Chính sách phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa ở nước ta hiện nay
TCCS - Văn hóa là “sức mạnh mềm” của quốc gia và các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng đóng góp lớn cho GDP đất nước. Do đó, việc xây dựng chính sách phù hợp, hiệu quả để phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa là yêu cầu cấp thiết nhằm giải phóng năng lực sáng tạo và sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
“Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”(1). Để phát triển bất kỳ thị trường sản phẩm, dịch vụ hàng hóa nào cũng cần có chính sách phù hợp để phát huy nguồn lực từ các thành phần kinh tế này.
Thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa cũng như các thị trường sản phẩm hàng hóa khác, là nơi các sản phẩm được lưu thông và thực hiện theo các quy luật của kinh tế thị trường. Các chủ thể sản xuất, cung ứng dịch vụ văn hóa tuy sở hữu các sản phẩm mang tính cá thể hóa cao nhưng khi đã kết nối với thị trường thì người nghệ sĩ, người sáng tác, nghệ nhân… cũng phải tuân theo các quy luật của thị trường. Đó không chỉ là các cơ chế chia sẻ lợi ích kinh tế, mà còn là tinh thần, thái độ làm việc chuyên nghiệp (sản xuất sản phẩm bảo đảm chất lượng, cung ứng sản phẩm đúng thời hạn, cùng chia sẻ rủi ro…). Tuy nhiên, với những đặc thù riêng, thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa cũng có điểm khác các thị trường khác. Do vậy, chính sách phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa cần quan tâm đến những đặc thù riêng để khai thác được tối đa lợi thế, giảm thiểu rủi ro, thúc đẩy thị trường này nhanh chóng phát triển.
Chính sách đối với các doanh nghiệp tham gia vào thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa
Phát huy vai trò các thành phần kinh tế trong phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa.
Trong bối cảnh, điều kiện của nước ta, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang tham gia vào sản xuất các sản phẩm văn hóa, cung ứng sản phẩm cho thị trường dịch vụ văn hóa giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với truyền thống thực hiện các nhiệm vụ chính trị, với lợi thế, kinh nghiệm, nguồn lực con người, hệ thống các tầng nấc trung gian kết nối đến người sản xuất…, nên các DNNN ngành văn hóa là thành phần có đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung, vào giải quyết việc làm, phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa của các địa phương và cả nước.
Việc cơ cấu lại các doanh nghiệp, trong đó có các DNNN ngành văn hóa là chính sách quan trọng thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Các đơn vị cần có phương án cổ phần hóa, có quy trình, cách làm, tiến độ bảo đảm đúng quy định pháp luật và phù hợp với các đặc thù riêng của ngành văn hóa. Yêu cầu đặt ra là các DNNN phải tái cơ cấu toàn diện, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trên các mặt, từ tinh gọn tổ chức bộ máy; đổi mới quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại; ứng dụng công nghệ; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cơ cấu lại các ngành nghề, lĩnh vực quan trọng, tập trung phát triển, chủ động tìm hiểu, khai thác, tiến tới làm chủ thị trường...
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương trong thực hiện chính sách đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa phải được coi trọng như các thị trường khác, tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào thị trường này đều phải được đối xử công bằng, bình đẳng. Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) tham gia vào thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa, như chính sách thuế, cho thuê đất…, nhằm tạo điều kiện cho DNTN có thêm nguồn lực tài chính ổn định, lâu dài để đầu tư phát triển; chính sách bảo hiểm để ngân hàng và DNTN yên tâm liên kết, tham gia mở rộng thị trường, ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất, nhất là đối với các sản phẩm, dịch vụ mới tham gia thị trường… Kịp thời sửa đổi các chính sách còn mang tính phân biệt giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là các chính sách tín dụng. Tiếp tục triển khai hiệu quả các quy định của Ngân hàng Nhà nước về cho vay của các tổ chức tín dụng theo hướng không phân biệt giữa DNNN và DNTN, hộ gia đình cá nhân, tất cả đều bình đẳng trong tín dụng với ngân hàng. Đặc biệt, ngân hàng cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ trực tiếp, như tăng cường cho vay mới, cơ cấu lại nợ vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, không phân biệt lãi suất và các điều kiện vay vốn đối với các doanh nghiệp trong hay ngoài khu vực nhà nước.
Trong bối cảnh kinh tế tri thức, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với đặc thù sản phẩm văn hóa muốn gia tăng giá trị phải gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, trong khi đa phần các doanh nghiệp văn hóa còn có quy mô nhỏ, chưa đủ các nguồn lực (về vốn, nhân lực…) để tiếp thu, ứng dụng khoa học - công nghệ, do vậy, Nhà nước cần đóng vai trò “bà đỡ” trong tiếp nhận, chuyển giao khoa học - công nghệ cho các doanh nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy phát triển mọi hình thức hợp tác sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường, tạo môi trường liên kết giữa các thành phần kinh tế nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan tỏa rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ. Cần xây dựng chiến lược phát triển thị trường các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.
Nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp tham gia vào thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa có những đặc thù riêng, bên cạnh những tri thức cần có về thị trường thì bắt buộc phải có vốn hiểu biết về các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, đam mê với các sản phẩm văn hóa. Hiện nay, nguồn nhân lực sản xuất các sản phẩm văn hóa còn thiếu, được đào tạo tự phát, mang tính truyền nghề. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khắc phục tình trạng thiếu lao động, cả về số lượng và chất lượng, nhất là lao động có tay nghề cao trong sản xuất các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.
Cần có chính sách đẩy nhanh xã hội hóa, huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển.
Nhà nước cần tạo cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo môi trường để huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực to lớn từ xã hội để phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp; khuyến khích tư nhân góp vốn mua cổ phần của các DNNN khi cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn; khuyến khích, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu hoạt động trong ngành công nghiệp văn hóa có tiềm lực, quy mô lớn không chỉ phát triển thị trường trong nước mà còn có tầm nhìn hướng ra thị trường ngoài nước, đủ sức cạnh tranh trong môi trường quốc tế.
Chính sách đối với người sản xuất và cung ứng dịch vụ văn hóa tham gia vào thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa
Chính sách hỗ trợ làng nghề.
Cần có chính sách hỗ trợ các làng nghề phát triển, đặc biệt là các làng nghề đã được công nhận, nằm trong danh mục cần được bảo tồn. Cụ thể, đối với các làng nghề chưa có khả năng tự phát triển thì hỗ trợ về kết cấu hạ tầng, đầu ra sản phẩm… Đối với các làng nghề có khả năng phát triển độc lập, tương đối bền vững thì có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển các loại hình doanh nghiệp quy mô lớn hơn.
Các chính sách đối với sản phẩm: Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá sản phẩm ra thị trường; xây dựng website giới thiệu, cung cấp thông tin thường xuyên về thị trường, những quy định về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thị hiếu tiêu dùng làm cơ sở định hướng sản xuất, xuất khẩu phù hợp; xây dựng “bản đồ” thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa để từng bước chuyên nghiệp hóa thị trường, đồng thời liên kết phát triển với ngành du lịch, tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Chính sách đối với các nghệ nhân tài năng, đặc biệt trong các lĩnh vực hội họa, kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn…: đãi ngộ xứng đáng để các nghệ nhân, nghệ sĩ yên tâm sáng tác, biểu diễn tạo ra các tác phẩm có giá trị cao. Chính sách đối với lao động phổ thông tại các làng nghề: mở các lớp tập huấn để nâng cao trình độ, kỹ năng nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, từ đó gia tăng giá trị cho sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Chính sách giải quyết hài hòa lợi ích của chủ thể sản xuất, cung ứng với các bên liên quan.
Một số loại hình sản phẩm và dịch vụ văn hóa trong thị trường văn hóa đã đạt được những thành công nhất định, như: Nghệ thuật biểu diễn (nhiều chương trình đã thu hút hàng triệu lượt khách đến thụ hưởng như “Tinh hoa Bắc Bộ”…); mỹ thuật Việt Nam đã có những bức tranh được bán với giá hàng chục ngàn USD; nhiều di sản văn hóa, du lịch đã thu hút hàng chục triệu lượt khách, trở thành “điểm đến” đối với nhiều du khách quốc tế, góp phần mở rộng, quảng bá thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam ra thế giới… Bên cạnh đó cũng có những loại hình sản phẩm chưa tạo dựng được vị thế trên thị trường. Do đó, cần xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích hài hòa, tránh sự phát triển quá thiên lệch giữa các ngành, sản phẩm văn hóa, chủ thể sản xuất, tạo cơ sở bền vững để khai thác tài năng các chủ thể sáng tạo, nhất là giữ chân các tài năng trẻ cống hiến cho ngành, cho địa phương, góp phần gìn giữ vốn văn hóa dân tộc.
Chính sách đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đồng thời với chính sách quản lý thị trường phù hợp, hiệu quả.
Khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi thiết kế nhiều mẫu mã sản phẩm trên cơ sở vừa giữ được nét truyền thống, vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Hỗ trợ đầu tư công nghệ hiện đại theo hướng kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với công nghệ cổ truyền để tăng chất lượng, giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa không chỉ là thị trường mang tính kinh tế đơn thuần, mà còn mang tính xã hội sâu sắc. Các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chỉ có thể phát triển trong một môi trường văn hóa lành mạnh, được quản lý hiệu quả. Cụ thể: Thứ nhất, quản lý có tính định hướng phát triển: quan điểm quản lý đi đôi với phát triển phải được hiện thực hóa trong các khâu, các mặt quản lý thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Đó là khả năng xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách để thúc đẩy thị trường phát triển phù hợp với từng giai đoạn; là khả năng điều chỉnh chính sách, bổ sung chính sách mới để thích ứng với sự thay đổi của thị trường. Thứ hai, quản lý có tính kết nối các chủ thể tham gia thị trường: chủ thể quản lý nhà nước cần giữ vai trò kết nối và điều phối sự tham gia của các chủ thể khác (các doanh nghiệp, các chủ thể sản xuất, cung ứng…).
Chính sách phát triển thị trường đối với từng sản phẩm, dịch vụ văn hóa chủ yếu.
Đối với điện ảnh: Tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Điện ảnh năm 2022 và các văn bản pháp luật liên quan phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia. Khuyến khích đầu tư tư nhân vào sản xuất các bộ phim có chất lượng, “ăn khách”, tăng dần tỷ trọng phim truyện Việt Nam chiếu tại các rạp để thúc đẩy thị phần phim trong nước trước sự áp đảo của phim nước ngoài. Nâng cao chất lượng đào tạo đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch, lý luận phê bình, quay phim, thiết kế mỹ thuật (sân khấu), kỹ thuật - công nghệ, diễn viên..., chú trọng đưa các tài năng đi đào tạo, bồi dưỡng ở những nước có ngành công nghiệp điện ảnh phát triển.
Đối với nghệ thuật biểu diễn: Tạo điều kiện phát triển thị trường cho các tác phẩm sân khấu, chương trình biểu diễn, các sản phẩm âm nhạc... Đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt để khuyến khích phát triển các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập. Hình thành các trung tâm trình diễn nghệ thuật đa năng ứng dụng công nghệ cao tại các thành phố lớn.
Đối với mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm: Đầu tư, xây dựng các công trình mỹ thuật công cộng có cảnh quan kiến trúc và giá trị thẩm mỹ cao vừa phục vụ nhân dân, vừa tạo điểm đến thu hút du khách, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Hình thành các trung tâm giám định và đấu giá tác phẩm mỹ thuật trong và ngoài công lập. Phát triển đội ngũ nghiên cứu phê bình lý luận văn học, giám tuyển mỹ thuật có trình độ tương đương với các nước trong khu vực và thế giới. Chủ động đầu tư, xây dựng các bộ sưu tập giới thiệu, quảng bá về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam có ứng dụng công nghệ hiện đại tạo ra các tác phẩm nhiếp ảnh hấp dẫn, đa dạng. Xây dựng một số mô hình triển lãm, hội chợ có thương hiệu quốc tế về xúc tiến quảng bá, mua, bán các sản phẩm, dịch vụ văn hóa và du lịch, thực hiện hợp tác, liên doanh, liên kết trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.
Đối với quảng cáo: Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động quảng cáo phát triển; thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động quảng cáo; ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong quảng cáo; tổ chức các sự kiện quảng cáo quốc tế tại Việt Nam; đào tạo đội ngũ thiết kế quảng cáo có khả năng tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nắm vững kiến thức văn hóa, kiến thức thị trường; thúc đẩy phát triển quảng cáo ra nước ngoài...
Đối với du lịch văn hóa: Thúc đẩy liên kết thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa với thị trường du lịch. Bổ sung, ban hành chính sách khuyến khích phát triển các loại hình du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch di sản, du lịch tâm linh, du lịch hội thảo...
Đối với phần mềm: Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cá nhân phát triển các sản phẩm phần mềm có giá trị; tạo môi trường ứng dụng phần mềm phát triển các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Sản xuất phần mềm đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và nhân lực chất lượng cao, Nhà nước cần xây dựng chiến lược phát triển và hỗ trợ cụ thể.
Đối với ngành thủ công mĩ nghệ: Tạo cơ chế mở rộng quy mô các DNNN, DNTN, các hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong lĩnh vực này; xây dựng các làng nghề truyền thống xanh, phát triển bền vững; có cơ chế, chính sách đãi ngộ thỏa đáng để phát huy tài năng các chủ thể sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ văn hóa; hoàn thiện chính sách, tạo môi trường, điều kiện để các sản phẩm thủ công mĩ nghệ có vị trí, vai trò quan trọng hơn nữa trên thị trường, trở thành một trong những trụ cột quan trọng cho thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa./.
------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 128 - 129Giá trị văn hóa gia đình với giá trị văn hóa Việt Nam  (30/09/2022)
Hà Nội phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, xây dựng nông thôn mới bền vững  (24/09/2022)
Một số giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người tỉnh Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững  (21/09/2022)
Di sản văn hóa và sự phát triển bền vững, nhân văn ở Việt Nam hiện nay  (12/09/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên