Ngày 13-11-2012, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác vận động xã hội thực hiện Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em năm 2012-2013.

Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em năm 2012-2013 nhằm tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, tất cả trẻ em đều được bảo vệ, các nguy cơ gây tổn hại đến trẻ em đều được chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ; đồng thời giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại; trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cũng như trẻ bị xâm hại, bị bạo lực; tạo cơ hội cho các em được bình đẳng về cơ hội phát triển.

 

Từ nay đến năm 2015, Việt Nam phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 5,5%; 80% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp tái hòa nhập; 70% trẻ em dễ bị tổn thương cao được can thiệp sớm, trong đó tập trung trợ giúp nhóm trẻ em ở các vùng dân tộc thiểu số...

 

Tại hội nghị, các ý kiến đều cho rằng, hoạt động bảo vệ trẻ em bước đầu đã được triển khai ở cả 3 cấp độ gồm: phòng ngừa, can thiệp giảm thiểu các nguy cơ, hỗ trợ phục hồi và hòa nhập. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Nguyên nhân là do hệ thống pháp luật chưa quy định các thủ tục đặc biệt cho việc tố giác, điều tra các trường hợp xâm hại trẻ em. Việc kiểm soát trẻ em lang thang, lao động xa nhà, trẻ nhiễm HIV/AIDS hết sức khó khăn; trong khi đó, đội ngũ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chuyên môn, nếu ở cấp huyện trước đây có từ 2-3 cán bộ thì nay chỉ còn một người, thậm chí có nơi phải kiêm nhiệm. Hệ quả là việc thực hiện chính sách của Nhà nước cho trẻ em còn nhiều bất cập; phần lớn trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, thuộc hộ nghèo chưa hoặc khó tiếp cận với các nhóm dịch vụ, phúc lợi xã hội như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường, vui chơi giải trí…

 

Theo bà Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam: Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chương trình trong thời gian tới, các chi hội cần chú trọng vào ba nội dung trọng tâm là: công tác truyền thông; dịch vụ hỗ trợ, giám sát và vận động chính sách xã hội. Ngoài ra, cán bộ các địa phương cần bám vào 6 nhiệm vụ chính trong giám sát như: phát hiện, thông tin kịp thời về trẻ em gặp khó khăn; tiếp cận trẻ và gia đình để tìm hiểu nguyên nhân; thực hiện tư vấn; đánh giá nguy cơ và xây dựng kế hoạch trợ giúp; trợ giúp tạm thời các nhu cầu cấp thiết; kết nối với cơ quan chức năng để giải quyết kịp thời./.