Sự nổi lên của Ấn Độ
TCCS - Ấn Độ có trở thành một cường quốc thực sự hay không? Điều này vẫn đang gây tranh cãi. Nhưng có một điều chắc chắn là vai trò của đất nước có hơn một tỉ dân này đang ngày càng được nhắc đến nhiều hơn trên các diễn đàn đa phương khu vực và thế giới, đặc biệt trong thảo luận về các vấn đề toàn cầu nổi cộm, từ khủng hoảng kinh tế - tài chính đến an ninh quốc tế. Khảo sát về những gì Ấn Độ đã và đang làm sẽ giúp đánh giá đúng về triển vọng của quốc gia này.
Lặng lẽ tiến bước
Là một nước lớn cả về diện tích lẫn dân số nhưng đến tận đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Ấn Độ vẫn bị coi là một nước kém phát triển. Những thay đổi của tình hình thế giới sau Chiến tranh lạnh đã buộc Ấn Độ phải có chính sách mới cho sự phát triển của mình. Nằm tại tiểu khu vực Nam Á lạc hậu, song Ấn Độ lại gần kề với các quốc gia Đông Á vốn có sự biến chuyển mạnh mẽ về kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc... Đặc biệt, Ấn Độ còn là láng giềng của Trung Quốc, nước vừa là đối tác, vừa là đối thủ kinh tế và đang ngày càng thể hiện vai trò cường quốc với những thành công cả về kinh tế và hiện đại hóa quân sự.
Sự khẳng định sức mạnh quốc gia của Ấn Độ tuy không mạnh mẽ và thu hút sự chú ý như Trung Quốc, nhưng lại chính là yếu tố khiến nước này trở lại bàn cờ địa chính trị - kinh tế của khu vực cũng như thế giới một cách ấn tượng. Ở châu Á, Ấn Độ đã đạt tới mức độ của một cường quốc, đóng vai trò quan trọng trong cục diện an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với tốc độ phát triển kinh tế từng đạt hơn 5% những năm 90 thế kỷ XX, con số này là 9% vào năm 2007.
Nếu như vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Ấn Độ vẫn bị coi là nước kém phát triển, thì đến cuối thập kỷ đó, năm 1998, quốc gia này đã được ghi nhận đứng thứ 11 trên thế giới với tổng sản phẩm quốc dân đạt 420 tỉ USD. Đặc biệt, do chú trọng phát triển ngành kinh tế mũi nhọn là công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm của Ấn Độ đã phát triển rất mạnh, tăng bình quân 50%/năm. Sản phẩm tin học của Ấn Độ chiếm 30% thị trường thế giới. Không những thế, Ấn Độ đã trở thành một cường quốc về dịch vụ cho thuê nguồn lao động, phục vụ khách hàng và hỗ trợ kỹ thuật cho các công ty toàn cầu.
Mặc dù chính sách cải cách kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài của Ấn Độ có sự khởi đầu không sớm, nhưng công cuộc cải cách này đã nhanh chóng đem lại những kết quả đáng kể. Năm 1998, tổng sản phẩm quốc dân của Ấn Độ đạt 420 tỉ USD, đứng thứ 11 trên thế giới. Sự xếp hạng này trở nên ngoạn mục hơn khi đặt vào mối tương quan với con số 1 tỉ dân của nước này. Tính đến năm 2000, nền kinh tế Ấn Độ đứng thứ 5 sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Đặc biệt, do chú trọng phát triển ngành kinh tế mũi nhọn là công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm của Ấn Độ phát triển rất mạnh, tăng bình quân 50%/năm. Ngay từ năm 2000, khoảng 65% nhu cầu phần mềm của Mỹ là do Ấn Độ cung cấp, các sản phẩm tin học của Ấn Độ chiếm 30% thị trường thế giới. Ấn Độ cũng đã tận dụng số lượng đông đảo dân số có trình độ học vấn cao, thông thạo tiếng Anh để trở thành một cường quốc về dịch vụ cho thuê nguồn lao động, phục vụ khách hàng và hỗ trợ kỹ thuật cho các công ty toàn cầu. Ngoài ra, Ấn Độ là một nước xuất khẩu hàng đầu về nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực dịch vụ phần mềm, tài chính.
Bên cạnh việc nâng cao tiềm lực kinh tế, sức mạnh quân sự và vị trí chiến lược quan trọng của Ấn Độ cũng được quốc gia này củng cố, đặc biệt là với sự kiện gia nhập câu lạc bộ các cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân từ năm 1998. Cùng với các biện pháp tăng cường sức mạnh tổng hợp, Ấn Độ chủ trương thúc đẩy quan hệ với Mỹ, Nhật Bản nhằm tranh thủ ủng hộ về kinh tế, tài chính và công nghệ của hai nước này cũng như hợp tác kinh tế với Trung Quốc.
Riêng trong quan hệ với Mỹ, từ năm 1991, chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ khi đó là N.Rao đã quyết định thực hiện chính sách ngoại giao và kinh tế mới, theo đó, quan hệ với Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế được chú trọng. Chính phủ của Thủ tướng kế nhiệm là ông A.B.Va-di-pai-e cũng tiếp tục đường lối này. Nói đây là chính sách mới của Ấn Độ vì trước đó, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, giữa Mỹ và Ấn Độ luôn có một khoảng cách nhất định. Sau giai đoạn bị thực dân đô hộ và giành độc lập năm 1947, Ấn Độ duy trì chính sách độc lập, dân tộc chủ nghĩa, chính sách đối ngoại nghiêng về Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, nội bộ Mỹ luôn coi Ấn Độ là đồng minh của Liên Xô và là đối thủ của đồng minh Mỹ ở Nam Á là Pa-ki-xtan. Đến giữa những năm 90, mối quan tâm chủ yếu của Mỹ với Ấn Độ vẫn chủ yếu là kiềm chế Ấn Độ phát triển vũ khí hạt nhân. Đây chính là điểm then chốt định hình quan hệ Mỹ - Ấn cho đến ngày hôm nay.
Cũng được đặt nền móng từ hơn chục năm trước, Ấn Độ ưu tiên chính sách “hướng Đông”, tăng cường quan hệ với các nước ASEAN và các nước Đông Á, cả về kinh tế và chính trị. Năm 1995, Ấn Độ trở thành thành viên đối thoại đầy đủ của ASEAN và các nước Đông Á. Năm 1998, nước này trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).
Thành tích kinh tế đáng nể, một khả năng hạt nhân và một vai trò ngày càng tăng trong quan hệ quốc tế, Ấn Độ được xem là "cường quốc đang lên” và từng bước chiếm vai trò không nhỏ trên bàn cờ chiến lược ở khu vực và thế giới.
Xác lập vị thế mới
Theo số liệu thống kê của mạng tin defense.com năm 2009, Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, trong đó Nga, Anh và I-xra-en là 3 nhà cung cấp lớn nhất với tỷ lệ lần lượt là 71%, 9% và 6%. Trong những năm gần đây, ngân sách quốc phòng của Ấn Độ liên tục tăng, năm 2006 - 2007 là 19,11 tỉ USD, năm 2007 - 2008 là 20,56 tỉ USD, năm 2008 - 2009 là 29 tỉ USD, năm 2009 - 2010 là 32 tỉ USD và năm 2010 - 2011 sẽ ở vào khoảng 32,75 tỉ USD. Theo kế hoạch 5 năm 2007 - 2012, Ấn Độ sẽ chi khoảng 100 tỉ USD mua các loại vũ khí và khoản chi này dự kiến sẽ tăng lên 120 tỉ USD trong kế hoạch 5 năm 2012 - 2017.
Trước hết, Ấn Độ đã trở thành một đối tác khu vực ngày càng quan trọng hơn và không thể thiếu với Mỹ. Hai lần trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ấn Độ M.Xinh nhân chuyến thăm Mỹ năm 2009, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma tuyên bố: “Mỹ - Ấn sẽ trở thành một trong những quan hệ định hình thế kỷ XXI”. Mỹ không che giấu rằng, trên bàn cờ địa - chính trị Nam Á, nhất là trong bối cảnh chiến tranh tại Áp-ga-ni-xtan và khủng bố ở Pa-ki-xtan có nguy cơ lan rộng, Ấn Độ chính là một đối tác “nặng ký” đối với lợi ích của Mỹ tại khu vực. Riêng trong cuộc chiến tại Áp-ga-ni-xtan, Ấn Độ là một trong những nước hảo tâm nhất với 1,2 tỉ USD nhằm chia sẻ với Oa-sinh-tơn gánh nặng bình ổn Áp-ga-ni-xtan. Không chỉ có thế, Ấn Độ còn được xem là một đối tác then chốt của Mỹ trong đối phó với một số điểm bất ổn khác trong khu vực như Băng-la-đét, Xri Lan-ca. Về kinh tế, Mỹ là đối tác trao đổi thương mại và là nguồn đầu tư lớn nhất của Ấn Độ. Số liệu thống kê của chính phủ Mỹ cho thấy, quan hệ thương mại Mỹ - Ấn chỉ đạt 5 tỉ USD vào năm 1990 nhưng đã tăng lên 14 tỉ USD vào năm 2000. Đến năm 2008, kim ngạch thương mại hai chiều lên tới gần 50 tỉ USD. Đối với các tập đoàn Mỹ, Ấn Độ là thị trường tiêu dùng béo bở với nhu cầu tiêu dùng cao. Riêng trong lĩnh vực bảo hiểm, Ấn Độ với hơn một nửa dân số dưới tuổi 25, là cơ hội làm ăn không thể bỏ qua với tập đoàn bảo hiểm của Mỹ. Kết quả khảo sát được tờ China Daily công bố mới đây cho biết, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong 30 năm nữa. Với 1,4 tỉ và 1,2 tỉ người, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 37% dân số thế giới. Nhưng đến năm 2040, dân số hai nước cộng lại lên đến 3 tỉ, chiếm gần 50% dân số toàn cầu, với phần lớn sự gia tăng đến từ Ấn Độ (khoảng 1,6 tỉ người). Tuy nhiên, không thể không nói đến một lý do quan trọng nữa khiến cả Mỹ và Ấn Độ đều muốn liên kết với nhau là nhằm tạo ra một đối trọng với Trung Quốc ở châu Á, bảo đảm một "sự cân bằng chiến lược" cần thiết tại khu vực này.
Với tuyên bố “Mỹ và Ấn Độ có thể là những đối tác chính thức trong việc ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt trên thế giới, cùng theo đuổi quan điểm chung về một thế giới phi vũ khí hạt nhân” của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma, Mỹ đã thừa nhận về sức mạnh hạt nhân của Ấn Độ và xa hơn thế, còn coi Mỹ và Ấn Độ là hai cường quốc, hai đối tác khá ngang bằng trong lĩnh vực này. Năm 2008, thỏa thuận hạt nhân dân sự Mỹ- Ấn đã được ký dưới thời cựu Tổng thống G.Bu-sơ và chính thức được Quốc hội hai bên thông qua. Thỏa thuận này, một mặt, mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho nước Mỹ; mặt khác, giúp Ấn Độ có thêm điều kiện chứng tỏ sức mạnh của cường quốc hạt nhân khi được hưởng các điều khoản chuyển giao công nghệ hạt nhân dân sự.
Hình ảnh mới của Ấn Độ còn được thể hiện trên các diễn đàn đa phương. Sau một thời gian dài yếu thế, thậm chí vắng bóng trên các bàn đàm phán quốc tế, năm 2003 đã đánh dấu sự trở lại của Ấn Độ khi nước này nổi lên như một trong những nhân tố cơ bản của hiệp định thương mại nông nghiệp được ký giữa các nước phát triển tại Diễn đàn Can-cun. Ở cấp độ khu vực, sự tham gia của Ấn Độ vào diễn đàn của ASEAN giúp nâng cao uy tín và vai trò của nước này trong khu vực. Trong thập niên tới, giới phân tích dự đoán rằng sẽ nhìn thấy một Ấn Độ tích cực hơn trong các tổ chức khu vực và thế giới như khả năng về một chỗ đứng của nước này trong Tổ chức năng lượng quốc tế (IEA), hay tận dụng vai trò lãnh đạo của mình trong tổ chức toàn cầu nhằm chống lại AIDS và các dịch bệnh khác. Trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), triển vọng của Ấn Độ sẽ ngày càng tăng lên, phản ánh sự thay đổi trong xuất khẩu các mặt hàng có giá trị cao hơn...
Ấn Độ cũng tìm kiếm một vị trí lớn hơn trong tiến trình giải quyết các vấn đề toàn cầu cũng như trong các thể chế quốc tế với vai trò nước tổ chức hay trong nhóm các nước mới nổi (BRIC). Chiếm 40% dân số địa cầu, có tỷ lệ tăng trưởng từ hơn 4% đến 10%, nhóm BRIC (gồm các nền kinh tế lớn đang nổi là Bra-xin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) đang là một động lực của kinh tế thế giới. Tuy chỉ có bốn nước thành viên, nhưng BRIC chiếm 26% diện tích, 42% số dân và năm 2008 chiếm 14,6% GDP toàn cầu, 33% dự trữ ngoại tệ và 12,8% khối lượng giao dịch thương mại thế giới. Theo một số nhà nghiên cứu, 50 năm nữa các nước BRIC sẽ là những thế lực kinh tế rất lớn của thế giới. Trong vòng 40 năm tới, kể từ năm 2003, quy mô kinh tế của các nước này sẽ vượt qua nhóm G6 (Anh, Đức, I-ta-li-a, Mỹ, Nhật Bản, Pháp) về GDP. Quy mô nền kinh tế của Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2032, còn của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2041. Dự kiến năm 2050, sáu nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ lần lượt là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Bra-xin và Nga.
Một Ấn Độ có thể đạt tới khả năng của một cường quốc quân sự cũng là điều có thể xảy ra. Theo số liệu thống kê của mạng tin defense.com năm 2009, Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, trong đó Nga, Anh và I-xra-en là 3 nhà cung cấp lớn nhất với tỷ lệ lần lượt là 71%, 9% và 6%. Trong những năm gần đây, ngân sách quốc phòng của Ấn Độ liên tục tăng, trong khi năm 2006 - 2007 chỉ là 19,11 tỉ USD, năm 2007 - 2008 là 20,56 tỉ USD, năm 2008 - 2009 là 29 tỉ USD, thì năm 2009 - 2010 là 32 tỉ USD, và năm 2010 - 2011 sẽ ở vào khoảng 32,75 tỉ USD. Theo kế hoạch 5 năm 2007 - 2012, Ấn Độ sẽ chi khoảng 100 tỉ USD mua các loại vũ khí và khoản chi này dự kiến sẽ tăng lên 120 tỉ USD trong kế hoạch 5 năm 2012 - 2017. Bên cạnh việc tăng chi phí quốc phòng, ngày 16-6-2010, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân, Tư lệnh Không quân Ấn Độ, P.V. Naik đã đưa ra học thuyết quân sự chung nhằm tăng cường khả năng phối hợp tác chiến giữa 3 quân chủng là hải, lục và không quân trong cả hai điều kiện xung đột cường độ thấp, cường độ thông thường và trong chiến tranh tâm lý.
Những thách thức
Những thách thức lớn nhất với Ấn Độ đang đến từ chính sự phát triển và thành tựu mà nước này đã đạt được. Một là, thách thức từ nền kinh tế. Để trở thành một cường quốc về kinh tế và bắt kịp với các đối thủ cạnh tranh lớn hơn, Ấn Độ sẽ phải duy trì tốc độ tăng trưởng ít nhất là 8% trong một khoảng thời gian dài. Thách thức đầu tiên của nước này là đối mặt với một số vấn đề cấu trúc trong nền kinh tế, gồm kìm hãm thâm hụt tài chính, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tạo thuận lợi cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng phần cứng. Không chỉ có vậy, nền kinh tế Ấn Độ còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ khủng hoảng kinh tế thế giới và mối lo ngại khủng bố, bất ổn an ninh, đặc biệt kể từ sau vụ khủng bố từ Mum-bai năm 2008.
Hai là, thách thức từ chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia, trong đó quan hệ giữa Ấn Độ với Pa-ki-xtan, Mỹ và Trung Quốc giữ vai trò quan trọng. Hòa bình và ổn định góp phần thu hút và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài, do vậy, căng thẳng với Pa-ki-xtan có thể khiến Ấn Độ mất đi một số nguồn lực phát triển. Triển vọng kinh tế Ấn Độ cũng phụ thuộc vào khả năng kiểm soát quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên bên cạnh đó, nếu Ấn Độ muốn tạo một tiếng nói của một nước mới nổi độc lập và để bảo đảm nguồn năng lượng, nước này vẫn phải có sự liên hệ thích hợp với nhiều nước, trong đó có những nước không thân thiết với Mỹ như I-ran, Xu-đăng, Vê-nê-xu-ê-la. Điều đó có thể tạo ra những cản trở cho quan hệ song phương Mỹ - ấn, thậm chí khiến dòng đầu tư và công nghệ từ Mỹ sang Ấn Độ bị đứt quãng. Chưa hết, quan hệ song phương với Trung Quốc dường như chưa được Ấn Độ chú trọng như với Mỹ hay Pa-ki-xtan. Tại thời điểm này, cả hai nước đều tham gia các cuộc đối thoại thực dụng, nhấn mạnh nhiều vào thương mại và kinh doanh hơn là vào những khác biệt chính trị. Nhưng cuộc đua của Ấn Độ và Trung Quốc nhằm bảo đảm nguồn cung năng lượng trên toàn cầu và sự cạnh tranh về hải quân ở vùng biển Ấn Độ vẫn còn. Xen kẽ giữa các mối quan hệ này là vai trò của Pa-ki-xtan, nước láng giềng luôn là điểm phức tạp lâu nay trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ.
Ba là, thách thức từ sức ép dân số trẻ tăng. Do có sự thay đổi về số lượng dân số trong độ tuổi lao động (15 - 60 tuổi), trong ba thập niên tới, Ấn Độ vẫn sẽ là đất nước có dân số trẻ hơn Trung Quốc. Hiện tỷ lệ dân số ở độ tuổi lao động của Trung Quốc và Ấn Độ là 67,8% và 61,7%. Nhưng đến 2040, tỷ lệ dự kiến sẽ đảo ngược, 62,4% cho Trung Quốc và 64,6% cho Ấn Độ. Nghĩa là vào năm 2040 sẽ có khoảng 1 tỉ người trong độ tuổi lao động ở Ấn Độ so với 0,9 tỉ tại Trung Quốc. Nếu Ấn Độ tiếp tục trải qua sự tăng trưởng dân số dương sau năm 2040 thì dân số trong độ tuổi này dự kiến sẽ tăng hơn nhiều. Như vậy, Ấn Độ sẽ phải xử lý các thách thức kèm theo của sự tăng trưởng dân số với tốc độ nhanh hơn Trung Quốc trong một diện tích đất nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc.
Bốn là, sự gia tăng của nạn dịch HIV/AIDS được dự báo là sẽ làm giảm nghiêm trọng sự phát triển kinh tế và đe dọa đến sức khỏe cộng đồng của người dân nước này, nhất là nó lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến những vùng giàu có nhất của Ấn Độ. Đây cũng là nguy cơ đe dọa sẽ cướp đi ưu thế có được của nước này, đó là lực lượng lao động giá rẻ và có kỹ năng cao.
Vào thời điểm này, vẫn là quá sớm để xếp Ấn Độ là một cường quốc ở cấp độ toàn cầu, song sự nổi lên mạnh mẽ thời gian gần đây của quốc gia này là điều không thể phủ nhận. Hệ thống chính trị ổn định, chính sách đối ngoại thích hợp, dân số khổng lồ, khả năng quân sự to lớn, tương lai kinh tế trỗi dậy và tham vọng toàn cầu là những gì mà Ấn Độ đang có. Với những cơ sở đó, khả năng Ấn Độ sẽ tiến bước thành một cường quốc thực sự trên mọi lĩnh vực sẽ không còn là điều khó tin như cách đây mấy thập niên. Có điều khả năng này sẽ trở thành hiện thực khi nào và sẽ có ảnh hưởng ra sao tới cục diện khu vực thì còn là vấn đề cần được tiếp tục quan tâm và nghiên cứu./.
Một số điểm mới về chính sách bảo hiểm nông nghiệp  (22/08/2010)
Hội nghị “bộ tứ” ở Sô-chi  (22/08/2010)
Siết tín dụng để phòng ngừa khủng hoảng toàn cầu  (22/08/2010)
Một số điểm mới về chính sách bảo hiểm nông nghiệp  (22/08/2010)
Lễ trao tặng Cúp vàng “Doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam”, Cúp vàng “Lãnh đạo xuất sắc” và “Thương hiệu-Nhãn hiệu” năm 2010  (22/08/2010)
Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước  (22/08/2010)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên