Sáng 15-5, tại bờ biển quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Công ty Viễn thông Viettel (Tập đoàn Viễn thông Quân đội), Viện Vật lý địa cầu và UBND TP Đà Nẵng tổ chức Chương trình thử nghiệm hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu khai mạc Chương trình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương (PCLBTW) cho biết: Xuất phát từ tình hình và diễn biến cũng như những thiệt hại mà các đợt động đất gây ra sóng thần tại nhiều nước trên thế giới trong thời gian qua cũng như những nghiên cứu, cảnh báo của các nhà khoa học về khả năng chịu ảnh hưởng của sóng thần trên vùng biển miền Trung Việt Nam; đồng thời trên cơ sở Quyết định số 78/2007/QĐ-TTg ngày 29-5-2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế phòng, chống động đất, sóng thần, trong đó đã giao cho Ban Chỉ đạo PCLBTW thực hiện Quy hoạch và xây dựng hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho các vùng có nguy cơ cao; được sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Đề án lắp đặt thiết bị cảnh báo sóng thần trên toàn quốc. Riêng tại miền Trung sẽ có khoảng 100 điểm cảnh báo và Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước thí điểm lắp đặt 10 trạm.


Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, việc xây dựng và lắp đặt hệ thống trạm trực canh cảnh báo sóng thần là việc làm cần thiết và cấp bách, giúp chính quyền các địa phương và nhân dân ở những vùng có nguy cơ sóng thần chủ động có phương án phòng, tránh khi sóng thần xảy ra. Việc tổ chức thử nghiệm hệ thống cảnh báo này tại Đà Nẵng sẽ là cơ sở để Việt Nam rút kinh nghiệm, tiếp tục triển khai trên diện rộng.


Tại buổi làm việc, đại diện Viện Vật lý địa cầu đã báo cáo những nội dung chính của công trình nghiên cứu về động đất, sóng thần trên thế giới và Việt Nam; Tập đoàn Viettel báo cáo kết quả thí điểm xây dựng 10 trạm trực canh cảnh báo sóng thần tại 4 quận của TP Đà Nẵng là: Liên Chiểu, Sơn Trà, Thanh Khê và Ngũ Hành Sơn; Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo PCLBTW báo cáo triển khai Đề án Xây dựng hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần. Qua đó giúp đại biểu hình dung và nhận thức rõ chủ trương của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương hiện nay trước nguy cơ sóng thần gây ra cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân miền Trung (nơi được đánh giá là khả năng chịu ảnh hưởng của sóng thần từ vùng biển Philippine tác động gây ra).


Đặc biệt, các đại biểu tham dự Chương trình đã ra hiện trường thử nghiệm hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần. Kịch bản tại hiện trường thử nghiệm cho biết có 6 bước trực canh cảnh báo sóng thần như sau:


Bước 1: Viện Vật lý địa cầu phát tin động đất tại Trung tâm Báo tin động đất, sóng thần; hệ thống còi, đèn báo tín hiệu cảnh báo động đất.


Bước 2: thông tin động đất được nhắn tin di động (SMS) đất tới các thuê bao điện thoại di động theo danh bạ được chuẩn bị trước.


Bước 3: phát loa; thông tin động đất được truyền tới hệ thống phát thanh trong bán kính khoảng 2km (đối với tháp cảnh báo) và thông qua hệ thống truyền thanh sẵn có của quận, huyện, phường.


Bước 4: phát bản tin 2 cảnh báo sóng thần và yêu cầu di chuyển, sơ tán; tiếp tục nhắn bản tin 2 tới các thuê bao di động, đồng thời phát qua trạm cảnh báo sóng thần, đài phát thanh thông báo về tin động đất gây sóng thần và yêu cầu di chuyển, sơ tán.


Bước 5: sơ tán; Bộ đội Trung đoàn Thông tin 575 tiến hành hành quân sơ tán đơn vị và giúp dân sơ tán theo hai hướng là sử dụng xe cơ giới và chạy bộ.


Bước 6: phát bản tin 3; báo an toàn (hoặc sóng thần đã kết thúc) thông qua hệ thống SMS và phát thanh công cộng, trạm trực canh cảnh báo sóng thần để nhân dân biết, rời nơi sơ tán trở về nơi cư trú.


Sau khi tham gia thử nghiệm hệ thống cảnh báo sóng thần ngoài hiện trường, các đại biểu đã tham gia phát biểu, thảo luận, tập trung vào việc xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cảnh báo, nhất là âm thanh, cường độ âm thanh báo động; việc xây dựng và kết nối hệ thống cảnh báo sóng thần với các hệ thống cảnh báo bão lụt, thiên tai tại các địa phương, các đài, trạm báo bão ven biển...; vai trò của hệ thống chính quyền, đoàn thể, quân đội đảm bảo việc sơ tán của nhân dân an toàn; tình hình an ninh, an toàn khi vận hành, sử dụng và duy tu, bảo quản hệ thống cảnh báo; số lượng và địa bàn định vị cho thê bao di động khi đến vùng có nguy cơ bị sóng thần....


Phát biểu chỉ đạo với các cơ quan, đơn vị có liên quan sau khi vận hành thử nghiệm hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm chỉ đạo, sự tập trung cao của các ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Vật lý địa cầu, Tập đoàn Viettel, UBND thành phố Đà Nẵng... đã bước đầu hình thành, hoàn thành và vận hành hệ thống cảnh báo sóng thần tại Đà Nẵng. Đây là cơ sở để Việt Nam tiếp tục rút kinh nghiệm, phát huy, nhận rộng đến các địa bàn có nguy cơ cao về sóng thần trong thời gian tới.


Phó Thủ tướng bày tỏ hy vọng, thông qua Đề án này, hệ thống cảnh báo sóng thần sẽ kết nối với các hệ thống cảnh báo thiên tai khác để kịp thời chuyển đến người dân thông tin cũng như nâng cao nhận thức để đối phó với các loại thiên tai có thể xảy ra, góp phần làm giảm các thiệt hại và người và tài sản mà nhiều nước trên thế giới đã gặp phải...


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đề nghị đơn vị thi công, lắp đặt hệ thống cảnh báo sóng thần (Tập đoàn Viettel) tiếp tục phối hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hệ thống, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam, các vấn đề về cảnh báo, hình thức cảnh báo... phải thiết thực, người dân dễ hiểu, dễ nhận biết; đồng thời đề nghị chính quyền các địa phương, các ngành có liên quan chú ý xây dựng phương án diễn tập về phòng, chống thiên tai nói chung, động đất, sóng thần nói riêng phù hợp (kể cả phải chú ý đặc điểm sinh hoạt, đặc điểm nghề nghiệp, tình hình kinh tế... trên địa bàn) để người dân chủ động và nâng cao nhận thức trong phòng, chống, tự bảo vệ tính mạng, tài sản của mình và cộng đồng./.