TCCSĐT - Trong 2 ngày 13 và 14-4, tại thành phố Bắc Ninh, Hội đồng lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2006 – 2010 tiến hành kỳ họp thứ 8, trong đó, phần lớn thời gian được tập trung cho Hội thảo khoa học với chủ đề: “Một số vấn đề cơ bản của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay”.

Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì; các thành viên của Hội đồng cùng nhiều đại biểu là lãnh đạo, chuyên gia của các cơ quan lý luận, kinh tế Trung ương, các cộng tác viên khoa học, các đại biểu của tỉnh Bắc Ninh đã tới dự.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Tô Huy Rứa đánh giá khái quát diễn biến, xu thế, tính chất và nguyên nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu; tác động của cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế nước ta; những vấn đề đang đặt ra cần tập trung giải quyết để giảm những tác động bất lợi và những tình huống xấu hơn có thể xảy ra; đồng thời nêu rõ, việc lựa chọn chủ đề Hội thảo thể hiện ý định và mong muốn của Hội đồng gắn kết công tác nghiên cứu lý luận với những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong đời sống quốc tế và đất nước.

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Các tham luận và ý kiến thảo luận tại hội trường đã tập trung vào một số vấn đề:

Một là, đánh giá diễn biến, xu thế, tính chất và nguyên nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay; tác động của cuộc khủng hoảng đến các nước, các khu vực trên thế giới; đối sách của các quốc gia, các tổ chức quốc tế. Các ý kiến đều cho rằng, đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ II, có tính chất nghiêm trọng và diễn ra trên có quy mô lớn, bởi không chỉ dừng ở lĩnh vực kinh tế mà đã lan sang các lĩnh vực khác, nhất là lĩnh vực xã hội.

Hai là, tác động của khủng hoảng đối với Việt Nam. Là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, Việt Nam không thể tránh khỏi tác động xấu của cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, khủng hoảng cũng mang lại những cơ hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Chẳng hạn, đổi mới công nghệ; rà soát chiến lược phát triển; sử dụng tiết kiệm các nguồn lực.... Những vấn đề rút ra từ cuộc khủng hoảng có thể bổ sung cho quan điểm phát triển kinh tế của Việt Nam.

Ba là, đề xuất, kiến nghị các giải pháp cơ bản cần tập trung thực hiện để hạn chế đến mức thấp nhất những tác động bất lợi tiếp theo của cuộc khủng hoảng, ngăn chặn nguy cơ lây lan của nó để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế: các biện pháp cứu trợ nền kinh tế và kích thích sản xuất phát triển, điều chỉnh cơ cấu đầu tư; điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế; cải cách hành chính; tận dụng cơ hội để vượt qua thách thức; phát huy mạnh mẽ vai trò nội lực, đồng thời phát huy vai trò ngoại lực; điều hành quản lý kinh tế - xã hội...

Cùng với những giải pháp nêu trên, các đại biểu tham dự Hội thảo còn đề xuất những vấn đề cần được nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn để tiếp tục hoàn thiện mô hình phát triển của đất nước.../.