Hậu bầu cử Hy Lạp và những bất đồng đi tìm “liều thuốc” cho Eurozone
Nếu như trong cuộc bầu cử lại (lần thứ hai) Quốc hội Hy Lạp, cử tri Hy Lạp nói “không” với các đảng phái ủng hộ kế hoạch “thắt lưng buộc bụng… chặt hơn nữa” tại quốc gia này, thì Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gần như cầm chắc tan vỡ. Song, lá phiếu của cử tri Hy Lạp đã giải tỏa được nỗi lo Hy Lạp “bỏ của chạy lấy người”, rời bỏ Eurozone. Bỏ phiếu cho các đảng phái này, cử tri Hy Lạp cũng phần nào thể hiện họ đã suy nghĩ thấu đáo và quyết định sẽ ở lại, cùng chèo chống để đưa “con thuyền chung” Eurozone vượt qua giông bão là điều nên làm hơn cả. Giờ đây, tuy có thể thở phào nhẹ nhõm, song trong những ngày tới, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn nhằm đối phó với tiến trình thành lập chính phủ liên minh tại Hy Lạp, cũng như duy trì mức độ tín nhiệm của nước này về mặt tài chính, tránh để khủng hoảng lây lan, cũng như cần tạo ra bước đột phá, sự tiến bộ đủ độ thuyết phục, để hướng tới một kế hoạch lớn cho sự hội nhập nội khối sâu hơn nữa.
Các nhà phân tích cho biết, đến nay, mọi nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone đều chưa mang lại kết quả mong muốn, buộc các nhà lãnh đạo EU phải tìm kiếm những biện pháp mới, song dường như không có gì bảo đảm là hội nhập sâu hơn nữa sẽ chắc chắn tốt hơn, bởi thực tế cho thấy sự hội nhập này tuy có nhiều hứa hẹn, nhưng vẫn ẩn chứa những rủi ro nhất định.
Kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội Hy Lạp ngày 17-6 với chiến thắng thuộc về các đảng ủng hộ các biện pháp thắt chặt chi tiêu để đổi lấy gói cứu trợ kinh tế đã phần nào “hạ nhiệt” nguy cơ Hy Lạp ra khỏi Eurozone. Tuy nhiên, với việc người dân Hy Lạp chắc chắn sẽ yêu cầu nới lỏng các điều kiện của gói cứu trợ, và nếu Eurozone chấp nhận quá nhiều thỏa hiệp, chắc chắn uy tín của toàn khu vực sẽ bị ảnh hưởng, khủng hoảng sẽ lan rộng hơn nữa do các quốc gia khác cũng “trông theo gương” và đòi hỏi nhân nhượng đối với những cải cách đầy đau đớn mà họ đang phải thực hiện.
Các gói cứu trợ được đưa ra ở những phút cuối cùng dành cho Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland và hiện nay là các ngân hàng của Tây Ban Nha đều tạo ra tâm lý hoảng loạn cho các thị trường tài chính. Có thể nói, các gói cứu trợ này chỉ kéo dài được thêm chút thời gian “ngắc ngoải”, trước khi tình trạng bất ổn nhanh chóng trở lại, thậm chí còn trầm trọng hơn. Các nhà phân tích cho biết, gói cứu trợ các ngân hàng của Tây Ban Nha, với mục đích giảm chi phí đi vay của nước này xuống mức Madrit có thể chi trả được, hầu như ngay lập tức đã thất bại. Gói cứu trợ này “chỉ có thể tạm thời trì hoãn điều không thể tránh khỏi”, chứ chắc chắn không thể ngăn cản được kết cục là, sẽ đến lúc Tây Ban Nha phải chìa tay xin gói cứu trợ tiếp theo để cứu vãn toàn bộ thể chế nhà nước. Ai dám chắc rằng đây không phải là những tình huống “đã đâm lao, thì phải theo lao”. Và có thể thấy nỗ lực của châu Âu cố gắng giải cứu Tây Ban Nha - nền kinh tế lớn thứ tư Eurozone, cuối cùng cũng sẽ đẩy châu Âu vào tình cảnh “súng đã lên nòng”, “gươm đã rời vỏ”… Và sẽ đến lúc châu Âu, cũng như các định chế tài chính quốc tế lâm vào tình trạng “lực bất tòng tâm”, không còn đủ tiền để tung ra hết gói cứu trợ này đến gói cứu trợ khác.
Bất đồng đi tìm thuốc chữa
Các nhà lãnh đạo châu Âu hầu như đều “chuẩn đoán căn bệnh” của Eurozone là hội nhập nửa vời, thậm chí gần giống tình cảnh “cha chung không ai khóc”, “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”. Việc sử dụng một đồng tiền chung (euro) mà thiếu đi sự kiểm soát đầy đủ đối với chính sách tài chính của các nước thành viên, dẫn đến tâm lý chi tiêu vô tội vạ, “bóc ngắn cắn dài” và cuộc khủng hoảng nợ là kết quả tất yếu. “Biểu hiện lâm sàng” đã quá rõ, song bản thân “con bệnh” là “một số mắt xích yếu kém” - thành viên của Eurozone, cũng như các quốc gia chủ chốt của khối này lại bất đồng trong việc chọn “toa thuốc” nào để trị bệnh.
Hội nhập nửa vời dẫn đến căn bệnh, thì việc đầu tiên cần làm chính là phải loại bỏ tính chất nửa vời này. Bởi vậy, hội nhập sâu hơn nữa chính là điều được các nhà lãnh đạo chủ chốt của châu Âu và Eurozone công khai kêu gọi. Đây cũng là mục tiêu mà Hội nghị Thượng đỉnh EU vào các ngày 28 và 29-6 tới sẽ phải chịu áp lực rất lớn, nhằm vạch ra kế hoạch về một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra chủ trương châu Âu phải “giải quyết tận gốc căn nguyên chứ không phải chữa trị các triệu chứng” của cuộc khủng hoảng hiện nay. Bà nói rằng, một liên minh hội nhập sâu hơn là vấn đề then chốt, nhưng muốn có hội nhập sâu hơn, “trước tiên phải là liên minh chính trị”, và bà đã đưa vấn đề này trở thành điểm cốt lõi trong thỏa thuận tài chính mà bà ủng hộ - thỏa thuận buộc các quốc gia EU phải đưa ra những cam kết ngân sách chặt chẽ và cả các hình phạt mà họ có thể phải nhận. Tuy nhiên, để hội nhập chính trị sâu hơn, đòi hỏi không ít thời gian, thứ mà các quốc gia đang ngồi trên đống lửa với những áp lực tài chính như Tây Ban Nha hay Italia lại không thể chờ đợi.
Trong khi đó, diễn ra trong bối cảnh “bão” nợ công hoành hành châu Âu, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) tại Los Cabos (Mexico) trong các ngày 18 và 19-6 vừa qua, được giới quan sát quốc tế chờ đợi như một diễn đàn để các nhà lãnh đạo thu hẹp bất đồng, tìm ra phương thuốc chữa “căn bệnh trầm kha” của nền kinh tế thế giới. Cũng như nhiều hội nghị trước đó, gặp nhau tại Mexico, nguyên thủ các nước G-20 đã phải đối mặt với một sự thật đáng thất vọng là sau 4 năm vật lộn với khủng hoảng, hàng nghìn tỉ USD của các chính phủ được đổ vào hệ thống các ngân hàng, nhưng nền kinh tế thế giới nói chung cũng như của Eurozone nói riêng vẫn chưa hoàn toàn thoát ra khỏi khủng hoảng và tốc độ phục hồi vẫn rất mong manh. Hiện có phải là lúc tung thêm tiền hay không? Nhiều chuyên gia cho rằng, câu trả lời là “rất có thể”. Bởi lẽ, khi nhìn vào Eurozone, người ta không chỉ nhìn thấy một Hy Lạp, với khoản nợ công chiếm 153% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đang phải vật lộn với cuộc suy thoái ngày càng tồi tệ và chưa thấy đâu đường ra, mà cả Tây Ban Nha cũng phải chìa tay xin cứu trợ. Và liệu Italia, với khoản nợ công 123% GDP, có phải là nạn nhân tiếp theo xin cấp cứu?
Từ thực tế trên, có thể thấy, có ba vấn đề mà châu Âu nói chung và Eurozone nói riêng cần sớm giải quyết, đó là: tăng cường tiềm lực cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF); thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế phối hợp; và thuyết phục Đức ủng hộ đề xuất phát hành trái phiếu chung trong Eurozone hay thành lập một liên minh ngân hàng. Trong ba vấn đề trên, thấy rõ biện pháp khả thi nhất là bổ sung ngân sách cho IMF, song điều này cũng không phải dễ dàng gì. Cho đến nay, các nước đã đồng ý đóng góp trên 430 tỉ USD cho thể chế tài chính đa phương lớn nhất toàn cầu này. Cùng với quỹ cứu trợ tài chính của châu Âu, tổng giá trị cho vay sẽ lên tới hơn 1.000 tỉ USD, đủ giúp bảo đảm một khoản vay khẩn cấp dành cho các nước như Tây Ban Nha hoặc Italia. Song ai dám đoán chắc đây sẽ là hai quốc gia cuối cùng?!
Còn liệu pháp phát hành “trái phiếu euro”, theo đó, các quốc gia Eurozone sẽ cùng chịu trách nhiệm về những khoản nợ của các nước thành viên, và xây dựng hệ thống bảo đảm tiền gửi ngân hàng trên phạm vi toàn khu vực sẽ giúp giảm áp lực đối với các nước. Song giải pháp này chưa nhận được sự đồng thuận tuyệt đối. Tuy Pháp ủng hộ ý tưởng này, song Đức thì vẫn còn lưỡng lự và tỏ ra miễn cưỡng đối với nó.
Dù Eurozone chọn liều thuốc nào, cũng cần thấy rõ một viễn cảnh là, khi các nước khu vực này hội nhập sâu hơn nữa, không chỉ ràng buộc nhau về trách nhiệm kinh tế, mà còn có thể tiến tới liên minh chặt chẽ hơn về chính trị, thì tiến trình này chắc chắn sẽ dẫn tới một liên minh cố kết, gây ra “nhiều thách thức mới” cho cả những quốc gia chọn đứng ngoài, cũng như những quốc gia nhất trí tham gia liên minh đó. Dù thế nào, thế giới vẫn hy vọng châu Âu và Eurozone sẽ được chỉ định đúng thuốc, và phải chịu càng ít tác dụng phụ của thuốc càng tốt./.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII (26/06/2012)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kiểm tra đột xuất các địa phương có tai nạn giao thông tăng cao (26/06/2012)
Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (26/06/2012)
Việt Nam tham dự Cuộc họp lần thứ 17 Ủy ban Thường trực Hội nghị quốc tế các đảng chính trị ở châu Á (26/06/2012)
Tây Ban Nha chính thức đề nghị cứu trợ ngân hàng (26/06/2012)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên