ tầng các huyện nghèo, xã nghèo được củng cố, tăng cường; thu nhập của nhóm hộ nghèo tăng 2 lần so với năm 2015.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, 2015 là năm xây dựng chuẩn nghèo mới để thực hiện cho giai đoạn 2016 - 2020. Chuẩn nghèo hiện hành sẽ được tiếp tục thực hiện đến hết 2015, từ 2016 trở đi sẽ tiếp cận theo hướng nghèo đa chiều, một mặt phải bảo đảm được mức sống tối thiểu của hộ gia đình, mặt khác phải đáp ứng được các nhu cầu xã hội cơ bản.
Chính vì vậy, cơ quan có thẩm quyền khi ban hành văn bản, chính sách về giảm nghèo cần nhận thức đúng yêu cầu, mục tiêu, cách tiếp cận, mô hình... giảm nghèo trong giại đoạn mới; đổi mới tư duy và phương pháp tiếp cận xây dựng các chính sách giảm nghèo và hệ thống chính sách giảm nghèo; chú trọng thiết kế các chính sách nâng cao năng lực nội sinh, kèm theo các biện pháp tuyên truyền, phổ biến để người nghèo tiếp cận được với chính sách; xây dựng, ban hành chính sách giảm nghèo cần tuân theo các yêu cầu về xây dựng, ban hành văn bản pháp luật.../.
Một số vấn đề đặt ra trong xử lý mối quan hệ giữa đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế  (03/02/2015)
Văn hóa dân gian ứng dụng  (03/02/2015)
Việt Nam lên án mạnh mẽ vụ IS sát hại con tin người Nhật Bản  (03/02/2015)
Phó Chủ tịch nước dự lễ kỷ niệm thành lập Đảng tại Thái Nguyên  (03/02/2015)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên