Phát huy giá trị các di sản văn hóa trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội
TCCS - Là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, hội tụ và kết tinh những di sản văn hóa giàu giá trị của dân tộc Việt Nam, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong phát huy giá trị các di sản văn hóa để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
1- Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn của nước ta với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú và đặc sắc được bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử. Hiện nay, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa với gần 6.000 di tích văn hóa, lịch sử, trong đó có 16 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt, gần 1.200 di tích được xếp hạng quốc gia, đặc biệt Khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Các khu di tích lịch sử, công trình văn hóa nổi tiếng của Hà Nội từ lâu đã thu hút rất nhiều du khách, như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, đền Voi Phục, đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, Tháp Rùa - đền Ngọc Sơn, chùa Hương, chùa Tây Phương, chùa Thầy, Khu Di tích thành Cổ Loa, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh,… Hà Nội cũng có hệ thống bảo tàng, nhà hát được khách du lịch trong và ngoài nước quan tâm, đánh giá tốt, như Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội, Nhà hát Lớn Hà Nội... Đặc biệt, một trong những điểm du lịch văn hóa hấp dẫn của Hà Nội thời gian qua là khu phố cổ - “bảo tàng sống” về quá trình hình thành và phát triển của kinh thành Thăng Long - Hà Nội qua bao thăng trầm của lịch sử. Nơi đây hiện còn lưu giữ được những nếp nhà với kiến trúc cổ, độc đáo, phản ánh đặc điểm địa lý và điều kiện sinh hoạt của người dân Thủ đô nói riêng, người Việt nói chung từ ngàn đời nay, thể hiện đặc điểm tôn giáo và tín ngưỡng, có sự hòa trộn của các nền văn hóa đa dạng, phong phú, sự đan xen kiến trúc nhiều thời kỳ cũng như kiến trúc phương Đông và phương Tây. Khu phố cổ không chỉ là một trung tâm kinh tế, mà còn là một trung tâm văn hóa đa dạng, giàu bản sắc văn hóa đô thị Hà Nội, có mật độ công trình di tích cao nhất thành phố với hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa, như đình, chùa, miếu, đền, các di tích lịch sử, cách mạng…
Gắn bó chặt chẽ với hệ thống di tích lịch sử là những lễ hội truyền thống với nhiều quy mô, hình thức khác nhau, góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô, tiêu biểu như hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng (được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010), hội Cổ Loa (huyện Đông Anh), hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội Đống Đa (quận Đống Đa), hội chùa Thầy (huyện Quốc Oai), hội chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất), hội chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ)…
Bên cạnh đó, Hà Nội có hàng nghìn làng nghề, tạo nên không gian văn hóa làng nghề đặc sắc, trong đó có nhiều làng nghề thủ công truyền thống lâu đời với những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, tranh Hàng Trống, đồ đồng Ngũ Xã, sơn mài Hạ Thái... cùng những làng hoa, cây cảnh nổi tiếng, như Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Mê Linh... Hà Nội có văn hóa ẩm thực đặc sắc với những món ăn nức tiếng, như cốm làng Vòng, phở Hà Nội, bún chả, bún thang, bún ốc, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, bánh tôm Hồ Tây,…
Hà Nội cũng có nhiều loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống và sinh hoạt văn nghệ dân gian, trong đó có những loại hình được vinh danh là di sản văn hóa thế giới, như ca trù, xẩm, hát văn…, tạo nên sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong và ngoài nước.
Tất cả những di sản văn hóa nói trên đã trở thành nguồn tài nguyên nhân văn giàu giá trị, là một trong những lợi thế so sánh để Thủ đô phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế,...; qua đó, góp phần khẳng định vị thế động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
2- Trên cơ sở những lợi thế so sánh, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc phát huy giá trị các di sản văn hóa để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển.
Ngày 16-10-2012, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4597/QĐ-UBND “Về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, trong đó khẳng định quan điểm phát triển du lịch Thủ đô có trọng tâm, trọng điểm và đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác. Đây là một ngành công nghiệp văn hóa có nhiều giá trị của Thủ đô.
Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, thực hiện có hiệu quả Chương trình số 06-CTr/TU, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2-2022, “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến; bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo”, quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới. Nghị quyết cũng đánh giá và làm rõ thực trạng phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp văn hóa của Hà Nội; từ đó nhận diện đầy đủ tiềm năng, thế mạnh, những hạn chế, khó khăn, thách thức cần phải đối mặt trong quá trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, Nghị quyết nhấn mạnh cần triển khai quyết liệt một số dự án, đồ án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, đồng thời với việc xây dựng công trình văn hóa mới, tạo thành các biểu tượng văn hóa mới cho Thủ đô và có tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa. Đây được coi là bước đột phá trong phát triển Thủ đô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm, gia tăng thu nhập, tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố và GDP quốc gia, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Hà Nội cũng tập trung thu hút các nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, khai thác các tài nguyên nhân văn để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, lễ hội được tăng cường, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch văn hóa. Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành tổng kiểm kê di tích, triển khai khá hiệu quả công tác giáo dục di sản văn hóa, huy động thành công hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho hoạt động tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di sản, góp phần phát triển du lịch bền vững. Thành phố đã triển khai nhiều dự án phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế sáng tạo…, như không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, phố bích họa Phùng Hưng, phố sách Hà Nội, xe buýt hai tầng, chương trình biểu diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”... Thành phố cũng triển khai những dự án tầm cỡ quốc tế, như Trung tâm Triển lãm quốc gia (huyện Ðông Anh), Công viên Kim Quy (huyện Ðông Anh), Công viên chủ đề Hello Kitty (quận Tây Hồ)...;khai thác hiệu quả không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ (trên phố đi bộ Trịnh Công Sơn), điểm văn hóa thưởng thức Trà sen Quảng An; tiếp tục xây dựng điểm du lịch văn hóa “Cụm di tích đình, chùa Võng Thị và mô hình làng nghề sản xuất giấy dó”; tổ chức hoạt động du lịch quảng bá các sản phẩm truyền thống làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín); làng nghề gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm); làng nghề lụa Vạn Phúc (quận Hà Ðông)… Một số làng nghề được đầu tư đồng bộ (hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, hệ thống biển chỉ dẫn, xây dựng khu trung tâm giới thiệu làng nghề, xây dựng các hoạt động trải nghiệm văn hóa cho khách tham quan, bồi dưỡng kiến thức cho người dân địa phương), trở thành điểm du lịch văn hóa đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Xác định sản phẩm văn hóa là sản phẩm bền vững nhất, Hà Nội chủ trương tập trung đầu tư một cách bài bản cho sản phẩm văn hóa tại các điểm di tích cả về mẫu mã, chất lượng mang bản sắc Thủ đô.
Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa Thủ đô cũng tạo điểm nhấn cho ngành nghệ thuật biểu diễn. Trung bình mỗi năm, Hà Nội có hơn 300 chương trình nghệ thuật do các cơ quan, đơn vị tổ chức được cấp phép; hơn 2.500 buổi biểu diễn nghệ thuật do các nhà hát thuộc thành phố tổ chức, hàng nghìn buổi chiếu phim… Thành phố cũng tập trung khai thác du lịch văn hóa kết hợp với tổ chức các lễ hội truyền thống và hiện đại, các sự kiện mang tầm quốc tế, trong đó lồng ghép quảng bá văn hóa truyền thống của Hà Nội ra thế giới, qua đó góp phần khẳng định vẻ đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến, nâng cao “sức mạnh mềm” của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
3- Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả việc phát huy giá trị các di sản văn hóa trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về gắn kết di sản văn hóa với phát triển công nghiệp văn hóa ở các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Phát triển công nghiệp văn hóa cần đặt trong tổng thể chung và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và Thủ đô, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành liên quan trong việc đẩy mạnh hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa của các di tích lịch sử, các công trình văn hóa. Nâng cấp các điểm đến thuộc di tích văn hóa, lịch sử. Triển khai chi tiết quy hoạch bảo tồn không gian di tích (không gian văn hóa, trong môi trường xã hội và cảnh quan tạo nên giá trị tổng hòa và đặc trưng của di tích). Tăng cường đầu tư nguồn vốn (nguồn vốn của Nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa) và nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn để bảo đảm giữ gìn bản sắc kiến trúc cổ trong quá trình trùng tu, tôn tạo. Triển khai hiệu quả các dự án, đồ án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia; xây dựng các công trình văn hóa mới, tạo thành các biểu tượng văn hóa mới cho Thủ đô và có tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa. Kiên quyết giải quyết, xử lý các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của Thủ đô.
Thứ ba, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp văn hóa trên cơ sở khai thác hiệu quả giá trị các di sản văn hóa ở một số ngành có thế mạnh, như du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, thủ công mỹ nghệ, kiến trúc,… Tập trung tạo dựng sản phẩm hoàn chỉnh và khai thác hiệu quả hơn ở khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, khu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, Khu Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu vực phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, khu vực xung quanh hồ Tây và vùng phụ cận, Khu Di tích Cổ Loa, khu du lịch núi Sóc, khu vực chùa Hương, khu vực Ba Vì, làng cổ Đường Lâm, chùa Thầy, chùa Tây Phương, làng nghề gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái... Bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp phát triển du lịch văn hóa, phát triển ngành thủ công mỹ nghệ, thiết kế… gắn với đổi mới các sản phẩm lưu niệm theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị văn hóa. Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích, như lập ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa, số hóa hoạt động quản lý di sản văn hóa, sử dụng công nghệ hiện đại trong tích hợp, lồng ghép giá trị di sản trên các sản phẩm văn hóa...
Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức các lễ hội văn hóa trên địa bàn Hà Nội gắn với các hoạt động quảng bá văn hóa, nhất là các lễ hội có quy mô lớn, như hội gò Đống Đa, hội Cổ Loa, hội Gióng, hội đền Sóc, hội đền Hai Bà Trưng, hội chùa Hương... Chú trọng khai thác lợi thế văn hóa ẩm thực của Thủ đô Hà Nội, phát triển các trung tâm ẩm thực, tạo sự hấp dẫn cho các điểm đến du lịch văn hóa của Hà Nội. Tiếp tục triển khai hiệu quả việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội, góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử, gìn giữ nét văn hóa Hà Nội, phát huy truyền thống tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội.
Thứ năm, khuyến khích doanh nghiệp du lịch đầu tư trực tiếp vào các điểm đến văn hóa, các không gian sáng tạo để phát triển du lịch văn hóa cũng như khơi dậy khả năng sáng tạo của đông đảo văn nghệ sĩ…; qua đó, tạo ra những sản phẩm văn hóa độc đáo, giàu giá trị. Tăng cường đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn và nhận thức về du lịch văn hóa (kỹ năng đón tiếp, hướng dẫn tại chỗ và phục vụ ăn, nghỉ, vận chuyển, kỹ năng trình diễn và giới thiệu văn hóa, sản phẩm du lịch bản địa, các hoạt động biểu diễn văn hóa - nghệ thuật, kỹ năng giao tiếp và văn hóa ứng xử…) cho cộng đồng dân cư trên địa bàn Thủ đô.
Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp thu kinh nghiệm, phương pháp và kiến thức chuyên sâu trong hoạt động bảo tồn giá trị các di sản văn hóa gắn kết với hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là ở một số ngành có ưu thế của Thủ đô. Chủ động chuẩn bị tổ chức các sự kiện văn hóa - thể thao quốc tế lớn tại Hà Nội để thu hút khách du lịch quốc tế, qua đó, thúc đẩy quảng bá văn hóa Thủ đô đến với các nước trên thế giới./.
Để Hà Nội tiếp tục trở thành “điểm đến” hấp dẫn của các nước trên thế giới trước xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng  (10/10/2022)
Thành phố Hà Nội đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính  (10/10/2022)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm