Các địa phương xác định giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2013
TCCSĐT - Trong những này, tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang tổ chức hội nghị tổng kết năm 2012 và triển khai kế hoạch năm 2013. Rất nhiều bài học được đưa ra để các địa phương rút kinh nghiệm, bên cạnh đó nhiều mục tiêu mới cũng được đặt ra để toàn tỉnh, thành phố phấn đấu cho những năm tiếp theo.
** Tại tỉnh Bạc Liêu, ngày 5-1-2013, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2013. Mục tiêu phấn đấu của tỉnh năm 2013 là tăng 12% GDP, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 34 triệu đồng/ năm; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 7.694 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 17.250 lao động; tổng sản lượng lúa đạt 975.000 tấn; sản lượng nuôi trồng đánh bắt thủy sản 262.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu 360 triệu USD... Để đạt được mục tiêu, Bạc Liêu tập trung chỉ đạo, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 và Nghị quyết 13 của Chính phủ; đẩy mạnh phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển... Đặc biệt, đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, gắn liền với các mô hình, loại hình sản xuất, lựa chọn cây - con phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nông thôn nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đầu tư điện, đường, trường, trạm, nước sạch…; hỗ trợ nhà ở, cấp đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo; hỗ trợ tiền, phương tiện, đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm, nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số xuống mức thấp nhất. Hội nghị cũng đã thông qua chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, kết luận của Tỉnh ủy và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; phân công nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường; giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho; Triển khai dự toán và hướng dẫn thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước tỉnh Bạc Liêu năm 2013 cho các Sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
** Tại tỉnh Thanh Hóa, cùng ngày, Ủy ban nhân dân tỉnhđã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2013. Tỉnh phấn đấu trong năm 2013 tốc độ tăng trưởng GDP đạt 11% trở lên, huy động nguồn vốn đầu tư đạt khoảng 46.000 tỷ đồng, thu ngân sách đạt 6.558 tỷ đồng... Các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh thống nhất cao việc triển khai các nhóm giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra ngay từ những tháng đầu năm. Để đạt được những mục tiêu, Thanh Hóa tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư phát triển; Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo chuyển biến rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Tỉnh tăng cường quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng, giải quyết những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Tỉnh cũng tập trung kiểm soát giá, đảm bảo cân đối cung-cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, tăng thu, tiết kiệm chi. Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai, nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường. Củng cố quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế xã hội.
Trong năm 2013, Thanh Hóa tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, cụ thể, quyết liệt và có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những khâu then chốt, giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm, đảm bảo hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra. Tỉnh sẽ giảm hội họp, giảm văn bản hành chính, tăng cường đi cơ sở kiểm tra thực tế để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho cơ sở. Trước mắt, từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cân đối cung-cầu, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa trong dịp Tết. Đặc biệt, chỉ đạo kịp thời không để xảy ra mất cân đối cung-cầu cục bộ tại các địa bàn trọng điểm, các vùng miền và các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển. Bên cạnh đó, các địa phương và các ngành có liên quan quan tâm đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo an ninh trật tự giúp nhân dân vui đón Tết an toàn.
** Tại tỉnh Nghệ An, phát huy sự chủ động của các địa phương, năm 2013, tỉnh phấn đấu có 100 xã đạt từ 11 - 16 tiêu chí trở lên về xây dựng nông thôn mới. Trong đó, có 12 xã đạt từ 16 tiêu chí trở lên, 25 xã đạt từ 14 - 15 tiêu chí, 63 xã đạt từ 11 - 13 tiêu chí. Đặc biệt, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, huyện đã được ban hành; tiếp tục tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý thực hiện chương trình cho cán bộ cơ sở và tới tận người dân. Tỉnh cũng xây dựng kế hoạch phát triển và nhân rộng các mô hình đầu tư có hiệu quả. Trong đó, tập trung xây dựng kênh mương, giao thông nội đồng phục vụ sản xuất, xoá bỏ vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi nhằm tăng năng suất cây trồng vật nuôi; xóa trắng xã chưa có trạm y tế... Để đạt mục tiêu trên, Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới Nghệ An đề ra cách làm mới trong chỉ đạo điều hành như: Phát huy sự chủ động của các địa phương, thực hiện đồng bộ ở tất cả các xã trong tỉnh. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ xã đến từng thôn xóm năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và biết phát huy sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân; đồng thời phát động thi đua, động viên khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích; huy động hợp lý sự đóng góp của nhân dân và các thành phần kinh tế khác chung sức xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ của tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh và các chính sách khác của Trung ương. Ngoài ra, các địa phương huy động các nguồn lực, lồng ghép các chương trình dự án xây dựng; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, thực hiện tốt chương trình giảm nghèo, phát triển văn hóa, giáo dục.
Năm 2012, Nghệ An đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới về trước kế hoạch của Trung ương đề ra 5 tháng. Đã có 378/435 xã đã hoàn thành phê duyệt đề án nông thôn mới cấp xã, đạt 87%; có 10 xã đạt từ 14 - 18 tiêu chí, 71 xã đạt 9 - 13 tiêu chí, có 240 xã đạt từ 5 - 8 tiêu chí, đạt dưới 5 tiêu chí có 114 xã. Tổng nguồn vốn huy động, lồng ghép với các chương trình, dự án cho chương trình xây dựng nông thôn mới đạt trên 3.715 tỷ đồng; trong đó vốn của Nhà nước là hơn 1.600 tỷ, chiếm 43,3%. Từ nguồn vốn trên, các địa phương đã xây dựng mới và sửa chữa được trên 7.000 km đường giao thông nông thôn, xây mới nâng cấp gần 11.160 km kênh mương, xây dựng 80 trường học đạt chuẩn, xây mới 205 nhà văn hóa, 196 chợ… Nhờ đó, bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều khởi sắc.
** Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, triển khai chương trình trọng điểm về phát triển du lịch, nhằm đón từ 2,5 - 3 triệu khách du lịch trong năm 2013, Tỉnh tiếp tục tăng cường khai thác các thị trường khách quốc tế từ các nước ASEAN và Đông Bắc Á; duy trì các thị trường khách truyền thống như: Việt kiều các nước về thăm quê, khách từ Tây Âu, Bắc Mỹ, Australia, Bắc Âu; đồng thời nghiên cứu thu hút các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Nga, Mỹ La-tinh, Nam Phi, Trung Đông... nhằm phát triển dòng khách sử dụng các sản phẩm du lịch cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng và tắm biển. Để thu hút khách du lịch, Thừa Thiên - Huế thực hiện nhóm các giải pháp khai thác các tài nguyên du lịch phục vụ xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc thù của địa phương. Trong đó, tỉnh phát triển loại hình du lịch dựa vào những sự kiện Festival nghề truyền thống, các lễ hội dân gian: vật làng Sình, vật làng Thủ Lễ… Xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, tôn giáo, tâm linh dựa trên các di sản văn hoá vật thể, mở rộng một số di tích độc đáo như Hổ Quyền, Voi Ré, hồ Tịnh Tâm, lầu Tàng Thơ... Tỉnh khai thác có hiệu quả di sản văn hoá phi vật thể như: Nhã nhạc Cung đình Huế, ca Huế, múa hát dân tộc truyền thống phục vụ khách du lịch. Tỉnh xây dựng các sản phẩm du lịch dựa trên cơ sở các làng nghề sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống và độc đáo: Làng nghề Đúc Đồng, vẽ tranh, hoa giấy Thanh Tiên, đan lát Bao La, Cầu ngói Thanh Toàn, nón lá Mỹ Lam, dệt Dzèn A Lưới... Phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh nâng cao sức khỏe tại các khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Mỹ An, Thanh Tân, A Roàng....du lịch nghỉ dưỡng biển và đầm phá, các loại hình du lịch thể thao mạo hiểm trên biển như lướt ván, đi thuyền kayak, lặn biển... tại Chân Mây - Lăng Cô, Cảnh Dương, Đảo Sơn Chà, khu du lịch Laguna Lăng Cô Việt Nam... Xây dựng tuyến du lịch sinh thái trên sông Hương, trên đầm phá; kêu gọi đầu tư du thuyền nghỉ trên sông Hương, nhà hàng nổi, thuyền du lịch ca Huế (mẫu mới). Thúc đẩy phát triển loại hình du lịch MICE (hội nghị, hội thảo, tập huấn, triển lãm).
** Tại tỉnh Cà Mau, năm 2013, toàn tỉnh phấn đấu nâng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,050 tỷ đô la Mỹ, tăng 10,5% so cùng kỳ năm 2012. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEP) chú trọng đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, phát triển mở rộng và ổn định thị trường xuất khẩu hàng thủy sản; khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên đầu tư cải tiến công nghệ, máy móc hiện đại nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị của mặt hàng thủy sản, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu và tăng sức cạnh tranh mặt hàng thủy sản (chủ lực là tôm, cá, mực) của Cà Mau ở các thị trường: Mỹ, Nhật, EU, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và thị trường tiềm năng ở một số nước châu Phi giàu dầu mỏ. Toàn tỉnh hiện có 33 nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh và 4 nhà máy chế biến bột cá, với công suất khoảng 180.000 tấn/năm; riêng chế biến hàng xuất khẩu xấp xỉ 160.000 tấn/năm. Mặc dù, công suất chế biến hàng thủy sản khá lớn, thế nhưng trong năm 2012, tỉnh chỉ xuất khẩu được 83.000 tấn thủy sản, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 940 triệu đô la Mỹ, không đạt được con số 1 tỷ đô la Mỹ theo mục tiêu đề ra. Nguyên nhân cơ bản do thiếu nguồn nguyên liệu, giá xuất khẩu thủy sản giảm mạnh; mặt khác, lãi suất ngân hàng cao, sức cạnh tranh hàng hóa gay gắt trên thị trường thế giới, thị trường xuất khẩu thủy sản bị thu hẹp, sức mua giảm, khiến một số nhà máy rơi vào khó khăn phải tạm ngừng hoạt động hay chỉ hoạt động cầm chừng.
Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, sở, ngành chức năng từng bước cải cách về thủ tục hành chính, đồng thời thực hiện một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như: hỗ trợ vốn vay, hạ lãi suất cho vay hoặc giãn, giảm và miễn tiền thuế... Từ đó, các doanh nghiệp tháo gỡ được một phần khó khăn, từng bước ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề được tỉnh Cà Mau quan tâm lớn nhất là tăng cường các giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến thủy sản xuất khẩu. Để giải quyết bài toán này, tỉnh tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững - năng suất - hiệu quả, từng bước hình thành những vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung, áp dụng công nghệ tiên tiến, kiểm soát và xử lý kịp thời tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi, nhân rộng mô hình nuôi tôm theo quy trình VietGAP để cung cấp nguồn nguyên liệu sạch cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu trong năm nay, tỉnh sẽ nâng sản lượng khai thác thủy sản đạt 434.000 tấn, trong đó sản lượng tôm đạt 146.000 tấn. Do vậy, tỉnh Cà Mau chỉ đạo mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt 6.000ha, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi, giao thông và điện 3 pha phục vụ cho phát triển nuôi tôm công nghiệp. Đây chẳng những là chủ trương hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tế, mà còn khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh ở một tỉnh được mệnh danh "mỏ tôm". Tỉnh Cà Mau còn quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân khai thác đánh bắt xa bờ để nâng sản lượng chế biến hàng thủy sản đạt 107.000 tấn, góp phần đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong năm 2013.
** Tại tỉnh Khánh Hòa, Ủy ban nhân dân tỉnh vừa phê duyệt Chương trình phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững, có khả năng cạnh tranh cao, với mục tiêu đến năm 2015 tổng sản lượng thuỷ sản xuất khẩu đạt trên 63.000 tấn, trị giá 406 triệu USD. Theo đó ngành chế biến thuỷ sản xuất khẩu Khánh Hòa tiếp tục duy trì các thị trường truyền thống, đặc biệt giữ vững ba thị trường chủ lực là Nhật Bản, Mỹ và EU. Trong đó tỷ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu ở thị trường Nhật Bản chiếm 16%, Mỹ trên 30% và EU trên 29%, với các sản phẩm đã qua chế biến, gồm tôm, mực, cá, nhuyễn thể hai mảnh vỏ...Đồng thời Khánh Hòa mở ra một số thị trường mới có triển vọng, như các nước ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc, khu vực Trung Đông, Nam Mỹ... Để đảm bảo tính cạnh tranh cao và phát triển bền vững, chương trình phát triển xuất khẩu thuỷ sản của Khánh Hòa đặt ra các yêu cầu về nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng mô hình chế biến cho các doanh nghiệp. Trong đó phấn đấu đến năm 2015, 100% sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thực hiện truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các yêu cầu bắt buộc của một số thị trường xuất khẩu lớn và các thị trường mới, khó tính. Việc phát triển mô hình các cơ sở chế biến xuất khẩu cần gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp chế biến lớn, có thương hiệu, uy tín...nhằm hình thành các tập đoàn sản xuất - chế biến - xuất khẩu lớn theo mô hình khép kín; đồng thời chú trọng việc xây dựng và phát triển thương hiệu thủy sản Việt Nam./.
Giao lưu nghệ thuật “Xuân Trường Sa” 2013  (06/01/2013)
Tạp chí Cộng sản: Hội nghị cán bộ, viên chức và tổng kết công tác năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013  (05/01/2013)
Cử tri góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  (05/01/2013)
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992  (05/01/2013)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại Yên Bái  (05/01/2013)
Trao giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam " năm 2012  (05/01/2013)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay