Việt Nam - I-ta-li-a: Bốn mươi năm quan hệ hữu nghị
Quan hệ hữu nghị truyền thống
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt tại Việt Nam, nhiều người dân I-ta-li-a đã xuống đường, tham gia các đợt tuần hành chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam kiên cường, đấu tranh giành độc lập, tự do. I-ta-li-a cũng là quốc gia đi đầu trong khu vực Tây Âu giúp Việt Nam gỡ bỏ sự bao vây, cấm vận, mở đầu bằng chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng I-ta-li-a Gian-ni Đờ Mi-sơ-li (Gianni De Michelis) vào năm 1989 và chính thức nối lại quan hệ hợp tác phát triển với Việt Nam vào năm 1991.
Năm 2000, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã chọn I-ta-li-a, cùng với Pháp và Ủy ban châu Âu là những đối tác Tây Âu đầu tiên trong chuyến thăm ở cấp Tổng Bí thư. Những năm sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2007), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (năm 2009) cũng thực hiện các chuyến thăm và làm việc tại I-ta-li-a. Đặc biệt, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào đầu năm nay (tháng 1-2013), theo lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa I-ta-li-a G.Na-pô-li-ta-nô (G.Napolitano), đã đạt kết quả tốt đẹp, khi hai nước đưa ra tuyên bố chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đánh dấu bước tiến quan trọng, khẳng định và bồi đắp thêm bề dày lịch sử 40 năm quan hệ giữa hai nước.
Về phía I-ta-li-a, đã có các chuyến thăm cấp cao của Phó Thủ tướng G. Phi-ni (G.Fini, tháng 10-2004), Chủ tịch Hạ viện P. Phéc-đi-nan-đô Ca-xi-ni (P.Ferdinando Casini, tháng 1-2005), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao M.D’A-le-ma (M. D’Alema, tháng 10-2007), Bộ trưởng Ngoại giao G.Téc-di (G.Terzi, tháng 3-2012)...
Các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước góp phần tăng cường quan hệ chính trị song phương, cũng như hợp tác trong các lĩnh vực khác, thông qua việc ký kết nhiều hiệp định. Việt Nam khẳng định luôn coi trọng và chủ trương tăng cường hợp tác toàn diện với I-ta-li-a, sẵn sàng làm cửa ngõ để I-ta-li-a mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với khu vực Đông Nam Á. I-ta-li-a cũng thể hiện quyết tâm mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, ủng hộ Việt Nam tăng cường hợp tác với Liên minh châu Âu (EU), xem Việt Nam là một đối tác tin cậy và quan trọng trong chiến lược hướng tới châu Á của mình.
Cùng với Chính phủ, Quốc hội hai bên cũng có quan hệ khá chặt chẽ. Ngoài việc tham khảo những vấn đề trong công tác lập pháp, giám sát tại I-ta-li-a, phía Việt Nam còn được bạn cung cấp các kinh nghiệm và thông tin liên quan đến cơ cấu tổ chức, bộ máy của Quốc hội, các ủy ban; trình tự thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ giữa các ủy ban; các vấn đề liên quan đến bộ máy giúp việc của các ủy ban trong Quốc hội I-ta-li-a.
Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có quan hệ với Đảng của những người Cộng sản I-ta-li-a (PDCI). PDCI luôn bày tỏ mong muốn củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa hai Đảng. Việt Nam được PDCI đánh giá là một tấm gương, là nguồn cổ vũ cho những người cộng sản I-ta-li-a và họ sẽ làm hết sức mình để góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai Đảng, hai đất nước.
Hợp tác kinh tế hiệu quả
Cùng với việc củng cố và phát triển quan hệ chính trị, quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng ngày càng phát triển. Là nền kinh tế đứng thứ bảy thế giới, I-ta-li-a có hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa rất năng động, hiệu quả, đóng góp gần 2/3 GNP của nước này. Đây chính là những kinh nghiệm quý báu đối với Việt Nam trong phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cựu Thủ tướng R.Prô-đi (R.Prodi) khẳng định, I-ta-li-a coi trọng vị trí và vai trò của Việt Nam tại Ðông Nam Á và sẽ khuyến khích các tập đoàn kinh tế lớn tăng cường thâm nhập thị trường Việt Nam. Về phần mình, Việt Nam luôn mong muốn các doanh nghiệp và nhà đầu tư I-ta-li-a sẽ có mặt tại Việt Nam nhiều hơn. Hàng hóa và doanh nghiệp của Việt Nam thông qua thị trường I-ta-li-a, sẽ có điều kiện thâm nhập sâu, thuận lợi hơn vào thị trường châu Âu.
Trong thương mại, tuy hai nước có quan hệ thương mại từ những năm 70 của thế kỷ XX, nhưng phải đến thập niên gần đây, thương mại giữa hai nước mới thực sự có những bước phát triển. Kim ngạch buôn bán hai chiều tăng từ 320 triệu USD năm 1996 lên 1,5 tỷ USD năm 2009. Năm 2011, mặc dù bị ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, nhưng kim ngạch buôn bán hai chiều vẫn đạt 2,53 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang I-ta-li-a 1,53 tỷ USD (tăng 56% so với năm 2010); năm 2012, con số này là hơn 2,6 tỷ USD. Hai bên phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên trên mức 3 tỷ USD trong giai đoạn 2012 - 2013.
Việt Nam xuất khẩu sang I-ta-li-a chủ yếu các mặt hàng giày dép, thủy sản, dệt may, cà phê, hàng công nghệ cao, chất dẻo, cao-su thiên nhiên, sản phẩm gỗ, đồ du lịch, thủ công mỹ nghệ, hạt tiêu, hạt điều,… Các sản phẩm Việt Nam nhập khẩu từ I-ta-li-a gồm: sản phẩm da, hóa chất, máy móc vận tải - xây dựng, dây chuyền chế biến thực phẩm, thiết bị vệ sinh, thiết bị y tế, máy phát điện, dụng cụ gia đình,… Hàng hóa, sản phẩm của I-ta-li-a được người tiêu dùng Việt Nam coi là biểu tượng của chất lượng, tính sáng tạo, sự tinh tế và thích ứng tốt với điều kiện Việt Nam.
Trong đầu tư, hiện nay, một số tập đoàn sản xuất lớn của I-ta-li-a đã vào Việt Nam và bước đầu gặt hái được thành công, như Technip (Dự án Nhà máy đạm Phú Mỹ); Denielia (Dự án về thép); Fiat Iveco với Liên doanh ôtô Mê-kông; Tập đoàn xe máy Piaggio. Ngoài ra, còn kể đến các tập đoàn Pirelli, Finmeccanica,...
Hiện nay, I-ta-li-a có 44 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn là 198 triệu USD. Các dự án của I-ta-li-a chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp và xây dựng, tiếp đến là nông - lâm nghiệp và dịch vụ. Xu hướng đầu tư này phù hợp và góp phần thúc đẩy chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Mặt khác, tiềm năng về đầu tư của I-ta-li-a còn rất lớn, chẳng hạn như lĩnh vực năng lượng, I-ta-li-a là quốc gia chú trọng và đi tiên phong trong khai thác các loại năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ,... Trong các cuộc gặp cấp cao, hai bên cam kết sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp hai nước kết nối đối tác, tăng cường đầu tư, kể cả hình thức hợp tác đối tác công tư (PPP).
Trong hợp tác phát triển, I-ta-li-a là một trong những nước châu Âu đầu tiên nối lại viện trợ phát triển và thúc đẩy hợp tác, giúp Việt Nam ngay trong những năm nước ta còn bị bao vây, cấm vận. I-ta-li-a bắt đầu viện trợ cho Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ XX, thông qua hình thức cho vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại hoặc thông qua các tổ chức như UNIDO, IFAD, viện trợ khẩn cấp,... Các lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa hai bên gồm: sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và chế biến thủy sản, hạ tầng kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, khai thác và chế biến tài nguyên, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ,...Trong đó, điển hình là dự án xây dựng Trung tâm y tế Carlo Urbani tại Đại học Y Huế (trị giá 839.424 ơ-rô); dự án hỗ trợ thành lập cơ cấu trợ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ (1,083 triệu ơ-rô); dự án xóa đói giảm nghèo tại tỉnh Gia Lai (1,5 triệu ơ-rô). Đến nay, hai nước đã ký một số hiệp định về hợp tác phát triển, như Hiệp định Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực, Hiệp định Viện trợ hàng hóa cho ngành nước, Hiệp định I-ta-li-a xoá nợ cho Việt Nam… Các khoản ODA của I-ta-li-a có giá trị khoảng 300 triệu USD, trong đó riêng giai đoạn 2010 - 2012, I-ta-li-a tài trợ 35 triệu USD.
I-ta-li-a tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ, triển lãm tại nước này. Đồng thời, hai bên chủ động tổ chức các cuộc hội thảo nhằm giới thiệu cơ hội cho các doanh nghiệp, như “Tăng cường quan hệ thương mại, hợp tác và đầu tư giữa Việt Nam và I-ta-li-a trong nông, lâm, thủy sản” (tháng 5-2011); “Mục tiêu Việt Nam - Cơ hội thương mại và đầu tư” (tháng 2-2012); “Công cụ hướng tới thành công trong kinh doanh tại Việt Nam”(tháng 2-2012); “Tiềm năng hợp tác phát triển công nghiệp tại Việt Nam”;… Ngoài ra, hàng chục đoàn doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, địa phương của hai bên tích cực đi thăm, tìm hiểu lẫn nhau. Tất cả những hoạt động trên đã góp phần đưa quan hệ kinh tế giữa hai nước sang một bước phát triển mới.
Không ngừng phát triển hợp tác
Hai bên trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ quốc phòng song phương trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Xây dựng mối quan hệ vì sự hợp tác, phát triển trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, mong muốn tìm được tiếng nói chung về các vấn đề lớn trong lĩnh vực quốc phòng của khu vực, thế giới mà cả hai nước đều quan tâm. Hợp tác trong lĩnh vực này được hai nước cụ thể hóa trong các lĩnh vực như công nghiệp quốc phòng, đào tạo, trao đổi sỹ quan, trao đổi đoàn giữa hai bên, hợp tác giữa các viện nghiên cứu, gìn giữ hòa bình, rà phá bom mìn,...
Trong các hoạt động xã hội, nhiều tổ chức và cá nhân I-ta-li-a đã bày tỏ tình đoàn kết và tương trợ đối với các nạn nhân chất độc da cam. Tháng 10-2009, Hội hữu nghị I-ta-li-a - Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại I-ta-li-a và Chi hội vùng Vơ-ne-tô đã ra mắt cuốn sách “Khi vũ khí im tiếng: Chất độc da cam và hậu quả của chiến tranh Việt Nam” của tác giả S.Sca-li-ô-ti (S. Scagliotti) - lãnh sự danh dự của Việt Nam kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam ở Tu-rin (I-ta-li-a). Chi hội vùng Vơ-ne-tô - nghiệp đoàn lao động lớn nhất ở I-ta-li-a, và Hiệp hội Ph.Soóc-man-ni (F.Sormanni) tiến hành nhiều dự án dạy nghề ở Việt Nam, nhằm giúp đỡ trẻ em bị nhiễm chất độc da cam. Nhà nhiếp ảnh, nhà báo nổi tiếng Se-ni-ga-li-ơxi (Senigaliesi) đã tổ chức triển lãm ảnh do chính tay ông chụp các nạn nhân chất độc da cam sau khi từ Việt Nam trở về. Triển lãm đã gây sự chú ý và xúc động lớn đối với công chúng, thu hút hàng vạn người dân I-ta-li-a tới xem. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao I-ta-li-a Đ.A-le-ma nhấn mạnh sự quan tâm của I-ta-li-a đối với Việt Nam cả về chính trị lẫn kinh tế, trong chính sách hướng đến châu Á: “Việt Nam là một đất nước đang hiện đại hóa nhanh chóng, cả về chính trị và kinh tế, là một đất nước có sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Đối với những người đang hướng về châu Á như chúng tôi, Việt Nam là một đối tác quan trọng”.
Một hoạt động khác cũng gắn bó tình cảm giữa hai nước là vấn đề nhận con nuôi. Hiện nay, có 8 tổ chức của I-ta-li-a đang hoạt động tại Việt Nam. Nhiều bà mẹ I-ta-li-a tâm sự, gia đình họ nhân lên niềm vui gấp bội khi có thêm các thành viên mới đến từ Việt Nam. Không ít gia đình bày tỏ nguyện vọng được nhận thêm các cháu mồ côi ở Việt Nam. Chủ tịch Hội gia đình I-ta-li-a - người cũng nhận con nuôi ở Việt Nam - cho biết, mặc dù những trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi đều nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới tại I-ta-li-a, nhưng họ vẫn muốn các em nhớ và hiểu được nguồn gốc của mình.
Các hoạt động văn hóa cũng được hai nước chú trọng tổ chức với nhiều cuộc triển lãm tranh, ảnh, sách báo, hội thảo về văn hóa, lịch sử…, trong đó điểm nhấn là các tuần lễ/tháng văn hóa tại I-ta-li-a và Việt Nam. Chẳng hạn, các liên hoan văn hóa Việt Nam “Rồng và Bướm” tại Thủ đô Rô-ma (năm 2006 và năm 2007), “Gần và Xa” tại U-đi-nơ (năm 2007), Năm văn hóa I-ta-li-a tại Việt Nam mang tên “Cầu vồng I-ta-li-a” với hơn 40 hoạt động văn hóa (từ tháng 4-2007 đến tháng 10-2007), Chương trình văn hóa I-ta-li-a - Việt Nam 2011 với chủ đề “Văn hóa và doanh nghiệp I-ta-li-a - Việt Nam” (năm 2011). Tại Việt Nam, các sự kiện trong chương trình mang tên “I-ta-li-a - Việt Nam 2013: Năm I-ta-li-a tại Việt Nam” do Đại sứ quán I-ta-li-a tổ chức, gắn kết văn hóa với kinh tế, tập trung giới thiệu các nét văn hóa, các lĩnh vực mà đất nước xinh đẹp của thần thoại nằm bên bờ Địa Trung Hải sở hữu, như: thời trang, ẩm thực, thiết kế và âm nhạc; tạo cơ hội để các nghệ sỹ, doanh nghiệp và cá nhân của hai nước gặp gỡ, giao lưu...
Những cơ hội hợp tác hứa hẹn triển vọng tốt đẹp
Mặc dù đã gặt hái được nhiều thành tựu, song những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác trong quan hệ giữa hai nước. Đánh dấu sự khởi đầu một giai đoạn mới của quan hệ song phương giữa hai nước, Tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - I-ta-li-a mở ra nhiều cơ hội hợp tác, hứa hẹn mang lại những lợi ích thiết thực trong thời gian tới. Để hiện thực hóa Tuyên bố này, hai bên đã thống nhất các biện pháp thúc đẩy quan hệ giữa hai nước phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu.
Hợp tác chính trị - ngoại giao sẽ được hai bên tích cực tăng cường thông qua việc duy trì các chuyến thăm, nhất là các chuyến thăm cấp cao, làm cơ sở thúc đẩy ký kết và thực hiện các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực như văn hóa, giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh, củng cố, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác, thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận song phương, nỗ lực thực hiện các chương trình hợp tác. Trong các vấn đề toàn cầu và khu vực, Việt Nam và I-ta-li-a cam kết phối hợp, tăng cường chia sẻ quan điểm, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. I-ta-li-a ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với EU trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác và đối tác Việt Nam - EU (PCA). Ngược lại, với vai trò là nước Điều phối viên quan hệ ASEAN - EU, Việt Nam ủng hộ I-ta-li-a tăng cường quan hệ với các nước ASEAN.
Với tiềm năng to lớn của mỗi nước, hai bên đẩy mạnh quan hệ kinh tế vì sự ổn định lâu dài và cùng có lợi. Bộ trưởng Ngoại giao I-ta-li-a, G.Téc-di, nhấn mạnh: “Các nhà đầu tư I-ta-li-a quan tâm đến Việt Nam, vì đây là đất nước có tốc độ tăng trưởng cao, vì Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các nhà kinh doanh I-ta-li-a còn đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam”. Theo đó, hai bên cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước kết nối, tăng cường sự hiện diện tại mỗi nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực I-ta-li-a có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu (như hạ tầng kỹ thuật, cơ khí chế tạo, y tế, môi trường, hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ,…). I-ta-li-a sẵn sàng chia sẻ các vấn đề chuyên môn có liên quan tới các lĩnh vực hợp tác, cũng như hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.
Hai bên tiếp tục coi trọng hợp tác phát triển trên cơ sở Hiệp định song phương ký kết năm 2009, đồng thời nhất trí xem xét ký một Nghị định thư mới về hợp tác phát triển cho giai đoạn 2013 - 2015, thông qua viện trợ không hoàn lại và các nguồn tín dụng hỗ trợ, nhằm thúc đẩy cải thiện hạ tầng kỹ thuật của nền kinh tế Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực quản lý nước, môi trường, y tế, phát triển nhân lực và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hợp tác giáo dục - đào tạo giữa hai nước có nhiều triển vọng, trên cơ sở hai văn kiện quan trọng vừa được ký kết (tháng 1-2013), đó là Chương trình hành động về hợp tác giáo dục giữa hai Chính phủ giai đoạn 2013 - 2016 và Ý định thư về thành lập Trung tâm đào tạo và nghiên cứu xuất sắc I-ta-li-a - Việt Nam. Ghi nhận tầm quan trọng của khoa học - công nghệ và kết quả của Ủy ban hỗn hợp hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam và I-ta-li-a, hai bên gia hạn Chương trình mới cho giai đoạn 2013 - 2015.
Về văn hóa, Việt Nam đánh giá cao kinh nghiệm của I-ta-li-a trong lĩnh vực bảo tồn di sản khảo cổ, cũng như phát triển đô thị. Theo đó, hai nước thúc đẩy việc trao đổi các cơ quan và chuyên gia, nhằm bảo tồn các di sản khảo cổ, phục vụ cho sự phát triển đô thị của Việt Nam. Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2013 - 2016 đang được xem xét và sẽ sớm ký kết.
Trên cơ sở hợp tác tốt đẹp trong lĩnh vực quốc phòng, Việt Nam và I-ta-li-a mở rộng và cập nhật những nội dung hợp tác bằng việc ký kết một bản ghi nhớ mới về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Thông qua Bản ghi nhớ mới, hai bên thúc đẩy việc thiết lập Cơ chế đối thoại an ninh và quốc phòng Việt Nam - I-ta-li-a ở cấp độ thích hợp. Tăng cường trao đổi, thảo luận và chia sẻ thông tin giữa các đoàn, các cơ quan nghiên cứu chiến lược quốc phòng của mỗi nước; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh, phòng và chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và khủng bố, hai nước cam kết khởi động các hình thức hợp tác của lực lượng cảnh sát, đặc biệt chú trọng việc phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, buôn bán chất gây nghiện và các tiền chất của chúng, buôn bán người, di cư bất hợp pháp và khủng bố.
Những kết quả hợp tác tốt đẹp, cũng như các kinh nghiệm đã đúc kết qua 40 năm, là cơ sở để quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và I-ta-li-a phát triển vững chắc, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, vì thịnh vượng của hai nước, hai dân tộc, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và trên thế giới./.
Thúc đẩy hợp tác quốc phòng với ba nước ASEAN  (20/03/2013)
Tăng hợp tác đầu tư thương mại Việt Nam - Brunei  (19/03/2013)
Giáo hoàng Francis chính thức nhậm chức ở Vatican  (19/03/2013)
Yêu cầu Trung Quốc không cản trở tàu cá Việt Nam  (19/03/2013)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên