Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 21-4 đến ngày 27-4-2014)
Cuộc họp SOM lần thứ 20 về quan hệ đối tác ASEAN - Trung Quốc
Trong hai ngày 21 và 22-4-2014, tại Pát-tay-a (Thái Lan) đã diễn ra cuộc họp các quan chức cao cấp (SOM) ASEAN - Trung Quốc lần thứ 20 về quan hệ đối tác ASEAN - Trung Quốc và lần thứ bảy về thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Tham vấn chính thức về Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tại cuộc họp, hai bên khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc. Cuộc họp cũng ghi nhận một số đề xuất gần đây của Trung Quốc tăng cường quan hệ hợp tác với ASEAN, trong đó có việc xây dựng Hiệp ước về láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác, nâng cấp Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN - Trung Quốc, thành lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á, tăng cường hợp tác biển... Cuộc họp là sự chuẩn bị tích cực và hiệu quả cho thành công của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc thường niên vào tháng 8 tới. Về thực hiện DOC và tham vấn chính thức về COC, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ tuyên bố DOC và nỗ lực đẩy mạnh xây dựng COC, nhằm góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Về COC, hai bên nhất trí thúc đẩy những kết quả bước đầu đã đạt được trong tham vấn chính thức lần đầu tại Tô Châu (Trung Quốc) tháng 9-2013.
Đại dương đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu
Các đại dương đóng vai trò chủ chốt trong việc cung cấp lương thực cho 9 tỷ người trên hành tinh này tới năm 2050. Ảnh: earthtimes.org
Từ ngày 22-4 đến ngày 25-4-2014, tại La Hay (Hà Lan) diễn ra Hội nghị cấp cao về vai trò của đại dương đối với an ninh lương thực toàn cầu. Tại Hội nghị này, Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế phối hợp hành động khẩn cấp để phục hồi sức khỏe các đại dương thế giới, bảo đảm sự thịnh vượng và an ninh lương thực cho dân số toàn cầu đang tăng mạnh.
Đại diện Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) nhấn mạnh các đại dương đóng vai trò chủ chốt trong việc giải quyết một trong những vấn đề lớn của thế kỷ XXI: Làm thế nào để cung cấp lương thực cho 9 tỷ người trên hành tinh này tới năm 2050. Trung bình có 17% lượng prô-tê-in động vật toàn cầu có nguồn gốc từ cá và các loại thủy sản khác. Theo FAO, nhu cầu prô-tê-in từ cá dự báo sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới, tuy nhiên cho tới nay, lượng cá toàn cầu đã và đang bị đánh bắt cạn kiệt. Với sự tham dự của 500 thành viên bao gồm các bộ trưởng, đại diện cấp cao từ ngành công nghiệp đánh bắt cá, các nhà khoa học và xã hội dân sự, các đại biểu tập trung thảo luận những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng đánh bắt cạn kiệt, ô nhiễm đại dương và mất đi môi trường sinh thái biển. Hội nghị cũng tập trung vào vấn đề “tăng trưởng xanh”, nhấn mạnh đến việc bảo tồn và quản lý bền vững các nguồn thủy sản, lợi ích hợp lý cho các cộng đồng ven biển.
Nợ công - thách thức chung của nhiều nước Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê
Ngày 23-4-2014, tại Thủ đô Kinh-xtơn (Gia-mai-ca) đã diễn ra Hội nghị Ủy ban Kinh tế khu vực Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê (ECLAC). Tại Hội nghị, lãnh đạo các nước thừa nhận tỷ lệ nợ công tương đối cao tại các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) của khu vực Ca-ri-bê với mức trung bình tương đương 74% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đặc biệt một vài nước tỷ lệ này đã vượt quá 100%. Ngoại trưởng nước chủ nhà Ác-nôn Ni-cô-xơn (Arnold Nicholson) cho rằng thực tế này buộc chính phủ các nước áp dụng các biện pháp khẩn cấp, đồng nghĩa với việc giảm chi tiêu cho các chương trình phúc lợi xã hội và một số chương trình khác. Theo ông Ác-nôn Ni-cô-xơn, SIDS nói riêng và các quốc gia Ca-ri-bê nói chung vừa phải đồng thời triển khai các biện pháp giảm nợ công vừa phải theo đuổi các chính sách hướng tới tài chính bền vững.
Ngoại trưởng Ác-nôn Ni-cô-xơn hối thúc các nước đối tác phát triển hợp tác hơn nữa với SIDS, những quốc gia dễ bị tổn thương trước thiên tai và tình trạng biến đổi khí hậu. Thống kê mới đây cho thấy thiên tai đã gây thiệt hại lên tới 93,3 triệu USD tại Xanh Vin-xen (Saint Vincent) và Grê-na-đin (Grenadines), ước khoảng 13% GDP của nước này, còn tại Xanh Lu-xi-a (Saint Lucia), con số thiệt hại là 83,2 triệu USD, tương đương 6,6% GDP. Người đứng đầu ngành ngoại giao Gia-mai-ca nhận định rằng các nước trong khu vực cần chú trọng hơn nữa vào việc tăng cường cũng như phát triển các mối quan hệ đối tác trong các lĩnh vực như đối phó với biến đổi khí hậu và các nguy cơ thiên tai.
Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Mi-an-ma
Ngày 24-4-2014, tại thành phố Y-ăng-gun (Mi-an-ma) đã diễn ra Hội thảo quốc tế về Biển Đông với chủ đề “Thách thức hàng hải đối với ASEAN và triển vọng giải quyết tranh chấp Biển Đông” do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Mi-an-ma (MISIS) phối hợp với Tổ chức Stratcore Group (Ấn Độ) tổ chức.
Hội thảo diễn ra trong một ngày với hai phiên thảo luận chính. Các báo cáo tham luận của các học giả tập trung phân tích làm rõ thực trạng tranh chấp Biển Đông thời gian gần đây giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN; tính phi lý trong yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc; các thách thức an ninh hàng hải ở Biển Đông; nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trong đó có việc ký kết và thực thi COC; vai trò và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế cũng như các quốc gia liên quan trong và ngoài khu vực trong việc bảo vệ hòa bình, an ninh ở Biển Đông. Sau Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ xây dựng kết luận Hội thảo và gửi tới Chính phủ, Bộ Ngoại giao Mi-an-ma, Đại sứ quán các nước tại Mi-an-ma và Ban Thư ký ASEAN. Hội thảo quốc tế về Biển Đông năm 2014 là sự kiện lớn nhất được tổ chức ở Y-ăng-gun kể từ khi Mi-an-ma đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN vào đầu năm nay. Sự kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy sự đồng thuận và đoàn kết của ASEAN trước những thách thức về an ninh hàng hải ở Biển Đông nói riêng cũng như đối với hòa bình, ổn định ở khu vực nói chung.
Hàn Quốc tiếp tục mở rộng điều tra vụ chìm phà Sewol
Ngày 27-4-2014, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hông Uôn (Chung Hong-won) đã từ chức sau những chỉ trích về cách phản ứng của Chính phủ nước này trong thảm họa chìm phà Sewol ngày 16-4. Ảnh các em học sinh thiệt mạng trong vụ chìm phà Sewol. Ảnh: AFP/TTXVN
Tiếp tục mở rộng điều tra các cá nhân có trách nhiệm trong vụ chìm phà Sewol, ngày 28-4, một nhóm công tố viên và cảnh sát Hàn Quốc tiến hành khám xét Phòng Tình hình của Lực lượng cảnh sát biển tại thành phố cảng Mốc-pô (Mokpo), phía Tây Nam Hàn Quốc, và thu giữ các tài liệu, bản ghi âm các cuộc đàm thoại nhằm xác định liệu các viên chức đã thực hiện đúng chức trách hay chưa trong những thời khắc ban đầu xảy ra vụ tai nạn. Cho đến nay, chính quyền Hàn Quốc cũng đã bắt giữ tổng cộng 15 nhân viên phà Sewol với cáo buộc sơ suất khi làm nhiệm vụ và bỏ mặc hành khách. Lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc cho biết đến, tính đến sáng 24-4, số nạn nhân thiệt mạng trong vụ chìm phà Sewol đã tăng lên 159 người, trong khi đó 143 người vẫn mất tích. Số người được cứu sống là 174 người./.
Bộ trưởng Y tế kiểm tra phòng chống sởi tại Thành phố Hồ Chí Minh  (28/04/2014)
Phó Chủ tịch nước tiếp đoàn cựu chiến binh Điện Biên  (28/04/2014)
Phó Thủ tướng kiểm tra công tác chuẩn bị Đại lễ Phật đản  (28/04/2014)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp xúc cử tri Hà Tĩnh  (28/04/2014)
Quan hệ đối tác chiến lược Việt - Anh đang phát triển sâu rộng  (28/04/2014)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên