TCCS - Xuất khẩu lao động được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu để góp phần giải quyết việc làm, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề cho người lao động. Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động là những yêu cầu đặt ra cho các bên tham gia vào hoạt động xuất khẩu lao động trên phạm vi cả nước nói chung, cũng như tại tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng.

Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã được Đảng và Nhà nước ta chú trọng thực hiện từ năm 1980. Cho đến nay nước ta đã đưa khoảng 500.000 lao động đi làm việc ở trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại Thừa Thiên - Huế theo số liệu thống kê từ năm 2005 đến năm 2009 cho thấy, các thị trường cơ bản mà người lao động Việt Nam sang làm việc gồm Đài Loan (99 lao động), Hàn Quốc (390 lao động), Ma-lai-xi-a (3.293 lao động), Lào (91 lao động), Nhật Bản (48 lao động), Qa-tar (43 lao động), Đu-bai (53 lao động). Có thể khẳng định, hoạt động xuất khẩu lao động được đẩy mạnh từ năm 2006 và trong giai đoạn hiện nay công tác xuất khẩu lao động đã đạt kết quả nhưng vẫn còn thấp so với kế hoạch đề ra. Trên địa bàn tỉnh, năm 2005, toàn tỉnh đưa được 1.448 lao động đi xuất khẩu lao động, năm 2006 số lao động là 1701 người nhưng đến năm 2008 số người đi xuất khẩu lao động chỉ còn 321 lao động(1).

Có thể nói, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh đã quan tâm sâu sát tới quyền lợi của người lao động khi người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tỉnh đã tổ chức một số hội nghị về xuất khẩu lao động và có 8/9 huyện, thành phố Huế đã cử cán bộ lãnh đạo huyện và Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội thăm, khảo sát lao động tại thị trường Ma-lai-xi-a. Điều đó cho thấy sự chỉ đạo, điều hành của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân và sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong việc đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Nhìn chung, đa số lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài đã được trang bị các kiến thức cơ bản về ngoại ngữ để có thể hiểu phong tục, tập quán và ngôn ngữ của nước mà người lao động đến làm việc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng đã cung cấp cho người lao động biết một số thông tin cần thiết về thủ tục xuất nhập cảnh, quyền và nghĩa vụ của người lao động khi xuất khẩu lao động, các chế tài đặt ra và vấn đề bồi thường thiệt hại của mỗi bên khi vi phạm các quy định của pháp luật. Người lao động được ký kết hợp đồng xuất khẩu lao động cũng là căn cứ pháp lý để giải quyết khi tranh chấp xảy ra.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình xuất khẩu lao động của tỉnh Thừa Thiên - Huế còn có những khó khăn, hạn chế nhất định:

+ Một số lao động được chọn đi xuất khẩu lao động là các lao động phổ thông, chưa được đào tạo về cơ bản, tay nghề thấp, chưa được trang bị các kiến thức quy định về quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ xuất khẩu lao động. Chính vì vậy, số lao động này khó hòa nhập ngay với thị trường lao động rất đa dạng và nóng bỏng của các nước.

+ Trình độ về ngoại ngữ cũng như các kiến thức về phong tục tập quán nước sở tại còn hạn chế.

+ Một số nước muốn tìm một lực lượng lao động với tay nghề cao, được đào tạo thì số lao động đáp ứng được yêu cầu này lại là con số khiêm tốn.

+ Hoạt động mở rộng sàn giao dịch thị trường xuất khẩu lao động còn hạn chế. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế chưa quảng bá có hệ thống các thông tin về thị trường xuất khẩu lao động và các biện pháp thu hút người lao động tham gia vào hoạt động này. Một số doanh nghiệp chưa khẳng định được thương hiệu về xuất khẩu lao động cho riêng mình. Ngoài ra, việc tổ chức các hội thảo, hội nghị về xuất khẩu lao động còn hạn chế. Điều này cũng là một rào cản đối với hoạt động xuất khẩu lao động trên thực tế.

+ Pháp luật về xuất khẩu lao động hiện hành còn một số vấn đề bỏ ngỏ chưa được quy định một cách cụ thể, như: đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề; quy định về xuất khẩu lao động, hợp đồng xuất khẩu lao động, hợp đồng nhận thầu, nhận khoán công trình hoặc đầu tư ở nước ngoài hay vấn đề ký quỹ tại ngân hàng.

+ Pháp luật về xuất khẩu lao động chưa ghi nhận cụ thể quyền lợi hợp pháp và trách nhiệm của doanh nghiệp, người lao động khi doanh nghiệp xuất khẩu lao động bị giải thể, phá sản; chưa quy định cụ thể về tiêu chuẩn, số lượng giáo viên, nội dung, chương trình bài giảng cho các doanh nghiệp, các trung tâm có chức năng xuất khẩu lao động.

Để khắc phục hạn chế trên, chúng ta tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như phải có giải pháp khả thi đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động trong thời gian tới.

Thứ nhất, Nhà nước tiếp tục sửa đổi, bổ sung những quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc ký kết hợp đồng xuất khẩu lao động; về quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ về xuất khẩu lao động; quy định các thủ tục cho doanh nghiệp được kinh doanh xuất khẩu lao động (về ký quỹ, về cấp giấy phép, phạm vi hoạt động, về việc lập chi nhánh, về việc thu hồi giấy phép...).

Thứ hai, cần tăng mức chế tài đủ mạnh đối với những hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Bảo đảm sự phối hợp của các cơ quan chức năng có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh trong việc hỗ trợ tuyên truyền các thông tin, trong việc sơ tuyển người lao động đi xuất khẩu lao động. Các cơ quan nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người lao động trong việc cấp hộ chiếu, vay vốn để phục vụ cho công tác xuất khẩu lao động. Các doanh nghiệp tuyển lao động phải bảo đảm số lượng đội ngũ giáo viên, chương trình nội dung giảng dạy. Ngoài ra, các địa phương cần tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng lao động tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Thứ ba, các cơ quan có thẩm quyền thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm về hoạt động xuất khẩu lao động. Thường xuyên đẩy mạnh chức năng của Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động trong việc đánh giá thực trạng hoạt động xuất khẩu lao động và có kế hoạch báo cáo định kỳ về hoạt động xuất khẩu lao động cũng như việc đề xuất mở rộng thị trường xuất khẩu lao động. Các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục xử lý nghiêm việc không chấp hành hoặc chấp hành không đúng, không đầy đủ các quy định trên để bảo đảm cho hoạt động xuất khẩu lao động được thực thi đúng pháp luật, nhanh chóng và có hiệu quả.

Thứ tư, tiếp tục mở rộng và phát triển "sàn giao dịch" về thị trường xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế; đồng thời mở rộng thị trường mới: Trung Đông, Hy Lạp, Cộng hòa Ai-len, Ca-na-đa... Theo hướng đó, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân tìm kiếm và mở rộng thị trường lao động trên cơ sở các hiệp định song phương, đa phương đã được ký kết tạo cơ sở cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu lao động đối với các nước này.
 
______________________________________

(1) Báo cáo tình hình thực hiện công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2008 - 2009