Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 7-5, Tổng thống Xyri Basa An Átxát (Bashar al-Assad) đã tiếp Ngoại trưởng Iran Ali Ácba Xalêhi (Ali Akbar Salehi) đang thăm Đamát, để thảo luận về các diễn biến khu vực sau các cuộc không kích của Ixraen vào các cơ sở quân sự Xyri hồi cuối tuần qua.

Phát biểu tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Iran Xalêhi khẳng định rằng đây là thời điểm ngăn chặn Ixraen tiến hành các hành động xâm lược chống lại người dân các nước trong khu vực, tương tự như các cuộc không kích trong tuần qua nhằm vào Xyri. Đài truyền hình quốc gia Xyri dẫn lời ông Xalêhi tuyên bố Iran đứng về phía Xyri chống lại hành động xâm lược của Ixraen mà theo Ngoại trưởng Iran là có động cơ nhằm làm tổn hại an ninh khu vực và hậu thuẫn cho lực lượng chống đối ở Xyri.

Về phần mình, Tổng thống Xyri Átxát cho biết các cuộc không kích vừa qua của Ixraen là bằng chứng rõ ràng cho thấy "sự can dự" của nhà nước Do Thái, các nước khu vực và các nước đồng minh phương Tây vào tình hình Xyri. Trong khi đó, kênh truyền hình Al-Manar thân chính phủ dẫn lời Tổng thống Átxát tuyên bố nước này có đủ khả năng đương đầu trước hành động xâm lược của Ixraen, đồng thời cho biết "các hành động xâm lược gần đây của Ixraen đã vạch trần mức độ đồng lõa giữa hành động chiếm đóng của Ten Avíp (Tel Aviv), các nước trong khu vực với phương Tây trong việc hậu thuẫn các sự kiện hiện nay tại Xyri".

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Ixraen Môsê Yalôn (Moshe Yaalon) biện hộ Ten Avíp không can dự vào cuộc nội chiến tại Xyri, song sẽ không cho phép việc vận chuyển vũ khí cho phong trào Hồi giáo vũ trang Hécbôla (Hezbollah) tại Libăng. Đài phát thanh Ixraen dẫn lời ông Yalon cho biết: "Chúng tôi đã đặt ra các giới hạn đỏ đối với việc chuyển giao vũ khí cho các tổ chức khủng bố như Hécbôla và các lực lượng khác, cũng như đối với việc chuyển giao vũ khí hóa học hoặc các hành động vi phạm chủ quyền của Ixraen".

Trong một diễn biến khác, ngày 7-5, quân nổi dậy Xyri đã bắt giữ 4 nhân viên gìn giữ hòa bình người Philíppin của Phái bộ giám sát ngừng bắn giữa Ixraen và Xyri (UNDOF) tại khu vực ngừng bắn giữa Xyri và Cao nguyên Gôlan (Golan) do Ixraen chiếm đóng. Theo người phát ngôn UNDOF, một nhóm vũ trang chưa xác định danh tính đã bắt giữ 4 nhân viên người Philíppin tại khu vực An Giamla (Al Jamlah) ở Gôlan. Liên hợp quốc đang xúc tiến công tác giải cứu các nhân viên này. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun (Ban Ki-moon) đã lên án mạnh mẽ vụ bắt giữ trên và kêu gọi đối tượng bắt giữ ngay lập tức cần thả các nhân viên người Philíppin.

Trong khi đó, nhóm phiến quân có tên "Lữ đoàn tử vì đạo Yamúc (Yarmouk)" ra tuyên bố cho biết nhóm này hiện giữ các nhân viên Liên hợp quốc nói trên. Một thành viên của Yamúc cho biết 4 nhân viên Liên hợp quốc vẫn bình an và sẽ được trả tự do ngay khi có thể. Trước đó, hồi đầu tháng 3 vừa qua, các phần tử vũ trang của nhóm trên cũng đã bắt giữ 21 binh sĩ gìn giữ hòa bình UNDOF tại cao nguyên Gôlan. Nhóm binh sĩ này đã được trả tự do sau 3 ngày bị giam giữ.

Cao nguyên Gôlan bị Ixraen chiếm giữ trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Theo một thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ năm 1973, Xyri không đưa quân đội tới khu vực này. Về mặt lý thuyết, Ixraen và Xyri hiện vẫn trong tình trạng chiến tranh, do đó Cao nguyên Gôlan được đặt dưới sự giám sát của UNDOF.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, ngày 7-5, Bộ Ngoại giao Iran đã ra tuyên bố cáo buộc các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, đang tìm mọi cách để hậu thuẫn quân nổi dậy ở Xyri và chính lực lượng này đã sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào người dân Xyri vô tội.

Phát biểu trong cuộc họp báo định kỳ tại thủ đô Têhêran, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran cho biết hàng nghìn phụ nữ và trẻ em Xyri đang là đối tượng của các loại vũ khí do phương Tây cung cấp cho quân nổi dậy, và thậm chí lực lượng này đã dùng cả vũ khí hóa học nhằm vào dân thường.

Trong khi đó, Liên minh Dân tộc Xyri (SNC) đối lập sẽ tiến hành thảo luận việc thay thế Thủ tướng lâm thời Gaxan Hitô (Ghassan Hitto) tại một phiên họp toàn thể dự kiến diễn ra vào cuối tuần này. Một nguồn tin giấu tên tiết lộ ông Amát Tômê (Ahmad Tohme), Tổng Thư ký "Hội đồng quốc gia Tuyên bố Đamát năm 2005" và có uy tín trong phe đối lập Xyri, là một trong số các ứng cử viên hàng đầu có thể thay thế ông Hitô. Ông Hitto được bầu làm Thủ tướng lâm thời của lực lượng đối lập Xyri ngày 18-3 khi nhận được 35/48 phiếu của SNC gồm tổng cộng 63 thành viên. SNC là lực lượng đối lập hiện lưu vong tại Thổ Nhĩ Kỳ, được một số quốc gia và tổ chức công nhận là đại diện hợp pháp của người dân Xyri.

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), số người tị nạn tại Xyri ngày một tăng với khoảng 6,8 triệu người cần viện trợ nhân đạo. Con số này tăng mạnh so với mức 1 triệu người vào tháng 3-2012. Ước tính, cuộc xung đột tại Xyri đã khiến 70.000 người thiệt mạng và 4,25 triệu người Xyri lâm vào cảnh mất nhà cửa./.