Phát triển hệ thống sản phẩm OCOP để khai thác lợi thế so sánh của các địa phương tỉnh Quảng Ninh
TCCS - Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã và đang phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương khi phát triển bền vững sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 502 sản phẩm, dẫn đầu cả nước. Trong đó, nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng yêu thích. Để phát triển hệ thống, thúc đẩy việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP, đẩy mạnh khai thác lợi thế của các địa phương, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tích cực các hoạt động xúc tiến, kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của tỉnh.
Một số lợi thế so sánh vượt trội để Quảng Ninh tận dụng phát triển hệ thống sản phẩm OCOP
Thứ nhất, tỉnh có vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế với những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế so sánh cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài: Quảng Ninh là địa phương duy nhất của cả nước có cả đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, trong đó có 3 cửa khẩu. Đây là nền tảng để thúc đẩy phát triển thương mại biên mậu, trao đổi hàng hóa và dịch vụ với quốc gia đông dân nhất thế giới. Trong xu thế hội nhập quốc tế, Quảng Ninh ở điểm đầu khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc; khu vực trung chuyển, giao lưu hàng hóa, khoa học - công nghệ lớn giữa Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và Đông Nam Á.
Thứ hai, tỉnh có diện tích lớn, giàu tài nguyên thiên nhiên, có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, địa hình đa đạng vừa có biển, vừa có rừng, núi cùng với di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và nhiều di tích, danh lam thắng cảnh có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, nhân văn sâu sắc. Quảng Ninh là địa phương có vùng biển và hải đảo rộng 6.100km2 với số lượng hòn đảo đa đạng và lớn nhất cả nước cùng phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp; có bờ biển dài 250km cung cấp nguồn tài nguyên biển phong phú, đa dạng, độc đáo và nguồn lợi thủy sản dồi dào, có tiềm năng nổi trội trong phát triển kinh tế biển và hệ thống cảng biển trải dài đang dần hình thành.
Thứ ba, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh dần được đầu tư đồng bộ, hiện đại và có bước phát triển đột phá, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng và hợp tác quốc tế với các công trình động lực kết nối đường bộ, đường thủy và đường không (trong đó rất nhiều công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá và cam kết của các nhà đầu tư chiến lược). Đến nay, Quảng Ninh có hơn 200km đường cao tốc đi qua (chiếm 1/10 chiều dài đường cao tốc cả nước), thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Hạ Long chỉ còn lại 1,5 giờ và đến thành phố Móng Cái (cửa khẩu quốc tế của tỉnh Quảng Ninh) chỉ còn 3 giờ di chuyển.
Đặc biệt, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Cảng hàng không đầu tiên của Việt Nam được đầu tư từ nguồn vốn tư nhân của Tập đoàn Sun Group) là nơi đón hàng trăm chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam, cũng như đón chuyên gia từ nhiều quốc gia về đến Việt Nam, trong đó có các nước thành viên APEC (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...); điều này đã tạo dựng hình ảnh một Quảng Ninh thân thiện, có trách nhiệm với quốc gia, công động và đây cũng là nền tảng quan trọng tạo nên sự khác biệt của Quảng Ninh.
Thứ tư, bên cạnh hệ thống hạ tầng “cứng” nêu trên, hệ thống hạ tầng “mềm” cũng được tỉnh ưu tiên hoàn thiện. Lực lượng lao động trẻ và có trình độ tay nghề cao cũng đang dần trở thành lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Trường Đại học Hạ Long được đầu tư, xây dựng từng bước trở thành trung tâm đào tạo, thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và khu vực. Quảng Ninh có lực lượng lao động trẻ (51% số lực lượng lao động có độ tuổi từ 15 đến 39) và có trình độ giáo dục ở mức cao (38,3% có bằng đại học và sau đại học). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Năng suất lao động xã hội năm 2021 đạt 351,2 triệu đồng/người, gấp 1,8 lần bình quân chung cả vùng (198,5 triệu đồng/lao động), là địa phương có năng suất lao động (GRDP/lao động) cao nhất so với các địa phương khác trong vùng và so với cả nước. Đây là lợi thế rất lớn cho Quảng Ninh vì sự phát triển của tỉnh đang trong thời kỳ “dân số vàng”, tạo ra năng suất cao, sức mua lớn.
Thứ năm, Quảng Ninh cũng là địa phương có tổng diện tích khu công nghiệp, khu kinh tế lớn nhất cả nước với những lợi thế khác biệt, như 2 khu kinh tế ven biển, 3 khu kinh tế cửa khẩu, 16 khu công nghiệp. Các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh được kết nối với nhau bằng hệ thống đường cao tốc tạo thuận lợi cho việc giao thương, vận chuyển, mua bán hàng khóa; các khu kinh tế ven biển và cửa khẩu Quảng Ninh đều được Chính phủ cho phép hưởng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất.
Thứ sáu, là một trong những trung tâm sản xuất điện lớn nhất Việt Nam, hằng năm, tỉnh sản xuất khoảng 39 tỷ kWh điện và đóng góp khoảng 16% tổng sản lượng điện cả nước với 8 nhà máy điện đang hoạt động có tổng công suất khoảng 5.643,6 MW. Quảng Ninh đã và đang triển khai nghiên cứu và đầu tư phát triển các nguồn năng lượng “xanh” hơn, như điện khí LNG, điện gió, và điện sinh khối. Dự án Nhà máy LNG Quảng Ninh với công suất 1.500 MW tại thành phố Cẩm Phả (khởi động ngày 24-10-2021), theo kế hoạch sẽ bắt đầu đi vào vận hành trong khoảng năm 2026 - 2027.
Đặc biệt, trong năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh - Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã ký kết hợp tác bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Với lợi thế đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ bảo đảm cung cấp điện năng đầy đủ cho các nhà đầu tư đến với tỉnh.
Thứ bảy, về môi trường đầu tư kinh doanh, công tác cải cách hành chính: Trong khi đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội giúp giảm chi phí trực tiếp, việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh góp phần cắt giảm các chi phí gián tiếp của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Nhiều nhà đầu tư đánh giá cao khi Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Quảng Ninh đứng vị trí quán quân 5 năm liên tiếp (từ năm 2017 - 2021) và 9 năm liên tiếp (từ năm 2013 - 2021) trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) duy trì 4 năm liên tiếp (2017 - 2020) đứng đầu cả nước. Trong thời gian qua, nhiều mô hình mới phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư được thiết lập, vận hành hiệu quả, như Trung tâm Phục vụ hành chính công, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, Tổ công tác Investor care... Đáng chú ý, năm 2021, sau dự án sản xuất tế bào quang điện của Tập đoàn Jinko Solar với tổng mức đầu tư xấp xỉ 500 triệu USD được chấp thuận trong 48 giờ, đến nay, Tập đoàn Jinko Solar tiếp tục đầu tư thêm 2 dự án với tổng vốn đầu tư trên 400 triệu USD. Đây là minh chứng sống động về môi trường đầu tư thông thoáng đã thực sự thuyết phục được các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, có uy tín đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh.
Thực trạng phát triển hệ thống sản phẩm OCOP thời gian qua
Quảng Ninh sở hữu vùng sản xuất nông sản khá dồi dào, với 14 vùng trồng cây ăn quả cho sản lượng khoảng 4.500 tấn/năm. Sản lượng khai thác thủy sản trung bình hằng năm đạt trên 145.000 tấn. Tỉnh cũng đã quy hoạch 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Hiện nay, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng các công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt... Tỉnh có 3 cơ sở đóng gói hoa quả tươi; 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Với nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào, Quảng Ninh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, giải phóng mặt bằng, tạo vùng nguyên liệu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất... Với nhiều sản vật, đặc sản mang tính vùng miền độc đáo, tận dụng lợi thế này, tỉnh luôn chú trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm gắn với lợi thế bản địa, từ đó thúc đẩy kết nối thị trường, tạo sự phát triển bền vững cho từng sản phẩm OCOP.
Với quan điểm OCOP là chương trình phát triển kinh tế vùng nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị cho các sản phẩm thế mạnh, ngay từ khi triển khai chương trình, tỉnh Quảng Ninh đã xác định phương châm phát triển bền vững, thực chất các sản phẩm OCOP. Trong xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP phải đặc biệt coi trọng yếu tố chất lượng sản phẩm gắn với phát huy tiềm năng lợi thế và cả nét văn hóa, phong tục tập quán sản xuất của người dân địa phương.
Đặc biệt, với mục tiêu nâng tầm sản phẩm OCOP trên thị trường, các sở, ngành chức năng của tỉnh Quảng Ninh, trực tiếp là Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý trên cơ sở phát huy có hiệu quả phần mềm quản lý chương trình OCOP, phần mềm chấm điểm sản phẩm OCOP, Website OCOP, Kênh truyền thông YouTube OCOP Quảng Ninh… Đồng thời, đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm đã có thông qua các hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo, học tập kinh nghiệm. Các sở, ngành liên quan và các địa phương tập trung xây dựng các dự án liên kết chuỗi đối với các sản phẩm OCOP chủ lực, bảo đảm gia tăng cao về giá trị kinh tế, phát triển thương hiệu, sản phẩm OCOP Quảng Ninh tiếp tục vươn xa hơn tới các thị trường trong và ngoài nước.
Để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP bảo đảm bền vững, hiệu quả, nhiều sản phẩm OCOP đã được đưa vào các hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2021, Hội chợ OCOP tỉnh Quảng Ninh đã gắn liền với các sàn giao dịch thương mại điện tử, với hình thức bán hàng trực tuyến đến tận tay người tiêu dùng.
Năm 2022, sản xuất nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 ước đạt 4,5%. Tổng sản lượng lương thực có hạt dự kiến đạt 221.354 tấn, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 106.900 tấn, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021; sản lượng thủy sản 160.873 tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2021. Một số sản phẩm mới có năng suất, chất lượng sản phẩm đang được sản xuất và nhân rộng trên địa bàn tỉnh như lúa gạo J02, ST25 và các mô hình nuôi thủy sản công nghệ cao. Các mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm được kiểm soát theo chuỗi và số cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn.
Bên cạnh sử dụng thương mại điện tử trong giao thương, tỉnh Quảng Ninh còn tăng cường ứng dụng công nghệ vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng. Cụ thể, các sở, ngành chức năng của tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn việc ứng dụng phần mềm quản lý chương trình OCOP, phần mềm chấm điểm sản phẩm OCOP, website OCOP, kênh truyền thông YouTube OCOP Quảng Ninh… Thông qua việc đầu tư khoa học - công nghệ, giá trị các mặt hàng nông sản đã nâng lên rõ rệt. Nhiều nông sản, nhất là sản phẩm OCOP, sản phẩm có thế mạnh của tỉnh ngày càng đứng vững, vươn ra các thị trường lớn nhờ đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chế biến, bảo quản. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có 420 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản; 565 sản phẩm thuộc 5 nhóm tham gia chương trình OCOP; trong đó, có 267 sản phẩm được cấp chứng nhận hạng sao OCOP. Toàn tỉnh có 219 chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP (trong đó có 54 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã, 78 hộ sản xuất).
Theo ông Nguyễn Văn Vọng, Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh, hằng năm Quảng Ninh tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Từ đó, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, đạt tiêu chuẩn theo quy định, có kiểu dáng bao bì đẹp, hiện đại, phù hợp, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng để cung ứng sản phẩm cho phát triển dịch vụ, thương mại của tỉnh. Tỉnh cũng hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, trọng tâm là các sản phẩm chủ lực để vươn ra thị trường trong và ngoài nước, nâng tầm chương trình OCOP thành thương hiệu mạnh của tỉnh Quảng Ninh trên phạm vi cả nước và từng bước vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.
Qua 6 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP Quảng Ninh đã đạt được những kết quả, góp phần tích cực trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển theo chuỗi giá trị. Theo thống kê, hiện tỉnh Quảng Ninh có tổng số 502 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó đã có trên 269 sản phẩm đạt xếp hạng từ 3 đến 5 sao, với sự tham gia của 189 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Các sản phẩm OCOP của tỉnh không chỉ được người dân trong tỉnh yêu thích, chọn mua mà còn được bán tại các tỉnh lân cận và xuất khẩu.
Để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP bảo đảm bền vững, hiệu quả, nhiều sản phẩm OCOP đã được đưa vào các hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2021, Hội chợ OCOP tỉnh Quảng Ninh đã gắn liền với các sàn giao dịch thương mại điện tử, với hình thức bán hàng trực tuyến đến tận tay người tiêu dùng. Hiện nay, số lượng sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh đạt 3 sao trở lên đã đưa lên sản thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn là 177/267 sản phẩm. Trong đó, sản phẩm đã lên sàn Postmart.vn là 90 sản phẩm, đạt 34%, sản phẩm đã lên sàn Voso.vn là 159 sản phẩm đạt 60%. Đến thời điểm hiện tại, còn một số sản phẩm OCOP không đưa lên sàn, do sản phẩm sản xuất hạn bán trong ngày hoặc số lượng ít nên không có nhu cầu bán trên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, nhiều sàn thương mại điện tử lớn hiện nay, như Tiki, Lazada, Sendo… cũng đã phối hợp cùng Sở Công Thương Quảng Ninh tổ chức nhiều buổi giới thiệu, hướng dẫn các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã cách đưa sản phẩm lên sàn. Việc các sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử, giúp người tiêu dùng trong và ngoài nước có thể mua sản phẩm OCOP Quảng Ninh một cách thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi khi có nhu cầu.
Để tăng mức độ phổ biến, giúp người tiêu dùng biết đến nhiều hơn về các sản phẩm OCOP Quảng Ninh, thời gian qua, Sở Công Thương Quảng Ninh đã phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh và các địa phương triển khai nhiều chương trình kết nối, tuần xúc tiến, hội chợ… Thông qua các kỳ hội chợ, tuần xúc tiến thương mại được tỉnh Quảng Ninh tổ chức đã giúp các chủ thể OCOP không chỉ quảng bá sản phẩm hiệu quả, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến mà còn giúp tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Tại các kỳ hội chợ, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và các nhà cung cấp cũng đã thiết lập mã QR để khách hàng thanh toán điện tử mà không cần dùng tiền mặt. Ngoài giao hàng nhanh, sàn cũng cung cấp đầy đủ dịch vụ bởi VNPT Post và về sau có thể là Viettel Post... giúp đa dạng nguồn giao. Nhờ tiện ích mới, thời gian tới, doanh nghiệp có thể quản lý được đơn hàng trên mọi phương tiện từ máy tính cho tới thiết bị di động thông minh.
Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có khoảng 29 điểm, trung tâm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, hướng tới đối tượng khách hàng tiêu dùng hằng ngày, tại địa phương. Một số điểm cũng đang dần được đầu tư quy mô lớn hướng đến nhóm khách hàng du lịch. Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến thương mại vào thị trường nước ngoài vẫn tiếp tục được tỉnh thực hiện triệt để với phương châm “linh hoạt, đổi mới, sáng tạo” với nhiều hoạt động, như các chương trình xúc tiến OCOP tại Hội chợ Thương mại ASEAN - Trung Quốc, Hội chợ Thương mại Du lịch quốc tế Việt Nam – Trung Quốc... hay mở rộng xúc tiến vào các thị trường nước ngoài cụ thể như Lào, Campuchia, Thái Lan... Đáng chú ý là sau các chương trình này, nhiều doanh nghiệp OCOP đã nhận được các đơn hàng, các đề nghị hợp tác, cung ứng sản phẩm từ các thị trường.
Mặc dù có nhiều lợi thế về nông sản và sản xuất nhưng tỷ lệ nông sản đưa vào chế biến còn thấp, vì vậy, thị trường ngành chế biến nông sản còn nhiều dư địa. Một số sản phẩm OCOP của Quảng Ninh vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến; tỷ lệ vào siêu thị và các hệ thống bán lẻ của một số sản phẩm OCOP chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu do các sản phẩm OCOP là sản phẩm đặc thù, quy mô nhiều sản phẩm còn nhỏ…
Để Quảng Ninh phát triển bền vững sản phẩm OCOP
Ngày 7-11-2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 260/KH-UBND, về “Phát triển chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản gắn với thúc đẩy phát triển thị trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Mục tiêu chung là phát triển chế biến nông sản gắn với thúc đẩy phát triển thị trường để tạo liên kết từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến lưu thông, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm lợi thế của tỉnh; nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường bền vững.
Đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông sản có đủ năng lực chế biến, bảo đảm đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, đặt trình độ công nghệ từ trung bình tiên tiến trở lên, công nghệ thân thiện với môi trường, hiện đại hóa trang thiết bị bảo quản, chế biến nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch, hạ giá thành; sản phẩm đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, có khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm, góp phần tăng nhanh giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục một số hạn chế và đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục coi trọng việc chuyển giao và ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm... Tăng cường hỗ trợ các cơ sở, chủ thể OCOP phát triển, hoàn thiện sản phẩm và chuẩn hóa hồ sơ, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện truyền thông, tăng cường kết nối giao lưu tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh… Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị kinh tế của các sản phẩm OCOP.
Trước mắt, để phát triển thị trường trong nước, ngành nông nghiệp sẽ thúc đẩy tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước; hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng của nông nghiệp tại các tỉnh thành có tiềm năng. Bên cạnh đó, kết nối sản xuất tiêu thụ nông sản thông qua các hội nghị, hội thảo, diễn đàn; tổ chức các hoạt động kết nối nông sản, OCOP vào đơn vị phân phối, hệ thống bán lẻ hiện đại, bếp ăn tập thể. Đối với thị trường nước ngoài, Quảng Ninh sẽ tổ chức các hoạt động kết nối xuất khẩu, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, quảng bá... tại các địa phương biên giới, trong tỉnh nhằm duy trì, mở rộng xuất khẩu tại thị trường quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc và thị trường Đông Bắc Á. Từng bước hoàn thiện các danh mục sản phẩm hoặc nhóm các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu, quy định của các nước nhập khẩu về xúc tiến, quảng bá và đưa các mặt hàng này vào thị trường nước ngoài cần tiêu thụ.
Ngoài ra, cần tiếp tục coi trọng việc chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm... Ngành nông nghiệp Quảng Ninh cần đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm; đa dạng hóa các kênh thương mại; ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến để tạo ra các sản phẩm nông sản thực phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm; thực hiện tốt công tác truyền thông, quảng bá giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ đưa các đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về sản xuất nông nghiệp, an toàn thực phẩm, kết nối cung - cầu để các địa phương và doanh nghiệp nắm bắt có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu của thị trường./.
Khơi thông nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông  (26/11/2022)
Tăng cường xúc tiến đầu tư nhằm thu hút công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường vào tỉnh Quảng Ninh  (26/11/2022)
Về công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh  (26/11/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay