TCCSĐT - Ngày 14-12 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội nghị “Một số vấn đề đặt ra về nâng cao năng lực lãnh đạo của phụ nữ trong khu vực nhà nước” với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các học viện và đại biểu từ hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước.

 
 Trao học bổng tài trợ nghiên cứu năm 2012


Hội nghị là hoạt động thường niên trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo nữ trong khu vực Nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” do UNDP tài trợ và Bộ Ngoại giao chủ trì thực hiện. Năm 2012, các hoạt động của dự án tập trung vào chủ đề “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo nữ trong khu vực nhà nước phục vụ hội nhập quốc tế”.


Hiện nay ở nước ta có 2 nữ bộ trưởng trong tổng số 22 bộ trưởng, chiếm 9%; có 10 nữ thứ trưởng trong tổng số 128 thứ trưởng, chiếm 8%; 7% vụ trưởng và 12% phó vụ trưởng là nữ.

Theo báo cáo mới nhất do Dự án nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ trong khu vực Nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế thực hiện: năm 1997, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia đứng đầu thế giới về số lượng nữ giới được bầu cử vào Quốc hội. Tuy nhiên, gần đây số lượng nữ đại biểu Quốc hội giảm vào năm 2012, Việt Nam tụt xuống vị trí 44, với tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 24,4%. Báo cáo cho biết, mặc dù sở hữu những bộ luật và chiến lược chặt chẽ, nhất quán về nữ đại biểu Quốc hội, Việt Nam cần cải thiện việc thi hành những bộ luật và chiến lược này để có thể tăng số lượng nữ đại biểu Quốc hội trong các nhiệm kỳ tới.

Trình bày báo cáo tại Hội nghị, ông Bakhodir Burkhanov, Phó giám đốc quốc gia UNDP, nêu rõ những khuyến nghị cụ thể đối với Việt Nam nhằm gia tăng số lượng đại biểu nữ, gồm: a) Nhận thức của cộng đồng về lợi ích của việc bầu cử nữ giới vào các khuôn mẫu xã hội được điều hành bởi nam và nữ giới; b) Thúc đẩy cơ chế trách nhiệm và giám sát nhằm bảo đảm việc thi hành, tuân thủ chính sách bình đẳng giới quốc gia; c) Đề bạt nhiều phụ nữ hơn nữa vào các vị trí cấp cao để được lựa chọn làm các ứng cử viên trong các cuộc bầu cử; và d) Chấm dứt phân biệt tuổi làm việc hiện tại đối với phụ nữ và cho phép nam và nữ giới có nhiều lựa chọn hơn trong việc quyết định độ tuổi nghỉ hưu của mình trong một khung nhất định.


 Các mục tiêu của Việt Nam nhằm thúc đẩy phụ nữ tham gia khu vực hành chính công

- Phấn đấu đến năm 2015 đạt 80% và đến năm 2020 đạt trên 95% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

- Cần đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia các khóa đào tạo tại các trường lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước từ 30% trở lên.

- Hằng năm, trong tổng số người được đào tạo việc làm mới, cần đảm bảo ít nhất 40% cho mỗi giới (nam và nữ).

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Phương Nga, Thứ trưởng Bộ Ngoại giáo, Giám đốc Quốc gia dự án nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nâng cao năng lực lãnh đạo nữ trong khu vực nhà nước phục vụ hội nhập quốc tế sâu rộng. Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga khái quát hơn 40 hoạt động hiệu quả Dự án đã tiến hành trong năm 2012 và cho rằng, các chương trình, dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế cần đổi mới các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ nữ theo hướng xây dựng các chương trình đào tạo bài bản và dài hạn; nâng cao nhận thức về lợi ích của việc bầu cho phụ nữ, giảm các định kiến xã hội.


 
 Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh kỷ niệm

Cũng tại Hội nghị, Giáo sư Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao hiệu quả hoạt động và tác động của Dự án, đồng thời định hướng cho Hội nghị về vấn đề xây dựng các chương trình đào tạo quản lý, lãnh đạo ở Việt Nam và lồng ghép giới trong chương trình đào tạo lãnh đạo và quản lý dành cho cán bộ.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hòa đề nghị các tổ chức và bạn bè quốc tế tập trung hỗ trợ trực tiếp cho các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2010, đặc biệt là Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015./.