Nước Nga: những thành tựu trong các nhiệm kỳ của Tổng thống V. Pu-tin
Hai nhiệm kỳ lịch sử
Năm 2000, ông V. Pu-tin đắc cử Tổng thống Nga lần đầu tiên trong bối cảnh nước Nga bộn bề khó khăn, trì trệ. Tuy nhiên, dưới sự chéo lái, dẫn dắt của Tổng thống V. Pu-tin, nước Nga không những thoát khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế - chính trị - xã hội, sự giảm sút về thực lực quân sự và vị thế trên thế giới mà còn thực sự chuyển mình, đổi thay sâu sắc, từng bước vươn lên trỗi dậy mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng trong suốt những năm đầu thế kỷ XXI.
Từ năm 2003 trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Nga xấp xỉ 7%/năm. Những thành tựu về ổn định kinh tế vĩ mô, mở cửa liên kết với nền kinh tế thế giới, đã đưa nước Nga trở thành một trong 10 cường quốc có GDP lớn nhất thế giới. Từ năm 2000 đến 2007, GDP của Nga đã tăng 72 %. Phần chi ngân sách liên bang đã tăng 2,6 lần. Nợ công so với GDP của Nga được thu hẹp xuống 10 lần, từ mức hơn 100% xuống còn hơn 10%, trong đó nợ nước ngoài chỉ còn 2,5%. Tỷ lệ lạm phát cũng giảm 6 lần (1).
Năm 2011, tăng trưởng GDP của Nga đạt 4,55%, dự trữ ngoại tệ tăng 9,6%, đạt 525,5 tỷ USD, đứng thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Nhật Bản. Cuối năm 2011, Nga đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tạo đòn bẩy để kinh tế Nga tiếp tục vươn lên, hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế thế giới, giúp Nga hiện thực hóa mục tiêu là một trong năm nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Cùng với những thành tựu về phát triển kinh tế, nước Nga cũng đã trở thành một quốc gia lớn trên thế giới về năng lượng bởi chính sách của chính phủ kiểm soát một phần lớn ngành dầu khí và doanh thu từ ngành này. Nga không những là nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới mà còn là quốc gia cung cấp khí đốt chính cho toàn bộ châu Âu với dự án “Dòng chảy phương Nam”.
Sức sống mới của xứ sở Bạch Dương còn dựa vào chương trình hiện đại hóa quân sự - quốc phòng được đầu tư 600 tỷ ơ-rô trong 10 năm, củng cố vị thế cường quốc quân sự với sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, vai trò và vị thế của Nga trong khu vực và trên trường quốc tế đã thay đổi rõ rệt. Từ chỗ phụ thuộc và là “con nợ” của phương Tây, Nga đã tiến tới quan hệ hợp tác bình đẳng trong mọi lĩnh vực kinh tế và chính trị. Tiếng nói của Nga trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế ngày càng có sức mạnh. Quan hệ của Nga với các tổ chức quốc tế và khu vực được cải thiện, mở rộng trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương. Nước Nga đã trở thành thành viên quan trọng của nhiều tổ chức kinh tế hoặc có quan hệ thương mại với nhiều liên minh khu vực như G8, Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh các quốc gia A-rập (AL), Liên minh châu Phi (AU), Khu vực thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)… Theo đánh giá của Bộ Ngoại giao Nga, thành tựu lớn nhất mà Nga đạt được dưới thời của Tổng thống V. Pu-tin là đã khôi phục được tính độc lập, tự chủ trong đường lối đối ngoại của mình.
Đặc biệt, trong thời kỳ cầm quyền của “bộ đôi” V. Pu-tin - Đ. Mét-vê-đép, nước Nga đã có những bước chuyển quan trọng. Trong “Định hướng cơ bản chính sách đối ngoại” cựu Tổng thống Đ. Mét-vê-đép khẳng định: “nước Nga đã quay trở lại sau hơn 100 năm biệt lập và tự tách rời và bây giờ đây Nga đang tạo lập con đường trở lại với nền chính trị và nền kinh tế thế giới bằng tất cả các nguồn lực tài nguyên, tài chính và trí tuệ của mình”.
Kiến trúc sư của đất nước
Từ khi lên cầm quyền năm 2000 tới nay, Tổng thống V. Pu-tin đã có những thiết kế tổng thể về phát triển đất nước, xác định chiến lược phát triển dân giàu, nước mạnh, đi theo con đường phát triển phù hợp với điều kiện của nước Nga.
Biện pháp đầu tiên mà Tổng thống V. Pu-tin áp dụng là chấn chỉnh lại trật tự, tấn công các thế lực ly khai ở địa phương, tuyên chiến không khoan nhượng với nạn khủng bố, khôi phục không gian pháp luật cho sự thống nhất của đất nước. Tiếp đó là thực hiện một loạt cải cách, tăng cường sự quản lý theo chiều dọc từ Trung ương đến địa phương, phát huy ưu thế về năng lượng, coi trọng và cải thiện dân sinh, giải quyết các vấn đề còn tồn tại của đất nước,… Kinh tế Nga tăng trưởng với tốc độ nhanh, đời sống của người dân được nâng cao.
Về chính trị, sau khi thông qua một loạt biện pháp hành chính và pháp luật, Tổng thống Nga V. Pu-tin đã tiến hành sắp xếp, thiết lập hệ thống quyền lực mà theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu, là sự sắp xếp cho cả hiện tại và tương lai. Cùng với đó là việc thực hiện một loạt chính sách xây dựng hệ thống chính quyền mạnh từ Trung ương đến địa phương. Những cải cách có tính bước ngoặt của Tổng thống V. Pu-tin đã mang lại bầu không khí chính trị ổn định, mức độ tín nhiệm đối với chính phủ được tăng cường.
Về kinh tế, Tổng thống V. Pu-tin đã xây dựng đường lối phát triển kinh tế ở tầm chiến lược, lựa chọn biện pháp phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của đất nước. Trên nền tảng đó, chiến lược phát triển kinh tế Liên bang Nga giai đoạn 2000 - 2010 đã ra đời. Trong suốt hai nhiệm kỳ cầm quyền, Tổng thống V. Pu-tin tập trung tăng cường điều tiết vĩ mô của nhà nước như: cải cách thuế, ngân sách, tài chính ngân hàng, ổn định tiền tệ… Đồng thời với việc thực hiện các chính sách kinh tế, các chương trình xã hội cũng được triển khai như xây dựng cơ sở pháp lý cho cải cách chế độ bảo đảm lương hưu, bảo đảm y tế, cải cách chế độ giáo dục, cải cách nhà ở, thực thi chính sách dân số.
Trong 8 năm dưới sự lãnh đạo của Tổng thống V. Pu-tin, nước Nga đã thực hiện chuyển đổi thành công từ một nền kinh tế rối ren, hỗn loạn sang một nền kinh tế ổn định. “Nước Nga đã hoàn toàn khôi phục mức phát triển kinh tế - xã hội từng bị mất đi vào những năm 1990. Thu nhập thực tế của người dân đã vượt những chỉ số thời kỳ trước cải tổ. Kinh tế đang tăng trưởng một cách bền vững” (2).
Về ngoại giao, trong bối cảnh kinh tế đất nước liên tục có bước phát triển, phục hồi thực lực, một nước Nga lớn mạnh và ngày càng tự tin đã trở thành một bộ phận quan trọng thay đổi tích cực của thế giới. Đặc biệt, khôi phục sức mạnh tổng hợp quốc gia đã tạo ra tư thế mới giúp Nga lấy lại sự cân bằng, khẳng định vị thế ảnh hưởng của mình. Tổng thống V. Pu-tin đã thi hành chính sách ngoại giao cân bằng Đông - Tây, tái lập và mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, mở rộng tăng cường quan hệ song phương với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), điều chỉnh chính sách ngoại giao với Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), tích cực xây dựng quan hệ với các nước trong khu vực khác; tăng cường ngoại giao đa phương trong các tổ chức quốc tế…
Trong quan hệ với Mỹ và phương Tây, nước Nga đã thể hiện quan điểm độc lập của mình trước những vấn đề quốc tế, giữ vững nguyên tắc, kiên quyết đấu tranh trong những vấn đề liên quan thiết thực tới lợi ích quốc gia trọng tâm của Nga, như việc NATO mở rộng sang phía Đông, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu. Đặc biệt, Nga thể hiện mạnh mẽ tiếng nói của mình trong các vấn đề quốc tế quan trọng khác, như vấn đề khủng bố quốc tế, an ninh năng lượng, các chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, I-ran, vấn đề Xy-ri, hoà bình ở Trung Đông…
Mặc dù kinh tế - xã hội Nga còn nhiều khó khăn, hạn chế, song những thành tựu mà Nga đạt được trong thời kỳ lãnh đạo của Tổng thống V. Pu-tin được coi là bước phát triển nhảy vọt, đưa nước Nga trở lại diễn đàn thế giới với tư cách là một quốc gia hùng mạnh, tạo động lực quan trọng để nước Nga hướng tới tương lai, lấy lại vị thế một cường quốc thế giới.
Hướng tới nước Nga giàu mạnh và phồn vinh
Thông điệp liên bang năm 2012 của Tổng thống V. Pu-tin nêu rõ: “Ở thế kỷ XXI, trong bối cảnh sức mạnh kinh tế, văn minh và quân sự có sự phân bố lại, nước Nga phải trở thành quốc gia có chủ quyền và ảnh hưởng. Chúng ta cần phát triển không chỉ một cách tự tin mà còn phải giữ được đặc tính dân tộc và văn hóa”; “Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là xây dựng một nước Nga giàu mạnh và phồn vinh”.
Với mục tiêu “nâng cao gấp đôi GDP, biến nước Nga từ nay đến năm 2020 thành một cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, với GDP tính theo đầu người đạt 35.000 USD so với 10.440 USD vào năm 2010”, Tổng thống V. Pu-tin đã vạch ra phương hướng chung để phát triển đất nước, cụ thể:
Về kinh tế, tập trung đa dạng hóa nền kinh tế, nâng cao giáo dục, nông nghiệp, kết cấu hạ tầng và các lĩnh vực khác; giảm sự can thiệp của nhà nước và điều chỉnh các chính sách kinh tế để thu hút đầu tư nước ngoài.
Về chính trị, thực hiện dần lộ trình cải cách, gồm việc đưa ra một số điều chỉnh về bầu cử Quốc hội và thống đốc bang cũng như tối giản thủ tục đăng ký cho các đảng nhỏ. Bất kỳ một sự cải cách nào về mặt chính trị đều cần được thực hiện trên cơ sở sự ổn định.
Về chính sách xã hội, cam kết tăng cường phúc lợi xã hội, tạo thêm 25 triệu việc làm cho tầng lớp trí thức và tạo nơi ở cho khoảng 60% hộ gia đình Nga.
Về chính sách dân tộc, ủng hộ một xã hội đa tầng lớp và cam kết hỗ trợ tài chính cho khu vực Bắc Cáp-ca-dơ; kêu gọi tinh thần đoàn kết, thống nhất từ phía người dân Nga và mạnh mẽ bác bỏ tất cả các hình thức của chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố.
Về chính sách quân sự, tiếp tục duy trì sức mạnh răn đe hạt nhân để đối phó với các thách thức toàn cầu và bảo đảm sự ổn định chiến lược của quốc gia.
Về đối ngoại, trước hết, Nga mong muốn giúp nền kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng bằng cách tích cực thúc đẩy hình thành cấu trúc kinh tế - thương mại và tiền tệ - tài chính toàn cầu bình đẳng và dân chủ, đồng thời đẩy mạnh sáng kiến đa dạng hoá các loại tiền dự trữ quốc tế. Thứ hai, đấu tranh chống can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ. Thứ ba, tiếp tục bảo vệ vai trò không thể thay thế của Liên hợp quốc, có nghĩa là không để xảy ra trường hợp lấy cớ “trách nhiệm bảo vệ” (trường hợp Li-bi) để tiến hành can thiệp quân sự và một số hình thức can thiệp khác. Để hiện thực hóa được những mục tiêu này, Nga cần gia tăng “sức mạnh mềm” trong quan hệ đối ngoại, từng bước nâng cao tiếng nói và sức mạnh của mình trong các công việc quốc tế.
Tổng thống V. Pu-tin ủng hộ việc hình thành một thế giới đa cực với việc nâng cao tiếng nói của Liên hợp quốc; bác bỏ tư tưởng can thiệp quân sự vào một quốc gia có chủ quyền từ các nước phương Tây; cam kết tiếp tục theo đuổi chính sách xây dựng và tích cực, hướng tới việc tăng cường an ninh toàn cầu, hội nhập với không gian hậu Xô-viết, đặc biệt trong khuôn khổ SNG, Liên minh Hải quan, Cộng đồng kinh tế Á - Âu, Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể, Nhà nước liên minh Nga - Bê-la-rút...; đề cao tinh thần hợp tác với các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)... đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị với các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Nga giàu mạnh và phồn vinh, Tổng thống V. Pu-tin kêu gọi dựa vào tài sản văn hóa của nước Nga đã từng có ảnh hưởng đến tiến trình văn minh thế giới, kêu gọi đoàn kết, tinh thần quốc gia dân tộc mà lịch sử hàng nghìn năm của nước Nga đã hun đúc, tạo nên nội lực và tư tưởng phát triển dân tộc.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nước Nga đạt được những thành công trên nhiều lĩnh vực là bởi kiến trúc sư, tổng tư lệnh V. Pu-tin, người không những thiết kế tài tình mà còn trực tiếp “thi công” các chiến lược phát triển quốc gia mang tầm thế kỷ. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà ngay khi nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống V. Pu-tin chưa kết thúc, có rất nhiều người đã đề xuất nước Nga nên thay đổi Hiến pháp để Tổng thống có thể tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba. Và cũng không phải ngẫu nhiên từ năm 2007, Tổng thống Nga V. Pu-tin được tạp chí Time (Mỹ) bầu chọn là “người của năm 2007”. Gần đây, thêm một lần nữa, Tổng thống Nga V. Pu-tin được tạp chí danh tiếng Forbe bình chọn là “nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới năm 2013”. Điều đó cho thấy, những gì mà Tổng thống V. Pu-tin đã và đang làm được cho nước Nga suốt thời gian qua và trong nhiệm kỳ hiện nay là không thể phủ nhận.
Mười ba năm trước, Tổng thống V. Pu-tin từng cam kết với người dân: “Hãy cho tôi 20 năm, tôi sẽ trả lại các bạn một nước Nga hùng mạnh”. Nhưng chỉ chưa đầy một thập niên, Tổng thống V. Pu-tin đã làm nên một “nước Nga mới” với sức vóc trở lại mạnh mẽ, đầy sức sống. Tám năm ấy, theo như đánh giá của một số nhà nghiên cứu quốc tế, là giai đoạn rực rỡ trong lịch sử nước Nga hiện đại. Nước Nga đã lựa chọn V. Pu-tin và V. Pu-tin đã làm thay đổi nước Nga. Và với sự trở lại điện Krem-lin của ông V. Pu-tin lần này ở nhiệm kỳ Tổng thống kéo dài 6 năm, với tình yêu và niềm tự hào về nước Nga, năng lực lãnh đạo, quyết tâm chính trị cao của nhà lãnh đạo tài năng, người dân Nga kỳ vọng đất nước sẽ vượt qua những gian truân, thách thức, tiếp tục có những bước phát triển ngoạn mục./.
--------------------------------
(1) Xem: Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 21-12-2012, tr 14
(2) Xem: http://www.lenta.ru/articles/2008/02/putin
Chủ tịch nước tiếp Thống đốc bang New South Wales  (10/11/2013)
Hà Nội khánh thành Trung tâm truyền dẫn phát sóng hiện đại  (10/11/2013)
CPI của Trung Quốc tăng cao nhất trong 8 tháng qua  (10/11/2013)
EU, Hàn Quốc nhất trí hợp tác tiếp động lực mới cho FTA  (10/11/2013)
Tiếp tục các nỗ lực phòng, chống bão HaiYan  (10/11/2013)
Khai mạc Hội nghị Trung ương 3 Đảng Cộng sản Trung Quốc  (09/11/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay