Đảng cộng sản Hy Lạp: Điểm sáng trong phong trào cộng sản châu Âu
TCCS - Sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô đã khiến phong trào cộng sản trên thế giới nói chung và ở châu Âu nói riêng tạm thời rơi vào thoái trào. Hàng loạt đảng cộng sản trong khu vực bị phân liệt, tan rã, đổi tên đảng, thậm chí bị cấm hoạt động... Trong bối cảnh đó, đấu tranh để duy trì sự tồn tại, hoạt động hợp pháp đã là một thành công. Nhưng Đảng Cộng sản Hy Lạp không chỉ trụ vững mà còn từng bước tăng cường ảnh hưởng trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước, nỗ lực hoàn thành xuất sắc trọng trách là hạt nhân của phong trào công nhân tại một quốc gia vốn là thành viên của một trung tâm chủ nghĩa tư bản lớn hiện nay.
Kiên cường tranh đấu
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Hy Lạp (KKE) vào tháng 11-1918 (lúc đầu với tên gọi là Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa, sau đổi thành Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa Hy Lạp) là kết quả chín muồi của việc kết hợp giữa sự phát triển phong trào công nhân Hy Lạp với học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học.
Ngay từ những ngày mới thành lập, mặc dù bị chính quyền tư sản truy lùng và phải hoạt động trong điều kiện bí mật, nhưng KKE đã sớm trở thành người tổ chức và đi đầu trong các cuộc đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ, như ngày làm việc 8 giờ, quyền bầu cử của phụ nữ, quyền làm việc của người lao động và đòi xóa bỏ khỏi mọi hình thức áp bức bóc lột...
Trong thời gian Hy Lạp bị các thế lực phát-xít chiếm đóng, theo sáng kiến và với sự tham gia tích cực của KKE, tháng 9-1941, Mặt trận giải phóng dân tộc được thành lập, tiếp sau đó, vào đầu năm 1942, Quân đội giải phóng nhân dân Hy Lạp ra đời, cùng tiến hành cuộc kháng chiến chống các thế lực phát-xít xâm lược và giải phóng hoàn toàn Hy Lạp khỏi ách phát-xít vào tháng 9-1944.
Lo sợ trước phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như ảnh hưởng lớn mạnh của KKE trong đời sống chính trị đất nước, các thế lực tư sản phản động đã cầu viện sự can thiệp bằng quân sự của đế quốc Anh - Mỹ, đẩy Hy Lạp vào cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1946 đến 1949. Trong suốt những năm này, chính quyền tư sản phản động đã thi hành chính sách chống cộng tàn bạo. Hàng nghìn chiến sĩ cộng sản bị tử hình, hàng chục nghìn người đấu tranh chống phát-xít bị giam cầm, gần trăm nghìn chiến sĩ Quân đội giải phóng Hy Lạp phải sống lưu vong... Mặc dù bị tổn thất nặng nề, nhưng khi nội chiến kết thúc, KKE nhanh chóng củng cố lại đội ngũ, chuyển trọng tâm hoạt động sang tổ chức các tầng lớp nhân dân lao động tham gia những cuộc đấu tranh kinh tế và đấu tranh chính trị. Vào năm 1967, chính quyền ở Hy Lạp bị rơi vào tay tập đoàn quân sự độc quyền. Một lần nữa lại phải hoạt động trong điều kiện bí mật, nhưng chính trong hoàn cảnh đó, KKE càng sáng tỏ bản lĩnh chính trị vững vàng, trở thành người tổ chức chủ yếu của phong trào chống độc tài. Cùng với các lực lượng thanh niên cộng sản Hy Lạp, KKE đóng vai trò quyết định trong đấu tranh chấm dứt chế độ độc tài quân sự hà khắc vào năm 1974.
Từ khi hoạt động công khai, KKE luôn đi đầu trong các cuộc mít tinh, biểu tình, đình công, tổng bãi công đòi các quyền tự do dân chủ, dân sinh của công nhân, nông dân nghèo, tiểu chủ, sinh viên... Với vai trò tiên phong của mình, KKE không ngừng tăng cường ảnh hưởng trong các tầng lớp nhân dân lao động. Kiên cường tranh đấu hơn 3 thập niên qua, trong các kỳ bầu cử nghị viện, KKE liên tiếp giành được sự ủng hộ ngày càng cao của cử tri. Nếu trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1974, KKE mới chỉ giành được 5 ghế, năm 1977 số ghế tăng lên 11, năm 1981 - 13 ghế... thì trong cuộc bầu cử Quốc hội mới đây (năm 2007) KKE đã giành được 22 ghế. Hàng chục đảng viên của KKE đã được bầu làm thị trưởng hoặc đứng đầu chính quyền địa phương trong các cuộc bầu cử địa phương. Không chỉ dừng ở những thắng lợi đó, trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu gần đây (tháng 6-2004), KKE đã giành được 580.396 phiếu ủng hộ, tức 9,48% tổng số phiếu, được 3 ghế tại Nghị viện châu Âu và 1 ghế tại Đại Hội đồng Nghị viện châu Âu.
Với quyết tâm giành thắng lợi nhất định trong cuộc đấu tranh chính trị to lớn sắp tới - bầu cử Nghị viện châu Âu, KKE đã soạn thảo Tuyên ngôn chính trị về phạm vi và phương hướng chính trị cho cuộc đấu tranh; đồng thời xác định cuộc đấu tranh này sẽ là đòn khởi đầu mang tính quyết định của các tầng lớp công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ giáng vào các đảng cánh hữu cầm quyền, nhất là khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu lại diễn ra trước cuộc bầu cử trong nước.
Giữ vững lập trường chủ nghĩa Mác - Lê-nin và mục tiêu chủ nghĩa xã hội
Điều lệ sửa đổi được thông qua tại Đại hội XV (năm 1996) cũng như các điều lệ được thông qua tại các kỳ đại hội trước đó đều nhấn mạnh: KKE là chính đảng của giai cấp công nhân, là đội tiên phong giác ngộ của giai cấp công nhân Hy Lạp, đấu tranh nhằm lật đổ chủ nghĩa tư bản và xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, một xã hội mà ở đó mọi hình thức người bóc lột người, mọi sự thống trị sẽ không còn, các quyền và sự phát triển toàn diện của con người được bảo đảm...
Con đường thực hiện mục tiêu này đã được KKE vạch ra từ Đại hội VI diễn ra vào năm 1935. Chiến lược và sách lược của KKE khi đó đã xác định rõ tương lai của cuộc cách mạng ở Hy Lạp sẽ là cách mạng dân chủ - tư sản với xu hướng nhanh chóng chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu của cuộc cách mạng này được ghi rõ trong các văn kiện của các kỳ đại hội sau đó và trong hoạt động thực tiễn của mình, xuất phát từ lập trường của chủ nghĩa Mác- Lê-nin, KKE luôn kiên định mục tiêu này. Ngay cả trước sự thay đổi căn bản trong tương quan lực lượng trên thế giới có lợi cho chủ nghĩa tư bản sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu, KKE là một trong số không nhiều các đảng cộng sản ở châu Âu đã tỉnh táo cảnh báo: sẽ là sai lầm lớn, nếu từ thực tế này đưa ra kết luận rằng chủ nghĩa xã hội đã trở thành quá khứ còn chủ nghĩa tư bản mới là tương lai của nhân loại. KKE khẳng định, nhân loại đang trong quá trình quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa tư bản tuy còn khả năng tự điều chỉnh để phát triển, nhưng bản chất bóc lột và phản động của nó vẫn không hề thay đổi, thậm chí ngày càng nặng nề, thâm độc cho dù được ngụy trang bằng nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.
Về triển vọng của chủ nghĩa xã hội, trong Tuyên bố năm 1994, KKE khẳng định mạnh mẽ: Chủ nghĩa xã hội sẽ tiến vào một giai đoạn lịch sử mới tuy phải trải qua một khoảng thời gian tương đối dài... và bằng những thành tựu to lớn đạt được cho thấy chủ nghĩa xã hội ưu việt hơn chủ nghĩa tư bản... Chủ nghĩa xã hội ra đời, tồn tại suốt thế kỷ XX và chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. Chủ nghĩa cộng sản không phải là một tiến trình thuộc về quá khứ, mà là một lý tưởng, một con đường. Dù đang phải đương đầu với vô vàn khó khăn và trở ngại to lớn, nhưng chủ nghĩa cộng sản vẫn có tương lai xán lạn ở phía trước.
Để thực hiện mục tiêu đấu tranh lật đổ chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, trước mắt, KKE kêu gọi thành lập Mặt trận dân chủ chống đế quốc, chống tư bản độc quyền, thu hút sự tham gia của tất cả các đảng phái tiến bộ, các phong trào, lực lượng với mục tiêu đấu tranh vì dân sinh, dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội. Nhiệm vụ này liên tục được khẳng định qua các kỳ đại hội của KKE, từ Đại hội XV (năm 1996), Đại hội XVI (năm 2000) rồi Đại hội XVII (năm 2005). Đến Đại hội XVIII vừa diễn ra từ ngày 18 đến 22-2-2009 với khẩu hiệu “Đại hội phản công trên khắp các mặt trận, trong phong trào, trong công tác và phương thức lãnh đạo của Đảng”, KKE một lần nữa nhấn mạnh lại ý nghĩa, tầm quan trọng của mặt trận chống đế quốc, chống tư bản độc quyền xuyên quốc gia trong cuộc đấu tranh hướng tới thực hiện mục tiêu cuối cùng là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Văn kiện Đại hội XVIII của KKE vạch rõ: Chúng ta (những người cộng sản Hy Lạp) không được phép tạo lên bức “vạn lý trường thành” giữa chủ nghĩa xã hội và cuộc đấu tranh vì sự đoàn kết các lực lượng chống đế quốc, chống tư bản độc quyền.
Tăng cường công tác xây dựng Đảng
Kiên định lập trường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và mục tiêu chủ nghĩa xã hội, trước nay KKE thường xuyên tiến hành hàng loạt các cuộc đấu tranh không khoan nhượng trong hàng ngũ của mình nhằm vượt qua những ảnh hưởng của chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa thủ tiêu, bè phái và khủng hoảng nội bộ Đảng; coi trọng và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc nền tảng trongtổ chức và sinh hoạt của một chính đảng mác-xít.
Trong các văn kiện mang tính cương lĩnh, KKE khẳng định: Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản chỉ đạo xây dựng, tổ chức và hoạt động của Đảng, là nguyên tắc quan trọng nhất chỉ đạo sinh hoạt nội bộ và phong cách làm việc của Đảng, bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động, tạo sức mạnh vô địch của một đảng mác-xít. Ngoài tập trung dân chủ, thì kiểm tra, phê bình và tự phê bình cũng là những nguyên tắc nền tảng trong xây dựng, tổ chức và hoạt động của Đảng. KKE được xây dựng theo nguyên tắc khu vực - sản xuất. Các tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) được thành lập trong các xí nghiệp công nghiệp và các xí nghiệp khác, trong các ngành sản xuất và dịch vụ, tại khu vực dân cư ở thành phố và nông thôn.
Có một thực tế là vào những năm đầu thập niên 90, cùng với những nguyên nhân khách quan, thì khó khăn về đường lối và tổ chức đã dẫn đến cuộc khủng hoảng gay gắt trong nội bộ KKE. Một bộ phận lãnh đạo của Đảng muốn chuyển hóa KKE thành đảng xã hội - dân chủ, một bộ phận cơ hội khác gia tăng hoạt động chia rẽ, thậm chí đòi giải tán KKE. Trong khi đó, không ít đảng viên nhạt phai lý tưởng, tự ra khỏi Đảng... Nếu năm 1987, đội ngũ đảng viên của KKE đã lên đến 50.000 thì mấy năm sau đó, số lượng đảng viên giảm chỉ còn gần 20.000. Đứng trước cuộc khủng hoảng này, những người cộng sản trung kiên, đứng đầu là nữ đồng chí A. Pa-pa-ri-ga (là Tổng Bí thư KKE từ năm 1991 đến nay), đã kiên trì đấu tranh bảo vệ đảng, quyết không đổi tên đảng, tăng cường củng cố, xây dựng KKE về tư tưởng, chính trị và tổ chức một cách sâu rộng, khắc phục triệt để tình trạng chống phá của những phần tử cơ hội, đưa Đảng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất sau sự biến chính trị ở Liên Xô và Đông Âu, giữ vững bản chất KKE với tư cách là một đảng cộng sản chân chính. Và chính sự củng cố mọi mặt của Đảng đã trở thành điều kiện cần thiết cho việc xây dựng Mặt trận dân chủ chống đế quốc, chống độc quyền và phát triển cuộc đấu tranh chống đế quốc, chống độc quyền tại Hy Lạp. KKE đã trở thành lực lượng thứ hai về ảnh hưởng trong phong trào công đoàn của công nhân, tham gia nhiều tổ chức chống đế quốc của quần chúng nhân dân, như “ủy ban vì hòa bình và giải trừ vũ khí”, “Liên đoàn phụ nữ Hy Lạp” “Khối thống nhất nông dân toàn Hy Lạp”, “Khối thống nhất dân chủ vì tự do và sự đoàn kết của nhân dân”,...
Trong những năm qua, mặc dù vẫn phải hoạt động trong những điều kiện không mấy thuận lợi, như chính quyền còn nằm trong tay các đảng cánh hữu, khó khăn khi triển khai công tác tư tưởng - chính trị trong phong trào công nhân, sự tăng cường theo dõi, giám sát công nhân trong thời gian làm việc từ phía giới chủ, lỗi lo mất việc của công nhân... nhưng KKE vẫn từng bước tăng cường đội ngũ của mình, 37,2% tổng số đảng viên hiện nay gia nhập KKE sau khủng hoảng 1990 - 1991; cơ cấu xã hội và độ tuổi của đội ngũ đảng viên trong toàn Đảng cũng như ở các khu vực được cải thiện, tỷ lệ đảng viên nữ tăng 4,5%, tỷ lệ đảng viên là người lao động ở khu vực tư nhân tăng 2,3%, đảng viên là sinh viên tăng 1,9%. Việc sắp xếp lại về tổ chức đối với các TCCSĐ ở những cơ sở sản xuất được triển khai và đạt kết quả, số TCCSĐ ở các nhà máy, ở nơi làm việc, ở các tổ chức công nhân theo ngành tăng 4%(1)...
Trong công tác xây dựng Đảng, KKE chú trọng những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư tưởng trong giai đoạn hiện nay là tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chiến lược và cương lĩnh của Đảng trong nội bộ Đảng; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, nhất là cán bộ trẻ; tuyên truyền, giải thích quan điểm, thái độ của Đảng đối với những diễn biến của tình hình trong nước và quốc tế trong các tầng lớp người lao động, nhất là trong giai cấp công nhân; đấu tranh chống luận điệu mị dân của các đảng phái tư sản, xét lại và cơ hội về cái gọi là “sự hợp tác” giai cấp và “sự đồng thuận” xã hội giữa tầng lớp bóc lột và tầng lớp những người bị bóc lột. Trong việc thực hiện những nhiệm vụ này có vai trò không nhỏ của hệ thống các phương tiện thông tin truyền thông của Đảng, như tờ nhật báo “Cấp tiến”, tạp chí lý luận - chính trị “Bình luận cộng sản”, nhà xuất bản “Kỷ nguyên đương đại”, Đài phát thanh - truyền hình “902 thiên tả” và Trung tâm nghiên cứu mác-xit Hy Lạp.
Kiên định chủ nghĩa quốc tế vô sản
Gia nhập Quốc tế Cộng sản III vào năm 1919 và được sự giúp đỡ của tổ chức này, KKE ngày càng củng cố và trưởng thành. Trải qua chặng đường 90 năm hoạt động không ít thăng trầm, nhưng KKE luôn kiên định lập trường của chủ nghĩa quốc tế vô sản, tăng cường giáo dục đội ngũ đảng viên thấm nhuần tinh thần đoàn kết quốc tế và hợp tác với toàn thể nhân dân lao động trên thế giới, tích cực thực hiện những nghĩa vụ quốc tế của mình bằng những hoạt động thiết thực. Ngay từ khi mới thành lập, KKE đã kiên quyết phản đối việc chính quyền tư sản Hy Lạp tham gia cuộc phong tỏa mà các nước đế quốc tiến hành hòng bóp chết chính quyền Xô-viết non trẻ và cuộc phiêu lưu quân sự ở Tiểu Á. Những người cộng sản Hy Lạp đã có mặt trên chiến hào chống phát-xít ở Tây Ban Nha, xuống đường biểu tình ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc và phản đối việc chính quyền Hy Lạp đưa quân đội tới bán đảo Triều Tiên; đoàn kết với cuộc đấu tranh của nhân dân đảo Síp trong việc tìm kiếm giải pháp đúng đắn và hợp lý cho vấn đề chính trị của hòn đảo này; lên án mọi hành động can thiệp quân sự của Mỹ và NATO vào công việc nội bộ của các nước khu vực Ban-căng, đòi chính phủ hủy bỏ quyết định gia nhập lực lượng đa quốc gia của NATO tại Bô-xni-a - Héc-xê-gô-vi-na và đóng cửa các căn cứ quân sự của Mỹ và NATO tại Hy Lạp, tăng cường phong trào đoàn kết với các dân tộc Mỹ La-tinh, nhất là với Cu-ba, với phong trào đấu tranh của nhân dân Pa-le-xtin...
Trong bối cảnh phong trào cộng sản thế giới bị ngưng trệ sau sự biến chính trị ở Liên Xô và Đông Âu, việc tìm kiếm một hình thức hoạt động chung mới nhằm phối hợp hoạt động, tập hợp lực lượng, trao đổi thông tin về tình hình cũng như kinh nghiệm đấu tranh của các đảng cộng sản đã trở thành vấn đề cấp thiết đối với phong trào cộng sản trên thế giới. Có thể nói, đóng góp quan trọng và rất có ý nghĩa đối với việc giải quyết vấn đề này thuộc về sáng kiến của KKE tổ chức các cuộc gặp mặt quốc tế thường niên tại A-ten, thu hút sự tham gia của các đảng cộng sản và công nhân từ khắp các châu lục trên thế giới. Từ năm 1998 - năm diễn ra cuộc gặp mặt quốc tế đầu tiên tại A-ten theo sáng kiến của KKE nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày xuất bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và 80 năm ngày thành lập KKE - đến nay, các đảng cộng sản và công nhân đã tham dự 10 cuộc gặp mặt, trong đó có 8 cuộc diễn ra tại A-ten do KKE tổ chức, liên tục từ cuộc gặp lần thứ I (năm 1998) đến cuộc gặp lần thứ VIII (năm 2005). Mỗi năm, mỗi cuộc gặp mặt quốc tế lại tiến hành thảo luận một chủ đề cụ thể và tại 8 cuộc gặp mặt ở A-ten, các đoàn đại biểu của các đảng cộng sản và công nhân đã tập trung trao đổi ý kiến chung quanh các vấn đề: Khẳng định giá trị khoa học và thực tiễn của học thuyết Mác - Lê-nin, triển vọng, khả năng và tính tất yếu của chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay, phát triển lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng đảng trong bối cảnh mới; làm rõ nguyên nhân khủng hoảng, sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu, và tác động của sự biến này đối với phong trào cộng sản trên thế giới, phân tích tình hình của phong trào từ đầu những năm 90 thế kỷ XX đến nay, chiến lược, sách lược xây dựng liên minh trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân hiện nay; đánh giá bản chất của toàn cầu hóa, khu vực hóa và tác động của các xu thế này đối với các lực lượng cộng sản và công nhân thế giới; đề xuất phương án thay thế của các lực lượng cộng sản, cánh tả trên thế giới đối với toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa hiện nay; nhận định về những diễn biến của tình hình thế giới, về hoạt động khủng bố và cuộc chiến chống khủng bố, lên án kế hoạch “Đại Trung Đông” và chính sách hiếu chiến của Mỹ, nhất là việc Mỹ phát động cuộc chiến ở áp-ga-ni-xtan, I-rắc, phê phán mạnh mẽ cái gọi là “Nhân quyền cao hơn chủ quyền” của phương Tây, “Về sự cần thiết lên án quốc tế đối với tội ác của các chế độ độc tài” của Hội đồng nghị viện Hội đồng châu Âu (PACE)... KKE đã lập một trang điện tử với tên gọi Solidnet (Đoàn kết) để các đảng cộng sản và công nhân không có điều kiện trực tiếp tham dự nhưng vẫn có thể nhanh chóng và tiết kiệm nhất trong việc duy trì mối liên hệ với diễn đàn quốc tế A-ten. Ngoài các cuộc gặp quốc tế nói trên, KKE còn tích cực ủng hộ các cuộc gặp khu vực của các đảng cộng sản ở Ban-căng, ở Đông Địa Trung hải - Trung Đông, biển Đỏ và EU.
(1) Xem: http://www.kke.gr (tiếng Nga)
Mang cả Trường Sơn về thành phố  (15/04/2009)
Nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu hiện nay  (15/04/2009)
Thêm chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp  (14/04/2009)
Thêm chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp  (14/04/2009)
Quan tâm đời sống người dân tái định cư công trình Thuỷ điện Sơn La  (14/04/2009)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam