TCCSĐT - Từ ngày 19 đến ngày 23-7-2010, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43 (AMM-43), hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (PMC), Diễn dàn khu vực ASEAN và gần 20 hội nghị liên quan khác. Đây là hoạt động thường niên quan trọng nhất của các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN.
 
1. Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về Áp-ga-ni-xtan

Ngày 19-7-2010, tại Áp-ga-ni-xtan đã diễn ra Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về Áp-ga-ni-xtan. Tham dự hội nghị có Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon, Ngoại trưởng Nga X.La-vrốp, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry Clin-tơn cùng khoảng 40 Ngoại trưởng và đại diện của hơn 70 nước, tổ chức quốc tế....Nhiệm vụ chính của Hội nghị quốc tế về Áp-ga-ni-xtan lần thứ 9 (còn gọi là Hội nghị Ca-bun), khai mạc ngày 20-7 là tìm biện pháp giải quyết vấn đề dần dần bàn giao toàn bộ trách nhiệm phụ trách an ninh và quản lý quốc gia cho chính quyền Áp-ga-ni-xtan. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng thống Áp-ga-ni-xtan Ha-mít Ca-dai nhấn mạnh mong muốn lực lượng an ninh Áp-ga-ni-xtan sẽ tiếp quản quyền phụ trách an ninh của nước này đến năm 2014, đồng thời khẳng định Áp-ga-ni-xtan có đủ nguồn tài chính hoạt động cho ba năm tới. “Đến năm 2014, Lực lượng an ninh quốc gia Áp-ga-ni-xtan có khả năng chịu trách nhiệm thực thi các chiến dịch quân sự và bảo vệ pháp luật trên toàn lãnh thổ đất nước”- ông Ca-dai khẳng định. Tham gia Hội nghị lần này, phía Nga bày tỏ lo ngại trước diễn biến tình hình ở Áp-ga-ni-xtan, đặc biệt là nguy cơ ma túy. Nga ủng hộ đường lối chuyển giao toàn bộ quyền lực cho chính quyền của tổng thống Ha-mít Ca-dai, nhưng cho rằng không nên vội vàng trong việc rút các lực lượng quốc tế khỏi nước này. Đây là hội nghị quốc tế tầm cỡ nhất về Áp-ga-ni-xtan được tổ chức trên lãnh thổ quốc gia Nam Á này thời hậu Ta-li-ban nhằm tìm kiếm thêm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho công cuộc tái thiết tại Áp-ga-ni-xtan.

2. Bãi công ở một số nước châu Âu

Ngày 19-7-2010, một tổ chức công đoàn y tế của I-ta-li-a cho biết, nhiều bác sỹ nước này đã tổ chức bãi công trong 24 giờ nhằm phản đối chính sách thắt chặt chi tiêu của chính phủ.Bãi công khiến hơn 40.000 cuộc phẫu thuật (chưa đến mức nguy cấp) bị hoãn và hàng nghìn cuộc hội chẩn bị huỷ. Các bác sỹ đã tập trung biểu tình trước trụ sở Quốc hội I-ta-li-a ở thủ đô Rô-ma (Rome) nhằm bày tỏ sự phản đối đối với chính sách của chính phủ. Ngày 15-7, Thượng viện I-ta-li-a đã thông qua kế hoạch thắt chặt tài chính trị giá 25 tỉ ơ-rô. Dự kiến Hạ viện nước này cũng sẽ thông qua trong tháng 7. Chính phủ I-ta-li-a cho rằng, kế hoạch này nhằm cắt giảm những khoản chi không cần thiết chứ không ảnh hưởng đến hệ thống bảo hiểm y tế.

Ngày 21-7-2010, đợt đình công mới của nhân viên ngành hàng không Pháp lại diễn ra tại nhiều sân bay lớn, gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc đi lại, vận chuyển bằng đường hàng không. Khoảng hơn 30% nhân viên của ngành hàng không Pháp đã tham gia đình công theo lời kêu gọi của giới công đoàn, nhằm phản đối kế hoạch cải cách nâng tuổi về hưu của chính phủ Pháp. Vào thời điểm hiện nay, việc hủy các chuyến bay ảnh hưởng lớn tới việc đi lại của người dân và du khách. Đây là những ngày khách du lịch tới Pháp rất đông, đồng thời người Pháp đi nghỉ cũng nhiều. Không chỉ ảnh hưởng tới hành khách, việc đình công còn gây nhiều thiệt hại đối với ngành hàng không Pháp.

3. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43 (AMM-43) và các hội nghị liên quan

Từ ngày 19 đến ngày 23-7-2010, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43 (AMM-43), hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (PMC), Diễn dàn khu vực ASEAN và gần 20 hội nghị liên quan khác. Đây là hoạt động thường niên quan trọng nhất của các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN. Tại phiên họp toàn thể AMM-43, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã tập trung bàn về 3 vấn đề trọng tâm, bao gồm: Các biện pháp và hành động cụ thể triển khai kết quả của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16 nhằm đẩy mạnh thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, thiết thực đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống; Các phương cách nhằm mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ đối thoại của ASEAN với các đối tác; Các biện pháp củng cố và duy trì vị trí vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực cũng như tăng cường hợp tác đối phó với các thách thức đang nổi lên như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Kết thúc phiên họp, các bộ trưởng đã ra Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43 “Tăng cường các nỗ lực hướng tới Cộng đồng ASEAN: từ Tầm nhìn đến Hành động; Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN + 3 lần thứ 11; Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Tham vấn Không chính thức các Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á (EAS); Tuyên bố Chủ tịch ARF-17 về kết quả của Diễn đàn.

4. Hội nghị cấp cao lần thứ ba Liên minh Nghị viện Thế giới

Ngày 21-7-2010, Hội nghị cấp cao lần thứ ba Liên minh Nghị viện Thế giới diễn ra tại Trụ sở Liên hợp quốc ở Giơ-ne-vơ, (Thụy Sĩ), đã bế mạc. Hơn 150 chủ tịch và phó chủ tịch quốc hội các nước thành viên Liên minh Nghị viện Thế giới đã tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận chung, bày tỏ quan điểm của nước mình về các vấn đề quan trọng của thế giới. Hội nghị Cấp cao của Liên minh Nghị viện Thế giới đã thông qua Tuyên bố khẳng định chỉ có sự phối hợp làm việc giữa các quốc gia mới có thể giải quyết được khủng hoảng kinh tế và các thách thức toàn cầu khác như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, vấn đề di cư và sức khỏe cộng đồng để tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Nghị viện các nước cam kết thúc đẩy dân chủ trong quan hệ quốc tế, đảm bảo các quyền và cơ hội bình đẳng cho cả nam và nữ, và quyền cho chính các thành viên nghị viện. Tuyên bố hoan nghênh Liên hợp quốc trong việc gắn các mục tiêu phát triển của thế giới vào Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Các nghị viện đều đồng thuận trong việc gây dựng một mối quan hệ gần gũi và mạnh mẽ hơn giữa các nghị viện và Liên hợp quốc.

5. Hội nghị lần thứ 15 Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc

Ngày 21-7-2010, tại thành phố Bê-lô Hô-ri-dôn-tê (Belo Horizonte) của Bra-xin đã diễn ra Hội nghị lần thứ 15 Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) với sự tham dự của 120 đại diện đến từ 62 nước và các tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc. Với chủ đề Khí tượng phục vụ nông nghiệp, WMO xác định 4 ưu tiên để thực hiện cam kết này từ nay đến năm 2014, bao gồm phát triển các dịch vụ khí tượng hiệu qủa hơn để phục vụ cộng đồng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, lâm nghiệp và ngư nghiệp, đặc biệt là các hệ thống quản lý rủi ro trong sản xuất nông nghiệp toàn cầu; khuyến khích phát triển giao diện chia sẻ tri thức giữa các nhà khoa học và các nhà dự báo với các nhà hoạch định chính sách nông nghiệp; hỗ trợ đào tạo các nhà khí tượng nông nghiệp cho các địa phương, các quốc gia và khu vực; khuyến khích chia sẻ các nguồn tài nguyên giữa các thành viên WMO và các tổ chức khác để tăng cường phối hợp hỗ trợ phát triển kinh tế và sức khoẻ con người. WMO đã chỉ định 64 chuyên gia từ 41 nước tham gia các nhóm chuyên gia thực hiện các ưu tiên này và thiết lập Chương trình học bổng nhằm giúp các nước đang phát triển tăng cường khả năng khoa học công nghệ chống biến đổi khí hậu. Các nhà khí tượng và nông dân từ nhiều khu vực trên thế giới đã đến thành phố Bê-lô Hô-ri-dôn-tê để cùng cảnh báo những nguy cơ từ biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp và sản xuất lương thực có thể dẫn đến khủng hoảng cuộc sống của 450 triệu hộ nông dân trên khắp thế giới.

6. Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN, ASEAN + 3, ASEAN + Trung Quốc

Từ ngày 21 đến ngày 24-7, tại Xin-ga-po đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 10 và các hội nghị liên quan. Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 10 với chủ đề “Người dân khoẻ mạnh, ASEAN khoẻ mạnh”, các Bộ trưởng Bộ Y tế ASEAN đã thông qua Khung Chiến lược của ASEAN về Phát triển y tế (2010-2015) và thông qua Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 10 nhằm tăng cường cam kết chính trị để thực hiện hợp tác về phát triển y tế trong ASEAN và huy động các nguồn lực ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN+3 lần thứ 4, Bộ trưởng Y tế 10 nước ASEAN và Lãnh đạo Bộ Y tế ba nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, đã tập trung thảo luận vào các nội dung: sự đáp ứng của hệ thống y tế đối với mô hình bệnh tật kép gồm bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm, ứng phó với hậu quả gây ra từ biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm hoạ...Tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN+Trung Quốc lần thứ ba, các bộ trưởng đã trao đổi về Bản Ghi nhớ giữa ASEAN và Trung quốc về Phát triển y tế. Các quốc gia thành viên ASEAN thống nhất sẽ nghiên cứu, đóng góp ý kiến bổ sung cho Bản Ghi nhớ để tiếp tục thảo luận tại Cuộc họp các Quan chức cao cấp về phát triển y tế sắp tới. Kết thúc mỗi hội nghị, các bộ trưởng đều ra Tuyên bố chung.

7. Liên hợp quốc kêu gọi Cô-lôm-bi-a và Vê-nê-du-ê-la giải quyết bất đồng

Ngày 22-7-2010, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun kêu gọi Cô-lôm-bi-a và Vê-nê-du-ê-la kiềm chế, cùng giải quyết bất đồng thông qua đối thoại. Một tuyên bố của Liên hợp quốc viết: “Tổng Thư ký Liên hợp quốc hy vọng Cô-lôm-bi-a và Vê-nê-du-ê-la thông qua đối thoại tìm ra biện pháp thích hợp giải quyết bất đồng. Tổng Thư ký kêu gọi các bên liên quan giữ bình tĩnh, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hoà bình”. Ngày 22-7-2010, Tổng thống Vê-nê-du-ê-la Hu-gô Cha-vết tuyên bố cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Cô-lôm-bi-a ngay sau khi Bô-gô-ta đưa ra bằng chứng cho cáo buộc Ca-ra-cát hậu thuẫn các nhóm du kích vũ trang Cô-lôm-bi-a trong phiên họp bất thường của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS). Trước đó, trong phiên họp bất thường của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ, Đại sứ Cô-lôm-bi-a Lu-ít Hô-giốt (Luis Hoyos) đã đưa ra một số bằng chứng cho cáo buộc có khoảng 1.500 du kích của 2 nhóm Lực lượng Vũ trang cách mạng Cô-lôm-bi-a (FARC) và Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN) đang ẩn náu trên lãnh thổ Vê-nê-du-ê-la dưới sự hậu thuẫn của nước này.Về phần mình, Đại sứ Vê-nê-du-ê-la Roi Cha-đê-tơn (Roy Chaderton) khẳng định lời tố cáo của Cô-lôm-bi-a là hoàn toàn bịa đặt và lên án Chính phủ Cô-lôm-bi-a nhiều lần dàn dựng các chứng cớ giả mạo. Quan hệ ngoại giao giữa Cô-lôm-bi-a và Vê-nê-du-ê-la đã trở nên căng thẳng sau khi Cô-lôm-bi-a cho phép Mỹ sử dụng 7 căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình hồi tháng 10 năm ngoái, một hành động bị Vê-nê-du-ê-la cùng nhiều nước trong khu vực cho rằng có thể gây phương hại cho an ninh toàn bộ khu vực Nam Mỹ.

8. Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD)

Ngày 22-7-2010, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đã dự báo tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) có thể đạt 1.200 tỉ USD trong năm nay, sau đó tăng lên mức 1.300-1.500 tỉ USD trong năm 2011 và dao động trong khoảng 1.600-2.000 tỉ USD vào năm tiếp theo. Báo cáo FDI năm 2010 của UNCTAD cho biết, diễn biến và vai trò của FDI tuy khác nhau giữa các khu vực, nhưng trong năm 2010, hầu hết các khu vực trên thế giới đều phục hồi FDI. Các nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi thu hút hơn 50% tổng nguồn vốn FDI toàn cầu và đã đầu tư 25% vào nền kinh tế. Đây là những nền kinh tế dẫn đầu về phục hồi FDI và là các địa chỉ hấp dẫn đối với nguồn vốn này. Báo cáo FDI năm 2010 của UNCTAD nhấn mạnh hai khuynh hướng mới nổi lên trong chính sách đầu tư toàn cầu xuất phát từ những chuyển động song hành của tiến trình tự do hóa và tiến trình tăng cường các định chế đầu tư để thúc đẩy các mục tiêu chính sách công. Chỉ riêng dòng vốn FDI đầu tư cho các dự án giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong năm 2009, tập trung vào 3 khu vực chính là năng lượng tái sinh, tái chế và công nghệ ít khí thải, đã lên tới 90 tỉ USD. Tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực này trên toàn cầu còn lớn hơn nhiều nếu tính đến các nguồn đầu tư ẩn trong các khoản đầu tư vào các ngành công nghiệp khác và đầu tư của các công ty đa quốc gia.

9. Nga sẵn sàng nối lại quan hệ quân sự với NATO

Ngày 23-7-2010, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, tướng Ni-cô-lai Ma-ka-rốp khẳng định, Nga sẵn sàng nối lại quan hệ hợp tác quân sự với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhằm giải quyết các mối đe doạ an ninh quốc tế và những vấn đề khác. Tuyên bố này được đưa ra khi lần đầu tiên kể từ năm 2008, phái đoàn Ủy ban quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Chủ tịch Ủy ban Giam-pao-lô Đi Pao-la (Jampaolo Di Paola) dẫn đầu thăm Nga từ ngày 22 đến ngày 24-7 nhằm xác nhận việc khôi phục sự hợp tác hoàn toàn giữa hai bên. Phát biểu trên truyền hình Nga sau cuộc gặp với Đô đốc NATO Đi Pao-la, tướng Ni-cô-lai Ma-ka-rốp nhấn mạnh, Nga sẽ tiếp tục cung cấp các tuyến đường quá cảnh cho việc vận chuyển hàng hoá và binh sĩ phục vụ cuộc chiến của Mỹ và đồng minh ở Áp-ga-ni-xtan. Về phần mình, Đô đốc Di Pao-la khẳng định, chuyến thăm là kết quả quá trình "tái khởi động về chính trị" giữa NATO và Nga, bắt đầu từ năm 2009. Trong vài tháng tới NATO sẽ tập trung xây dựng một chương trình hành động chung với Nga trong năm 2011. Những lĩnh vực hợp tác chủ yếu giữa hai bên bao gồm hoạt động tìm kiếm và cứu nạn trên biển, chống khủng bố và ổn định tình hình tại Áp-ga-ni-xtan.Các hướng hợp tác này đã được xác định trong Kế hoạch hợp tác quân sự NATO-Nga năm 2010 được thông qua tại kỳ họp Hội đồng NATO-Nga ở B rúc-xen tháng 5 vừa qua.

10. IMF công bố báo cáo hàng năm về hiện trạng kinh tế 16 nước thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu ơ-rô

Ngày 23-7-2010, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố báo cáo hàng năm về hiện trạng kinh tế 16 nước thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu ơ-rô (eurozone) trong đó nhấn mạnh, chìa khoá để khu vực kinh tế này phục hồi tăng trưởng nhanh chóng là khôi phục lòng tin vào hệ thống tài chính. Tiến trình phục hồi kinh tế của khu vực này hiện vẫn chậm và rất mong manh, với tốc độ tăng trưởng dự kiến chỉ đạt 1% trong năm 2010 và 1,25% trong năm 2011. Kết quả các cuộc sát hạch do Ủy ban Giám sát ngân hàng châu Âu công bố ngày 23-7 cho biết, 7 trong số 91 ngân hàng và thể chế tài chính thuộc các nước thành viên EU đã không vượt qua được các cuộc sát hạch, với tổng số vốn thiếu hụt lên tới 3,5 tỉ ơ-rô. IMF cho rằng giải quyết căng thẳng trong hệ thống tài chính ngân hàng cũng là cách để các khách hàng, các công ty và các thể chế kinh tế khác của EU được hưởng lợi từ chính sách lãi suất thấp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế. Theo IMF, vị thế tài chính của khu vực đồng tiền chung châu Âu ơ-rô phải được cân bằng trong năm 2010 và được củng cố trong năm 2011. Các nước khu vực đồng ơ-rô cần xiết chặt kỷ luật tài chính, tăng cường cải cách cơ cấu, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ cải tổ trong các thể chế của EU về các quy chế quản lý rủi ro hệ thống cũng như các quy chế tài chính thích hợp theo từng năm để ổn định hệ thống tài chính khu vực

11. Thiên tai tại nhiều nước trên thế giới

Tuần qua, nhiều quốc gia đã phải gánh chịu nhiều tổn thất do thiên tai gây ra. Tại In-đô-nê-xi-a, liên tục xảy ra các trận động đất. Ngày 24-7-2010, 1 trận động đất mạnh 6 độ rích-te xảy ra ở đảo Xu-ma-tơ-ra (Sumatra) ở miền bắc In-đô-nê-xi-a. Ngày 25-7-2010, tại miền Đông In-đô-nê-xi-a, một trận động đất mạnh 5,3 độ rích-te đã xảy ra với tâm chấn cách đảo Xu-la-u-ê-xi (Sulawesi) khoảng 23km về phía tây bắc, ở độ sâu 25km. Dư chấn của trận động đất này đã kéo theo 3 trận động đất khác xảy ra ngoài khơi Phi-líp-pin. Hiện chưa có thông tin về thiệt hại của trận động đất. Trong khi đó, cuối tuần qua, các bang miền Đông nước Mỹ lại tiếp tục hứng chịu một đợt nắng nóng khác, với nhiệt độ được dự báo có thể lên mức 43 độ C, ngay sau đợt nắng nóng kỷ lục với nhiệt độ lên tới gần 38 độ C hồi đầu tháng, buộc Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) phải đưa ra cảnh báo về tình trạng thời tiết nắng nóng nguy hiểm đầu tiên trong năm và khuyến cáo người dân nên ở nhà. Tại Nga, nhiều nhà máy cũng phải đóng cửa cho công nhân nghỉ vì nắng nóng. Tại Nhật Bản, hơn 50 người đã tử vong vì nắng nóng. Nhiệt độ ngoài trời đo được tại 140 địa điểm trên toàn quốc có lúc lên tới 39,4 độ C. Còn tại Bô-li-vi-a, ngày 19-7 đã có18 người đã thiệt mạng do nhiệt độ xuống tới 3 độ C, mức thấp kỷ lục trong vòng 29 năm qua ở nước này. Nhiều trường học đã tạm đóng cửa đến ngày 21-7. Tại Trung Quốc, Bộ Dân chính nước này thì cho biết, tính đến ngày 16-7 vừa qua, đã có 146 người thiệt mạng và 40 người mất tích do các trận mưa bão từ đầu hè./.

*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 12-7 đến ngày 18-7-2010)