Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 26-9-2011 đến ngày 2-10-2011)
1. WB ưu tiên cao cho việc làm và bình đẳng giới
Ngày 26-9-2011, Ủy ban Phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB) đã khẳng định các ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự phát triển của WB là việc làm và bình đẳng giới. Chủ tịch WB, Rô-bớt Dô-ê-lích (Robert Zoellick) nhấn mạnh, các cổ đông của WB đã kêu gọi cộng đồng thế giới tư duy bình đẳng và đưa bình đẳng giới vào chương trình phát triển thế giới năm 2012. Tại Hội nghị của Ủy ban Phát triển, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Hoan Xô-ma-vi-a (Juan Somavia) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác mang tính quyết định trên quy mô toàn cầu để giải quyết vấn đề thiếu việc làm nhằm tránh cho thế giới nguy cơ rơi trở lại suy thoái. Tuyên bố do Ủy ban Phát triển của WB đưa ra cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm trong tiến trình chuyển các thành tựu phát triển vào cuộc chiến chống đói, nghèo. Tuyên bố nhấn mạnh, ưu tiên cao tạo việc làm cần được thể hiện bằng chính sách và các biện pháp tăng đầu tư vào nền kinh tế thực. Tiến trình hiện đại hóa công việc của WB thông qua "Sáng kiến Dữ kiện mở, tri thức mở và các giải pháp mở, tăng cường trách nhiệm" đã góp phần tăng hiệu lực và hiệu quả hoạt động của WB. Nhân dịp này, Ủy ban Phát triển của WB kêu gọi tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển vượt qua khủng hoảng lương thực để đạt tăng trưởng bền vững, mạnh mẽ, cân bằng và bao quát. WB đã quyết định cung cấp tín dụng 1,88 tỉ USD cho khu vực Sừng châu Phi trong 5 năm tới.
2. Trung Quốc tăng cường đối thoại chiến lược với nhiều nước
Ngày 26-9-2011, tại thủ đô Bắc Kinh, Hội nghị Đối thoại kinh tế chiến lược Trung Quốc - Ấn Độ lần thứ nhất được tổ chức nhằm trao đổi về hợp tác kinh tế giữa hai nước. Trong Đối thoại này, Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc Trương Bình và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Ấn Độ Mon-tếch Xinh A-lu-oa-lia (Montek Singh Ahluwalia) đã thẳng thắn thảo luận, trao đổi quan điểm một cách sâu sắc về một số chủ đề chính như thực trạng kinh tế thế giới, tình hình kinh tế vĩ mô cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung và dài hạn của mỗi nước… Ngày 27-9, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Gia Thụy, cựu Ngoại trưởng Mỹ M. Ôn-brai (Madeline Albright) - đại diện cho Đảng Dân chủ, cùng cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Ri-chát Uy-li-am-sơn (Richard Williamson) - đại diện cho Đảng Cộng hòa, đồng chủ trì cuộc đối thoại cấp cao lần thứ 3 tại thủ đô Bắc Kinh. Tại cuộc Đối thoại, "hai bên đã có cuộc trao đổi chân thành và chi tiết về quan hệ Trung - Mỹ, cũng như về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm". Ngày 28 và 29-9-2011, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) Mã Hiểu Thiên và Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Pháp Phi-líp-pê Com-bét (Philippe Combes) đã chủ trì cuộc đối thoại chiến lược lần thứ 10 diễn ra tại thủ đô Pa-ri (Pháp) nhằm thảo luận về các chính sách quốc phòng, xây dựng quân đội, các vấn đề thời sự của thế giới và an ninh khu vực cũng như về việc thúc đẩy quan hệ quân sự Trung Quốc - Pháp.
3. Hội nghị về chống khủng bố của Liên hợp quốc
Ngày 28-9-2011, Ủy ban Chống Khủng bố của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức hội nghị kéo dài một ngày tại trụ sở Liên hợp quốc ở Niu Oóc (Mỹ) để đánh giá tình hình và đề ra giải pháp chống khủng bố trong thời kỳ tới. Tại Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun cảnh báo mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố hiện vẫn nghiêm trọng như thời gian xảy ra các cuộc tấn công nước Mỹ năm 2001. Ông Ban Ki-mun cho biết: "Hiện nay chủ nghĩa khủng bố vẫn là mối đe dọa tiềm tàng như cách đây 10 năm. Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng. Các cuộc tấn công khủng bố gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế, ổn định nhà nước và sự hài hòa của khu vực". Trước đó, phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Mai-ki Xmít (Mike Smith), Giám đốc Điều hành của Ủy ban Chống Khủng bố (CTED) cho biết, cộng đồng quốc tế ngày càng nhận thức rõ hơn về sự cần thiết hành động thống nhất để chống chủ nghĩa khủng bố và thực tế cho thấy nhân quyền và chống chủ nghĩa khủng bố đang tác động lẫn nhau và không cần thiết bất đồng. Ông Mai-ki Xmít cũng khẳng định: giải quyết tốt các điều kiện xã hội và những vấn đề khác trong một xã hội là vấn đề bức thiết để thuyết phục người dân ủng hộ các kế hoạch chống khủng bố.
4. Bắc Phi, bờ Bắc Địa Trung Hải cùng chống khủng bố
5. Nghị viện châu Âu ủng hộ Pa-le-xtin gia nhập Liên hợp quốc
Ngày 29-9-2011, Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết ủng hộ nỗ lực của chính quyền tự trị Pa-le-xtin trở thành nhà nước độc lập. Nghị quyết này được đưa ra bàn thảo và thông qua sau khi Tổng thống Pa-le-xtin M. Áp-bát chính thức đệ đơn của Pa-le-xtin lên Liên hợp quốc để được công nhận là thành viên đầy đủ. Trong nghị quyết đó, Nghị viện châu Âu kêu gọi chính phủ của tất cả 27 quốc gia thành viên EU nhanh chóng thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trong vấn đề này. Đồng thời, Nghị viện châu Âu phê phán Chính phủ I-xra-en tiếp tục triển khai xây dựng những khu định cư mới của người Do Thái ở vùng Đông Giê-ru-xa-lem và bờ tây sông Gioóc-đan vốn là những khu vực lãnh thổ của người dân Pa-le-xtin. Nghị quyết châu Âu cho rằng, I-xra-en có quyền tồn tại trong phạm vi biên giới yên ổn của mình, nhưng cũng khẳng định "quyền tự quyết và có nhà nước độc lập riêng của người Pa-le-xtin là bất khả xâm phạm". Theo chương trình đã định, từ ngày 30-9-2011, Ủy ban kết nạp thành viên của Liên hợp quốc sẽ xem xét đề nghị mới nói trên của Pa-le-xtin. Chính quyền tự trị Pa-le-xtin cho biết, đề nghị gia nhập Liên hợp quốc của Pa-le-xtin hiện đã nhận được sự ủng hộ của 8 trong tổng số 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
6. EU tiếp tục nỗ lực đối phó khủng hoảng nợ công
Ngày 29-9-2011, Quốc hội Đức và E-xtô-ni-a đã phê chuẩn cam kết đóng góp tài chính của hai nước này vào Quỹ Cứu trợ chung của EU giúp các thành viên EU đối phó và khắc phục khủng hoảng nợ công. Sau sự phê chuẩn ở 2 nước này, 5 thành viên EU khác trong nhóm 17 thành viên EU sử dụng đồng tiền chung ơ-rô là Áo, Síp, Man-ta, Hà Lan và Xlô-va-ki-a sẽ có thời gian từ nay đến giữa tháng 10-2011 để hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết thực hiện đúng như thỏa thuận và cam kết của tất cả 17 thành viên EU là nâng khối lượng vốn của Quỹ Cứu trợ từ mức độ hiện tại là 250 tỉ ơ-rô lên 440 tỉ ơ-rô. Việc tăng cường khả năng tài chính cho Quỹ Cứu trợ EFSF (European Financial Stability Facility) là đối sách quan trọng nhất của Nhóm các thành viên EU sử dụng đồng tiền chung ơ-rô (còn được gọi là Nhóm ơ-rô) nhằm đối phó với khủng hoảng nợ công ở các nước thành viên và phòng vệ cho chính đồng ơ-rô. Nguồn vốn này sẽ được sử dụng nhằm giải cứu những thành viên đã lâm vào khủng hoảng nợ công như Hy Lạp, Ai-len và Bồ Đào Nha cũng như những thành viên khác đang rơi vào tình thế tương tự trong tương lai. Để đi vào hoạt động, việc bảo lãnh cho phần vốn tăng thêm phải được phê chuẩn ở tất cả 17 thành viên của Nhóm. Mỗi thành viên có cách phê chuẩn khác nhau, có nơi thông qua quốc hội, có chỗ tiến hành trưng cầu dân ý và cũng có trường hợp chỉ cần quyết định của chính phủ.
7. Chương trình "Đối tác phương Đông" không đạt kết quả đáng kể
Chiều 30-9-2011, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và các nước tham gia chương trình "Đối tác phương Đông" đã kết thúc tại thủ đô Vác-xa-va (Warszawa) của Ba Lan sau 2 ngày làm việc mà không thu được kết quả đáng kể nào. Hội nghị chỉ thông qua được quyết định duy nhất liên quan đến "ý định" của các nước EU về việc sẽ thi hành các biện pháp thực tế nhằm dần hủy bỏ quy chế cấp thị thực bắt buộc giữa các nước thành viên EU và các nước tham gia chương trình "Đối tác phương Đông". Ông Đô-nan Tút (Donald Tusk), Thủ tướng Ba Lan, nước hiện giữ chức Chủ tịch đương nhiệm EU cho biết, kết quả duy nhất của Hội nghị là "mở ra các hướng liên kết giữa EU và các nước tham gia chương trình "Đối tác phương Đông". Ông Tút thông báo năm 2011 có thể trở thành năm ký hiệp định liên kết U-crai-na (Ukraine) với EU, đồng thời là năm mở các cuộc đàm phán tương tự với Môn-đô-va (Moldova) và Gru-di-a.
8. EU kêu gọi hành động chung chống biến đổi khí hậu
Ngày 1 và 2-10-2011, trong khuôn khổ đại hội trù bị, tổ chức tại thành phố Pa-na-ma (Panama), chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế vạch ra một lộ trình hành động chung cho tương lai ngay trong năm nay cho dù việc đạt được một hiệp ước chung về chống biến đổi khí hậu được dự báo là "rất khó khăn". Ngoài ra, EU cũng đề nghị tất cả các nước đều phải đưa ra những cam kết cụ thể, rõ ràng nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Trước việc hiệu lực của Nghị định thư Ky-ô-tô về cắt giảm khí thải các-bon, sẽ hết hạn vào năm 2012, EU đề nghị một vòng đàm phán mới trên cơ sở Nghị định thư đó, nhằm thu hẹp khoảng cách về trách nhiệm trong chống biến đổi khí hậu giữa các nước giàu và các nước còn lại. Trung Quốc và Ấn Độ, những nước không tham gia Nghị định thư Ky-ô-tô, đã hoan nghênh đề nghị trên của EU, đồng thời hối thúc các nước giàu giữ lời hứa giúp các nước nghèo đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Ca-na-đa, Nga và Nhật Bản, các nước tham gia Nghị định thư Ky-ô-tô cho biết, sẽ không tham gia vòng đàm phán mới nếu nó không bao gồm các nền kinh tế mới nổi, còn Ô-xtrây-li-a và Thụy Điển đề nghị đặt ra thời hạn vào năm 2015 cho vòng đàm phán mới với sự tham gia của tất cả các nước giàu cũng như các nước đang phát triển. Riêng Mỹ, nước có lượng khí thải các-bon lớn nhất thế giới, nhưng không tham gia Nghị định thư Ky-ô-tô, vẫn chưa đưa ra quan điểm chính thức của mình.
9. Bão lũ tàn phá nghiêm trọng nhiều nước Đông Nam Á
Ngày 2-10-2011, Chính phủ Cam-pu-chia cho biết, ít nhất đã có 150 người thiệt mạng do lũ lụt ở nước này kể từ tháng 8 cho tới nay. Người phát ngôn Cơ quan thảm họa quốc gia Cam-pu-chia Keo-vi (Keovy) cho hay, lũ lụt diễn biến tại các tỉnh dọc sông Mê-công (Mekong) đã làm ngập hơn 270.000 ha diện tích hoa màu, phá hủy gần 1.000 trường học và hơn 360 ngôi chùa. Nhiều khu vực dân cư bị cô lập đang cần sự trợ giúp của Chính phủ và cộng đồng quốc tế.
Cùng ngày, Chính quyền Phi-líp-pin vẫn đang nỗ lực tiếp cận các khu vực cộng đồng dân cư ở phía bắc đảo Lu-dôn (Luzon) đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của hai cơn bão mạnh trong vòng chưa đầy 1 tuần qua và chuẩn bị đón cơn bão thứ 3 hình thành ngoài khơi. Tuy nhiên, quá trình tiếp cận này vẫn còn rất khó khăn do nước lũ và gió mạnh. Cơ quan Thảm họa Quốc gia Phi-líp-pin cho biết, đã có ít nhất 1 người thiệt mạng do cơn bão mới Nan-ga-e (Nalgae) ngày 1-10. Tuy nhiên, con số này thực tế có thể cao hơn. Cho đến nay, đảo Lu-dôn của Phi-líp-pin vẫn chưa phục hồi do cơn bão Nê-sát (Nesat) với ít nhất 52 trường hợp ghi nhận là thiệt mạng và vẫn còn 30 người được cho là mất tích. Ước tính thiệt hại do bão Nê-sát lên tới 155 triệu USD. Dự báo, cơn bão mới Nan-ga-e sẽ còn tiếp tục hoành hành với mưa lớn và gió mạnh, sẽ có nhiều khu vực mới tiếp tục ngập sâu trong nước. Tình trạng thiếu lương thực và nhu yếu phẩm diễn ra ở nhiều nơi.
Cũng vào ngày 2-10, theo số liệu của Cục Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai Thái Lan, tính đến nay đã có 206 người chết; 23 tỉnh, 150 huyện, hơn 1,8 triệu người bị ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt. Các tỉnh bị ngập lụt phần lớn ở miền Bắc, miền Trung, Đông Bắc Thái Lan và các tỉnh lân cận của thủ đô Băng Cốc. Về các biện pháp giúp đỡ nạn nhân lũ lụt của Chính phủ, Thủ tướng Dinh-lúc Xin-vắt (Yingluck Shinawatra) cho biết: “Chính phủ đã huy động lực lượng của tất cả các ngành các cấp giải quyết vấn đề ngập lụt. Người dân không nên quá lo lắng, Chính phủ đã thông qua các ngân sách cứu trợ”./.
Đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam theo tinh thần Đại hội XI của Đảng  (04/10/2011)
Hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại U-dơ-bê-ki-xtan  (04/10/2011)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận của Đảng  (03/10/2011)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại Học viện Tư pháp  (03/10/2011)
Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XV  (03/10/2011)
Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 26-9 đến 2-10)  (03/10/2011)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên