TCCSĐT - Ngày 09-12-2014, tại thành phố Cần Thơ, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ và các tỉnh: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp (gọi tắt là 4 tỉnh, thành ABCD Mekong) phối hợp với Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (Leading Business Club) tổ chức Hội thảo “I - xra - en và sức mạnh đột phá của đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp”.

Tham dự hội thảo có hơn 200 đại biểu đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo các tỉnh, thành ABCD Mekong; đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công Thương, các doanh nghiệp, các nhà khoa học ở các viện, trường trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và các chuyên gia đến từ I - xra - en.

Tại hội thảo, bà Daphna Murvitz, Trưởng đại diện Systematic Inventive Thnking tại Đông Nam Á; ông Matan Nemenoff, Tổng Giám đốc Tập đoàn LR ORCA khu vực Đông Nam Á - những chuyên gia trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và phát triển nông nghiệp - đã trình bày những vấn đề về: Tư duy sáng tạo I - xra - en với phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển nông nghiệp; những vấn đề về phát triển công nghệ sinh học, bảo vệ môi trường để thành công trong nông nghiệp; phương thức ứng dụng tư duy sáng tạo vào sản xuất và kinh doanh nông nghiệp; phương thức đưa nông nghiệp địa phương tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, nhìn từ kinh nghiệm của I - xra - en,…

Theo các chuyên gia, nền nông nghiệp I - xra - en phát triển với xuất phát điểm rất nhiều khó khăn như: đất đai hạn chế (hơn 60% diện tích đất đai trong nước là sa mạc), thiếu nước tưới (lượng mưa hằng năm chỉ khoảng 20mm), lực lượng lao động ít, ở cách xa các thị trường xuất khẩu, môi trường địa chính trị phức tạp… Để vượt qua những khó khăn, thách thức này, đưa nền nông nghiệp phát triển với chất lượng cao và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn, từ những năm 70 của thế kỷ trước, Chính phủ I - xra - en đã chú trọng xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp dân sự, đẩy mạnh hợp tác công - tư để dẫn dắt phát triển công nghệ cao trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Tư duy sáng tạo có hệ thống được giảng dạy ở tất cả các trường từ mẫu giáo đến đại học và ứng dụng trong tất cả các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước. Song song với việc đào tạo để nâng cao năng lực quản trị trong nông nghiệp, Chính phủ I - xra - en còn tạo nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường sự hợp tác giữa nhà nước với các nhà khoa học, doanh nhân và nông dân để phát triển các mô hình Mosha. Điểm nhấn của mô hình này là các trung tâm công - nông nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ quản lý, xử lý sau thu hoạch, chế biến, đóng gói, tiếp thị, bán sản phẩm, đào tạo nhân lực, phát triển các dịch vụ công cộng, an sinh xã hội... ở nông thôn. Đến nay, I - xra - en trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực quản trị tài nguyên nước, công nghệ địa nhiệt, quản trị năng lượng, 70% lượng nước thải được tái sử dụng, công nghiệp tưới nhỏ giọt cho nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi, ứng dụng biện pháp sinh học để giảm số lượng sâu bọ gây hại cho cây trồng, giúp tăng sản lượng gấp 3 lần. Nhờ đó, nếu như năm 1995 một nông dân chỉ có thể làm ra lượng sản phẩm nông nghiệp nuôi được 15 người thì đến năm 2007 con số này đã tăng lên 100 người; nhiều sản phẩm nông nghiệp đã mang chuỗi giá trị toàn cầu; những nơi thực hiện mô hình Mosha hiện đã trở thành nơi người dân có thu nhập cao, mức sống cao, môi trường được cải thiện và mang tính bền vững nhất ở I - xra -en.

Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành ABCD Mekong và các đại biểu thống nhất nhận định: Qua hội thảo này, các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long được chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu của I - xra - en trong sản xuất nông nghiệp bền vững. Đây cũng là cơ hội để các tỉnh, thành An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp thảo luận và xây dựng chương trình liên kết theo chiều sâu và hợp tác với I - xra - en, tạo tiền đề để thực hiện chính sách liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, học tập, vận dụng những kinh nghiệm của I - xra - en để xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, tạo ra chuỗi giá trị nông sản bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu, góp phần xây dựng nông thôn mới thành công./.