Một đạo lý, vạn tấm lòng
TCCSĐT - Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Hậu Giang có 12.000 liệt sĩ, trên 6.000 thương bệnh binh, 526 Mẹ Việt Nam Anh hùng... với tổng số đối tượng được hưởng chính sách trên 83.000 người. Năm năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang đã có nhiều cố gắng trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Trên cơ sở các nghị định, thông tư của Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Pháp lệnh về người có công và ưu đãi người có công, thời gian qua, Hậu Giang đã tập trung huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh toàn cộng đồng chung tay chăm lo đời sống các gia đình chính sách, thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có công.
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” được duy trì với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; triển khai các phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng với nhiều chương trình thiết thực như chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, cha mẹ liệt sỹ cô đơn, không nơi nương tựa, con liệt sỹ mồ côi, con thương binh nặng v.v...; thực hiện các chính sách ưu đãi như quan tâm đến các đối tượng chính sách trong công tác giáo dục và đào tạo, các chương trình, hoạt động chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo…
Những kết quả ban đầu
Từ năm 2004 đến 2009, tỉnh đã tiếp nhận trên 26.500 lượt hồ sơ giải quyết chế độ chính sách cho người có công; trong đó đã giải quyết chế độ cho trên 19.000 trường hợp, hướng dẫn và hoàn trả các hồ sơ còn lại để địa phương tiếp tục theo dõi, sửa đổi, bổ sung để kịp thời giải quyết chế độ cho người có công, đưa tổng số các đối tượng được hưởng chính sách lên trên 83.000 người.
Cũng trong thời gian trên, tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh, vận động được trên 12 tỉ đồng cho quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng được trên 3.600 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình có công với tổng kinh phí trên 87 tỉ đồng, cơ bản hoàn thành chương trình giải quyết khó khăn về nhà cho những gia đình có công; hỗ trợ trên 1,6 tỉ đồng sửa chữa nhà ở cho 173 đối tượng khác theo các Quyết định 117/TTg và QĐ 118/TTg của Thủ tướng Chính phủ; đầu tư kinh phí xây dựng được 8 nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ tại các xã anh hùng thuộc các huyện thị trong tỉnh.
Để các chính sách, chế độ được thực thi sâu hơn trong đời sống, UBND tỉnh đã ra quyết định chi trả trợ cấp một lần theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho trên 800 đối tượng với số tiền trên 4,5 tỉ đồng, quan tâm trợ cấp mai táng phí cho 86 đối tượng với số tiền gần 400 triệu đồng; qua các dịp lễ, tết, các cơ quan, ban ngành, các tổ chức đoàn thể trong toàn tỉnh đã tặng gần 260.000 phần quà với tổng trị giá trên 26 tỉ đồng cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, gia đình liệt sĩ. Qua công tác công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định hướng dẫn thực hiện các chế độ ưu đãi đối với người có công, tỉnh đã xét công nhận 43 xã phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và ưu đãi người có công.
Tỉnh cũng đã huy động nguồn kinh phí gần 9 tỷ đồng mua thẻ bảo hiểm y tế cho trên 52.700 lượt đối tượng người có công với cách mạng; tổ chức điều dưỡng tại gia đình và tại các Khu điều dưỡng, các Trung tâm phục hồi sức khỏe cho trên 11.600 lượt đối tượng người có công với cách mạng; tổ chức đưa rước hàng chục người có công là các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh và thân nhân liệt sĩ thăm viếng Thủ đô và tham quan, nghỉ dưỡng tại các tỉnh trong nước. Riêng các Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đã được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời.
Tuy mới chỉ là những kết quả bước đầu, nhưng những nố lực nói trên ở một tỉnh còn nhiều khó khăn như Hậu Giang rất đáng ghi nhận. Những việc làm thiết thực, thấm đẫm trách nhiệm và đạo lý đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo thuộc diện chính sách của tỉnh từ trên 1.000 hộ (năm 2005) xuống còn gần 300 hộ (cuối năm 2009), giảm tỷ lệ hộ nghèo thuộc diện chính sách trong toàn tỉnh xuống còn 1,4% . Các chương trình và hoạt động nói trên cũng gián tiếp động viên các đối tượng chính sách, trước hết là anh chị em thương, bệnh binh luôn nỗ lực vượt lên hoàn cảnh và số phận, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”. Phần lớn anh chị em thương, bệnh binh đã tự tìm cho mình những việc làm phù hợp để ổn định cuộc sống, tiếp tục góp phần xây dựng quê hương đất nước.
Một số kinh nghiệm rút ra
Sau 5 năm triển khai thực hiện công tác này, tỉnh cũng đã rút ra được một số kinh nghiệm bước đầu. Bài học chủ yếu và xuyên suốt là sự chỉ đạo, hướng dẫn sát sao, có tính sáng tạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh đối với các sở, ban ngành đoàn thể, các đơn vị trong việc phát huy tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa. Khi vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác này được tăng cường, việc quản lý nhà nước được thực hiện đúng chức năng, có sự phối hợp chặt chẽ của mặt trận, các đoàn thể và các tổ chức xã hội..., các chương trình hành động sẽ sát với thực tiễn, phong phú, sôi nổi, đúng thực chất hơn. Từ đó, huy động được nhiều hơn các nguồn lực xã hội và hiệu quả mang lại thiết thực hơn.
Bài học tiếp theo là, chỉ có đẩy mạnh phát triển kinh tế, đi đôi với không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đồng thời đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự - an toàn xã hội... mới giải quyết tốt các vấn đề xã hội, trong đó có công tác thương binh, liệt sĩ và chăm sóc tốt hơn đối tượng người có công.
Trong những năm gần đây, kinh tế của Hậu Giang đã có bước phát triển, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân được cải thiện, tỉnh đã xác định: việc thực hiện chính sách đối với người có công cần phải có sự thay đổi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, Tỉnh uỷ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang thống nhất quan điểm, công tác thương binh, liệt sĩ và giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau:
Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác quan trọng này. Tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm những tồn đọng, đáp ứng kịp thời những khiếu nại, thắc mắc của nhân dân liên quan đến chế độ chính sách đối với gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công.
Hai là, tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần của các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành, các đơn vị và cá nhân trong và ngoài nước để chăm sóc tốt hơn gia đình thương binh, liệt sỹ và những người có công.
Ba là, quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho con em gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến đào tạo ngành nghề gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh. Phát triển mạng lưới thông tin thị trường lao động và thực hiện tốt chương trình xã hội như tạo việc làm, công tác đào tạo và dạy nghề cho các đối tượng và con em các gia đình chính sách.
Bốn là, huy động và ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho công tác xoá đói, giảm nghèo; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng cho những vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, tiếp nhận có hiệu quả các nguồn tài trợ trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ vốn sản xuất cho các hộ gặp khó khăn, nhất là các hộ nghèo thuộc diện chính sách.
Năm là, động viên toàn xã hội tích cực hưởng ứng làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. Mỗi xã, phường, thị trấn, mỗi tổ chức đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh… phân công nhận đỡ đầu, chăm sóc thương binh, cha, mẹ, vợ liệt sĩ gặp khó khăn, giúp các đối tượng chính sách vươn lên ổn định cuộc sống.
Sáu là, đưa công tác chăm lo đời sống cho thương bệnh binh và người có công vào một trong những nội dung của phong trào thi đua yêu nước, coi đây là một trong những chỉ tiêu để xét khen thưởng việc hoàn thành nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng hàng năm của từng địa phương, đơn vị./.
Ðền ơn đáp nghĩa người có công với nước là trách nhiệm của chúng ta  (27/07/2010)
Một đạo lý, vạn tấm lòng  (27/07/2010)
Tuổi trẻ Điện Biên với phong trào tri ân "Đền ơn đáp nghĩa - uống nước nhớ nguồn"  (27/07/2010)
Chỉ thị báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai  (26/07/2010)
Bế mạc phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội  (26/07/2010)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên